Friday, December 26, 2008

NGÀY TRẮNG LẠNH

Giáng Sinh, “Sài Gòn một màu trắng!”
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008-12-25
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ReadingBlogsSaigonAndChristmas_TGiao-12252008174114.html
Có người nói, rằng nhật ký thường đáng tin cậy hơn hồi ký. Nếu hồi ký là bản tự thuật của những nhân vật nổi tiếng, liên hệ đến những sự kiện lớn lao, ảnh hưởng lên số lượng quần chúng đông đảo, thì nhật ký là những tự tình cá nhân, được viết riêng, và nếu muốn, cũng chỉ dành riêng cho một số lượng nhỏ độc giả.
Hiển nhiên, không phải vì vậy mà nhật ký tự nó bao hàm ý nghĩa giới hạn độc giả. Tất cả tuỳ thuộc vào chính tác giả, người viết nên nhật ký.
Internet đã thay đổi bộ mặt xã hội; và Internet, trong một chừng mực nào đó, thay đổi cả cách thức giao tiếp xã hội. Vài mươi năm trước, con người khó mà có thể hình dung, một ngày nào đó họ lại được trang bị một phương tiện nhật ký có thể rộng mở cho hàng triệu người đọc, và có thể đọc ngay tức thời những gì vừa được viết ra.

Nguồn gốc thuật ngữ Blog

Thuật ngữ Blog, có nguồn gốc từ 2 chữ Web Log, có thể dịch sát nghĩa, là Nhật Ký Trên Mạng. Nếu thể loại nhật ký này không hề gây nên thắc mắc nào trong phần lớn những xã hội hiện đại, thì tên gọi này lại là phương tiện để một số chính quyền dựa vào, kiểm soát nội dung.
Một blogger nói rằng, web log, hay blog, hay nhật ký trên mạng, tất cả chỉ là thuật ngữ, là tên gọi. Tên gọi ấy không thể thay thế, hay chỉ định chức năng thật sự của một phương tiện giao tiếp.

Mùa Giáng Sinh, rồi năm mới Dương Lịch, rồi năm mới Âm Lịch, đang đến. Giới blogger Việt Nam, nhất là những “nhà báo – blogger,” có vẻ như đang là đối tượng của những chương trình kiểm soát gắt gao hơn từ phía chính quyền. Từ nhiều tháng qua, người ta bắt đầu nói tới những thông tư, nghị định, quy phạm quản lý Internet và Blog. Và quy định quản lý nhật ký mạng của các cá nhân tại Việt Nam đã được ban hành một ngày trước ngày lễ Giáng sinh.
Đến đúng ngày 24 tháng 12, một quan chức của Bộ Thông Tin Truyền Thông nói với báo điện tử VietNamNet về đề tài blog, rằng “dùng quyền tự do báo chí ở những môi trường không phải báo chí là không phù hợp.” Cục trưởng quản lý phát thanh-truyền hình-thông tin điện tử, ông Lưu Vũ Hải, tuyên bố với báo chí rằng việc xác định nhân thân của blogger để truy cứu hình sự tuy là điều khó, nhưng không phải là không thể làm được.

Tạm thời, hãy gác lại những định nghĩa và phản ứng với blog và blogger, hãy cùng nhau chia xẻ một bài thơ khi mùa Giáng Sinh đang đến. Bài thơ được một blogger, một nhà báo tự do, một nhà thơ tự do, mà anh gọi là “nhà thơ vỉa hè,” đưa lên nhật ký trên mạng của anh.
Nhà thơ, nhà báo tự do, có tên Trần Tiến Dũng. Bài thơ có tựa đề “Ngày Trắng Lạnh.” Và ý thơ nói về những cảm nhận của một nghệ sĩ về thành phố Sài Gòn, về xã hội, về những cảnh đời anh ghi nhận được, giữa mùa Giáng Sinh.

Đây, “Ngày Trắng Lạnh,” với Trần Tiến Dũng:
“Bông gòn và mốp tạo hình băng tuyết trên đường Nguyễn Huệ
khu trung tâm Sài Gòn một màu trắng
tháng 12 trời còn mưa
tôi đã nhìn thấy số 9 buông xuống như một lưỡi câu
đám đông ngày cuối năm quần tụ như bầy cá nhỏ
Tôi bắt tay một trí thức vừa rời Hội nghị Việt Nam học
ngày mai ông sẽ về nước của ông một người Việt về nước Mỹ
ông nói ông không thấy ngon miệng dù là ở Hà Nội hay Sài Gòn
ông đã quá già để trở lại chung sống với gia vị Việt Nam
nhưng đó không phải là tham luận của ông về các vấn đề của “thời đại Hồ Chí Minh”
ông kết luận món ăn Tây là thứ duy nhất không tìm cách bắt giam cái lưỡi…”


“Món ăn Tây là thứ duy nhất không tìm cách bắt giam cái lưỡi” và cả người thốt ra câu nói ấy, một “trí thức người Việt về nước Mỹ,” chỉ là những dạo đầu để Trần Tiến Dũng đi xa hơn, vào vấn đề chính mà anh muốn nói đến.
“…Những cửa hiệu Sài Gòn như đám trẻ con nắm tay đi vào chỗ đông vui
rừng thông bằng giấy kính bóng và đèn màu Trung Quốc đã được trồng
một bé gái bụi đời chỉ cho tôi cơn mưa tuyết trong ô cửa kính.
“Đồ giả đó ông ơi, ông già Noel cũng giả
má tui biểu tới tuổi phải lấy chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan
qua bển gởi quà về tui mới là ông già Noel thứ thiệt…””
“Hôm đi uống cà phê cùng bạn bè và một trí thức từ Mỹ về dự Hội Nghị Việt Nam học. Đi ngang trung tâm Sài Gòn, tôi cảm nhận cái ảm đạm của thời thiết không mấy khi lạnh của Sài Gòn, và tôi thấy người ta đang chăng đèn, kết hoa, làm mô hình tuyết, mô hình ông già Noel chuẩn bị đón năm mới.”

Ông già Noel giả?

Mô hình tuyết và ông già Noel chuẩn bị đón năm mới? Ông Già Noel cũng giả sao? Có bao giờ ông già Noel thật đâu! Sao lại đặt câu hỏi này vào thời điểm hôm nay. Blogger, nhà thơ vỉa hè Trần Tiến Dũng, chắc hẳn phải có tâm sự.
“Khủng hoảng kinh tế đang bao trùm, gây lo lắng toàn xã hội. Chuyện công nhân thất nghiệp, chủ bỏ chạy không trả lương, thất nghiệp, vật giá thì cao, hàng hoá thì đầy ắp. Tâm trạng lo lắng bao trùm. Tôi có cảm giác rất rõ, theo trực quan của một người làm thơ: Năm 2009 là năm con người sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn.” (sb_01)

Trần Tiến Dũng nói rằng, kinh tế khó khăn là một sự thật, đời sống chật vật là một sự thật, nhưng còn một sự thật khác, quan trọng hơn đối với riêng anh và xã hội mà anh đang sống, đó là “ánh sáng của sự thật, lời nói thật, sự nhìn nhận trung thực, để minh bạch với nhau và cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.”

Đối với blogger này, xã hội còn quá nhiều điều không thật. Anh tự hỏi, có phải “ông già Noel cũng giả?” Anh tin vào điều này, khi “Ông già Tuyết bằng cao su đang cố sức chìa tay mời mua hàng,” và:
“… ông được kích cầu bằng hơi và phình trương quá mức
lúc này ông có gương mặt của một người sắp bị đuổi việc
và một gã thất nghiệp với gương mặt bị tổn thương nói với ông
“Cha chẳng biết mẹ gì về chuyện khủng hoảng kinh tế đang móc túi tụi mình
thằng bạn tôi vừa té giàn giáo, con gái nó làm đĩ đứng núp gốc cây mà còn bị
xe đụng. Tôi và ông chỉ biết toàn chuyện lỗi thời cả,
xứ này chỉ bọn tham nhũng là có quyền sống sướng.”


“Mọi chuyện đều được khoả lấp, khoả lấp một cách khinh mạn, ngay cả trên mặt trận thông tin, từ những điều nhỏ nhất.” Trần Tiến Dũng khẳng định như vậy.
“Bây giờ cái gì cũng được khoả lấp bằng dối trá và khinh mạn. Cái khinh mạn ở đây có ngay cả trong mặt trận thông tin, trong những điều nhỏ nhất. Ban đầu thì có thể có lý do để dấu diếm, nhưng dần dần, thì đó là cả một thái độ ngạo mạn trong hành động dấu diếm. Người dân bị xem thường và chỉ là công cụ. Công dân hiện tại đang sống trong một xã hội mà họ không biết nhiều lắm, họ chỉ cặm cụi làm ăn kiếm sống, và chỉ biết đứng nhìn những hiện tượng, trắc trở.” (sb_02)

Trần Tiến Dũng viết tiếp trong “Ngày Trắng Lạnh.”
“…Đã thấy thêm một chiếc giày nữa đến ngã tư Đồng Khởi
hướng tây và hướng đông mây mưa vẫn dồn về
có khi linh hồn lính và thường dân đã chết cũng dồn về
trên thềm của xứ sở họ yêu và sống
hy vọng đủ tiền để mua vài cụm từ về lịch sử số phận cá nhân”
“Sài Gòn chiều cuối năm một vùng nước đục và lạnh
những người cộng sản lại tiếp tục chuẩn bị mồi
những miếng mồi hình trái châu, ngôi sao...
kéo sáng những dòng chảy mù mờ ảo giác khuyến dụ
đã thấy con số 9 thòng xuống như lưỡi câu
và ai cũng cắn mồi...
và ai cũng phải nói dối với người khác rằng cần phải
sống và đó là miếng mồi “ổn định”
đã thấy con số 9 năm mới có móc mồi
miếng mồi cuối cùng sẵn dành cho công dân
những miếng mồi xé ra từ lòng tự trọng của chính họ
Trong ngày Sài Gòn lem luốc màu bông tuyết giả
Đầu năm thứ 9 của thế kỷ 21
tôi bắt gặp tôi trong đám đông đang như bầy cá nhỏ lao vào
vùng nước trắng
một tấm lưới lớn
nấm- mồ -của -sự -thật”

Có người nói, rằng nhật ký thường đáng tin cậy hơn hồi ký. Nếu hồi ký là bản tự thuật của giới lãnh đạo, của những nhân vật nổi tiếng, thì nhật ký là tự tình cá nhân, được viết cho riêng tác giả, như những lời tự nói với chính mình.
Chắc hẳn, không ai đủ can đảm để tự lừa dối chính mình!

Nguyên văn bài thơ:

Ngày trắng lạnh
Bông gòn và mốp tạo hình băng tuyết trên đường Nguyễn Huệ
khu trung tâm Sài Gòn một màu trắng
tháng 12 trời còn mưa
tôi đã nhìn thấy số 9 buông xuống như một lưỡi câu
đám dông ngày cuối năm quầng tụ như bầy cá nhỏ

Tôi bắt tay một trí thức vừa rời Hội nghị Việt Nam học
ngày mai ông sẽ về nước của ông một người Việt về nước Mỹ
ông nói ông không thấy ngon miệng dù là ở Hà Nội hay Sài Gòn
ông đã quá già để trở lại chung sống với gia vị Việt Nam
nhưng đó không phải là tham luận của ông về các vấn đề của “ thời đại Hồ Chí Minh”
ông kết luận món ăn Tây là thứ duy nhất không tìm cách bắt giam cái lưỡi

Những cửa hiệu Sài Gòn như đám trẻ con nắm tay đi vào chỗ đông vui
rừng thông bằng giấy kính bóng và đèn màu Trung Quốc đã được trồng
một bé gái bụi đời chỉ cho tôi cơn mưa tuyết trong ô cửa kính.
“ Đồ giả đó ông ơi, ông già Noel cũng giả
má tui biểu tới tuổi phải lấy chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan
qua bển gởi quà về tui mới là ông già Noel thứ thiệt.”

Ông già tuyết bằng cao su đang cố sức chìa tay mời mua hàng
ông được kích cầu bằng hơi và phình trương quá mức
lúc này ông có gương mặt của một người sắp bị đuổi việc
và một gã thất nghiệp với gương mặt bị tổn thương nói với ông
“ Cha chẳng biết mẹ gì về chuyện khủng hoảng kinh tế đang móc túi tụi mình
thằng bạn tôi vừa té giàn giáo, con gái nó làm đĩ đứng núp gốc cây mà còn bị
xe đụng. Tôi và ông chỉ biết toàn là chuyện lỗi thời cả,
xứ này chỉ bọn tham nhũng là có quyền sống sướng”

Đã thấy năm mới đặt một chiếc giày vào Sài Gòn trắng
văn chương đã tìm thấy cuốn tiểu thuyết
bảo vệ “đời thường và hoàn cảnh cá nhân” (*) lãnh tụ
và đám đông luôn luôn là đám cá nhỏ
không có đời thường và hoàn cảnh cá nhân
và từ “ Đỉnh Cao Chói Lói” của Dương Thu Hương
bà và nhân vật chính của bà sẽ lại bắt đầu màn ảo thuật mới

Đã thấy thêm một chiếc giày nữa đến ngã tư Đồng Khởi
hướng tây và hướng đông mây mưa vẫn dồn về
có khi linh hồn lính và thường dân đã chết cũng tìm về
trên thềm cửa xứ sở họ yêu và sống
hy vọng đủ tiền để mua vài cụm từ về lịch sử số phận cá nhân

Sài Gòn chiều cuối măm một vùng nước đục và lạnh
những người cộng sản lại tiếp tục chuẩn bị mồi
những miếng mồi hình trái châu, ngôi sao…
kéo sáng những dòng chảy mù mờ ảo giác khuyến dụ
đã thấy con số 9 thòng xuống như lưỡi câu
và ai cũng cắn mồi…
và ai cũng phải nói dối với người khác rằng cần phải
sống và đó là miếng mồi “ổn định”
đã thấy con số 9 năm mới có móc mồi
miếng mồi cuối cùng sẵn dành cho công dân
những miếng mồi xé ra từ lòng tự trọng của chính họ

Trong ngày Sài Gòn lem luốc màu bông tuyết giả
Đầu năm thứ 9 của thế kỷ 21
tôi bắt gặp tôi trong đám dông đang như bầy cá nhỏ lao vào
vùng nước trắng
một tấm lưới lớn
nắm- mồ -của -sự -thật.
Trần Tiến Dũng
-------------------------------
(*) Đọc bài viết của Christine Nguyễn: “ Ra mắt cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương, .” BBCvietnamese.com

No comments: