Saturday, September 21, 2024

TIN NƯỚC PHÁP, NGÀY 20/09/2024 (RFI)

 



TIN NƯỚC PHÁP, NGÀY 20/09/2024

 

NỘI DUNG :

.

Pháp: Tân thủ tướng Barnier chuẩn bị công bố thành phần nội các mới

Thanh Phương  -  RFI

.

Paris : Cuộc cách mạng từ những cửa hàng bách hóa - Grand Magasin

Thu Hằng  -  RFI

.

Pháp : Thủ tướng Michel Barnier lao đao để lập một chính phủ cân bằng

Anh Vũ  -  RFI

.

=======================================================

.

.

Pháp: Tân thủ tướng Barnier chuẩn bị công bố thành phần nội các mới

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 20/09/2024 - 11:43Sửa đổi ngày: 20/09/2024 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240920-ph%C3%A1p-t%C3%A2n-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-barnier-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-th%C3%A0nh-ph%E1%BA%A7n-n%E1%BB%99i-c%C3%A1c-m%E1%BB%9Bi

 

Hai tuần sau khi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Michel Barnier, thuộc cánh hữu, chuẩn bị công bố thành phần tân nội các trước Chủ nhật tuần này.

 

HÌNH :

Thủ tướng Pháp Michel Barnier tại điện Matignon, Paris, ngày 05/09/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier

 

Tối qua, 19/09/2024, thủ tướng Barnier đã đến điện Elysée để trình tổng thống Macron danh sách thành viên chính phủ mới. Theo phủ thủ tướng Pháp, trước khi được công bố, thành phần tân nội các còn phải chờ xét duyệt của Cơ quan Cao cấp về minh bạch tài sản của quan chức. 

 

 

Chính phủ mới sẽ bao gồm 38 thành viên, trong đó có 16 bộ trưởng, bao gồm 7 người thuộc phe tổng thống Macron, 3 người thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa của thủ tướng Barnier, 2 người thuộc đảng cánh trung Modem, 1 người thuộc đảng Chân trời của cựu thủ tướng Edouard Philippe và 1 người thuộc đảng cánh trung UDL.

Theo nhiều nguồn tin được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, trong số 3 bộ trưởng thuộc đảng Những Người Cộng Hòa có ông Bruno Retailleau, hiện là lãnh đạo khối nghị sĩ cánh hữu ở Thượng Viện, sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội Vụ. Chức ngoại trưởng sẽ được giao cho ông Jean-Noel Barrot, thuộc đảng cánh trung Modem, nguyên là bộ trưởng đặc trách Các vấn đề châu Âu trong chính phủ từ nhiệm của thủ tướng Gabriel Attal. Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng của chính phủ Attal là ông Sébastien Lecornu được giữ lại ở chức vụ này. 

 

Riêng bộ Kinh Tế sẽ do hai dân biểu thuộc phe tổng thống Macron nắm giữ: Ông Antoine Armand sẽ là bộ trưởng Kinh Tế và Công Nghiệp, còn ông Mathieu Lefèvre sẽ đặc trách Ngân Sách, trực tiếp dưới quyền của phủ thủ tướng. 

 

Tân thủ tướng Barnier cũng đã cố thuyết phục một số nhân vật tên tuổi bên cánh tả tham gia chính phủ của ông, nhưng nhiều người đã từ chối. Cuối cùng sẽ chỉ có một nhân vật thuộc thành phần cánh tả độc lập trong tân nội các. Ông Didier Migaud, xuất thân từ đảng Xã Hội, được cho là sẽ nắm giữ bộ Tư Pháp. 

 

Tuy bao gồm nhiều đảng nhưng chính phủ của thủ tướng Barnier vẫn không nắm đủ đa số tuyệt đối ở Quốc Hội và có thể bị đổ bất cứ lúc nào, nếu bên phe đối lập, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đồng loạt bỏ phiếu bất tín nhiệm. 

 

---------------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Đặc biệt

Pháp : Tổng thống Macron chọn nhà chính trị lão thành làm thủ tướng để dung hòa tả-hữu

 

PHÁP - THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ

Tổng thống Pháp Macron tiếp tục tham vấn các chính đảng để thành lập chính phủ

 

 

 

 

 

Paris : Cuộc cách mạng từ những cửa hàng bách hóa - Grand Magasin

 Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 20/09/2024 - 16:03

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20240920-cuoc-cach-mang-tu-nhung-thuong-xa-grand-magasin-o-paris  

 

Le Bon Marché, Printemps, BHV, Lafayette, La Samaritaine là những địa điểm không thể không đến khi tới Paris. Dù không mua sắm, riêng kiến trúc và nội thất của những cửa hàng bách hóa này cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật. Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, câu chuyện của những cửa hàng này (grand magasin) được kể lại trong triển lãm La naissance des Grands Magasins (Sự ra đời của các cửa hàng bách hóa) tại Bảo tàng Nghệ thuật trang trí từ ngày 10/04-13/10/2024.

 

HÌNH :

Áp phích quảng cáo một số cửa hàng Paris, triển lãm "Sự ra đời của các thương xá", Bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris, Pháp, từ ngày 10/04-13/10/2024. © RFI / Thu Hằng

 

Những “ngôi đền của hiện đại và xã hội tiêu dùng” - theo lời giới thiệu triển lãm - đã làm cuộc cách mạng triệt để trong rất nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu thói quen mua sắm, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường, tiếp thị đến khích lệ nhân viên theo cách bán hàng hưởng thêm hoa hồng, điều kiện làm việc, mối quan hệ lao động. Rất nhiều phương pháp vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay, đặc biệt là phương châm “khách hàng là thượng đế”.

 

 

Kinh tế thịnh vượng thúc đẩy xã hội tiêu dùng

 

Dưới thời Đế Chế II (1852-1870), xã hội Pháp thịnh vượng nhờ chính sách của hoàng đế Napoléon III cổ vũ ngành công nghiệp, tự do hóa nền kinh tế. Tầng lớp tư sản không ngừng gia tăng. Họ là thương nhân, chủ doanh nghiệp, ngân hàng. Paris cũng chuyển mình theo quy hoạch đô thị của tỉnh trưởng Georges Haussmann. Diện tích thủ đô được tăng lên gấp đôi, 20.000 ngôi nhà bị phá và 43.000 tòa nhà được xây theo phong cách kiến trúc mang tên ông, rất đặc trưng Paris cho đến ngày nay.

 

Tầng lớp giàu có mới trở thành những khách hàng quan trọng với nhu cầu khắt khe hơn. Các cửa hàng nhỏ, chỉ chuyên một mặt hàng lúc bấy giờ không còn đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, theo giải thích của Claire Doutriaux trong chương trình Karambolage của đài Arte năm 2020 : “Vào thời kỳ đó, các tiểu thương vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống. Các cửa hàng chuyên về một mặt hàng hoặc bán rất ít mặt hàng. Người mua phải hỏi người bán, giá không được niêm yết mà phải hỏi người bán hàng, nên cứ phải mặc cả liên miên, cuối cùng thường thì giá sẽ được rao theo mặt khách. Các cửa hàng bán sản phẩm mới dần dần xuất hiện : tủ kính trưng bày hấp dẫn hơn, vào cửa tự do, niêm yết giá”.

 

Aristide Boucicaut, chàng thanh niên vùng Normandie đến Paris lập nghiệp năm 1829, lúc mới 19 tuổi, làm việc trong một cửa hàng như vậy tại phố Bac, tả ngạn sông Seine. Đến năm 1852, nhờ tiền tiết kiệm, ông hùn vốn hợp tác với Paul Videau, chủ cửa hàng Le Bon Marché ở góc phố Sèvres và phố Bac, để thực hiện hoài bão của mình. Doanh nhân trẻ đầy ý tưởng cho bán những sản phẩm ít lời để quay vòng kho. Doanh thu từ 450.000 franc tăng vọt lên thành 7 triệu franc vài năm sau, đến mức Paul Videau sợ và nhượng hết cổ phần cho cộng sự mà theo ông, có quá nhiều tham vọng.

 

HÌNH :

Ảnh ghép minh họa Aristide Boucicaut và Marguerite Boucicaut, chủ sở hữu Le Bon Marché cuối thế kỷ XIX, Paris, Pháp. © BnF - Archives du Bon Marché

 

 

Le Bon Marché : Thánh đường mua sắm đầu tiên ở Paris

 

Một mình Boucicaut lèo lái và biến Le Bon Marché thành "thánh đường thương mại hiện đại” trong tòa nhà mới được khởi công xây dựng ngày 09/09/1869, thử nghiệm nhiều kỹ thuật bán hàng, vẫn có hiệu quả sau gần hai thế kỷ. Le Bon Marché “làm cuộc cách mạng bán lẻ và đưa bán lẻ vào kỷ nguyên tiêu dùng hàng loạt”, vẫn theo giải thích của Claire Doutriaux :

 

“Ông đã nghĩ ra khái niệm cửa hàng bách hóa, nơi có thể tìm thấy mọi thứ chứ không chỉ quần áo, vải vóc. Vì thế, cần phải có một công trình kiến trúc mang tính cách mạng. Đằng sau vẻ bề ngoài cổ điển, đằng sau những viên đá, là kết cấu thép cho phép dựng những cửa kính lớn và tạo những không gian rộng lớn, thông thoáng bên trong.

 

Thành công rực rỡ. Từ đồ lót đến đồ gỗ hay giấy, đồ chơi, bát đĩa… tất cả đều có thể tìm thấy ở Le Bon Marché. Boucicaut đổi mới mọi thứ : tạo các mùa thời trang, như “Tháng đồ trắng”, áp dụng các loại hình quảng cáo mới, bán hàng qua thư, giao hàng miễn phí đến tận nhà khách hàng và nhất là phương châm đến bây giờ vẫn nổi tiếng : “Hài lòng hoặc được hoàn tiền”.

 

Trong suốt quá trình phát triển của Le Bon Marché, còn phải kể đến công lao lớn của người vợ Marguerite Boucicaut. Từ cô gái tỉnh lẻ nghèo khó, làm trong tiệm giặt ở Paris, bà đã giúp chồng gây dựng lên “Đế chế” riêng, tác động để cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên : giảm giờ làm (từ 16 xuống còn 12 tiếng/ngày), chế độ bảo hiểm, hưu trí… Khi bà qua đời và không có người thừa kế, bà để lại toàn bộ tài sản cho nhân viên, những người đã giúp vợ chồng bà gây dựng lên Le Bon Marché.

 

HÌNH :

Áp phích quảng cáo sản phẩm mới của một số cửa hàng Paris, triển lãm "Sự ra đời của các thương xá", Bảo tàng Nghệ thuật trang trí, Paris, Pháp, từ ngày 10/04-13/10/2024. © RFI / Thu Hằng

 

Mô hình kinh doanh của Le Bon Marché được sao chép, các cửa hàng bách hóa lớn lần lượt ra đời : Les Grands Magasins du Louvre (1855), le Bazar de l’Hôtel de Ville (BHV, 1856), Au Printemps (1865), La Samaritaine (1870)… tất cả đều được xây trên những trục đường rộng rãi trong quy hoạch của Haussmann, thuận tiện cho di chuyển. Những tòa nhà làm cửa hàng cũng là những kiệt tác kiến trúc hiện đại lúc bấy giờ, chủ yếu dùng thép vì đây là giai đoạn đỉnh cao của ngành này, rất sang trọng vì còn nhằm đề cao đẳng cấp của khách hàng. Mặt tiền của tòa nhà lịch sử Printemps là một ví dụ độc đáo, theo giải thích của Xavier Gaudemet, người quản lý dự án tiếp thị của Printemps Haussmann, trong chương trình Visites privées của đài truyền hình France 2 :

 

“Mặt tiền của tòa nhà có rất nhiều chuyện để kể. Trước tiên đó là sự tiến bộ về kỹ thuật. Lần đầu tiên có một mặt tiền phủ được cấu trúc thép đằng sau. Thứ hai, đó chính là bí mật về tên Au Printemps được khắc ở mặt tiền, lần đầu tiên được làm theo đúng kiểu quảng cáo, óng ánh dưới ánh mắt trời và thu hút mọi ánh mắt nhờ được mạ vàng...

 

Tên gọi Au Printemps được đặt nhằm mục đích tiếp thị. Các cửa hàng lớn thường lấy tên theo địa chỉ như Bazar de l’Hôtel de Ville đối diện tòa thị chính Paris (BHV ngày nay) hoặc theo giá cả như Au Bon Marché hay theo tên của nhà sáng lập như Harrods ở Luân Đôn. Ý tưởng Au Printemps mang đúng ý nghĩa thương hiệu, mùa xuân là mùa mang lại điều mới, tươi tắn và xinh đẹp”.

 

HÌNH :

Trang phục nữ được trưng bày tại triển lãm về "Sự ra đời của những thương xá", Bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris, Pháp, từ ngày 10/04-13/10/2024. © RFI / Thu Hằng

 

 

“Khách hàng là thượng đế”

 

Công thức thành công của các cửa hàng bách hóa dựa vào hai nguyên tắc : bán hàng loạt và đẩy nhanh các mặt hàng. Lợi nhuận dựa vào khối lượng bán sản phẩm hàng loạt cho nên luôn có các đợt giảm giá để nhanh quay vòng kho và đa dạng hóa mặt hàng. Lịch các mùa giảm giá được tính toán vào các mùa thấp điểm hoặc tháng vắng khách, như bán phụ kiện mùa hè vào tháng 5 hoặc đồ chơi và lì xì vào tháng 12. Trước những đợt hạ giá này là cả chiến dịch quảng cáo bên ngoài cửa hàng, trên báo chí và áp phích, gửi catalogue, phát tờ rơi ghi ngày hạ giá.

 

Khách hàng ở xa có thể đặt mua qua thư. Các cuốn catalogue theo mùa hoặc sản phẩm mới được gửi miễn phí để họ lựa chọn. Cách bán này vẫn rất phổ biến hiện nay. Hình thức đặt hàng qua thư nở rộ và giao hàng miễn phí còn nhờ vào sự phát triển mạng lưới đường sắt, đường thủy rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Mạng lưới đường sắt từ 3.558 km tăng lên thành 16.994 km vào năm 1869, vận chuyển 113 triệu hành khách và 44 triệu tấn hàng hóa.

 

Trong chương trình Visites privées, ông Pierre Pelarrey, tổng giám đốc Printemps Haussmann, nhấn mạnh ngoài “kiến trúc có một không hai”, danh tiếng của các cửa hàng bách hóa còn là “câu chuyện về dịch vụ, tập trung vào cá nhân khách hàng”“Khách hàng là thượng đế” cũng chính là tôn chỉ được nhà Boucicaut áp dụng ngay những ngày đầu hoạt động của Le Bon Marché, theo giải thích trong chương trình Karambolage của đài Arte :

 

“Đối với những khách hàng từ xa đến, họ chỉ cần băng qua Vườn hoa Boucicaut để đến khách sạn nổi tiếng Palace Le Lutécia được xây kiến trúc Art Deco mà bà Boucicaut đã xây riêng cho họ. Để cửa hàng khổng lồ này hoạt động được, cần rất nhiều nhân viên, trưởng bộ phận, trợ lý, và rất nhiều nhân viên bán hàng, thường là những cô gái trẻ từ tỉnh lẻ đến và sống trong những căn phòng nhỏ ngay ở tầng trên cùng của Le Bon Marché”.

 

HÌNH :

Áp phích quảng cáo một triển lãm đồ chơi tại cửa hàng Bazar de l'Hôtel de Ville, Triển lãm "Sự ra đời của những thương xá", Bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Musée des Arts décoratifs), Paris, Pháp, từ ngày 10/04-13/10/2024. © RFI / Thu Hằng

 

Tuyển phụ nữ bán hàng cũng là bước đột phá được chính bà Marguerite Boucicaut khởi xướng để thu hút khách hàng nữ, thường ở nhà nội trợ, chăm con và có nhiều thời gian. Vào cuối thế kỷ XIX, vai trò của trẻ em đã được thay đổi đáng kể trong xã hội nhờ chính sách khuyến khích tăng dân số, đầu tư vào giáo dục và thành công của mô hình gia đình quý tộc. Trẻ em trở thành mục tiêu của các cửa hàng để các gia đình nán lại lâu hơn. Họ liên tục tặng đồ chơi cho trẻ em hoặc tặng kèm với quảng cáo. Các gian đồ chơi dần được hình thành trong thập niên 1870, ban đầu theo thời vụ, sau đó được cố định quanh năm. Ngành công nghiệp đồ chơi phát triển, sản xuất đại trà bằng những vật liệu ít tốn kém hơn.

 

Ngày nay, các cửa hàng bách hóa nổi tiếng đó vẫn tiếp tục tìm những cách thức mới để thu hút du khách từ khắp thế giới. Vào dịp Giáng Sinh, tủ kính của các cửa hàng được trang hoàng lộng lẫy, như bước ra từ thế giới cổ tích. Cửa hàng BHV tổ chức các triển lãm giới thiệu một nghệ sĩ, một nhà thiết kế ; sân thượng của Printemps, Lafayette trở thành nơi check-in ngắm toàn cảnh Paris. Không chỉ thuần túy là nơi bán hàng, tại đây còn có những quán cà phê, nhà hàng với không gian đẹp, tầm nhìn thoáng. Dù vẫn tuân theo nguyên tắc bán đủ mọi mặt hàng nhưng những cửa hàng bách hóa này hiện giờ tập trung vào các mặt hàng cao cấp và vào một bộ phận nhỏ khách hàng khá giả.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PARIS - NOEL - DU LỊCH

Thương xá Printemps Paris đi đánh thức Mùa Xuân

 

Tạp chí Xã hội

Xóa sổ thương xá Tax: Thêm một phát súng bắn vào quá khứ

 

 

 

 

Pháp : Thủ tướng Michel Barnier lao đao để lập một chính phủ cân bằng

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 20/09/2024 - 16:06Sửa đổi ngày: 20/09/2024 - 17:20

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240920-ph%C3%A1p-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-michel-barnier-lao-%C4%91ao-%C4%91%E1%BB%83-l%E1%BA%ADp-m%E1%BB%99t-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-c%C3%A2n-b%E1%BA%B1ng

 

 Thủ tướng Pháp chuẩn bị công bố thành phần chính phủ sau hai tuần nhậm chức là chủ đề bao trùm các báo Pháp ra hôm nay, 20/09/2024.

 

HÌNH :

Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier tại một sự kiện của đảng cánh hữu LR, Annecy, 12/09/2024. AFP - JEFF PACHOUD

 

Hai tuần sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng với dày kín các cuộc gặp gỡ tham khảo ý kiến, nội các Michel Barnier đã hình thành. Tân thủ tướng tối qua (19/09) đã đề xuất với  tổng thống  Emmanuel Macron danh sách thành phần nội các mới. Trang nhất Le Figaro đề cập đến: « Cuộc mặc cả cuối cùng để thành lập chính phủ ». Tờ báo ghi nhận : « Barnier vượt lên những căng thẳng với phe Macron và hoàn tất chính phủ của mình ».

 

Dường như phác thảo thành phần nội các của Barnier đã được tổng thống chấp nhận. Phủ thủ tướng hứa sẽ công bố thành phần chính phủ trước ngày Chủ nhật này, vì còn phải đợi một ủy ban cao cấp thẩm định tài sản cá nhân của các nhân vật được đề xuất cho ý kiến. 

Hầu hết các báo đều chung một nhận xét là tân thủ tướng Michel Barnier đã rất khó khăn trong việc hình thành một chính phủ «  cân bằng » và « tập hợp đoàn kết » như hứa hẹn ban đầu, và đặc biệt là trong việc phân chia các chức vụ lãnh đạo các bộ quan trọng.

 

Les Echos chạy tựa chính tranh nhất : «  Chính phủ : Barnier khó nhọc để có thỏa thuận ». Cuối cùng ông Barnier cũng đã đưa ra được danh sách 38 thành viên nội các gồm 16 bộ trưởng, trong đó 7 người thuộc đảng Phục Hưng của tổng thống, 3 bộ trưởng của đảng Những người Cộng Hòa, phần còn lại được phân bổ cho các đảng cánh trung, hay các đảng nhỏ thuộc cánh hữu cũng như cánh tả.

 

Nhật báo thiên tả Libération có bài: « Chính phủ Barnier và Macron để đồng ý 38 cái tên », ghi lại những tình tiết các cuộc tham vấn,  thương lượng mặc cả dày kín trong suốt ngày hôm qua của tân thủ tướng và cuối cùng tờ báo nhận định : « Trong cái giao kèo mù mờ của liên minh chắp vá vào phút chót đã thấy có mầm mống chia rẽ trong tương lai ».

 

Còn Le Figaro bình luận :  « Thủ tướng biết rằng ông phải đối mặt với sự thù địch cố hữu của Mặt Trận Bình Dân Mới, sự thù địch đến muộn của đảng Tập hợp Dân tộc, giờ đây ông phải tính đến sự thù địch xảo trá của phe tổng thống. Michel Barnier chỉ còn một quân bài chủ: công khai, nhờ người dân Pháp làm chứng. Nói với họ rằng ông sẽ không có phép lạ nào đâu, rằng cuộc chơi sẽ khó khăn, nhưng ông sẽ tập trung vào công việc của mình ».

 

Trong khi đó nhật báo Le Monde đề cập đến « Căng thẳng đầu tiên giữa Macron và Barnier », tựa lớn trên trang nhất của tờ báo. Le Monde cho thấy, thành lập chính phủ mới đã làm dấy lên những bất hòa giữa tổng thống Emmanuel Macron và Michel Barnier về thành phần chính phủ cũng như định hướng chính sách từ hai tuần qua. Ông Michel Barnier, thủ tướng già nhất của nước Pháp đã phá kỷ lục về thời gian để thành lập chính phủ.

 

Trong bối cảnh như vậy, nhiều tờ báo không  hy vọng chính phủ mới của Michel Barnier sẽ tồn tại được lâu.  Trong một bài viết khác, Le Figaro cho thấy nhân vật cánh tả có trong danh sách ứng cử viên thủ tướng ban đầu, nhưng đã không được tổng thống chọn là ông Bernard Cazeneuve. Tờ báo trích dẫn các phân tích của giới quan sát và những dân biểu cánh tả nhận định, ông Cazeneuve sẽ trở thành thủ tướng trong những tháng tới. Tờ báo cũng cho biết, ông Cazeneuve vẫn tiếp tục chiến dịch vận động chuẩn bị cho khả năng có thể lại được chỉ định làm thủ tướng, nhưng con đường cũng không hề bằng phẳng với vị cựu thủ tướng dưới thời tổng thống thuộc đảng Xã Hội François Hollande.

 

 

Vụ nổ đồng loạt thiết bị liên lạc ở Liban, Israel đứng đằng sau ?

 

Chuyển qua với thời sự quốc tế. Sự kiện nóng là tại Liban với vụ hàng loạt các thiết bị thông tin của Hezbollah - sau máy nhắn tin đến bộ đàm - bị kích nổ đồng loạt trong những ngày qua, làm 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương mà đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân.

 

Về sự kiện này, trang nhất báo Le Figaro chạy tựa lớn « Israel đã hai lần bẫy Hezbollah như thế nào ». Phóng sự của tờ báo cho thấy các công ty bình phong ở Hungary và Bulgaria có thể ra đã giúp Mossad, cơ quan tình báo giao những chiếc máy bị cài bẫy này cho Hezbollah. Đó là công ty BAC Consulting Kft, có trụ sở tại Hungary, thay mặt cho một công ty Đài Loan, Gold Apollo, cung cấp các máy nhắn tin bị kích nổ gây hỗn loạn trong lực lượng dân quân Shia của Hezbollah hôm thứ Ba. Loạt vụ kích nổ tương tự đã được thực hiện hôm thứ Tư với máy bộ đàm. Công ty Nhật Bản Icom, chuyên sản xuất máy bộ đàm, đảm bảo với các cơ quan báo chí rằng họ đã không sản xuất loại mẫu máy này từ chục năm nay và các mẫu đang lưu hành là « hàng giả ». Cuộc truy tìm nguồn gốc các thiết bị này đến giờ vẫn không có kết quả.

 

Dù chưa có ai tuyên bố chính thức, mọi chi tiết đều cho thấy BAC Consulting Kft là công ty bình phong được các cơ quan của Israel sử dụng để gài bẫy Hezbollah. Tuy nhiên, các chuyên gia tình báo cảnh giác với những thông tin được chắt lọc chỗ này chỗ kia dưới vỏ bọc giấu tên.

 

Theo Le Figaro, chiến dịch này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ. Các lực lượng Israel đã có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quy mô lớn và được lên kế hoạch trong nhiều năm. Như trường hợp họ đã từng cài được virus Stuxnet vào hệ thống tin học để gây nhiễu loạn thiết bị làm giàu uranium của Iran cách đây vài năm. Israel cũng có khả năng huy động nguồn lực công nghệ khổng lồ để đạt được điều tưởng như không thể.

 

Hai công ty bình phong khác đã được thành lập, ngoài BAC, để xóa dấu vết và đề phòng bị truy ngược về Israel. Theo nhật báo Mỹ New York Times, lô hàng máy nhắn tin bắt đầu được chuyển đến Liban vào mùa hè năm 2022 với số lượng nhỏ. Chúng được cho là do Norta Global Ltd, một trong những công ty vỏ bọc, có trụ sở tại Sofia, Bulgaria gửi đến. Theo nhà báo điều tra Andras Dezso của Telex, công ty này cũng không khác gì với công ty Hungary.

 

Vẫn còn nhiều khoảng tối xung quanh các chi tiết của hoạt động dẫn đến vụ nổ hôm thứ Ba và thứ Tư. Việc bẫy vài nghìn máy nhắn tin thậm chí còn phức tạp hơn. Đối với các chuyên gia về các hoạt động đặc biệt, một trong những bí ẩn chính là khi nào cơ quan Israel đặt chất nổ vào thiết bị: từ khâu thiết kế, trong quá trình chuyển giao...  Nhưng có thể chiến dịch này là ngòi nổ cho của cuộc chiến tranh mới của Israel với phong trào Hezbollah.

 

 

Khi các nền dân chủ đọ sức với mạng xã hội

 

Chuyển sang chủ đề khác với nhật báo La Croix. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất : « Mạng xã hội, các quốc gia tấn công » phản ánh thực tế nhiều quốc gia dân chủ, trong đó có Pháp đã tuyên chiến với các nền tảng trên mạng internet.

 

La Croix nhận thấy những ngày gần đây hàng loạt quốc gia dân chủ ra những hình phạt chưa từng có nhằm vào các mạng xã hội. Những quyết định như vậy được đưa ra với lý do là các nền tảng trên mạng đó đã giúp phổ biến những nội dung bất hợp pháp hay loan truyền tin giả. Điển hình là vụ chính quyền Pháp bắt giữ Pavel Durov, ông chủ của mạng nhắn tin Telegram, hôm 24/08. Từ hôm 03 /08, Brazil cấm mạng X. Chính quyền Úc muốn chặn truy cập Facebook, Instagram, TikTok hay Snapchat với trẻ em dưới 14 hay 16 tuổi.

Theo tờ báo, những quyết định mạnh mẽ này của tư pháp phản ánh cùng một mong muốn: chấm dứt tình trạng các nền tảng lớn và các ông chủ của chúng có thể ngồi trên pháp luật, không bị trừng phạt. Nhiều quốc gia đã coi cuộc chiến chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch và các hình thức can thiệp của nước ngoài – được tạo điều kiện thuận lợi do thiếu quy định đầy đủ về mạng xã hội – là một ưu tiên chính trị.

 

Nhưng La Croix cũng nhận thấy hạn chế các nền tảng lớn trên mạng internet quả thực là vấn đề đau đầu cho chính quyền các nước. Theo tờ báo, không chỉ có Iran, Trưng Quốc, Ấn Độ hay  Nga…. mà từ năm 2015, trên thế giới đã có 80 nước, bằng cách này hay cách khác áp dụng các hạn chế truy cập mạng xã hội hay mạng nhắn tin, theo số liệu của công ty chuyên về bảo vệ dữ liệu trên Internet SurfShark.

 

Lấy ví dụ như chính quyền Brazil từ 03/08 đã cấm hẳn mạng X, có khoảng 950 triệu người sử dụng trên thế giới, nhưng thực tế người sử dụng vẫn có thể truy cập trở lại.

 

Cuộc đọ sức giữa các quốc gia với các mạng xã hội mới chỉ bắt nhưng đã đầy nan giải vì các nước được tiếng là dân chủ phải cân nhắc xem các quyết định có xâm phạm với những quyền tự do ngôn luận, thông tin hay không.

 

 

Bắc Kinh cố thuyết phục Bruxelles bỏ thuế đánh vào ô tô điện

 

Về chủ đề kinh tế, trang kinh tế báo Le Figaro có bài « Xe điện: Bắc Kinh cố gắng vô ích để yêu cầu Bruxelles miễn thuế ». Cuộc họp giữa Ủy viên Thương mại Châu Âu, Valdis Dombrovskis và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Văn Đào, hôm thứ Năm, để thảo luận về thuế hải quan do EU áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc, đã kéo dài đến hết buổi chiều. Khi đến họp, cả hai bên đều nói rằng họ quyết tâm « tiếp tục và tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp được cả hai chấp nhận ».

 

Một chiến thắng sớm dành cho EU và một thất bại đối với Bắc Kinh, quốc gia mà cuộc họp này đánh dấu đỉnh cao trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm tránh bị áp đặt thêm thuế hải quan. Trong gần một năm, Ủy ban đã cố gắng thể hiện sức mạnh của mình để chống lại Trung Quốc, trong một chính sách thương mại mới nhằm mục đích trở nên « có chủ quyền » hơn. Có điều là Châu Âu luôn rất khó khăn trong việc thành lập mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

 

Trong vòng công du tuần qua, từ Roma đến Berlin, lãnh đạo thương mại Trung Quốc đã nỗ lực thuyết phục và chia rẽ các nước này với các thành viên Liên Âu khác trong hồ sơ áp thuế bổ sung với xe ô tô điện nhập từ Trung Quốc.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Đặc biệt

Pháp : Tổng thống Macron chọn nhà chính trị lão thành làm thủ tướng để dung hòa tả-hữu

 

PHÁP

Tổng thống Pháp Macron bổ nhiệm cựu ủy viên châu Âu Michel Barnier làm thủ tướng

 

ĐIỂM BÁO

Tân thủ tướng Pháp Barnier, người ‘‘bị kẹt giữa hai gọng kìm’’

 

 

 

 

 



No comments: