Saturday, September 21, 2024

LỜI CHÀO ĐẦU TIÊN (Trần Huỳnh Duy Thức / Facebook)

 



 

 

Trần Huỳnh Duy Thức được thả cho thấy Tô Lâm ‘mạnh mẽ hơn Nguyễn Phú Trọng’  

Người Việt Online

September 20, 2024 : 9:32 PM

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-huynh-duy-thuc-duoc-tha-cho-thay-to-lam-manh-me-hon-nguyen-phu-trong/

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Vài giờ sau khi có tin nhà đấu tranh Trần Huỳnh Duy Thức được thả tù trước hạn, mạng xã hội vào sáng 21 Tháng Chín dấy lên lời chúc mừng và nhiều bình luận sôi nổi.

 

Ông Thức được trả tự do sớm tám tháng so với bản án 16 năm tù trong phiên tòa hồi năm 2010.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/09/VN-Cong-luan-tha-Duy-Thuc-1920x1440.jpg

Ông Lê Thăng Long (trái), người cùng hầu tòa với ông Trần Huỳnh Duy Thức (phải) hồi năm 2010, tại một tiệm hủ tíu ở quận Tân Bình, Sài Gòn vào sáng 21 Tháng Chín. (Hình: Facebook Lê Công Định)

 

Việc trả tự do cho ông Thức diễn ra chỉ vài giờ trước khi ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, lên đường đi Mỹ dự họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và gặp ông Joe Biden, tổng thống Mỹ.

 

Facebooker Hoàng Dũng, người thường xuyên đưa tin về chính trường Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Việc trả tự do cho ông Thức thời điểm này có thể không còn nhiều ý nghĩa nhưng sớm một ngày tù cũng vẫn là tuyệt vời với ông và gia đình. Nó cho thấy Tô Lâm đã có dấu hiệu mạnh mẽ hơn Nguyễn Phú Trọng khi cả 13 năm trước đó Phú Trọng không dám làm điều này.”

 

Ông Hoàng Dũng giải thích thêm rằng ông Trọng không dám tha tù cho ông Thức là vì có “sự thiếu đồng thuận trong nội bộ đảng” và “lo sợ sự ảnh hưởng của người được trả tự do.”
Do vậy, việc tha tù cho Trần Huỳnh Duy Thức “là một điểm đáng khen cho Tô Lâm.”

 

Cùng thời điểm, Luật Sư Nguyễn Văn Miếng đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Tại sao [Tô Lâm] không phóng thích hết tù nhân lương tâm để được suy tôn là nhân từ?”

 

Nhà thơ Hoàng Hưng bình luận: “Tin vui lúc chợt tỉnh sớm hơn mọi ngày: Trần Huỳnh Duy Thức ra tù! Còn nhớ năm nào khi gia đình anh gặp anh em trí thức Sài Gòn của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và thân hữu, có hỏi: ‘[Ông] có khuyên anh nhận lời đi Mỹ?’ Mình nói: ‘Đứng về tình gia đình, thương anh, muốn anh thoát khổ, là đúng! Nhưng với tư cách người chiến đấu cho tự do dân chủ, chắc chắn anh sẽ không đi! Gửi anh cái ôm từ xa!”

 

Đạo diễn Trần Chí Kông cho hay: “Tôi biết anh Trần Huỳnh Duy Thức không phải từng rượu trà với nhau mà vì đã đọc ‘Con Đường Việt Nam’ của một cựu học sinh xuất sắc tại trường Lê Hồng Phong, là anh đã soạn ra. Gần 20 năm trước đó, tôi mong Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc cái tài liệu ‘ngoài luồng’ đó, cùng với ‘sự Lựa Chọn Thành Công’ của Đại Học Fulbright. Đọc hai tài liệu (mà như một thứ cương lĩnh ấy) tôi ước mình được thấy các ‘tinh hoa’ của đất nước ngồi lại với nhau trước mặt đồng bào để bàn thấu đáo con đường đi lên cho dân tộc. Nhưng ‘sự lựa chọn không thành công’ đem đến kết quả anh Thức ngồi tù trên 15 năm!”

 

Tính đến đầu giờ sáng 21 Tháng Chín, giờ Hà Nội, chưa thấy Facebook Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam lên tiếng về việc ông Trần Huỳnh Duy Thức ra tù trước hạn.

 

Theo một bài đăng trên Facebook Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ruột của ông Thức, sáu ngày trước khi ra tù, ông Thức nhắn với gia đình rằng một phái đoàn của chính phủ Mỹ đã đến trại tù số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thăm tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, chuyển lời hỏi thăm ông Thức kèm thông điệp “Hoa Kỳ rất quan tâm đến tù chính trị Việt Nam.”

 

Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông mở những blog cá nhân như Trần Đông Chấn, “Change We Need” thông qua “Nhóm Nghiên Cứu Chấn” với các bài viết nghiên cứu, phân tích về tình hình chính trị, kinh tế, thời sự Việt Nam, thúc đẩy cải cách.

 

Trong những năm qua, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, cũng như Liên Âu lên án việc cầm tù ông Trần Huỳnh Duy Thức là “đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc” và bản án ông Thức bị áp đặt là “nhạo báng công lý.”

 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 58 tuổi, đã nhiều lần tuyệt thực trong tù từ năm 2016. (N.H.K) [qd]







No comments: