Thursday, December 3, 2009

MỐI TÌNH MỸ - HOA : TƯƠNG HỢP hay TƯƠNG KHẮC

Mối tình Mỹ-Hoa: Tương hợp hay tương khắc
Nguyễn Trường
Vietsciences
03/12/2009
©
http://vietsciences.orghttp://vietsciences.free.fr - Nguyễn Trường

Những bài cùng tác giả

Tokyo là trạm dừng chân đầu trong chuyến công du Á châu đầu tiên của T T Barack Obama. Lãnh đạo Nhật đã tiếp đón Obama cùng lúc như một siêu sao và lãnh đạo thế giới. Dân chúng Tokyo, tập trung dưới mưa dọc vệ đường, chào đón đoàn xe tổng thống đi qua với tiếng hô "Obama-san" thân ái. Báo chí địa phương tường thuật, tổng thống Obama đã tiết lộ sở thích ăn cá thu và thịt bò Kobe của ông. Ngay làn sóng chỉ trích ồn ào của những "bloggers" hữu khuynh ở Mỹ về việc Obama đã khấu đầu trước quốc vương Akihito cũng chẳng tác động chút nào đến hình ảnh Obama như một siêu sao ở Nhật. Các phụ tá của tổng thống cho biết Obama chẳng mấy quan tâm chỉ trích của phe cực hữu.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, Obama đã nhận thức được lòng hâm mộ của người dân Á châu trên đường phố không nhất thiết có thể giúp đem lại thành công trong chính sách sau những cánh cửa khép kín của tòa Kantei, Bạch Ốc của người Nhật, nói gì đến Nhân Dân Đại Sảnh ở Bắc Kinh.
Các nhà phân tích chính trị ở Nhật đã đánh giá cao một trong những mục tiêu của tổng thống Mỹ: đối thoại thành khẩn với các tân lãnh đạo cởi mở của Nhật.
Dù sao, chuyến công du cũng chỉ có thể che đậy phần nào những dị biệt gần đây giữa hai bên, chẳng hạn vấn đề di dời căn cứ không lực của thủy quân lục chiến, đang tranh cải hiện nay, ở Futenma, hòn đảo phía Nam Okinawa. T T Obama và Thủ Tướng Yukio Hatoyama đã không thể giải quyết, chỉ đồng ý thiết lập và trao trách nhiệm cứu xét vấn đề cho một nhóm chuyên trách.
Một cựu quan chức ngoại giao Nhật, Kunihiko Miyake, hiện là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại Học Ritsumeikan University ở Kyoto, đã khen ngợi: sự kiên nhẫn của tổng thống đã giúp tránh làm vẩn đục thêm quan hệ giữa hai nước. Theo ông, Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện còn nhiều dị biệt trong vấn đề lớn lao nhất giữa hai quốc gia: tái cấu trúc liên minh trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh để thích ứng với hiện trạng khu vực khi thế cân bằng quyền lực đã bị xáo trộn bởi sự trổi dậy của Trung Quốc (TQ).
Miyake nói: "Hai quốc gia hiện đang 'đồng sàng nhưng dị mộng'. Người Mỹ muốn liên minh ngày một mạnh mẽ hơn, nhưng người Nhật lại muốn giảm thiểu quan hệ liên minh"
[1].
Ở Hoa Kỳ, T T Obama đã phải chống đỡ chỉ trích của phe bảo thủ: Tổng Thống rõ ràng đã tỏ ra quá yếu mềm trong lập trường đóng quân ở Okinawa và đã khấu đầu trước Nhật Hoàng.

Sau Tokyo, Obama đã dừng chân ở Singapore, tham dự hội nghị Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương -APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation). Nét đặc trưng của hội nghị là nguyên thủ các quốc gia với quốc phục màu sắc sặc sỡ do nước đăng cai cung cấp. Obama, với sắc phục mầu xanh, tươi cười trong ảnh chụp kỷ niệm, đứng bên cạnh thủ tướng Singapore màu đỏ và tổng thống Indonesia cũng màu xanh.
Năm nay, APEC được giới truyền thông đặc biệt lưu tâm với những hàng "tít" lớn, mặc dù không mấy đúng với những gì tổng thống Obama ước muốn. Với hạn chót sắp đến với hội nghị về thay đổi khí hậu ở Copenhagen, các lãnh đạo vội vả triệu tập phiên họp nhân buổi điểm tâm để xác nhận họ chưa có thể giải quyết những dị biệt sâu sắc về thời hạn.
T T Obama đã phải công bố trì hoãn một vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại - thay đổi khí hậu, xác nhận thỏa ước đối phó với hiện tượng hâm nóng toàn cầu khó thể thành đạt trong năm nay.

Bước kế tiếp, Obama đã đến TQ. Nơi đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã giàn dựng sự tiếp đón và sàng lọc số sinh viên được quyền tiếp cận T T Obama ở Thượng Hải. Obama, tuy vậy, vẫn gián tiếp chỉ trích một cách tế nhị sự kiểm soát và hạn chế chặt chẽ mạng internet và tự do ngôn luận, mặc dù không nhắc, nói gì đến chỉ trích, chính quyền TQ.
Obama và Hồ Cẩm Đào đã đánh giá hai ngày thương thảo giữa họ như hiệu quả và đầy chất lượng, mặc dù rõ ràng chẳng có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề Iran, chính sách tiền tệ của TQ, hay nhân quyền. Robert Gibbs, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, trong một cử chỉ bất thường, đã gửi đến các phóng viên một bản tuyên bố (điều ông đã không làm ở hai điểm dừng chân trước đó ở Tokyo và Singapore): chuyến công du đến TQ đã diễn tiến tốt đẹp.
Ở Seoul, điểm dừng cân cuối cùng của Obama, không khí có vẻ thoải mái hơn. Nam Hàn là một đồng minh lâu ngày, luôn hợp tác với Mỹ trong chủ đề cốt lõi Bắc Hàn, và chẳng có gì phải tranh cãi với Hoa Thịnh Đốn.
Trong mọi trường hợp, T T Obama, mặc dù đã được tiếp đón như luồng gió đổi mới từ Hoa Thịnh Đốn, đã va chạm với các vấn đề thực tế khó giải quyết, như chính sách tiền tệ (với TQ), mậu dịch (với Singapore, TQ, Nam Hàn), an ninh (với Nhật), và siêu cường đang lên (với TQ) - những vấn đề rắc rối khó khăn trong chuyến công du Á châu đầu tiên.

DƯỚI LỚP SƠN THÂN HỮU, TRUNG QUỐC ĐÃ KHẲNG ĐỊNH TƯ THẾ MỘT SIÊU CƯỜNG ĐANG LÊN


T T Obama đã cố gắng trình bày chuyến công du đầu tiên đến TQ như một bước tiến trong quan hệ mới với đại cường cạnh tranh đang đi lên nhanh chóng. Nhưng điều duy nhất thấy được - sau 6 giờ họp mặt, hai buổi tiệc tối, và 30 phút gặp gỡ chính thức với đại diện các cơ quan truyền thông trong đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã không dành thì giờ trả lời câu hỏi của các phóng viên - là hình ảnh một TQ luôn sẵn sàng nói "không" với Hoa Kỳ.

Trong mọi chủ đề - từ Iran: họ Hồ đã không công khai thảo luận sự khả dĩ chế tài; đến chính sách tiền tệ: ông đã từ chối tái định giá đồng nhân dân tệ theo hướng thị trường; cho đến nhân quyền: một tuyên bố chung thẳng thắn công nhận hai quốc gia đang có "nhiều dị biệt" - TQ không chút nhượng bộ trước các đòi hỏi của Hoa Kỳ. Qua việc khéo léo kiểm soát mọi chi tiết những dịp xuất hiện của T T Obama bên trong TQ, chuyến công du chỉ biểu lộ kỷ năng của TQ đẩy lùi mọi sức ép từ phía Mỹ.
Theo Eswar Prasad, một chuyên gia về TQ tại Cornell University, "TQ đã giàn dựng, kiểm soát mọi chi tiết các lần xuất hiện trước công chúng của T T Obama một cách hiệu quả, khéo léo sắp xếp để các lời tuyên bố của tổng thống không tương phản với lập trường chính trị quan trọng của TQ, và kịp thời dập tắt những vấn đề đang tranh cãi như nhân quyền và chính sách tiền tệ. Trong một nước cờ tuyệt diệu, các lãnh đạo TQ đã chuyển hướng các cuộc thảo luận, từ các bất trắc toàn cầu do chính sách tiền tệ hối đoái của TQ, qua những nguy cơ của chính sách tiền tệ lỏng lẻo và các khuynh hướng bảo vệ mậu dịch ở Mỹ"
[2].
Các quan chức Tòa Bạch Ốc quả quyết họ đã đạt được những gì họ mong muốn trong chuyến công du: khởi đầu một quá trình đối thoại với một quốc gia và nền kinh tế khổng lồ đang lên. Họ lập luận, khác với tổng thống tiền nhiệm George W. Bush, với một quốc gia có nền văn minh xưa cũ như TQ, T T Obama tin, đến Bắc kinh mà cứ vỗ ngực huyênh hoang là một hành động phản tác dụng, chỉ làm mếch lòng người TQ. Họ nhấn mạnh: T T Obama chỉ cần và, trong thực tế, đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình trong các phiên họp tay đôi riêng tư với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào.
Robert Gibbs, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, cũng đã nói: "tôi không chờ đợi, và tôi có thể nói thay Tổng Thống về điểm nầy, chúng tôi nghĩ ... mọi sự có thể thay đổi trong một chuyến thăm TQ hai ngày rưởi. Chúng tôi hiểu còn nhiều việc phải làm và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cực lực để đem lại nhiều tiến bộ hơn"
[3].
Vài chuyên gia về TQ ghi nhận: Obama đã không rời Bắc Kinh tay không. Hai quốc gia đã ra tuyên ngôn chung năm điểm, hứa hẹn cùng hợp tác trong nhiều địa hạt. Bản tuyên ngôn kêu gọi đối thoại thường xuyên giữa Obama và Hồ Cẩm Đào, và hai bên lưu tâm nhiều hơn đến những ưu tư chiến lược của nhau. Tuyên ngôn cũng cam kết cùng làm việc như hai đối tác trong các vấn đề kinh tế, Iran, và thay đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mặc dù giọng điệu hòa hoãn nhiều tuần trước đây - Obama đã từ chối gặp mặt lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Dalai Lama, trước cuộc công du, để tránh làm mếch lòng các lãnh đạo TQ - Obama vẫn chưa dám chắc đã gặt hái được tiến bộ trong các vấn đề cấp thiết trong nghị trình của Mỹ ở TQ hay các nơi khác ở Á Châu.
Theo phe bảo thủ, các tổng thống Mỹ trước đây thường đòi hỏi phải nắm chắc vài kết quả cụ thể trước mỗi chuyến công du TQ. Với George W. Bush, đó là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vấn đề ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ - cuộc chiến chống khủng bố; và với Bill Clinton: thúc đẩy TQ gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế sau nhiều năm thương thảo. Và khi một trong hai tổng thống đến thăm, lãnh đạo TQ cũng thường biểu lộ thiện chí qua một nhượng bộ khiêm tốn nào đó về nhân quyền.
Lần nầy, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã không theo gương Tổng Thống Nga, Dimitri A. Medvedev. Sau nhiều tháng ve vãn, vỗ về bởi Hoa Thịnh Đốn, Medvedev đã tuyên bố sẽ cứu xét các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn đối với Iran nếu các nỗ lực thương thảo không thành công ngăn cản chương trình nguyên tử của Iran.
Ngược lại, chính quyền Obama hiện nay rất cần sự ủng hộ của TQ nếu muốn các biện pháp chế tài khắt khe hơn được Hội Đồng Bảo An LHQ chấp thuận. Tuy vậy, trong buổi gặp gỡ báo chí chính thức hôm thứ ba 17-11-2009, Hồ Cẩm Đào, đứng bên cạnh Barack Obama, đã không hề nhắc đến hai từ "chế tài".
Thay vào đó, họ Hồ đã nói, "điều rất quan trọng là giải quyết chương trình nguyên tử Iran một cách thích ứng qua đối thoại và thương thảo"
[4]. Và rồi, như để nhấn mạnh, ông nói tiếp: "Trong lúc thương thảo, tôi đã nhấn mạnh với Tổng Thống Obama, vì những dị biệt trong điều kiện của hai quốc gia, việc hai bên chúng tôi có thể bất đồng về vài vấn đề cũng chỉ là việc bình thường"[5].
Các quan chức Tòa Bạch Ốc công nhận, họ đã không đạt được những gì họ muốn từ Hồ Cẩm Đào về Iran, nhưng họ tin phương pháp của Obama sẽ đem lại kết quả trong trường kỳ. Một viên chức bình luận: "Chúng tôi không muốn họ dẫn đường hay đổi hướng, chúng tôi chỉ muốn họ không cản đường"
[6].
Obama cũng không thể thuyết phục giới lãnh đạo TQ về các vấn đề tiền tệ, hối đoái. TQ đã bị áp lực nặng nề không những từ phía Mỹ mà còn từ Âu châu và vài quốc gia Á châu, đòi hỏi xét lại chính sách giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo đối với đồng mỹ kim để tăng xuất khẩu. Một số kinh tế gia nói, TQ phải điều chỉnh giá trị đồng nhân dân tệ để tránh trở lại tình trạng mất thăng bằng thương mãi và tài chánh trầm trọng, nguyên nhân cuộc suy thoái kinh tế tài chánh hiện nay.
Ngày 17-11-2009 vừa qua, Obama cũng đã nhắc lại những lời tuyên bố trước đây của TQ chịu để hối suất thay đổi theo quy luật thị trường, ám chỉ tổng thống đã không được TQ tái cam kết điều chỉnh hối suất theo hướng thị trường trong nay mai.
Có nhiều lý do khiến Tòa Bạch Ốc đã chiều theo ý muốn rõ ràng của TQ về một cuộc thăm viếng không tranh cãi hay bút chiến thường khi đi kèm những lần gặp mặt giữa lãnh đạo hai nước. Chính sách ngoại giao của Obama được xây dựng trên nền tảng: Hoa Kỳ sẽ là quốc gia chịu lắng nghe quan điểm của lãnh đạo các nước, bạn cũng như đối nghịch, và không chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh của riêng mình. Trong một thư điện tử tối thứ ba vừa qua, Robert Gibbs đã xác nhận: "Không, chúng tôi đã không làm TQ trở thành một xứ dân chủ trong ba ngày - có thể nếu chúng tôi vỗ ngực nhiều lần, điều đó có thể xẩy ra. Nhưng nó đã không xẩy ra trong 16 năm qua"
[7].
Kenneth Lieberthal, học giả ở Brookings Institution, nguyên đặc trách các vấn đề TQ dưới thời T T Clinton, cũng đã đồng ý: "Hoa Kỳ, trong thực tế, đã có ảnh hưởng lớn đến tư duy của người dân TQ, nhưng đó là ảnh hưởng qua cách ứng xử gương mẩu. Nếu bạn tiến thêm một bước và bảo họ 'quý vị phải làm theo chúng tôi', bạn sẽ đánh mất tác động của chính bạn"
[8].
Obama rõ ràng đang tính toán: cách tiếp cận thầm lặng của ông sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn là phương cách thuyết giảng. Lieberthal nói, " Hiện còn quá sớm để biết tác động cuối cùng sẽ như thế nào", nhưng cũng quá sớm để loại bỏ như một cách tiếp cận sai lầm.
Phát ngôn nhân của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Michael A. Hammer, nói thêm: "Điều chúng ta đến để làm là thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về các vấn đề quan trọng đối với chúng ta, không nhất thiết theo cách tấn công, nhưng theo cung cách tương kính của Obama"
[9].
Tuy với giọng điệu hòa hoãn, T T Obama cũng đã chỉ trích các lãnh đạo TQ về một số đề tài nhạy cảm.
Hôm thứ ba 17-11-2009, đứng cạnh Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, T T Obama đã nêu vấn đề Tây Tạng, nơi các nhà cầm quyền địa phương, được Bắc Kinh ủng hộ, đã xiết chặt tự do tôn giáo. Obama đã nhắn nhủ: "Trong khi chúng tôi công nhận Tây Tạng là một bộ phận của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Hoa Kỳ ủng hộ sớm nối lại đối thoại giữa chính quyền TQ và các đại diện của đức Dalai Lama, để giải quyết những quan tâm và dị biệt giữa hai phía"
[10].

TƯƠNG HỢP HAY TƯƠNG KHẮC

Cách đây ít năm, Niall Ferguson và Moritz Schularick đã sáng tạo ra từ Chimerica để mô tả tình trạng đan xen, chồng chéo, giữa hai nền kinh tế TQ và Hoa Kỳ, một phối hợp then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu. Chỉ với 13% diện tích toàn cầu và 25% dân số thế giới, Chimerica, tuy vậy, đã chiếm 1/3 GDP toàn cầu và 2/5 tăng trưởng của thế giới từ 1998 đến 2007.
Hai tác giả đã có lý do khi chọn tên gọi Chimerica. Họ cho biết, quan hệ giữa hai nền kinh tế đã khiến họ nghĩ đến quái vật chimera trong thần thoại Hy Lạp - một quái vật hợp chủng, thở ra lửa, có đầu sư tử, thân dê, và đuôi rắn. Ngày nay, có thể chúng ta đang chứng kiến sự dãy chết của quái vật Chimerica.
Thực vậy, vấn đề đang làm T T Obama phải suy tư trên đường đến Á châu là nên khai tử hay tìm cách cứu sống quái vật.
Trong những năm tháng cơm lành canh ngọt, Chimerica luôn là hình thức đối tác đưa đến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của TQ, với lợi thế xuất khẩu của TQ và khuynh hướng tiêu thụ quá mức hay bội-tiêu-thụ của Hoa Kỳ.
Nhờ sự chung sống của Chimerica, TQ đã có thể tăng gấp bốn GDP từ 2000 đến 2008, gia tăng xuất khẩu gấp năm lần, nhập khẩu công nghệ tiền tiến phương Tây, và tạo được hàng chục triệu công ăn việc làm trong kỹ nghệ chế biến cho dân nghèo từ nhiều vùng thôn dã.
Đối với Hoa Kỳ, Chimerica có nghĩa người Mỹ có thể an tâm tiêu pha hoang phí, không phải lo tiết kiệm, trong khi vẫn có thể duy trì lãi suất thấp và tỉ lệ đầu tư ổn định. Bội-tiêu-thụ có nghĩa, từ 2000 đến 2008, Hoa Kỳ đã liên tục tiêu thụ trên mức lợi tức quốc gia. Sản phẩm nhập khẩu từ TQ chiếm khoảng 1/3 số bội-tiêu-thụ.
Trong suốt thời gian đó, Chimerica hình như không phải một quái vật, mà là một hôn nhân thần tiên. Mậu dịch quốc tế bành trướng nhanh chóng và giá trị hầu hết các loại tích sản tăng vọt. Tuy nhiên, tương tự như hôn nhân giữa một bên luôn ưa thích tiết kiệm và bên kia chỉ biết tiêu pha hoang phí, Chimerica không thể chung sống dài lâu. Khủng hoảng tài chánh từ 2007 đã gây sóng gió trong đời sống hôn nhân. Điều chỉnh tình trạng mất quân bình giữa Hoa Kỳ và TQ - nguyên nhân đổ vỡ của Chimerica - là điều thiết yếu nếu muốn tái lập thăng bằng trong kinh tế thế giới.
Sự trổi dậy của kinh tế TQ là kết quả của chiến lược tăng trưởng lấy xuất khẩu làm đầu tàu, theo gương Tây Đức và Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy nhiên, tưởng cần phải lưu ý một dị biệt quan trọng: TQ đã luôn kiểm soát giá trị đơn vị tiền tệ, đồng nhân dân tệ, với kết quả là đã tích lũy được một số mỹ kim dự trử khổng lồ.
Khi số xuất khẩu của TQ tăng vọt, nhà cầm quyền Bắc Kinh liên tục mua mỹ kim để tránh sự tăng giá của đồng nhân dân tệ, buộc chặt giá trị đơn vị tiền tệ ở mức 8,28 nhân dân tệ một mỹ kim từ giữa thập kỷ 1980s cho đến giữa thập kỷ 1990s. Sau tháng 7-2005, TQ đã cho phép đơn vị tiền tệ gia tăng 17% giá trị trong vòng 3 năm, để rồi tái định hối suất ở mức 6,83 nhân dân tệ một mỹ kim khi suy thoái tài chánh toàn cầu lên cao từ 2008.
Khi can thiệp vào thị trường tiền tệ và hối đoái, TQ theo đuổi hai mục đích: (1) không để đồng nhân dân tệ tăng giá đối với đồng mỹ kim, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu; (2) tích lũy ngoại tệ dự trữ (mỹ kim là chính) nhằm giảm thiểu các bất trắc do khuynh hướng hội nhập tài chánh toàn cầu tiệm tăng, như kinh nghiệm nhiều xứ trong khủng hoảng kinh tế Á châu vào những năm cuối thập kỷ 1990s. Kết quả: năm 2000, TQ đã tích lũy được 165 tỉ ngoại tệ dự trữ; con số nầy nay đã lên tới 2.300 tỉ, 70% bằng mỹ kim.
Chính sách can thiệp đã làm biến thái giá trị các loại tư bản toàn cầu, hạ thấp lãi suất dài hạn, và thổi phồng bong bóng bất động sản ở Hoa Kỳ, với những hậu quả tai họa. Trong cốt lõi, Chimerica đã phát sinh một dòng tín dụng từ Cộng Hòa Nhân Dân TQ đến Hoa Kỳ, khiến người Mỹ không cảm thấy nhu cầu phải tiết kiệm và ỷ lại thái quá ở giá trị gia tăng giả tạo của bất động sản và nhà ở, như một nguồn lợi tức và tài sản.
Điều nầy đã không xẩy ra trong các thập kỷ 1950s và 1960s. Vào cao điểm tăng trưởng hậu chiến trong thập kỷ 1960s, Tây Đức và Nhật Bản đã tích lũy một số ngoại tệ dự trữ ít nhiều tỉ lệ thuận với GDP Hoa Kỳ, giữ một tỉ suất ổn định khoảng 1% trước khi tăng lên chút ít trong đầu thập kỷ 1970s. Ngược lại, ngoại tệ dự trữ của TQ đã gia tăng từ 1% GDP Hoa Kỳ vào năm 2000, lên 5% năm 2005, và 10% năm 2008. Vào cuối 2009, tỉ suất nầy được dự phóng lên tới 12%.
Hiện nay, kỷ nguyên Chimerica đang dần khép lại. Trước làn sóng vở nợ và bong bóng bất động sản xìu xẹp, người Mỹ sẽ phải cai nghiện hay từ bỏ lãi suất thấp và tín dụng rẻ tiền. Chính quyền TQ hiểu rõ không còn có thể trông cậy vào giới tiêu thụ Mỹ, đang nợ nần quá nhiều, tiếp tục mua hàng TQ đại trà như trước năm 2007. Và họ cũng không mấy thích và an tâm giữ quá nhiều mỹ kim trong tích sản dự trữ trên dưới 2.000 tỉ hiện nay. Nhà cầm quyền TQ đã ràng buộc đồng nhân dân tệ với đồng mỹ kim quá lâu, hơn bất cứ ngoại cường nào khác trong lịch sử, và ngày một cảm thấy căng thẳng và âu lo hơn.
Tuy vậy, cả hai thành viên Chimerica vẫn còn bị cám dỗ duy trì tình trạng đối tác khập khiểng nầy. Mặc dù người ta luôn nghe nhiều lời bàn luận về nhu cầu giảm bớt các bất quân bình toàn cầu, bất quân bình lớn nhất vẫn tiếp diễn.
Năm 2009, mức khuy khiếm trong cân thương mãi Hoa Kỳ đối với TQ vẫn ở mức 200 tỉ USD như năm trước. Và TQ lại một lần nữa can thiệp vào thị trường tiền tệ, mua thêm 300 tỉ USD, để duy trì giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo, và nhờ đó, giữ sản phẩm xuất khẩu ở mức giá rẽ.
Cùng lúc, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ hình như cũng mong muốn không kém kéo dài thói quen vay mượn với lãi nhẹ chừng nào quá trình hồi phục kinh tế còn bấp bênh, bất kể tác động trên hối suất đồng đô la đối với tiền tệ các nước khác. Khi các lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh họ mong muốn một đồng đô la mạnh, đó là dấu hiệu chắn chắn họ đang muốn ngược lại. Và tại sao người Mỹ lại muốn làm nản lòng người TQ đang mua thêm các trái phiếu tính bằng đô la? Với số khuy khiếm hàng nghìn tỉ mỹ kim, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ rất cần sự tiếp tay của càng nhiều người ngoại quốc càng tốt.
Tuy nhiên, chấm dứt tình trạng chung sống của cặp Chimerica, trong thực tế, sẽ có lợi cho người Mỹ, ít nhất vì ba lý do.
Trước hết, điều chỉnh hối suất giữa hai đơn vị tiền tệ, đồng mỹ kim và đồng nhân dân tệ, sẽ giúp tái định hướng nền kinh tế Hoa Kỳ - nhất là giúp cải thiện tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Hoa Kỳ ở TQ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thứ hai, chấm dứt quan hệ Chimerica sẽ giúp giảm thiểu sự lệ thuộc nguy hiểm của chính sách kinh tế Hoa Kỳ vào những biện pháp kích cầu nội địa. Chính sách tiền tệ Hoa Kỳ rõ ràng khó thể duy trì, và chính sách lãi suất và in thêm tiền giấy thiếu trách nhiệm của Cục Dự Trữ Liên Bang đã làm gia tăng một cách giả tạo giá cả các loại tích sản, đặc biệt là bất động sản.
Sau cùng, sự tái định giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp giảm bớt những bất trắc xung đột nghiêm trọng trong mậu dịch quốc tế. Vấn đề là khi đồng mỹ kim mất giá so với tiền tệ các xứ khác - nhất là đồng 'euro' và đồng 'yen' Nhật - đồng nhân dân tệ cũng mất giá theo, do đó, khuyếch đại lợi thế sẵn có của TQ trên các thị trường toàn cầu. Gánh nặng điều chỉnh hậu-khủng-hoảng đổ lên vai nhiều xứ bên ngoài Chimerica một cách không cân xứng. Trừ phi đồng nhân dân tệ được tái định giá, chúng ta có thể chờ đợi một đợt sóng các biện pháp tự vệ hổn độn bởi các xứ ngoài Chimerica. Hiện chúng ta đã thấy nhiều dấu hiệu nguy hiểm.
Trong tháng 10-2009, Brazil đã áp đặt một sắc thuế trên "tiền nóng" - những dòng chảy tư bản đầu tư ngoại quốc quan trọng, đến rồi đi bất định - nhằm giảm thiểu sự gia tăng giá trị nhanh chóng đơn vị tiền tệ của mình, đồng real. Gần đây hơn, một số các quốc gia Á châu cũng đã can thiệp để ngăn ngừa đơn vị tiền tệ quốc gia tăng giá đối với đồng đô la. Những trò chơi tiền tệ tương tự cũng đã từng diễn ra trong thập niên kinh tế khó khăn nhất trước đây, thập niên 1930s.
Trong lịch sử, khi sản xuất phí và lợi tức theo đầu người trong nhiều xứ gia tăng, giá trị đơn vị tiền tệ các xứ nầy cũng tự điều chỉnh thích ứng với đồng đô la. Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1978, chẳng hạn, giá trị đồng deutsche mark của Đức đã gia tăng lũy tích gần 60% đối với đồng đô la, trong khi giá trị đồng yen của Nhật cũng tăng gần 50%. Kinh nghiệm cho thấy các xứ xuất khẩu có thể chấp nhận các đợt tái định giá hối suất quan trọng chừng nào họ đồng thời còn được hưởng một sự gia tăng trong năng suất, như trường hợp TQ hiện nay.
Đúng vậy, ngân hàng trung ương TQ đã gợi ý: TQ rất có thể sẽ thay đổi cách ấn định hối suất theo mỹ kim qua một hình thức quản lý hối suất nào đó, căn cứ trên "các dòng chảy tư bản quốc tế và những vận chuyển trong những ngoại tệ quan trọng trên thế giới".
Tuy nhiên, cũng như những bình luận gần đây của lãnh đạo TQ về việc thay thế đồng đô la trong vai trò ngoại tệ dự trữ chính, đây cũng chỉ là lối đại ngôn, kiểu ăn to nói lớn.
Trong chuyến công du TQ vừa qua, T T Obama đã không đáp lại với cùng phong cách. Theo Obama, đây không phải lúc để đọc những diễn văn hoa mỹ, mà thực sự cần đến ngoại giao tinh tế. Hiện nay, Chimerica rõ rệt có lợi cho TQ nhiều hơn cho Hoa Kỳ: tăng trưởng kinh tế TQ - 10%; thất nghiệp Hoa Kỳ - 10%. Sự trao đổi còn tệ hại hơn đối với phần còn lại của thế giới, kể cả các thị trường xuất khẩu và đồng minh quan trọng của Mỹ.
Vấn đề là: Hoa Kỳ có thể đưa ra một quà tặng hay lợi lộc trao đổi nào để TQ chịu từ bỏ một hối suất thấp cố định giữa đồng nhân dân tệ và USD luôn có lợi cho TQ?
Hoa Kỳ phải giúp nhà cầm quyền Bắc Kinh hiểu rõ: những mất mát trên giấy tờ đối với các loại tích sản dự trữ, do những đổi thay trong hối suất, sẽ chỉ là cái giá khiêm tốn phải trả cho những điều lợi họ đã gặt hái được từ mô hình Chimerica - sự đổi đời từ một nước nghèo khó thuộc thế giới thứ ba để trở thành một siêu cường chỉ trong vòng chưa tới 15 năm. Trong mọi trường hợp, những mất mát nầy cũng đã được bù đắp gấp bội bởi sự gia tăng trong giá trị bằng đồng mỹ kim của các loại tích sản khổng lồ tính theo đồng nhân dân tệ của TQ.
Cởi bỏ thói quen can thiệp vào thị trường tài chánh cũng có lợi cho TQ. Một đồng nhân dân tệ được đánh giá quá thấp là một biến thái tài chánh then chốt trong kinh tế thế giới hiện nay. Nếu tình trạng nầy kéo dài, TQ sẽ gặp nguy cơ đánh mất nền tảng thành công kinh tế của chính họ: một hệ thống mậu dịch tự do toàn cầu.
Và đây chính là món quà T T Obama có thể hiến tặng để đổi lấy một tái định giá từ 20 đến 30% giá trị đồng nhân dân tệ trong vòng 12 tháng tới: một cam kết rõ ràng đối với toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, và chấm dứt nguy cơ chiến tranh quan thuế đang chớm nở giữa TQ và Hoa Kỳ.
Trong suốt thời gian hiện hữu của Cộng Hòa Nhân Dân TQ, Hoa Kỳ luôn là quốc gia nòng cốt duy trì trật tự kinh tế thế giới cơ sở trên tự do lưu thông hàng hóa và gần đây hơn, cả tự do lưu thông tư bản. Hoa kỳ cũng đã tự nhân trách nhiệm giữ gìn an ninh trong vùng Trung Đông giàu năng lượng nhưng luôn bất ổn. TQ được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, và nay đã đến lúc phải đóng góp phần mình qua việc điều chỉnh hối suất đồng nhân dân tệ theo quy luật thị trường. Chimerica bao giờ cũng chỉ là chimera - một quái vật kinh tế. Tái định giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp đem lại "an nghỉ cuối cùng" cho Chimerica nay đã hết thời.

THẾ GIỚI MẤT QUÂN BÌNH

Các cuộc công du quốc tế của lãnh đạo các quốc gia thường chỉ là những việc làm mang tính tượng trưng. Không ai chờ đợi T T Obama từ TQ trở về mang theo các thỏa ước mới về chính sách kinh tế hay những gì khác. Nhưng người Mỹ hy vọng sau khi các máy quay phim và máy ảnh ngừng hoạt động, Obama và các lãnh đạo TQ sẽ thảo luận thẳng thắn về chính sách tiền tệ của nước chủ nhà. Vấn đề bất quân bình mậu dịch quốc tế sẽ ngày một tệ hại. Và viễn ảnh một cuộc va chạm không ai mong muốn có thể bùng nổ trừ phi TQ bằng lòng điều chỉnh đồng nhân dân tệ theo giá thị trường.
Hầu hết các đơn vị tiền tệ các nước đều được thả nổi. Giá trị tương đối sẽ lên xuống tùy các lực chi phối thị trường. Điều đó không nhất thiết có nghĩa chính quyền các quốc gia luôn theo đuổi chính sách bất can thiệp: đôi khi các quốc gia hạn chế các dòng chảy tư bản ra bên ngoài khi người dân đồng loạt rút tiền từ ngân hàng để mua ngoại tệ, như Iceland đã làm trong năm 2008, hay có biện pháp làm nản lòng những dòng chảy tiền nóng vào trong nước khi e ngại giới đầu cơ ngoại quốc đang tìm cách thao túng, lủng đoạn kinh tế, như Brazil đang làm hiện nay. Tuy nhiên, lúc bình thường, phần lớn các nước chỉ ước ao duy trì giá trị đơn vị tiền tệ nước mình thích hợp với các lực kinh tế căn bản dài hạn.
TQ là biệt lệ lớn. Mặc dù xuất siêu hay thặng dư mậu dịch kếch sù và giới đầu tư ngoại quốc luôn mong muốn vào làm ăn kinh doanh trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng - những lực kinh tế lẽ ra đã nâng cao giá trị đồng nhân dân tệ - nhà cầm quyền TQ luôn duy trì giá trị đơn vị tiền tệ của mình ở mức thấp giả tạo. Họ làm vậy bằng cách đổi tiền quốc gia lấy USD, do đó, đã tích lũy một số mỹ kim dự trử khổng lồ.
Trong những tháng gần đây, TQ đã theo đuổi một đường lối có thể xem như chính sách phá giá phương hại cho các nước ngoài (beggar-thy-neighbor devaluation), giữ hối suất giữa đồng nhân dân tệ và đồng mỹ kim cố định ngay cả khi đồng mỹ kim mất giá nhanh chóng đối với các ngoại tệ mạnh khác. Điều nầy đã đem lại cho hàng xuất khẩu của TQ một lợi thế cạnh tranh ngày một lớn đối với hàng xuất khẩu của các nước khác, nhất là giới sản xuất trong các xứ đang phát triển.
Điều đặc biệt nguy hiểm trong chính sách tiền tệ của TQ là tình trạng suy thoái kinh tế thế giới hiện nay. Lãi suất thấp và kích cầu hình như đã giúp tránh được cuộc đại khủng hoảng kinh tế thứ hai. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách hiện chưa thể tạo được số chi tiêu, tư và công, đủ lớn để giải quyết nạn thất nghiệp hàng loạt. Và chính sách giữ giá trị tiền tệ thấp giả tạo của TQ đã khuyếch đại và làm vấn đề thất nghiệp thêm trầm trọng, và trong thực tế, đã chuyển dịch số cầu tối cần thiết từ các xứ bên ngoài TQ vào túi các nhà xuất khẩu TQ đang chiếm lợi thế cạnh tranh giả tạo và bất chính.
Sự biến thái trong mậu dịch quốc tế rất có thể sẽ kéo dài và làm suy thoái kinh tế hiện nay thêm trầm trọng. Thực vậy, trong năm qua, kích cỡ thực sự của "vấn đề TQ" đã bị che mờ bởi các yếu tố tạm thời. Trong thời gian tới, chúng ta có thể thấy thặng dư mậu dịch (xuất siêu) của TQ và khuy khiếm mậu dịch (nhập siêu) của Hoa Kỳ sẽ tăng cao.
Theo luận cứ của Richard Baldwin và Daria Taglioni, Viện Graduate ở Geneva, sự mất quân bình mậu dịch, thặng dư của TQ và khuy khiếm của Hoa Kỳ, gần đây đã giảm thiểu nhiều so với các năm trước. Họ lập luận, "những cải thiện trong bất quân bình toàn cầu phần lớn là ảo tưởng - hiệu ứng phụ tạm thời của sự sụp đổ mậu dịch lớn nhất thế giới từng trải nghiệm"
[11].
Thực vậy, tầm cở suy sụp mậu dịch quốc tế 2008-9 đã là sự cố đáng ghi vào lịch sử những kỷ lục thế giới. Điều được phản ảnh là phần lớn mậu dịch ngày nay liên quan đến việc mua bán các sản phẩm chế biến bền lâu; và đối diện với suy thoái tài chánh nghiêm trọng và những bất trắc đi kèm , giới tiêu thụ và các công ty đã trì hoãn mua sắm những thứ hàng không cần thiết tức khắc.
Làm cách nào để thực tế nầy có thể giúp giảm thiểu ngạch số khuy khiếm thương mãi của Hoa Kỳ? Nhập khẩu những sản phẩm như xe hơi sụp đổ; xuất khẩu của Mỹ cũng suy sụp; nhưng Hoa Kỳ đã đi vào suy thoái với nhập khẩu vượt quá xa xuất khẩu, tác động thuần là ngạch số khuy khiếm nhỏ hơn.
Tuy nhiên, khi suy thoái trên đà giảm thiểu hay chấm dứt, quá trình nầy sẽ đảo ngược. Phúc trình thương mãi trong trung tuần tháng 11-2009 cho thấy một sự tăng vọt trong ngạch số khuy khiếm trong mậu dịch(nhập siêu) giữa tháng 8 và tháng 9. Và chắc sẽ còn nhiều phúc trình tương tự.
Thử hình dung tháng nầy qua tháng khác, những hàng tít tin hàng đầu về khuy khiếm thương mãi của Hoa Kỳ bên cạnh thặng dư thương mãi của TQ với nổi đau của nhân công Hoa Kỳ bị thất nghiệp! Các lãnh đạo TQ chắc hẳn phãi thực sự âu lo trước viễn ảnh đó!
Thay vì thuyết giảng Hoa Kỳ phải tăng lãi suất và cắt giảm khiếm hụt ngân sách ( có nghĩa thất nghiệp ở Hoa Kỳ sẽ gia tăng), các lãnh đạo TQ sẽ có lợi hơn khi chấp nhận đối đầu với nhu cầu thay đổi chính sách tiền tệ của chính mình. Nhưng hiện nay hình như họ đang say mê với trò chơi rất nguy hiểm.

GS Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
01-12-2009

-----------------------------------

[1] The two countries are in the same bed, but dreaming different dreams. The Americans want the alliance to be stronger, but the Japanese seem to want to do less.
[2] China effectively stage-managed President Obama's public appearances, got him to make statements endorsing Chinese positions of political importance to them, and effectively squelched discussions of contentious issues such as human rights and China's currency policy. In a master-stroke, they shifted the public discussion from the global risks posed by Chinese currency policy to the danger of loose monetary policy and protectionist tendencies in the U.S.
[3] I do not expect, and I can speak authoritatively for the President on this, that we thought...everything would change over the course of our almost two and a half day trip to China. We understand there's a lot of work to do and that we'll continue to work hard at making more progress.
[4] It is very important to appropriately resolve the Iranian nuclear regime through dialogue and negotiations.
[5] During the talks, I underlined to President Obama that given our diffences in national conditions, it is only normal that our two sides may disagree on some issues.
[6] We're not looking for them to lead or change course, we're looking for them to not be obstructionist.
[7] No we haven't made China a democracy in three days - maybe if we pounded our chest a lot that would work. But it hasn't in the last 16 years.
[8] The United States actually has enormous influence on popular thinking in China, but it is primarily by example. If you go to the next step and say, 'you guys ought to be like us', you lose the impact of who you are.
[9] What we did come to do is speak bluntly about the issues which are importnt to us, not in an unnecessarily offensive manner, but rather in the Obama style of showing respect.
[10] While we recognize that Tibet is part of the people' Republic of China, the United States supports the early resumption of dialogue between the Chinese government and representatives of the Dalai Lama to resolve any concerns and differences that the two sides may have.
[11] These global imbalance improvements are mostly illusionary - the transitory side effect of the greatest trade collapse the world has ever seen.



No comments: