The Economist
Đỗ Đặng
Nhật Huy, biên dịch
20/12/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/20/the-gioi-hom-nay-20-12-2024/
Đảng
Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận chi tiêu mới
nhằm tránh cho chính phủ đóng cửa. Đảng Dân chủ — những người cần phải ủng hộ dự
luật để thông qua — chưa cho biết quan điểm của họ. Donald Trump đã ủng hộ
dự luật, được cho là sẽ tài trợ cho chính phủ đến tháng 3 và đình chỉ trần nợ của
Mỹ trong hai năm. Hôm thứ Tư, các Hạ nghị sĩ Cộng hòa đã từ bỏ một thỏa thuận
chi tiêu trước đó sau khi bị chỉ trích bởi tổng thống đắc cử và Elon Musk.
Tổng
thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết các bảo đảm an ninh từ
châu Âu “sẽ không đủ” để bảo vệ nước ông trước Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm
quan trọng của hỗ trợ từ Mỹ và tư cách thành viên NATO. Ông Zelensky tuyên bố
như vậy sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo EU tại Brussels.
Donald Trump, tổng thống đắc cử của Mỹ, đã hứa sẽ kết thúc chiến tranh một cách
nhanh chóng.
Trong
khi đó, Vladimir Putin tuyên bố ông “sẵn sàng” gặp ông Trump.
Tháng trước, tờ Washington Post đưa tin hai người đã nói chuyện
qua điện thoại; nhưng Điện Kremlin bác bỏ thông tin này là “hoàn toàn hư cấu.”
Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên, ông Putin cũng phủ nhận rằng sự sụp đổ
của Bashar al-Assad, nhà độc tài Syria mà ông đã ủng hộ, là “một thất bại” đối
với Nga.
Ngân
hàng Trung ương Anh giữ
nguyên lãi suất ở mức 4,75%. Quyết định này được dự đoán từ trước,
mặc dù ba trong số chín thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ đã bỏ phiếu giảm
lãi suất xuống 0,25 điểm phần trăm. Lạm phát theo năm của Anh đạt 2,6% trong
tháng 11, tăng từ 2,3% của tháng 10. Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hạ
lãi suất chuẩn nhưng tỏ ra thận trọng về các đợt giảm tiếp theo.
Một
tòa phúc thẩm ở Georgia đã đình chỉ Fani Willis, công tố viên quận
Fulton đang truy tố ông Trump về hành vi lật đổ kết quả bầu cử, khỏi vụ án, qua
đó có thể làm vụ kiện bị hủy bỏ. Thẩm phán xét xử trước đó đã cho phép bà
Willis ở lại — nếu trưởng công tố viên mà bà thuê và đang có quan hệ tình cảm
rút lui. Song tòa phúc thẩm cho rằng giải pháp này không giải quyết được “sự
không phù hợp.”
Israel tuyên bố đã tấn
công “các mục tiêu quân sự” của Houthi ở Yemen, bao gồm cảng
và cơ sở hạ tầng năng lượng. Có ít nhất chín người thiệt mạng, theo truyền
thông do Houthi kiểm soát. Trước đó Israel đã đe dọa trả đũa sau khi chặn các
tên lửa đạn đạo do nhóm phiến quân bắn về phía mình. Houthi, lực lượng kiểm
soát phần lớn Yemen, đã liên tục phóng tên lửa vào Israel từ tháng 10 năm 2023.
Thủ
tướng Anh Keir Starmer dự kiến chọn Peter Mandelson, một thành
viên của đảng Lao động, làm đại sứ tại Mỹ. Ông Mandelson từng giữ các vị trí
cao cấp trong chính phủ Tony Blair và Gordon Brown, bao gồm cả vai trò ủy viên
thương mại châu Âu. Kinh nghiệm quản lý chính sách thương mại của ông — nhất là
với một Donald Trump ưa chuộng các biện pháp thuế quan — được cho là yếu tố
quan trọng khiến ông được chọn. Ông sẽ thay thế Karen Pierce vào cuối tháng 1.
Con
số trong ngày: 35.000,
là số lượng cửa hàng nhỏ lẻ độc lập tại Anh.
TIÊU
ĐIỂM
Một
năm nhiều bước lùi của Ukraine
Đến
lúc này cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã gần được ba năm. Đầu năm nay, quân đội
Ukraine phải chịu lép vế khi các đồng minh lưỡng lự trong việc cung cấp viện trợ
quân sự. Và thất bại hồi tháng 2 tại Avdiivka, một thị trấn thuộc vùng Donetsk ở
miền đông, là một đòn giáng mạnh. Đến tháng 4 Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng thông
qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD, nhưng nhìn chung thì chậm trễ và thiếu hụt
nhân lực đã khiến năm 2024 trở thành một năm đáng quên cho Ukraine.
Nhưng
Kyiv vẫn đạt được một số thành công. Hồi tháng 8, các đơn vị tinh nhuệ của họ bất
ngờ tiến vào vùng Kursk của Nga, ban đầu kiểm soát khoảng 1.200 km² lãnh thổ
(Nga đã giành lại một phần đất này). Người Ukraine cũng phá hủy tàu chiến Nga
trên Biển Đen — bất chấp việc gần như không có hải quân. Song Nga dường như
đang chiếm ưu thế trên chiến trường, và việc Donald Trump tái đắc cử có thể củng
cố vị thế của họ. Nhiều người khó hình dung ông Trump sẽ thực hiện lời hứa chấm
dứt chiến tranh nhanh chóng như thế nào mà không làm tổn hại đến chủ quyền của
Ukraine.
Chiến
sự tiếp diễn ở Sudan
Tháng
4 năm 2023, nội chiến bùng phát giữa quân đội quốc gia Sudan và Lực lượng Hỗ trợ
Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự. Xung đột đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân
đạo nghiêm trọng: đến nay, gần 30% dân số trước chiến tranh của Sudan (50 triệu
người) đã phải di tản.
Đầu
năm 2024 RSF có vẻ như là bên chiếm ưu thế, với quyền kiểm soát phần lớn thủ đô
Khartoum. Và gần như toàn bộ vùng Darfur ở phía tây cũng thuộc quyền kiểm soát
của họ, dù quân đội vẫn bám trụ tại thủ phủ el-Fasher. Thủ lĩnh RSF, Muhammad
Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti), thậm chí đã thực hiện một chuyến công
du đắc thắng tới các thủ đô châu Phi.
Nhưng
rồi đà tiến của nhóm chững lại. Những tiến bộ của họ ở miền đông và miền nam
Sudan bị chậm lại vì mùa mưa hè. Quân đội quốc gia bắt đầu giành lại một số khu
vực ở Khartoum. RSF có thể vẫn chiếm được el-Fasher, nhưng giờ đây họ không còn
chắc thắng.
Gió
đổi chiều ở Myanmar
Tháng
2 năm 2021, quân đội Myanmar đảo chính chính phủ dân cử của bà Aung San Suu
Kyi. Gần bốn năm sau, cuộc nội chiến giữa Tatmadaw (quân đội Myanmar) và một
liên minh các nhóm vũ trang vẫn tiếp diễn. Trong năm nay chính quyền quân sự chịu
đặc biệt nhiều thất bại lớn. Họ mất kiểm soát hầu hết các cửa khẩu biên giới với
Trung Quốc và phần lớn các tuyến đường cần thiết để giao thương với các nước
láng giềng. Tatmadaw cũng yếu thế ở khu vực trung tâm đất nước.
Bên
hưởng lợi lớn nhất là Liên minh Ba Anh em, một mạng lưới gồm ba nhóm dân tộc vũ
trang. Liên minh này hiện kiểm soát phần lớn vùng đồi Shan giữa Mandalay và
Trung Quốc, và gần như toàn bộ bang Rakhine ở miền tây Myanmar, nơi một trong
các nhóm bị cáo buộc ngược đãi người Rohingya, một nhóm sắc tộc Hồi giáo. Sau một
năm đầy biến động, sự sụp đổ của chính quyền quân sự Myanmar không còn là điều
không tưởng.
Tình
hình Biển Đông leo thang trong năm nay
Căng
thẳng từ lâu đã âm ỉ tồn tại ở Biển Đông. Trung Quốc bố trí quân đội, tàu thuyền,
và máy bay tại các căn cứ trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Điều này nhằm
cảnh báo các nước có tuyên bố chủ quyền trên các rạn san hô và đá mà Trung Quốc
đang xây cơ sở hạ tầng quân sự, đặc biệt là Malaysia, Philippines, Đài Loan, và
Việt Nam. Tuy vậy, các tàu Trung Quốc trong vùng lân cận trước đây chỉ hoạt động
hẹp: vận tải thương mại hầu như không bị ảnh hưởng; và lệnh cấm đánh bắt cá của
Trung Quốc cũng không được thực thi nghiêm ngặt.
Nhưng
trong năm nay một mô hình leo thang và đối đầu mới đang hình thành. Philippines
thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ nhất. Các tàu hải quân và tuần duyên của nước này
đã đụng độ với tàu Trung Quốc (chưa có phát súng nào được bắn ra). Hồi tháng
11, tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos, đã ký ban hành một dự luật xác định
vùng biển của nước này bao gồm cả các vùng tranh chấp. Trung Quốc đáp trả bằng
cách tuần tra trên không và trên biển. Mỹ, đồng minh của Philippines, đang theo
dõi sát sao.
===================
No comments:
Post a Comment