Monday, December 1, 2008

SỰ CẤU KẾT ĂN CHIA GIỮA GIÁO QUYỀN và CHÍNH QUYỀN

Tài sản Phật giáo hay sự cấu kết ăn chia giữa Giáo quyền và Chính quyền
Minh Mẫn
PSN 28.11.2008
http://www.phusa.info/

Về việc công nhận quyền xử dụng đất cho cơ sở tôn giáo, trong đó có cơ sở thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, theo Tài Liệu Hướng Dẫn của Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP HCM ký ngày 07/10/08; được Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ (TP HCM) chức cho Tăng Ni toàn TP quán triệt, vào lúc 7g30 sáng ngày 24/10/08 tại nhà truyền thống chùa Phổ Quang, Tân Bình.

Phần mở đầu: Tài liệu nầy cụ thể hoá hướng dẫn trên để áp dụng riêng cho việc công nhận quyền xử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo của Phật giáo đang xử dụng

Sau khi phổ biến nội dung do cán bộ chuyên trách trình bày, một số tu sĩ xin được nêu nghi vấn, trong đó có Hòa Thượng T. Đạt Niệm, Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Thủ Đức đặt vấn đề trong những mục hết sức phi lý mang tính khống chế, áp đặt và tước đoạt quyền lợi của tu sĩ, thầy Thiện Tánh vội cúp máy, thể hiện một cung cách quan liêu hách dịch mà hầu hết tu sĩ tại TP HCM từng là nạn nhân của thầy qua một số việc tiêu cực công khai trắng trợn.

Trong văn bản nêu trên, gồm có 4 mục:
- 1/ Phạm vi và đối tượng áp dụng
- 2/ Điều kiến cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất
- 3/ Một số lưu ý
- 4/ Trình tự thủ tục cấp cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất

Trong mục 3: Một số lưu ý có những điểm như: Nhà nước chỉ công nhận QXDĐ theo diện tích thực tế theo hiện trạng đang xử dụng ( ví dụ: chùa có một ngàn mét, xây dựng 300m2, còn 700m không được cấp giấy chứng nhận? vậy số còn lại của ai?)

Đã là đất của cơ sở tôn giáo quản lý thì giấy chứng nhận quyền xử dụng đất chỉ cấp cho cơ sở tôn giáo (không ghi tên cho cá nhân) không ghi tên cá nhân, dù là trụ trì thì ai là người chịu trách nhiệm cơ sở trước luật pháp, chả lẽ khiếu nại, tố tụng, phạt vạ thì người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm, mà tài sản không do mình đứng tên? Giáo hội là ai, chùa viện là ai, cũng phải có người đứng đầu trong cơ sở đó chứ; Ví dụ thay mặt nhân dân, phải có người đứng đầu một đất nước như Tổng Thống, Thủ Tướng đứng ra đối ngoại quốc tế, chả lẽ nói chung chung thì chả ai có trách nhiệm. Cấp quyền xử dụng đất cho cơ sở tôn giáo như cấp giấy cho chùa A, chẳng lẽ không có người đứng tên nhận cơ sở đó mà chỉ có chùa A là cơ sở vật chất vô tri vô giác đứng tên??? Hàng tháng các chùa phải đóng góp cho GH,ai đứng ra đóng góp nếu không phải là vị trụ trì? Ai ủng hộ nhà tình nghĩa? Ai đóng góp theo yêu cầu mỗi khi địa phương kêu gọi? Người dân chỉ có trách nhiệm đối với quỷ An ninh quốc phòng hoặc an ninh khu phố, thỉnh thoảng ủng hộ bảo lụt, các chùa phải hưởng ứng lắm cái lễ và lắm cái hội hè theo phong trào…Ai có chùa mới biết cái khổ của một trụ trì, lắm khi Tăng chúng sống kham khổ, nhưng mỗi lần đóng góp không dưới bạc triệu; có những Tỉnh hội, mỗi khi ra mắt tân BTS, các tu sĩ đều phải ủng hộ theo mức giá chỉ định. Trách nhiệm tu sĩ Phật giáo ngày nay như thế đối với xã hội và GH, còn quyền lợi tại sao bị tước đoạt? Khi ra văn bản nầy, chắc chắn nhà nước cũng phải tham khảo ý kiến của GH, mà GH chỉ là kẻ có chức quyền bên trên chứ toàn bộ tu sĩ nào có được tham khảo ý kiến! hãy nghe tiếp văn bản:

Theo đó không có các quyền rộng rãi như đối với đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Chả lẽ tu sĩ mất quyền công dân? Người công dân có quyền làm chủ một met đất. trong khi tu sĩ cai quản một tự viện có hàng trăm tăng chúng ,hàng ngàn tín đồ mà không có quyền rộng rãi như đối với các hộ gia đình, cá nhân, thì tu sĩ thuộc loại tầng lớp nào trong xã hội khi không có quyền lợi như một công dân bình thường???

Ví dụ: Đối với đất cơ sở tôn giáo thì không cá nhân nào được đứng ra lập di chúc truyền quyền xử dụng đất cho người khác, hoặc khi nhà nước giải tỏa mà có bồi thường thì tiền bồi thường đó chỉ phục vụ cho lợi ích chung của cơ sở tôn giáo mà không cá nhân nào được hưởng. Lại thêm một hành xử thô bạo xâm phạm vào truyền thống truyền thừa của Phật giáo Việt Nam từ hàng ngàn năm qua.Một ngôi chùa thành hình đã phải trải qua nhiều gian lao của thầy trò, chưa nói đến có những ngôi chùa do tiền cá nhân của một người tự tạo hoặc do gia đình lập nên, khi thầy mất đi, hoặc muốn nhập thất chuyên tu, không được truyền lại cho trò mà chỉ để cho người có quyền hành trong Giáo Hội muốn đưa ai vào thì đưa với giá cả “ thuận mua vừa bán” như chùa Đại Giác và còn nhiều chùa thuộc hệ quản lý của Thành hội TP HCM do thầy Thiện Tánh chi phối? Đây là một hành động cướp của trắng trợn do những sư nắm quyền cấu kết với những cán bộ Tài nguyên môi trường không hiểu gì về luật đạo, thể hiện một chính sách mất lòng dân mà chắc chắn nhà nước không bao giờ chủ trương như thế. ( chả khác nào cha mẹ chết, không có quyền di chúc lại cho con mà để nhà nước xử lý?)

Phần lớn các tu sĩ Phật giáo an phận và kém hiểu biết nên từng bị những kẻ cầm quyền trong Phật giáo đè đầu cướp của, gây khó nếu không biết điều với họ. Rất nhiều tu sĩ không được nhập hộ khẩu, mặc dù họ có chùa và trụ trì lâu năm, trong khi đó một người dân bình thường tạm trú trên một năm đều có quyền đăng ký hộ khẩu chính thức. ( ví dụ thầy Thông Như, hiện là trụ trì chùa Hoa sen quận Bình Tân, rất nhiều lần xin GH chứng nhận để nhập khẩu, chính quyền sẳn sàng, nhưng T,Thiện Tánh không chịu ký giấy, phải chăng vì thầy T.N quá nghèo nên không biết đều ) Chuyện nhập khẩu của các tu sĩ còn gặp lắm khó khăn thì vấn đề cơ sở vật chất bị tước đoạt quyền xử dụng là điều có thể!

Văn bản viết tiếp: …Do vậy, việc xác định cơ sở tôn giáo thuộc GHPG quản lý cần chú ý nội dung trên đây. Đối với cơ sở thờ tự ( chùa, tổ đình, tịnh thất…)chưa thuộc danh sách đất cơ sở tôn giáo do Thành hội Phật Giáo TP HCM quản lý sẽ chỉ là cơ sở tín ngưỡng,- không được coi là cơ sở tôn giáo. Nếu thế thì chả ai muốn vào Giáo hội để mất quyền làm chủ cơ sở do mồ hôi nước mắt thầy trò tạo dựng nên, thà cứ xem như cơ sở tín ngưỡng hoặc tu tại gia tốt nhất!

Người đứng đầu cơ sở tôn giáo là người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với việc xử dụng đất của cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật đất đai. Kể cũng lạ, quyền lợi không được hưởng mà trách nhiệm phải đeo mang, thật hết sức vô lý trong xã hội hiện nay.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân; nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác xử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hoà, Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam và nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước CHXHCNVN về nhà đất do nhà nước quản lý, bố trí xử dụng trong quá trình thức hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991) Nghĩa là cơ sở của Phật giáo bị trưng dụng, không có quyền đòi lại, trong khi Việt Kiều trở về, có quyền đòi lại nhà cửa đã bị tịch thu vì vượt biên và theo chính sách đoàn tụ?

Tại sao chỉ áp dụng riêng cho Phật giáo, còn các tôn giáo khác thì sao? Qua nội dung trên đây thì hầu như các Tăng ni đều bất bình, ngoại trừ quan chức PG nắm toàn quyền sinh sát tu sĩ với lòng tham vô đáy.Cũng theo tinh thần văn bản nầy, một ngôi chùa ở thị xã Vũng Tàu, đường Nguyễn Hữu Cảnh, ngõ vô Chí Linh, tên là An Lạc, từ ngày tiếp thu, chùa bị trung dụng làm nhiều việc như nuôi heo, giờ chuẩn bị làm nhà Tang lễ, thế mà không giao trả lại cho Phật Giáo; một số nơi cũng tương tự như thế; phải chăng văn bản nầy hợp thức hoá cho những việc làm sai trái trong quá khứ, và tiếp tục ủng hộ cho những sai trái của một số tu sĩ lạm quyền, tươc đoạt tài sản của những tu sĩ khác? Sư Giác Thế ở quận 7, TP HCM cũng nằm trong trường hợp nhà nước giải toả mặt bằng, bồi thường hàng tỷ đồng mà không được lãnh, bị sung vào công quỷ GH, ai đứng tên số tiền đó gửi vào ngân hàng?

Trong quá trình lập thủ tục xin chứng nhận quyền xử dụng đất trong mục thứ 4, cũng lắm nhiêu khê mà người đứng đầu cơ sở phải vất vả không kém để rồi tự thân không được quyền đứng tên cơ sở hay truyền quyền thừa kế như quy định trên đây:

4/ Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất gồm: Thành phần hồ sơ(02 bộ)-
a/ đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất( theo mẫu).
b/ Tờ tường trình ( báo cáo rà soát kê khai hiện trạng xử dụng đất)
Chú ý: địa phương không xác nhận vào tờ khai đối với những khu đất cơ sở tôn giáo hiện nay không trực tiếp xử dụng đất.
c/ phải có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đó ( do người trụ trì cơ sở tôn giáo ký tên).
d/ phải có giấy quyết định cho phép hoạt động về tôn giáo của UBND TP hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền chấp thuận việc bổ nhiệm người chủ trì cơ sở tôn giáo.
đ/ Ý kiến ( bằng văn bản) của BTG TP(sở nội vụ) về việc cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất cho cơ sở tôn giáo.
e/ UBND cấp huyện có văn bản cho ý kiến về quy hoạch, nguồn gốc, hiện trạng, quá trình xử dụng đất và mục đích xử dụng đất
f/ bản đồ hiện trạng vị trí khu đất được sở Tài nguyên và môi trường duyệt..

Những tiểu mục trên còn nhiều chi tiết chặt chẻ khác, như thế mới thấy làm một vị trụ trì của một cơ sở Phật giáo không phải nhẹ nhàn chi, thế mà lắm vị còn có tham vọng trụ trì nhiều chùa, xây dựng lắm cơ sở. Những chi phí qua nhiều cửa, ủng hộ nhiều phong trào, nhiều ngỏ ngách, tiền đó từ đâu mà có, nếu không từ quần chúng tín đồ???

Dân giàu nước mạnh chứ không phải nước giàu dân mạnh, dân giàu gián tiếp xác nhận quyền tư hữu của người dân; người dân ta, từ ngày chính sách đổi mới, nhà nhà làm giàu, người người tích lũy theo khả năng riêng, đó là hướng đi lên của xã hội, thế mà, sở Tài Nguyên môi trường lại ra một văn bản trở lại thời quá khứ, muốn nhà chùa Vô sản trong khi toàn dân tư hữu; tinh thần vô sản bao cấp vẫn còn sót lại trong cung cách suy nghĩ và làm việc của những cán bộ chậm tiến và những sư lạm quyền. Đây là một sai lầm, làm giao động không ít trong giới tu sĩ Phật giáo hiện nay; Những nỗi khổ tâm của tu sĩ Phật giáo, ai lắng nghe, ai giúp đỡ? Đây không phải là chủ trương của nhà nước, một số cơ quan ban ngành vẫn tuỳ tiện theo cá tánh; Một văn bản dù là của ban ngành chuyên môn, nhưng đại diện cho nhà nước, một quyết định sai thì sửa đổi, chả lẽ suốt đời cứ lấy dân ra làm vật thí rồi sửa đổi mãi? Một văn bản mà mạch văn lủng củng, dùng từ không suôn, ý tưởng áp đặt như thế làm sao thể hiện tính văn minh và dân chủ?

Hy vọng các cán bộ chuyên ngành nghiên cứu lại, hãy lấy ý kiến của toàn bộ tu sĩ chứ không nghe riêng một vài người có chức sắc để ảnh hưởng chung; phải thể hiện tinh thần dân chủ trong cung cách làm việc, bao cấp cửa quyền không còn thích hợp với xã hội tiến bộ của nhân loại hiện nay.

Tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, đối với tôn giáo dân tộc lại càng phải cẩn trọng, không nên dùng quyền áp chế như thế. Tuy Phật giáo rất lành, nhưng dùng quyền tước đoạt công sức và quyền lợi của họ như thế, sẽ tạo trong họ một sự âm ỷ bất mãn, làm sao có hoà khí đoàn kết cho đất nước mà nhà nước đang kêu gọi!

MINH MẪN
29/11/08

No comments: