Sunday, December 22, 2024

CHUYÊN GIA : VIỆT NAM - TRUNG QUỐC THẮT CHẶT QUAN HỆ TRONG CHIẾN LƯỢC MỚI "3+3" (Thu Hằng | RFI)

 



Chuyên gia : Việt Nam - Trung Quốc thắt chặt quan hệ trong chiến lược mới “3+3”

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 22/12/2024 - 13:18  -  Sửa đổi ngày: 22/12/2024 - 13:24

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20241222-vi%E1%BB%87t-nam-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BA%AFt-ch%E1%BA%B7t-quan-h%E1%BB%87-trong-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%9Bi-3-3

 

Trung Quốc và Việt Nam đã đưa thêm vế an ninh quốc gia, biến đối thoại “2+2” thành “3+3” với cuộc họp đầu tiên diễn ra ngày 09/12/2024. Thông tin được đưa trên trang web của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhưng truyền thông Việt Nam chỉ nhắc đến « cuộc họp cấp thứ trưởng ». Trả lời South China Morning Post ngày 22/12, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có tham vọng đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo trong khi Hà Nội đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với các cường quốc.

 

HÌNH :

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc hội đàm tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 13/10/2024. AP - Duong Van Giang

 

Báo Hồng Kông South China Morning Post nhắc lại, theo truyền thống, đối thoại “2+2” liên quan đến ngoại giao và quốc phòng. Cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ cơ chế mới diễn ra vào lúc Đông Nam Á ngày càng được coi là một điểm cạnh tranh quan trọng về địa-chính trị giữa các cường quốc.

 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc đưa thêm an ninh quốc gia vào trong đối thoại, được trang Global Times đánh giá « nỗ lực tiên phong », lại cho thấy quan ngại của cả hai bên về sự ổn định trong nước và mối đe dọa thay đổi chế độ. Nhà nghiên cửu Bill Hayton, Viện Chatham House của Anh, cho rằng cả hai nước đều lo « các cuộc cách mạng màu » ủng hộ dân chủ do các cường quốc phương Tây khởi xướng và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về cách phòng chống.

 

Về phía Hà Nội, theo giáo sư Huỳnh Tam Sang, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Việt Nam, thì cho dù đa dạng hóa về đối ngoại trong những năm gần đây, đặc biệt là với Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác trong vùng, nhưng Việt Nam vẫn cần thể hiện với Bắc Kinh về tính chất « đặc biệt » và « duy nhất » trong mối quan hệ song phương.

 

« Thể hiện sự tôn trọng nhất định với Trung Quốc » là một điểm chiến thuật giúp Hà Nội « được linh hoạt hơn trong việc mở rộng phạm vi hành động », trong đó có việc bình tĩnh giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Theo giáo sư Huỳnh Tam Sang, chiến lược này đã mang lại một số kết quả. Việt Nam đã làm dịu phần nào những xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khác với Philippines chọn hướng đối đầu trên biển.

 





No comments: