Phương hướng đối thoại và hợp tác – cần nhưng chưa đủ
J.B Nguyễn Hữu Vinh
VietCatholic News (01 Dec 2009 16:55)
http://vietcatholic.net/News/Html/74053.htm
Bài phát biểu của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, ngày 28-11-2009 về “Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo hội Việt Nam với nhà nước” đăng trên một số trang web. Đọc qua đầu đề, chúng tôi thấy thật vui mừng.
Vui mừng bởi lần đầu tiên, có một Giám mục đưa ra một “Phương hướng đối thoại với Nhà nước” cho Giáo hội Việt Nam. Điều mà lâu nay dù nhiều người, nhiều nơi, nhiều thời kỳ đã nói đến, đã làm nhưng chưa có một phương hướng cụ thể và chưa thấy kết quả rõ ràng.
Vui mừng hơn, bởi bản “Phương hướng” này được tác giả lấy từ tinh thần Huấn từ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI với Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
Tuy nhiên, khi đọc lại bản “Phương hướng” của GM Phaolô Bùi Văn Đọc, chúng tôi có một nhận xét rằng: Tất cả đều đúng, nhưng có nhiều vấn đề chưa được rõ và chưa đủ?
Là một giáo dân, có thể do bản thân chưa thấm nhuần hết từng câu, chữ trong Huấn từ, cũng có thể do chưa hiểu hết những ý thâm sâu đằng sau bản “Phương hướng” mà tác giả đã nêu lên.
Vì vậy, cũng nhân đây xin nêu vài điều chưa rõ may chăng được giải thích để có thể thấu hiểu và thấm nhuần tinh thần đó nhằm cho quá trình thực hiện “phương hướng” được tốt hơn chăng?.
Đối thoại – đúng. Nhưng đối thoại với ai?
Trong toàn bài phát biểu, ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc – Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý, Đức tin của HĐGMVN đã nêu lên cảm tưởng vui mừng của mình khi đọc Huấn từ của Đức Thánh Cha có nói về đối thoại. Tác giả cho rằng Huấn từ ĐTC nêu lên việc đối thoại đã “đáp ứng lại một cách tuyệt vời sự chờ đợi của các giám mục Việt Nam”.
Thực tế, đâu phải đến khi có Huấn từ của ĐTC, thì các Giám mục Việt Nam mới có đường hướng đối thoại? Đối thoại đã là một quá trình xảy ra từ lâu, là một đường hướng chung của mọi Giám mục, giáo sỹ và giáo dân Việt Nam thời gian qua và cả hiện tại.
Tuy nhiên, câu hỏi cần được đặt ra là đối thoại với ai, đối thoại như thế nào?
Để có thể thực hiện quá trình đối thoại, điều cần thiết cơ bản là phải có hai bên và hai bên đó phải biết tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cần hơn hết là đều tôn trọng sự thật, công lý và cùng có thiện ý hướng tới sự tốt đẹp chung.
Ở đây, hai bên đã có là Giáo hội và Nhà nước. Vậy quá trình đối thoại được diễn ra như thế nào?
Hầu hết quá trình xưa nay trong mối quan hệ này, đều là một quá trình được diễn ra theo cơ chế xin – cho và độc quyền độc trị. Quá trình đó, không có đối thoại mà chỉ là “độc thoại” từ phía nhà nước. Chưa bao giờ những ý kiến của Giáo hội được xem như những lời nói có giá trị để nhà nước suy nghĩ, điều chỉnh.
Chứng minh điều này không khó. Ngoài những văn bản của HĐGMVN hoặc của các Hồng Y, Giám mục, linh mục… gửi đến nhà nước từ lâu vẫn không có hồi âm trở lại hay có những phản hồi tích cực thì những vụ việc vừa qua xảy ra trong mối quan hệ giữa chính quyền với các nơi là những ví dụ:
- Khi Tòa Khâm sứ của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội bị nhà nước chiếm đoạt ngang nhiên không có bất cứ văn bản nào phù hợp với pháp luật Việt Nam, Tòa TGM Hà Nội đã gửi đơn nhiều lần, qua nhiều năm và chờ đợi… nhưng lại đứng trước nguy cơ bán chác cho một ngân hàng nào nó. Vậy là những cuộc cầu nguyện bất đắc dĩ được mở ra.
Sau những cuộc họp, cuộc gặp gỡ (Thậm chí cả Thủ tướng VN đã đến tận nơi) một quá trình đối thoại đang được mở ra giải quyết vấn đề trong hi vọng của giáo dân và giáo hội. Thì đột nhiên, ngày 20/9/2008, chính quyền cho các lực lượng đông đảo Công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, cán bộ… và cả “quần chúng tự phát” bao vây bằng mọi cách để “thi công vườn hoa” kiểu chạy giặc, mọi lời kêu cứu, khiếu nại đến cấp cao nhất cũng “được” bỏ ngoài tai. Như vậy, chính quyền Hà Nội đã đơn phương chặt đứt quá trình đối thoại đang tiến hành mà không có bất cứ lý do nào được đưa ra.
- Khi Giáo xứ Thái Hà đang có đơn qua cả hàng chục năm về khu đất và tài sản của mình có nguy cơ bị tư nhân hóa, bị chia chác, đang quá trình đối thoại bằng những văn bản những chứng cứ dựa trên pháp luật Việt Nam. Khi những chứng cứ phía chính quyền đưa ra đã bị phía nhà thờ vạch rõ là hoàn toàn mâu thuẫn và vô giá trị pháp lý, thì hàng nghìn cảnh sát, nhân tài vật lực, chó nghiệp vụ và hàng rào sắt đã được dùng để “thi công vườn hoa vì nhu cầu của nhân dân”?.
- Khi Giáo dân Tam Tòa đang là chủ sở hữu những tài sản, nhà thờ và đất đai trên khu đất Giáo xứ Tam Tòa với hi vọng sẽ xây dựng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, gấp 10 ngày nay” như lời Hồ Chí Minh đã hứa. Thì đột nhiên năm 1997 chính quyền Quảng Bình chiếm đoạt làm “Di tích tội ác chiến tranh”?. Quá trình sau đó, giáo dân có đơn, Tòa Giám mục Vinh có làm việc, đối thoại và những lời hứa được đưa ra. Khi không còn có chỗ nào làm lễ, giáo dân dựng tạm mấy tấm tôn, thì đã bị đánh đập không thương tiếc và đàn áp khốc liệt. Không chỉ giáo dân mà linh mục cũng đã bị đánh trọng thương.
- Khu trường học của Giáo xứ Loan Lý đang được sử dụng bỗng nhiên được cả ngàn cảnh sát đến bao vây để xây tường, chiếm đoạt.
- Dòng Thánh Phaolo ở Vĩnh Long dự định biến thành khách sạn không xong, lại biến thành công viên. Những tiếng kêu, những văn bản, những nguyện vọng của Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, của nhân dân hầu như không có tác dụng.
- Mới đây, trên trang Web của HĐGMVN, Đức GM Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGMVN trả lời về vấn đề Giáo Hoàng Học viện, một công trình có chiều dày lịch sử, gắn liền với giáo hội Công giáo đang “được” nhà nước biến thành “công viên công cộng” đã làm nhiều người sửng sốt. Một người dân ngoài Công giáo ở Đà Lạt đã hết sức ngạc nhiên rằng: “Nơi cao nguyên đất rộng, người thưa như Đà Lạt, để làm một công viên mà phải phá bỏ đi một di tích kiến trúc cổ kính trang nghiêm như vậy để làm gì”?.
Người ta đang nhớ rõ, mới đây thôi cũng chính ông Thủ tướng Việt Nam đến tận Tòa Giám mục, bắt tay vui mừng với Giám mục ở đây. Và người ta hi vọng rằng đó sẽ là những cuộc “đối thoại” có chất lượng. Nào ngờ… sau đó thì GHHV biến thành… công viên.
Đọc bài Trả lời phỏng vấn mới biết được rằng: “từ cuối năm 1993 HĐGMVN đã có kiến nghị đề nghị Nhà Nước Việt Nam trao lại cơ sở GHHV cho Giáo Hội, và từ đó mỗi khi có dịp, HĐGM cũng như giáo phận Đà Lạt vẫn nhắc lại với Chính quyền về đề nghị trên”. (GM Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGMVN).
- Cũng như hàng loạt các cơ sở thờ tự, các tài sản Giáo hội khắp nơi với biết bao đơn từ, tài liệu… và ngay cả những vấn đề liên quan đến những nguyện vọng chính đáng của GH Công giáo Việt Nam được đặt lên bàn quan chức nhà nước từ lâu vẫn án binh bất động. Những lĩnh vực như Y tế, giáo dục, các hoạt động phụng vụ, các vấn đề dấn thân phục vụ xã hội mà Giáo hội Công giáo có thể tham gia để phục vụ đất nước, nhân dân mình thì vẫn cứ… dẫm chân tại chỗ và chờ đợi!
Như vậy, việc “Đối thoại” đâu phải có từ bây giờ? Ngay từ khi chế độ Cộng sản được thiết lập trên đất nước này, đã có biết bao cuộc đối thoại, làm việc… Nhưng, những cuộc đối thoại đó, thật ra chẳng đi đến đâu, chẳng có mấy tác dụng.
Bởi vì ở đó, vị thế của Giáo hội Công giáo đã không được tôn trọng, đã không được tính đến.
Thực chất, đó không thể coi là “đối thoại” mà chỉ là những lời kêu, xin nếu được thì cảm ơn mà không được thì… chịu. Chưa có lúc nào Giáo hội Công giáo Việt Nam với gần 1/10 dân số được nhìn nhận như những pháp nhân cụ thể trong nhà nước Việt Nam cộng sản.
Hãy xem, một cá nhân lắm tiền, có thể mở một bệnh viện tư, một công ty, trường học… Chỉ sau 22 năm (từ 1987 đến 2009), cả nước đã tăng từ 101 trường đại học, cao đẳng lên 376 trường. Nhưng với Giáo hội Công giáo Việt Nam thì sao? Trước 1975, Việt Nam có 25 Tiểu chủng viện và 9 Đại chủng viện. Sau 35 lăm, số giáo dân tăng lên gấp đôi và người Công giáo cũng tăng lên tương tự, thì nay chỉ có 6 đại chủng viện. Không những thế, các chủng viện được mở hiện nay, số chủng sinh đào tạo bị hạn chế đến mức thấp nhất, hoàn toàn không được coi như một trường Đại học mà nhân dân đã phản ánh là Đại học “Ba không” “không có đủ giảng viên, không có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, không có hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo theo quy định”.
Những ví dụ này cho thấy, để có thể cho “Giáo Hội dự phần chính đáng vào đời sống của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” là điều hết sức khó khăn.
Bài phát biểu viết rằng: “Không ai trong chúng ta được phép đứng bên lề xã hội. Chính vì thế Giáo hội Công giáo cũng không nên tự loại trừ mình ra khỏi xã hội”
Thực tế thì từ khi du nhập vào Việt Nam, người Công giáo đã đóng góp một vai trò to lớn trong sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc. Nhiều tri thức và trí thức của người Công giáo đã có những đóng góp nổi tiếng vào văn hóa và đời sống Việt Nam được lịch sử thừa nhận. Chỉ từ khi xã hội Việt Nam dưới tay những người Cộng sản, thì người Công giáo đã bị biến thành những “công dân hạng hai” buộc phải đứng bên lề xã hội thì đúng hơn.
Vì thế, việc “được phép đứng bên lề xã hội” hay “đứng giữa lòng xã hội” đâu phải phụ thuộc vào ý muốn của Người Công giáo Việt Nam? Thực tế cho thấy người Công giáo Việt Nam đã “được phép đứng bên lề xã hội” từ lâu.
Như vậy, khi vị thế của Giáo hội Công giáo Việt Nam đang bị coi nhẹ, không được thừa nhận, thì ai thèm đối thoại với Giáo hội Công giáo?
Vì thiếu đi yếu tố này, nên mọi sự gọi là “đối thoại” đã trở thành “độc thoại”.
Chúng ta càng thấy rõ điều này hơn, trong những hoàn cảnh tương tự.
Bài phát biểu nói trên có đoạn: ““Mục tiêu của đối thoại là tìm sự thật, biết sự thật, nói sự thật và làm sự thật”. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng khốn nỗi, phía đối thoại có tinh thần đó không lại là chuyện khác.
Trong bài giảng của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành có câu: “Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi “can đảm nói sự thật khi cần”, dù phải trả giá bằng mạng sống”.
Nhưng, sau những trận đòn hội chợ bằng xảo thuật cắt xén của truyền thông và quan chức nhà nước với câu nói chân thành đầy lòng thiết tha yêu đất nước của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt để kết tội, vu khống và lên án rồi sau đó hàng loạt công an, cảnh sát bao vây hai khu vực làm vườn hoa.
Điều này không thể nói rằng các Giám mục không biết bởi vì không chỉ giáo dân biết hết mà những người không công giáo còn biết rất rõ sự thật ở đâu.
Nhưng tại cuộc tiếp đoàn đại diện Hội Đồng Giám mục Việt Nam chiều 1/10/2008 do Đức GM Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGMVN dẫn đầu đến chào thăm, TT Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tục nói rằng: “việc chuyển tải thông tin về các sự việc vi phạm pháp luật ở 42 Nhà Chung và giáo sứ Thái Hà vừa qua là cần thiết và cơ bản là chính xác” nào là “thiện chí đối thoại chân thành hòa bình của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với việc giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà vừa qua, không chủ trương và thực hiện vũ lực” rồi thì “những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội…có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm đối với đất nước dân tộc, coi thường vị thế đất nước và tư cách công dân Việt Nam trong mối tương quan với thế giới”.
Vậy nhưng không có bất cứ một lời nào từ ngay Chủ tịch HĐGMVN hoặc bất cứ Giám mục, Hồng Y đi trong đoàn đó nói lại với giáo dân để xem đã “đối thoại” được những gì với Thủ Tướng hôm đó? Trong khi đó trên các báo chí nhà nước, màn độc thoại này được đăng tải hết sức rộng rãi.
Có lẽ vì hiểu điều đó mà trong bản Huấn từ của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau…”.
Ngạn ngữ có câu: “Muốn vỗ tay, phải có hai bàn tay” vì vậy việc đề ra “phương hướng đối thoại” nhưng chỉ áp dụng cho một bàn tay, thì đó là điều không tưởng, đó chỉ là những cái vẫy tay yếu ớt, tuyệt vọng vào không khí mà thôi. “Phương hướng đối thoại và hợp tác” này thật là cần, nhưng chưa đủ.
Lấy gì để đối thoại?
Như trên đã nói, sở dĩ những màn đối thoại đã bị biến thành “độc thoại” chỉ vì vị thế Giáo hội Công giáo chưa được nhìn nhận.
Vậy muốn để có thể được nhìn nhận đúng với thực chất cần có, Giáo hội rất cần một điều trong Huấn từ của ĐTC mà ĐGM Phaolo Nguyễn Văn Đọc đã nói đến trong bài phát biểu của mình, nhưng thiếu đi một đoạn trong một câu đầy đủ đó là: “Trước nhiều thách đố mà chứng tá này đang gặp phải, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng Tu, cũng như giữa các Dòng Tu với nhau” (Trích Huấn từ của Đức Thánh Cha 26/7/2009).
Có phải như ĐGM Phaolo Bùi Văn Đọc đã nói: “Bài Huấn từ của Đức Thánh Cha chứng tỏ ngài biết về Giáo Hội tại Việt Nam rất nhiều và rất rõ” chính vì vậy mà Ngài đã nói lên câu này chăng?
Hẳn ĐTC cũng biết rằng Tòa TGM Hà Nội không thể đối thoại, nếu các GM và các Giáo phận khác không có sự hiệp thông. Giáo phận Vinh với hàng trăm ngàn giáo dân cũng không thể đối thoại với sự độc trị và độc đoán của chính quyền Quảng Bình ở Tam Tòa. Giáo xứ Loan Lý vẫn cứ cắn răng chịu đựng trong tuyệt vọng khi tất cả các GM và giáo dân khắp nơi im tiếng. Dòng Thánh Phaolo Vĩnh Long một mình GM Nguyễn Văn Tân và đoàn linh mục cũng không thể làm gì được với máy xúc, máy ủi và cảnh sát dày đặc. Dòng mến Thánh Giá Thủ Thiên cũng sẽ bị xóa sổ với cách “đối thoại” hiện nay khi mạnh ai nấy chạy. Khi mà ngay cả các GM và giáo dân quanh đó đều im tiếng để “đối thoại”?
Và ngay cả khi đã im lặng để “đối thoại” theo cơ chế xin - cho, thì Giáo Hoàng học viện vẫn cứ bị san bằng làm công viên như thường.
Vì vậy, bài phát biểu của ĐGM Phaolo đã nói lên được phương hướng đối thoại với Nhà nước nhưng đã thiếu đi một vế là cần có yếu tố nào để có thể “đối thoại”? (Thật ra trong Huấn từ, ĐTC nói đến “một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị” chứ không phải chỉ là Nhà nước)
Cũng trong Huấn từ, ĐTC đã kêu gọi một sự “hợp tác lành mạnh” chứ không phải là sự hợp tác ân huệ kiểu “Xin – cho” hoặc lén lút hợp tác nào đó ngoài “sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng Tu, cũng như giữa các Dòng Tu với nhau”.
Ngay cả khi có đối tượng để có thể đối thoại, thì để đối thoại được kết quả, trước hết phải đứng trên sự thật, công lý với tinh thần hòa bình. Muốn vậy cũng rất cần có sự dũng cảm và sự hiểu biết, mạnh bạo của các chứng nhân.
Không thể đối thoại với tinh thần thỏa hiệp với sự ác, cái xấu, không thể đối thoại với tinh thần mặc cảm, tự ti và không biết quyền lợi của mình và cộng đồng mình đại diện. Càng không thể đối thoại chỉ vì những quyền lợi cục bộ địa phương hoặc sự im lặng đồng lõa khi chính người anh em mình bị thiệt hại.
Huấn từ ĐTC viết: “Để được như thế, Anh Em hãy chú tâm đến việc đào tạo giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đời sống đức tin và mức độ văn hóa của người giáo dân, để họ có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội cách hữu hiệu”.
Việc đào tạo giáo dân về đời sống đức tin cũng như mức độ văn hóa của giáo dân, khó có cách nào hữu hiệu hơn khi chính các đấng bậc nêu cao đời sống đức tin và thông tin cho giáo dân các thông tin trung thực, đồng thời làm chứng nhân gương mẫu cho họ.
Giáo dân không thể xây dựng một Giáo hội hiệp nhất, thông công, Thánh thiện khi chưa có sự gương mẫu từ các đấng bậc trong việc thể hiện tình liên đới, hiệp thông với nhau cách mạnh mẽ trong Giáo hội và không thực hiện cách đầy đủ lời trong Huấn từ “Trước nhiều thách đố mà chứng tá này đang gặp phải, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng Tu, cũng như giữa các Dòng Tu với nhau”.
Bởi vì như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rằng: “Thời nay người cần chứng nhân chứ không cần thầy dạy”.
Với bản “phương hướng đối thoại” này, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, xin có đôi lời thắc mắc để mong được sự chỉ giáo. Cũng có thể có những nhìn nhận, đọc và hiểu chưa đầy đủ, xin được lượng thứ như đầu đề các bài viết trên mạng: “Lạy Chúa, con không biết ăn nói…” nhưng “Cứ phải nói dù không biết nói” về những vấn đề tương tự.
Hà Nội, Ngày 1 Tháng 12 năm 2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh
-------------------------------
Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo Hội tại Việt Nam với Nhà Nước
+ GM Phaolô Bùi Văn Đọc (29-Nov-2009 20:15)
Đối đầu hay đối thoại
Trương Phú Thứ (03-Oct-2009 15:35)
No comments:
Post a Comment