Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản:
NXB làm đúng luật thì không thể bị đối tác “qua mặt”!
http://thethaovanhoa.vn/133N20081221120626728T14/NXB-lam-dung-luat-thi-khong-the-bi-doi-tac-qua-mat!.htm
(TT&VH) - Câu chuyện về xuất bản lại nóng lên trong thời gian gần đây nhất là sau vụ việc xảy ra ở NXB Đà Nẵng. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã diễn ra khi trên bàn ông, qua công tác đọc lưu chiểu, tiếp tục phát hiện một cuốn sách khác của NXB nọ cũng có thể sẽ phải dừng phát hành để sửa chữa…
* Thưa ông, cuốn sách của NXB Đà Nẵng gần đây bị phát hiện là “có vấn đề” như thế nào?
- Chúng tôi phát hiện ra sai sót về nội dung cuốn sách này trong quá trình đọc lưu chiểu. Chưa hết thời hạn 10 ngày nộp lưu chiểu, Cục đã kịp thời yêu cầu NXB này dừng phát hành cuốn sách đó.
* Trong thời gian gần đây, số sách bị phát hiện là “có vấn đề” trong quá trình đọc lưu chiểu, cần phải dừng lại để sửa chữa, bổ sung hoặc phải dừng phát hành có nhiều không, thưa ông?
- Về mức độ, thì trong 12 tháng vừa qua, có khoảng 60 cuốn bị phê bình, nhắc nhở, hoặc phải sửa chữa, thu hồi… Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 5 cuốn. Có thể thấy trong thời gian bùng nổ xuất bản gần đây, số sách bị nhắc nhở, vi phạm luật có tăng lên.
Đặc biệt, các cuốn sách thường mắc 2 lỗi lớn: Thứ nhất là tranh chấp bản quyền: Sách in ra không rõ bản quyền, hoặc xào xáo sách của nhau, hoặc một người đã mua bản quyền rồi, người khác thấy sách đó bán chạy, cũng lặng lặng in theo… Khi người kia phát hiện ra thì lấy cớ rằng: tôi không biết, không ai thông báo cho tôi là ông có bản quyền hợp hợp pháp cả. Nếu ông có bản quyền hợp pháp thì tôi xin lỗi ông, tôi thu hồi sách của tôi – Họ nói thế, nhưng thật ra thì họ đã bán được một mớ rồi. Đó là một ví dụ thường thấy. Lỗi thứ 2 là vi phạm trình tự, thủ tục, quy trình xuất bản. Khâu biên tập thì cẩu thả, nội dung còn nhiều chỗ sống sượng. Có những chỗ cần phải thẩm định theo quy định của Luật (như: xuất bản phẩm trước năm 1975 hoặc xuất bản phẩm ở nước ngoài) thì cũng không tổ chức thẩm định. Từ đó dẫn đến những sai sót về nội dung…
* Quy định của Luật Xuất bản năm 2004, cho phép các NXB liên kết với tư nhân để tổ chức bản thảo. Quy định này, một mặt là tạo điều kiện cho các NXB phát triển. Nhưng mặt khác, từ bài học của một số vụ việc vừa xảy ra, cũng có ý kiến cho rằng một số NXB đang rơi vào một tình thế rất đáng lo ngại: Sau khi NXB ký duyệt giấy phép, bản thảo giao cho đối tác, đối tác đưa đi in ở đâu NXB không hề hay biết. Sách in ra không theo bản thảo được NXB duyệt... Đến khi xảy ra sai sót NXB phải gánh chịu hậu quả. Theo ông, nên hiểu vấn đề này như thế nào? Có nên thông cảm với các NXB?
- Điều này, tôi có thể trả lời thẳng thắn rằng, không ai bắt NXB phải liên kết với các đối tác bên ngoài cả. Nếu anh thấy thiếu hụt một năng lực nào đó thì anh mới kêu gọi bên ngoài để liên kết. Còn nếu anh thấy tự lực làm được, thì Nhà nước có bắt anh phải liên kết đâu? Nhà nước trong Luật đã ghi rõ, NXB được phép liên kết để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm. Như vậy, Luật đặt các NXB vào thế chủ động, được quyền liên kết và chọn đối tác liên kết xuất bản (còn chọn ai là việc của NXB). Nếu Luật viết thế này thì lại là chuyện khác, thí dụ: Tổ chức, cá nhân được phép liên kết với NXB để công bố tác phẩm!!! Như thế mới là đặt các NXB vào thế bị động, phải tiếp nhận nhu cầu công bố tác phẩm). Nhưng, Luật đâu có quy định như vậy. Luật đã đặt các NXB vào thế chủ động trong liên kết và còn không chế cả những đối tượng đủ điều kiện mới được tham gia liên kết với NXB…
* Vậy nguyên nhân là…
- Một số NXB đang dần ỷ lại, thấy rằng mình chỉ ngồi ký giấy phép để lấy quản lý phí thì dễ dàng quá. Cho nên đã buông lỏng quản lý. Luật quy định rõ, Gíám đốc NXB đọc duyệt bản thảo trước khi đưa in và ký duyệt xuất bản phẩm trước khi nộp lưu chiểu (ký vào tờ khai để nộp lưu chiểu). Nếu thực hiện đúng 2 quy định vừa rồi thì có nghĩa là Giám đốc NXB phải 2 lần đọc tác phẩm: Đọc lần thứ nhất để duyệt bản thảo và đọc lần thứ 2 để xem cuốn sách có được in đúng như bản thảo mình đã sửa chữa, biên tập hay không. Nếu thực hiện đúng như vậy thì không bao giờ có chuyện NXB bị đối tác “qua mặt” cả. Đằng này, Giám đốc NXB có đọc lại sách sau khi in ra rồi ký duyệt để đưa đi nộp lưu chiểu hay không? Nếu đọc lại thì phải phát hiện ra sách in sai so với bản thảo được duyệt chứ?! Rõ ràng cái sai là NXB buông lỏng liên kết và không chấp hành luật pháp, chứ không thể đổ hết cho đối tác liên kết được.
* Thời gian gần đây, thị trường sách bùng nổ. Công việc đọc lưu chiểu của Cục có bị quá tải hay không?
- Hiện nay công việc đọc duyệt lưu chiểu là rất nặng nề. Cục phải có giải pháp là ký hợp đồng với các nhà khoa học ỏ các chuyên ngành phù hợp để tham gia vào Tổ đọc thẩm định nội dung, và công việc cũng được chia sẻ bớt. Với những cuốn “có vấn đề”, Cục phải lập Hội đồng thẩm định để lấy ý kiến trước khi ra quyết định...
* Thời hạn nộp lưu chiểu là 10 ngày, liệu có có gấp cho Cục?
- Rất căng thẳng. Khi Tổ đọc thẩm định nội dung phát hiện cuốn sách có thể “có vấn đề” mà hạn 10 ngày lưu chiểu đã hết, chưa thể thẩm định hoặc lập Hội đồng thẩm định xong xuôi, thì Cục sẽ có ngay văn bản yêu cầu NXB ngừng phát hành để tổ chức thẩm định. Luật cho phép hình thức “tạm đình chỉ” này.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
No comments:
Post a Comment