Thursday, December 25, 2008

TẠI SAO LƯƠNG THẤP ?

Tại sao lương trong khu vực nhà nước quá thấp ?
Vũ Quang Việt

Cập nhật : 25/12/2008 00:56
http://www.diendan.org/viet-nam/tai-sao-luong-trong-khu-vuc-nha-nuoc-qua-thap/

Tại sao lại đặt vấn đề lương


Không ai trong khu vực nhà nước sống nổi bằng đồng lương, nhưng người ta vẫn sống, mà sống đàng hoàng. Câu nói này nói lên tình trạng thiếu lành mạnh của hệ thống nhà nước Việt Nam hiện nay. Tại sao lại sống được? Bởi vì để sống được và để có thể lo cho gia đình, kể cả tồn tại trong công việc, người ta phải làm những điều mà ở một xã hội bình thường khác họ thường sẽ cảm thấy xấu hổ. Nhưng xã hội Việt Nam hơi thiếu bình thường, bởi vì ở nước ta, tham nhũng không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể, mọi người cùng làm, hoặc cùng làm ngơ vì ai cũng có lợi trong đó; và hơn thế, những hành động này nhiều khi lại hợp pháp. Điển hình là trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, nhằm tăng thu nhập cho giáo chức ở trường công, đã cho phép nhà trường thu thêm các loại phí, cho phép thày cô giáo dạy thêm lấy tiền, cho phép thày cô nhận phong bì, cho phép Hội phụ huynh quyết định thu thêm các loại đóng góp cho trường mà Bộ coi là đóng góp “tự nguyện” của phụ huynh nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ mặc dù không đóng không được. Và tất nhiên là việc phân chia sẽ không đồng đều, cấp trên tất nhiên nhận nhiều hơn cấp dưới. Đây là những việc hoàn toàn hợp pháp. Còn những trường hợp chiếm dụng phần chi cho vật chất và đầu tư xây dựng để chia nhau là bất hợp pháp nhưng thường lại được lãnh đạo đồng ý tập thể. Sự thiếu nghiêm chỉnh trong giáo dục ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của trẻ em, mà khi lớn lên chúng có thể coi những hành động tham nhũng là điều tự nhiên, tự nhiên như cần dầu bôi trơn cho máy nổ hoạt động.

Mục tiêu phát triển

Lương, phần chính của thu nhập phải là tiêu chí của phát triển. Bất cứ một xã hội nào muốn phát triển trong ổn định ít nhất cũng phải đạt được năm tiêu chí:
một là, thu nhập tăng ổn định và phân phối công bằng (công bằng chứ không phải cào bằng),
hai là luật pháp công minh (tức là công bằng và nghiêm minh, không phân biệt đối xử địa vị xã hội, vai trò chính trị),
ba là mọi người bình đẳng về cơ hội,
bốn là môi trường thiên nhiên trong sạch, và
năm là nâng cao dân trí qua việc xây dựng một nền giáo dục có chất lượng.
Tất nhiên, nhiều nước còn đặt thêm các tiêu chí không thể thiếu khác như dân chủ và tự do. Tuy vậy, với tiêu chí số một, ở Singapore, Lý Quang Diệu lại tập trung vào điểm mấu chốt của mục tiêu này là bảo đảm lương bổng trong khu vực nhà nước không những đủ sống mà phải cao hơn khu vực tư nhân, để bảo đảm công chức không tham nhũng và toàn tâm làm nhiệm vụ phục vụ công quyền. Tất nhiên không ai ngờ nghệch cho rằng lương đủ sống sẽ bảo đảm tính thanh liêm của công chức, cán bộ làm cho nhà nước, nhưng nó là điều kiện cần.
Trong năm tiêu chí phát triển trên, chữ ổn định hầu như nằm ở trong từng tiêu chí. Nếu không có ổn định tất nhiên không thể phát triển.

Về mặt kinh tế, chữ ổn định cũng bao hàm:
một là, lương được trả đúng với sức mình bỏ ra, ít nhất là bảo đảm khả năng tái sản xuất sức lao động một cách hợp pháp và hợp đạo đức;
hai là nền kinh tế có tăng trưởng để ngày càng tạo thêm công ăn việc làm cho lao động chưa có việc làm và cho giới trẻ mới gia nhập lực lượng lao động, và
ba là giá cả ổn định để chúng không làm giảm sức mua của thu nhập.

Mục tiêu phát triển vừa qua là gì?

Nếu chỉ xét về mặt kinh tế, thì mục tiêu phát triển của Việt Nam nhằm vào tốc độ tăng GDP là chính chứ thực chất trong hành động không nhằm vào mục tiêu ổn định hay chất lượng.
Thiếu mục tiêu ổn định đã phản ánh rõ qua việc lạm phát, nguyên nhân làm khốn khổ đời sống nhân dân lao động, nhất là người sống bằng đồng lương, và là yếu tố cơ bản làm mất ổn định xã hội đã không được để ý đúng mức.
Nhìn vào ba nước đạt tốc độ tăng GDP cao trong 5 năm 2003-2007 (coi bảng 1) là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam thì chỉ có Việt Nam là có lạm phát cao trên dưới 8% suốt từ 2004 và lại tăng vọt vào năm 2008, có tháng vào đầu năm 2008 tính theo mức tăng của năm lên đến 60%. Thế nhưng quan chức nhà nước vẫn kiên trì với tốc độ phát triển từ 8,5 đến 9,0%, cho đến khi chính sách của chính phủ bị Bộ Chính trị đảo ngược với Kết luận về chống làm phát vào ngày 4/4/2008. Ngược lại, các nước khác trong cùng khu vực như Indonesia, Phi, Thái Lan khi thấy lạm phát tăng (dù còn thấp hơn Việt Nam) đã phải bằng mọi cách đưa chúng xuống, ngay cả thời mà quan chức nhà nước Việt Nam cho rằng lạm phát là do yếu tố quốc tế như giá dầu lửa và lúa gạo tăng.

Bảng 1. Tích luỹ, tốc độ tăng GDP và lạm phát ở một số nước
Nguồn: ADB, Key Indicators 2008,
http://img265.imageshack.us/img265/6288/18219282uy6.jpg

Thiếu mục tiêu chất lượng đã phản ánh rõ về quyết định của chính phủ Nhật tạm dừng ODA vừa qua, cũng như hàng loạt các con sông bị ô nhiễm nặng nề, cùng nạn kẹt xe ô nhiễm trong thành phố hiện nay.

Tại sao lương trong khu vực nhà nước ở Việt Nam lại thấp?


Câu hỏi về lương trong khu vực nhà nước ở Việt Nam đòi hỏi ta nhìn nhận lại chính sách tất cả vì đầu tư hiện nay, dù là nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao, bất chấp môi trường, sự ổn định đời sống của dân chúng và nói chung là chất lượng sản phẩm, chất lượng phát triển. Hiện nay, Việt Nam đầu tư tới 41,7% GDP, có nghĩa là làm 100 đồng thì để đến gần 42 đồng bỏ vào đầu tư, vượt xa rất nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đầu tư dù cao như vậy vẫn không những đạt tốc độ đề ra, mà lại còn đẩy nền kinh tế tới chỗ khủng hoảng vì lạm phát. Mà đầu tư lại tập trung vào khu vực quốc doanh, chiếm tới 40% tổng đầu tư của cả nước, nhưng chỉ tạo ra khoảng 4 triệu việc làm, bằng 18% việc làm cả nước. Đấy là đã kể tới cả 2 triệu lao động trong khu vực dịch vụ nhà nước.

Bảng 2. Chi ngân sách nhà nước năm 2007
Nguồn: ADB, Bộ Tài chính
http://img265.imageshack.us/img265/18/51313397ou4.jpg

Ngoài vốn từ ngân sách, lại còn vốn vay mượn nước ngoài mà nhà nước cuối cùng phải chịu trách nhiệm cũng là nhằm giúp hình thành các tập đoàn quốc doanh. Vốn vay này hiện nay không được ghi là vốn vay của ngân sách. Nhưng nếu chỉ nhìn vào ngân sách ta thấy, chi ngân sách so với GDP ở Việt Nam là 30%, rất cao so với các nước trong khu vực, cao gấp rưỡi Trung Quốc và Thái Lan và gấp đôi Ấn Độ. Và hơn nữa trong ngân sách, chi cho đầu tư lại cao gấp rưỡi, gấp đôi các nước khác (coi bảng 3). Chính vì chi đầu tư quá cao mà tỷ lệ chi lương cho cán bộ công nhân viên nhà nước đâm ra quá thấp. Và do lương quá thấp, tỷ lệ đầu tư cao càng làm tăng nguồn cho tham nhũng và sự tàn phá môi trường.

Bảng 3. Ngân sách nhà nước Việt Nam so với các nước khác
Nguồn: ADB
http://img265.imageshack.us/img265/6522/91939233bq0.jpg

Hiện trạng trả lương trong khu vực nhà nước

Chi lương hiện nay không nằm trong các tường trình về ngân sách vì cũng như giáo dục có lẽ không ai biết thực chi cho lương là bao nhiêu. Tuy nhiên về mặt thống kê có thể tính được dựa vào thu nhập bình quân lao động trong khu vực nhà nước do Tổng cục Thống kê điều tra. Mà thu nhập thường phải cao hơn lương và thu nhập thêm chính thức vì còn các khoản thu lãi tiền gửi ngân hàng, thu do người khác chuyển nhượng. Thu nhập này được tính trong bảng 4.

Bảng 4. Thu nhập lao động nhận lương từ ngân sách 2007
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Chỉ tính lao động không thuộc hoạt động phi doanh nghiệp
http://img265.imageshack.us/img265/9563/90403462jo4.jpg

Dù đã tính dôi thừa ra dựa trên ý niệm thu nhập, thu nhập của nhân viên nhà nước cũng chỉ bằng có 3,8% GDP và bằng 13% chi ngân sách, một tỷ lệ cực kỳ nhỏ bé (coi bảng 5). Chi lương chắc còn nhỏ hơn vì trong giáo dục, điều tra thực địa cho thấy lương trung bình chỉ có 1,4 triệu tháng tức là bằng 70% thu nhập nhận được từ hoạt động trong trường (Trần Hữu Quang, Thời Đại mới, tháng 3 2008). Thu nhập chính thức này vẫn chưa kể thêm thu nhập thêm khác mà Tổng cục Thống kê tính vào thu nhập lao động. Nếu đi vào phân tích chi tiết ở bảng 4, cột (5) ngoại trừ chi cho giáo dục và Đảng và đoàn thể, tỷ lệ chi lương rất thấp so với tổng chi thương xuyên (chi thường xuyên thường là gần bằng GDP tạo ra trong các hoạt động này).

Bảng 5. Chi lương từ ngân sách
http://img265.imageshack.us/img265/3351/20584588ry7.jpg


Thử nhìn một cách khác

Như đã nói, ngân sách hiện nay ở Việt Nam chiếm tới 30% GDP. Trong đó phần trả lương cao lắm cũng chỉ bằng 3,8% GDP. Trong ngân sách, phần đầu tư chiếm tới 33% ngân sách và bằng 9,8% GDP. Như vậy, nếu cho rằng việc trả lương xứng đáng cho lao động là đầu tư vào con người nhằm tăng chất lượng cuộc sống và giảm trừ tham nhũng mà chuyển 9,8% GDP đầu tư trong ngân sách này sang cho trả lương, ta thấy là lương có thể bằng 3,5 lần hiện nay. Tổng lương trả như thế cũng chỉ bằng 154 ngàn tỷ, khoảng 9,6 tỷ USD. Ngay cả chỉ chuyển một nửa để tỷ lệ đầu tư trong ngân sách tương đương với các nước khác thì lương cũng có thể tăng hơn gấp đôi.

Tất nhiên có người sẽ thấy vô lý khi ngân sách chính phủ không có khoản đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Câu trả lời có thể hình dung được nếu như một phần số tiền được doanh nghiệp quốc doanh giữ lại đầu tư thiếu hiệu quả hiện nay được chuyển vào đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Hiện nay khu vực nhà nước đầu tư lên tới 16% GDP. Mà đầu tư từ ngân sách ở các nước trung bình chỉ khoảng 4% GDP. Theo như nhiều cáo buộc, cũng như điều tra thì mức tham nhũng trong đầu tư lên tới 15%, tức là 15% của 16% GDP, hay là bằng 2,4% GDP, không xa số lương trả từ ngân sách.
Ngoài ra, cũng nên xem xét lại tại sao chi lương (ở mức cao nhất) hiện nay cũng chỉ bằng 44,8% chi thường xuyên, còn ở nhiều hoạt động thì quá thấp (coi bảng 4). Vậy có thể giảm chi cho vật chất để tăng cường cho chi lương không?

Để kết luận, câu hỏi đặt ra là liệu nhà nước ta có sẵn sàng có một cái nhìn khác hơn về con người và về chất lượng cuộc sống không khi nói đến phát triển? Nếu câu trả lời là có thì cần nhìn lại chiến lược phát triển và chi tiêu ngân sách hiện nay.
Vũ Quang Việt


No comments: