Saturday, December 21, 2024

TỨ TRỤ CŨ : MỘT NGƯỜI MẤT, BA NGƯỜI BỊ KỶ LUẬT (Trọng Phụng  - Lam Hồng  /  Luật Khoa tạp chí)

 



Tứ Trụ cũ: Một người mất, ba người bị kỷ luật

Trọng Phụng   |  Lam Hồng    (Luật Khoa tạp chí)

December 20 20244:52 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/tu-tru-cu-mot-nguoi-mat-ba-nguoi-bi-ky-luat/

 

Chưa bao giờ làm thành viên Tứ Trụ lại nguy hiểm đến thế.

 

Dàn Tứ Trụ cũ (nhiệm kỳ 2021 - 2026), ngoại trừ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã qua đời, thì ba người còn lại đều đã bị kỷ luật.

 

Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên trong lịch sử nước nhà, các cựu lãnh đạo cấp cao thuộc Tứ Trụ bị kỷ luật sau khi rời chức vụ.

 

 

Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư tại vị lâu nhất trong thời kỳ Đổi mới

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/12/image.png

Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024). Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Kể từ khi bắt đầu Đổi mới năm 1986, ông Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp. 

 

Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp chính trị tại Tạp chí Cộng sản (trước là Tạp chí Học Tập) từ tháng 12/1967 và giữ chức tổng biên tập từ tháng 8/1991 - 8/1996. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản từ khóa VII và liên tiếp qua sáu khóa tiếp theo. Trong giai đoạn 1996 - 1998, ông là phó bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi bí thư Thành ủy từ năm 2000 - 2006.

 

Sau đó, ông làm chủ tịch Quốc hội từ 2006 - 2011 và giữ chức tổng bí thư từ 2011 đến khi qua đời vào ngày 19/7/2024.

 

Ông Trọng được mệnh danh là “người cộng sản kiên trung” với một nghị trình bảo thủ.

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, dưới sự lãnh đạo của ông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh việc tiếp tục khẳng định quyền lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 quy định: "Đảng Cộng sản Việt Nam [...] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, hay tại Điều 51 xác định: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

 

Ngoài ra, vị cố tổng bí thư còn nổi tiếng với chiến dịch “đốt lò” - chủ trương xử lý mạnh tay những quan chức cấp cao tham nhũng.

 

Trong nhiệm kỳ thứ hai làm tổng bí thư của ông (2016 - 2021), hàng loạt chính khách như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị rơi vào vòng lao lý.

 

Trong giai đoạn trước và sau đại dịch COVID-19, chiến dịch “đốt lò” tiếp tục “rừng rực cháy” khi hàng loạt quan chức từ trung ương đến địa phương bị đem ra xét xử do liên quan các vụ đại án như “chuyến bay giải cứu”, vụ Việt Á, Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An.

 

Dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, không gian của tiếng nói phản biện bị kiểm soát tới mức nghẹt thở. Điển hình là năm 2018, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng - mở ra thời kỳ của tăng cường kiểm soát, giới hạn tự do trên Internet.

 

Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, với 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm, trong đó có 20 blogger.

 

Trong thời gian tại vị, ông Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều dấu ấn ngoại giao. Điển hình như vào tháng 7/2015, ông có một chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, trở thành tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam được một tổng thống Mỹ tiếp đón tại Nhà Trắng. Ông Trọng cũng góp phần nâng tầm quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia lớn, như Mỹ (Đối tác Chiến lược Toàn diện 2023), Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

 

 

Nguyễn Xuân Phúc và phát ngôn “vợ, con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/12/image-1.png

Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VOA/ D.H/ Người Đô Thị. Đồ họa: LK.

 

Ngày 13/12, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Bộ Chính trị Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật cảnh cáo cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; và khiển trách cựu Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.

 

Trước đó, ngày 21/11, Bộ Chính trị cũng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo với cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đánh giá “vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước” song chưa xem xét kỷ luật do “đang điều trị bệnh”.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân (1973 -1977). Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1978 tại Ban Quản lý Kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và giữ chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam từ 2001 - 2006. Sau đó, ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong Chính phủ, trở thành thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

Ngày 5/4/2021, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 

Tuy nhiên, đến ngày 17/1/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã cho ông Phúc thôi làm nguyên thủ quốc gia và nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân.

 

Theo thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ do "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" khi để xảy ra vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian ông tại nhiệm. Có hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ khác bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự.

 

Tuy nhiên, vào thời điểm này, có nhiều luồng dư luận cho rằng lý do thực sự khiến ông Phúc “ngã ngựa” là do dính líu đến vụ án nâng giá bộ xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

 

Ngày 4/2/2023, một số tờ báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu tại lễ bàn giao công tác rằng: "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng". Tuy nhiên, đoạn phát ngôn này sau đó bị gỡ bỏ. 

 

Tới ngày 30/11/2024, cựu Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố vì tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn” liên quan đến sai phạm của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Đáng lưu ý, ông Dũng đã khai với cơ quan điều tra rằng ông nhận được chỉ thị của cấp trên để “tiếp tay” cho sai phạm. Dư luận suy đoán cấp trên ở đây là ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông còn đương chức thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

 

Về thành tựu, nhiều tờ báo cũng đưa tin rằng trong nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã triển khai nhiều chính sách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh kinh tế tư nhân. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn 2016 - 2019, và tạo nền tảng vững chắc để ứng phó với các khó khăn kinh tế thời COVID-19. 

 

 

Võ Văn Thưởng - chủ tịch nước tại vị ngắn nhất trong lịch sử

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/12/image-2.png

Ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh gốc: Báo Bắc Giang. Đồ họa: Văn Khiêm / Luật Khoa.

 

Ông Võ Văn Thưởng là người kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Võ Văn Thưởng, sinh ngày 13/12/1970 tại Vĩnh Long, là cựu sinh viên Khoa Triết học, Đại học Tổng hợp TP. HCM. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ công tác đoàn, trải qua nhiều vị trí tại Thành đoàn TP. HCM từ 1992 - 2004, và giữ chức bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn từ 2007. Ông từng là bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 - 2014), phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM (2014 - 2016), trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (2016 - 2021) và thường trực Ban Bí thư (2021 - 2023).

 

Ngày 2/3/2023, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, thay ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy nhiên, ngồi ghế nguyên thủ quốc gia chỉ tròn một năm thì ông Thưởng đã phải “hạ cánh” khi ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý để ông thôi giữ các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân.

 

Theo kết luận, ông Thưởng đã “vi phạm những điều đảng viên không được làm”, chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước, do để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân.

 

Ở thời điểm này, dư luận suy đoán nguyên nhân ông Thưởng mất chức là do có liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn, diễn ra ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi - nơi ông từng làm bí thư Tỉnh ủy từ năm 2011 - 2014.

 

Ngoài ra, dư luận đồn đoán về việc ông liên quan đến một vụ án tại báo Thanh Niên.

 

Cụ thể, vào tháng 1/2024, hai cựu tổng biên tập của tờ này là ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông bị khởi tố với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 của Bộ luật Hình sự. Sai phạm của vị hai tổng biên tập liên quan đến dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151 - 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP. HCM từ năm 2008.

Đây là thời gian trùng với giai đoạn ông Thưởng làm bí thư thường trực, rồi bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (2006 - 2011), cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên.

 

 

Trong cuộc họp ngày 20/11/2024, Bộ Chính trị nhận thấy ông Võ Văn Thưởng, trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo như ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010 - 2015, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thường trực Ban Bí thư, chủ tịch nước, đã vi phạm quy định của đảng và nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Tuy nhiên, theo thông báo Bộ Chính trị, do vị cựu chủ tịch nước đang trong quá trình điều trị bệnh nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông tại thời điểm đó.

 

Ông Thưởng có nhiều dấu ấn ngoại giao trong nhiệm kỳ chủ tịch nước, như nâng cấp mối quan hệ với Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”; thúc đẩy quan hệ với Úc và Tòa Thánh Vatican.

 

 

Vương Đình Huệ - bất ngờ “ngã ngựa”

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2024/12/49823749234.jpg

Cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh gốc: Chưa rõ nguồn. Đồ họa: Luật Khoa.

 

Tưởng chừng như đã ngồi chắc trên bệ phóng, chỉ chờ ngày leo lên đỉnh cao quyền lực, chính khách họ Vương rơi tự do theo một cách không thể bất ngờ hơn.

 

Ông Vương Đình Huệ sinh ngày 15/3/1957 tại Nghệ An, là Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế. Ông giữ chức tổng Kiểm toán Nhà nước từ 2006 - 2011, rồi làm bộ trưởng Bộ Tài chính từ 2011 - 2012. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò trưởng Ban Kinh tế Trung ương (2012 - 2016), phó thủ tướng Chính phủ (2016 - 2020) và bí thư Thành ủy Hà Nội (2020 - 2021).

 

Ngày 31/3/2021, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

 

Sau khi ông Phúc, ông Thưởng lần lượt xin thôi và tình hình sức khỏe của ông Trọng không sáng sủa, thì ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm là Vương Đình Huệ.

 

Tuy nhiên, bất ngờ, vào ngày 26/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo họp bất thường, đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch Quốc hội khóa XV, theo nguyện vọng cá nhân.

 

Sau đó, vào ngày 2/5/2024, Quốc hội đã họp và chính thức miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ.

 

Cũng giống như trường hợp ông Võ Văn Thưởng, các vi phạm của ông Huệ được thông báo một cách chung chung, mơ hồ, như vi phạm "những điều đảng viên không được làm" và "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".

 

Trước đó ba ngày (21/4/2024), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Huệ, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Đây là kết quả của quá trình điều tra mở rộng vụ án Tập đoàn Thuận An.

 

Ngoài ra, ông Huệ còn bị cộng đồng mạng đồn rằng có mối quan hệ với ca sĩ Hương Tràm, bao gồm cả việc cô sang Mỹ sinh con. Ca sĩ Hương Tràm đã bác bỏ những thông tin này và làm đơn tố cáo những cá nhân, tổ chức lan truyền thông tin sai lệch.

 

Cụ thể, ngày 28/5/2024, Hương Tràm đã gửi đơn tố cáo lên Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM), yêu cầu điều tra và xử lý những cá nhân, tổ chức lan truyền thông tin sai sự thật về cô.

 

Ngày 1/10, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM xác định Công ty TNHH Truyền thông Helios, chủ quản một trang thông tin điện tử langviet.vn, là một trong những đơn vị đăng tải thông tin sai lệch về Hương Tràm. Công ty này bị xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng và phải đăng bài xin lỗi nữ ca sĩ.

 

------------

Đọc thêm:

Chân dung Tứ Trụ

Nhất thể hóa là gì?

Nguyễn Phú Trọng: Một đời gác đền và đốt lò

 

 

 





No comments: