Monday, December 23, 2024

TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN "KIỂU TRUMP" ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (James Palmer  |  Foreign Policy)

 



Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc

James Palmer  |  Foreign Policy 

Tạ Kiều Trang, biên dịch

21/12/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/12/21/tac-dong-cua-chinh-quyen-kieu-trump-doi-voi-trung-quoc/    

 

HÌNH : https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2024/12/trump-xi-meeting-GettyImages-871867032.jpg?resize=1000,665&quality=90

Tập & Trump

 

Dù còn những trở ngại ngăn cản Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau, Bắc Kinh vẫn có thể tìm ra cách để đạt được các thỏa thuận

.

Tiêu điểm tuần này: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gợi ý một con đường mới cho quan hệ Mỹ – Trung qua lời mời tham dự lễ nhậm chức của mình; Hoàng tử Andrew của Anh bị cuốn vào một vụ bê bối liên quan đến một doanh nhân người Trung Quốc; Quốc hội Mỹ gia hạn một thỏa thuận hợp tác khoa học bất chấp một số phản đối.

 

 

Thông điệp gửi đi từ lời mời tham dự lễ nhậm chức của Trump

 

Tuần trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có một động thái khác thường khi mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức của mình dự kiến diễn ra vào tháng Một, đồng thời nói rằng ông và Tập có thể hợp tác để “giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới”. Mặc dù lời nói của Trump có thể không mang nhiều ý nghĩa thực tế, nhưng nó có thể mở ra một con đường để Trung Quốc tiếp cận chính quyền mới, một con đường mà cho đến nay vẫn chưa chắc Trung Quốc sẽ chọn đi.

 

Tập Cận Bình dự kiến sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Trump và sẽ cử một đại diện thay mặt. Một phần là vì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, giống như Trump, rất thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ và làm nhục đối thủ chính trị. Tập hiểu rằng sự tham dự của mình sẽ bị hiểu là sự khuất phục, và ông không hứng thú với việc chơi theo cách đó.

 

Lời mời của Trump cũng không hẳn là thiếu thành ý. Trong khi thường xuyên đe dọa các biện pháp thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc nhưng Trump vẫn nhiều lần khen ngợi Tập. Cách thể hiện này dường như là một phần trong quan điểm ngoại giao của Trump: Mọi thứ có thể được giải quyết thông qua các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người đứng đầu, bất kể đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

 

Tuy nhiên, dù Trump và Tập đã gặp nhau nhiều lần trong nhiệm kỳ đầu của Trump nhưng không một cuộc gặp nào mang lại những tiến triển đáng kể trong quan hệ Mỹ – Trung. Có lẽ là vì Trung Quốc do dự nên không tận dụng hết mong muốn của Trump là được tiếp xúc cá nhân và đổi chác lợi ích tiềm năng. Chưa từng có một “thỏa thuận toàn diện” nào được đưa ra từ trước đến nay.

 

Có một vài lý do cho việc đó. Lãnh đạo chính trị Trung Quốc thường tin vào tuyên truyền của chính họ – cho rằng các chuẩn mực dân chủ phương Tây phải hoạt động như một lớp vỏ bọc che phủ cho cách thức quyền lực thực sự vận hành, cũng giống như những tuyên bố của Trung Quốc rằng họ là một nước dân chủ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc nhìn nhận Trump không thể thực hiện những thay đổi mang tính căn bản.

 

Sự tiếp nối của các chính sách thương mại cứng rắn và thái độ “diều hâu” của chính quyền Biden đã củng cố niềm tin này, ngay cả sau khi mối quan hệ hai nước bình thường hóa thành công vào năm 2023. Hơn nữa, chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Trump phần lớn được định hình bởi những người xung quanh ông như Mike Pompeo và Matt Pottinger thay vì bởi bản thân Tổng thống Trump.

 

Các nhân sự được chỉ định trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump bao gồm nhiều chính khách cứng rắn với Trung Quốc, từ Peter Navarro quay trở lại cho đến Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Đảng Cộng hòa vẫn chưa thống nhất về việc nên coi Trung Quốc là kẻ thù sống còn hay chỉ là một đối thủ đáng gờm. Trump có thể thúc đẩy đảng Cộng hoà thay đổi quan điểm, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Trump quan tâm đến một thỏa thuận với Bắc Kinh nhiều như cách ông ta quan tâm đến thuế quan.

 

Trung Quốc cũng không thể xây dựng với nhóm cận thần của Trump một mối quan hệ tương tự như cách các nước láng giềng Đài Loan hay Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng. Bất cứ tuyên bố nào về “tình bạn” giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều thường không dựa trên cơ sở thực tế.

 

Các trở ngại về mặt cấu trúc khiến hai bên khó có thể thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân trở nên gần gũi hơn. Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích hầu như không thể duy trì mối quan hệ cá nhân với các đối tác Trung Quốc giống như cách họ làm với các quan chức Hàn Quốc hay Nhật Bản vì sợ bị coi là mối nguy an ninh. Các quan chức Trung Quốc còn gặp nhiều nguy hiểm hơn nếu như có mối liên hệ nào ngoài quy định.

 

Vì vậy, bất kỳ hoạt động vận động hành lang nào cũng phải thông qua các bên trung gian – và ngay cả các tổ chức ở Hồng Kông từng cung cấp cơ sở để có thể phủ nhận trách nhiệm một cách chính đáng, giờ đây cũng đã mất uy tín ở Mỹ kể từ khi Trung Quốc làm suy yếu tự do chính trị tại khu vực này.

 

Một cách dễ thấy mà Trung Quốc có thể tận dụng từ chính quyền Mỹ đã được Trump cá nhân hoá, đó là các công ty Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có thể giành được miễn trừ bằng cách bày tỏ sự tôn trọng với Trump. ZTE đã thực hiện điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, và TikTok đang cố làm như vậy trong thời gian gần đây. Kết quả có thể mở ra cho Bắc Kinh một con đường mới để có thêm các thỏa thuận với Trump

 

 

Tin tức đang được quan tâm

 

Vụ bê bối của Hoàng tử Andrew. 

Hoàng tử Andrew lại tiếp tục bị cuốn vào một vụ bê bối khác, lần này là liên quan đến mối quan hệ của ông với Dương Đằng Ba (Yang Tengbo), một doanh nhân Trung Quốc hiện bị cấm nhập cảnh vào Anh vì lý do an ninh quốc gia.

 

Dương, một người bị cáo buộc là đặc vụ có ảnh hưởng, trước đây được báo chí Anh biết đến với biệt danh H6, đã bị RFA tiết lộ danh tính vào tuần trước trước khi thông tin này được công khai tại Vương quốc Anh. Việc kết giao với Dương chỉ là một trong những quyết định sai lầm gần đây của Hoàng tử Andrew mà công chúng được biết đến.

 

Dương đứng đầu vài hiệp hội thương mại Anh – Trung Quốc và là cố vấn cấp cao của Hoàng tử; ông được giao quyền đại diện Hoàng tử trong các giao dịch tài chính tại Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể đây không phải là một âm mưu của Trung Quốc nhằm nhắm đến quyền lực của hoàng gia Anh. Theo tôi, Dương đã vô tình tiếp xúc với Hoàng tử và đã tận dụng cơ hội đó để tăng cường vị thế của mình trong giới an ninh Trung Quốc.

 

Vụ việc này đã phơi bày một cuộc đấu đá trong nội bộ chính phủ Anh: Chính phủ Đảng Lao động, vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm nay, dự định thông qua một Đạo luật Đăng ký Ảnh hưởng Nước ngoài (Foreign Influence Registration Act) vào năm tới, kế thừa từ các kế hoạch của Đảng Bảo thủ và mô phỏng phần nào theo hệ thống đăng ký ở Mỹ. Đạo luật này sẽ yêu cầu các nước trong “nhóm tiên tiến,” chẳng hạn như Trung Quốc, phải đăng ký ở cấp độ cao hơn.

 

Đảng Lao động rất muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh vì lý do kinh tế và có tin đồn rằng họ đang tìm cách đưa Trung Quốc xuống cấp độ thấp hơn. Câu chuyện về Hoàng tử Andrew có khả năng đã bị rò rỉ nhằm tạo áp lực lên Trung Quốc nhằm làm hỏng các kế hoạch đó.

 

 

Thanh lọc chống tham nhũng.

Một bài phát biểu của Tập Cận Bình tại một cuộc họp chống tham nhũng vào tháng Một, trong đó nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải “chĩa mũi dao vào chính mình,” đã được đăng tải trên tạp chí Cầu Thị của Đảng vào hôm thứ Hai. Bài phát biểu này được công bố như một phần của chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội đang diễn ra, một chiến dịch đã khiến quan chức cấp cao Miêu Ha và hai bộ trưởng quốc phòng bị hạ bệ chỉ trong vòng hai năm qua.

 

Kể từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã tận dụng các chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ kẻ thù chính trị. Tuy nhiên, Tập cũng thật sự tin rằng tham nhũng chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của ĐCSTQ (dù vậy, gia đình Tập rất giàu có).

Trong những năm 2000, một số lãnh đạo đảng đã nhận thức rằng để kiềm chế tham nhũng, họ cần phải cho phép một số mức độ giám sát công khai đối với chính phủ. Tuy nhiên, Tập Cận Bình lại coi sự công khai đó như một mối đe dọa không kém gì tham nhũng. Ông chủ trương duy trì kỷ luật nội bộ và giữ quyền kiểm soát hoàn toàn quá trình này.

 

 

Công nghệ và Kinh doanh

 

Thỏa thuận khoa học vẫn được duy trì. 

Một thỏa thuận hợp tác khoa học quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, được ký kết lần đầu tiên vào năm 1979, đã được gia hạn trong tuần này dù bị một số nghị sĩ Mỹ phản đối. Thỏa thuận này có các điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ được thắt chặt, tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc có thực sự áp dụng các điều khoản này hay không; Trung Quốc thường xuyên khuyến khích các công ty đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và giúp đỡ các công ty này thực hiện hành động đó.

 

“Sáng kiến Trung Quốc” của chính quyền Trump, cộng với tác động của đại dịch COVID-19, đã gây thiệt hại cho sự hợp tác khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên. “Sáng kiến Trung Quốc” đã làm dấy lên sự chú ý đến những mối liên hệ mơ hồ giữa một số nhà khoa học ở Mỹ và nguồn tài trợ đến từ Trung Quốc, để rồi đến cuối cùng sáng kiến lại bị nhìn nhận như là một thất bại khi nó biến thành cuộc săn lùng nhắm vào các nhà khoa học gốc Hoa, khiến cho các tài năng khoa học bị đẩy ra xa.

 

Trong khi trước đây Trung Quốc luôn tìm cách tiếp cận tài sản trí tuệ của Mỹ để bắt kịp tốc độ phát triển thì cục diện nay đã thay đổi, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe điện.

 

 

Phản ứng với cuộc tấn công của nhóm hacker Bão Muối (Salt Typhoon). 

Tác động của cuộc tấn công do nhóm hacker Bão Muối thực hiện – vụ hack lớn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng viễn thông Mỹ mùa xuân qua – vẫn tiếp tục lan rộng. Động thái trả đũa đầu tiên của Washington là lệnh cấm China Telecom hoạt động tại Mỹ — tuy nhiên, biện pháp này không có tác dụng nhiều vì tập đoàn nhà nước này đã phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt từ trước.

 

Tuy nhiên, tác động chính của cuộc tấn công có thể là về mặt chính trị. Tầm ảnh hưởng của nhóm hacker Bão Muối đủ lớn để khiến các cuộc trao đổi tại Quốc hội về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thúc đẩy những người trước đây ôn hòa chuyển sang ủng hộ chính sách cứng rắn. Điều này có thể định hướng hướng đi của Quốc hội trong nhiệm kỳ sắp tới.

 

-----------------------------------------

 

Nguồn: James Palmer, “What Trump’s Personalized Presidency Means for China,”  Foreign Policy, 17/12/2024

 

 

 

 

 

 



No comments: