Tuesday, December 1, 2009

QUAN HỆ QUÂN SỰ MALAYSIA - TRUNG QUỐC

Quan hệ quân sự Malaysia-Trung Quốc
BBC
Cập nhật: 05:11 GMT - thứ ba, 1 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091201_malaysia_china_military.shtml
Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Malaysia bị cản trở chính vì xung đột quyền lợi giữa đôi bên tại khu vực Biển Đông.
Tờ Trung Quốc Báo xuất bản bằng tiếng Hoa tại Kuala Lumpur vừa có bài phân tích về chủ đề này, trong đó nói do quan tâm mang tính chiến lược mà Malaysia không thể thiết lập hợp tác quốc phòng cấp cao với Trung Quốc.
Đa số người dân Malaysia còn không hề hay biết là có quan hệ quân sự giữa hai nước hay không.
Thí dụ, hôm 18/06, khi các dân biểu chất vấn, Bộ Quốc phòng trả lời rằng Malaysia vừa mua 16 bộ phóng tên lửa FN-6 trị giá 23 triệu ringgit (6,7 triệu đôla Mỹ) của Trung Quốc thì người ta mới biết việc này vì báo chí từ trước tới nay không có dòng nào.
Có thể đó là chủ ý của Bộ Quốc phòng khi muốn giữ kín các thông tin về mua bán vũ khí, nhưng nguyên nhân nào khiến hai bên luôn im lặng về quan hệ quốc phòng, một trong các khía cạnh quan trọng nhất của quan hệ song phương?
Biển Đông là vấn đề nối gắn hai quốc gia từ lâu nay.
Trung Quốc vẫn gọi đây là "vùng biển hữu nghị", nhưng ai cũng biết các tranh chấp ở đây phức tạp như thế nào. Trung Quốc và Malaysia là hai trong số sáu quốc gia đang liên quan xung đột lãnh thổ tại Biển Đông.
Malaysia tuyên bố chủ quyền tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Layang Layang, gần Sabah ở miền Đông nước này.
Tờ Trung Quốc Báo nhận định rằng nguồn lợi dầu mỏ dồi dào của Biển Đông nằm ở trọng tâm quan hệ song phương Mayalsia-Trung Quốc và nếu vấn đề Biển Đông còn tồi tại thì sẽ không thể có tình hữu nghị thực sự giữa hai bên.

'Mối đe dọa Trung Hoa'
Tờ này viết: "Không thể chối cãi rằng Bắc Kinh đặt tầm quan trọng lên quan hệ với Malaysia, nhất là vì muốn chứng tỏ với thế giới rằng không có vịêc Trung Quốc gây đe dọa cho các nước khác".
Khi được hỏi, đại sứ Chen Shi Chew, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói hồi tháng Bảy: "Nếu quan hệ Trung Quốc-Indonesia là quan hệ đối tác chiến lược thì quan hệ Trung Quốc-Malaysia là quan hệ hợp tác chiến lược".
Sự khác nhau giữa "đối tác chiến lược" và "hợp tác chiến lược", theo báo Malaysia, là ở chỗ Indonesia và Trung Quốc không có mâu thuẫn quyền lợi trong lĩnh vực quân sự và do vậy dường như thân cận hơn.
Điều cần chú ý là Việt Nam, nước liên quan tranh chấp trong Biển Đông, cũng đã có nỗ lực thu hút quan tâm của Malaysia, điển hình là hai bên đã nộp báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc hồi tháng Năm, mà Trung Quốc lập tức gửi note verbale phản đối.
Trung Quốc Báo nhận định: "Nếu lãnh đạo Malaysia và Trung Quốc muốn tuyên bố hai nước luôn luôn song hành, thì phải giải quyết thách thức về tăng cường quan hệ quốc phòng".
"Để làm được việc này, hai bên cần có đủ ý chí chính trị và khôn khéo trong dàn xếp các quyền lợi quân sự và kinh tế tại Biển Đông."
Giới bình luận Malaysia cho rằng so với các quốc gia Đông Nam Á khác, quan hệ Trung Quốc-Malaysia trong quốc phòng lỏng lẻo hơn hẳn.
"Thân Trung Quốc nhất trong lĩnh vực này là Indonesia, Miến Điện, Campuchia và Lào."
Indonesia và Trung Quốc đã có hợp tác quốc phòng từ lâu, hải quân Indonesia đã mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc.
Ngay cả giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác như Singapore và Thái Lan, quan hệ quốc phòng cũng vẫn còn mạnh hơn giữa Trung Quốc và Malaysia.
Mới đây quân đội Singapore và Trung Quốc đã cùng tập trận chống khủng bố tại Quảng Tây, bước đi mà Singapore ca ngợi là "đáng ghi nhận" trong quan hệ hai bên.
Về phần mình, Thái Lan cũng đã nhập tàu hải quân và tên lửa từ Trung Quốc.



No comments: