Matera
- từ “nỗi hổ thẹn của nước Ý” đến kinh đô văn hoá châu Âu
Bùi Uyên - RFI
Đăng
ngày: 18/09/2024 - 13:50
Nằm
giữa hành trình vắt ngang hay bờ biển đầy những danh thắng miền nam nước Ý,
Matera là một điểm dừng chân không thể bỏ lỡ của du khách. Cùng với Pompei bên
bờ Tây vùng Campanie, nhà hát Hy lạp cổ đại Syracuse trên đảo Sicile, Matera
góp mặt vào những địa danh cổ xưa nhất của lịch sử các nền văn minh cổ đại hàng
ngàn năm trước trên vùng đất này.
HÌNH
:
Matera,
vốn là một trong 3 ngôi làng có niên đại cổ nhất thế giới, tháng 08/2024. © RFI
/ Bùi Uyên
Được
mệnh danh là “cái nôi của nhân loại” bởi các di chỉ khảo cổ
cho thấy dấu vết sinh sống liên tục của người tiền sử trải suốt từ cuối thời đồ
đá cũ đến thời kỳ đồ đá mới, thành phố thuộc Basilicata này là 1 trong 3 thành
phố cổ đại nhất trên trái đất, cùng với Alep của Syria và Jéricho ở
Cisjordanie. Những dấu vết người tiền sử trong hang đá vẫn còn giữ được đến
ngày nay trong các hang sâu dưới lòng thành phố.
Một
trong 3 ngôi làng có niên đại cổ nhất thế giới
Nếu
mới liếc qua vài bức hình quảng bá du lịch, du khách không thể hình dung ra
ngôi làng thực tế lại khác hoàn toàn với tưởng tượng khi xem ảnh! Trong hình,
Matera hiện ra giống như nhiều ngôi làng dựng trên đỉnh một ngọn đồi cao, nhìn
từ xa đã thấp thoáng chóp nhà thờ cao vút, các nếp nhà lô xô thoải dần xuống
chân đồi. Nhưng thực tế lại khác xa, nên Matera còn hay được gọi là “điểm
đến gây kinh ngạc”! Như trò đùa, khách thăm quan lần theo bản đồ, khu
thành phố cổ dường như ngay bên cạnh họ, nhưng xung quanh bằng phẳng, chẳng
nhìn thấy ngọn đồi hay đỉnh tháp nào cả! Bước thêm vài bước, qua những vòm cong
khiêm tốn, đến bên một lan can nhỏ… ta mới hiểu vì sao Matera lại đáng kinh ngạc
đến vậy. Trải ra trước mắt là cả một lòng chảo sâu hút, lớn gấp mấy lần đấu trường
Colisée, và cả ngôi làng kỳ vĩ gọt đẽo trong vách đá vôi, sừng sững toạ lạc dưới
chân du khách!
Những
ngôi nhà chồng chất lên nhau, những cầu thang thoắt ẩn thoắt hiện, như một bức
tranh đánh lừa thị giác. Thêm vào đó, sự khép kín trong lòng vách đá và sự điệp
màu đá khối của Matera làm nó mang một sự đồng nhất đáng kinh ngạc và một nét
bí ẩn, xưa cũ đặc biệt.
Khu
thành cổ đồ sộ với kiểu nhà ở đào sâu vào trong hang đá này mang tên Sassi, khởi
đầu là những hang khai thác đá vôi, sau chuyển thành nơi ở. Trong các ngôi nhà
dạng mái vòm thấp này, ngay cả chỗ nằm nghỉ, vách ngăn, bàn ăn, bếp lò hay băng
ghế ngồi, đều được đẽo gọt từ vách đá. Vì địa hình đá vôi không thể giữ thảm nước
ngầm, người dân và các thầy tu từ xa xưa đã đào một khu hang động chứa nước mưa
lớn, với sức chứa 5 triệu mét khối nước, mang tên Palombaro Lungo, và đưa nước
về giữa khu dân cư thông qua hệ thống những đường kênh đào dẫn nước trong lòng
núi đá. Quần thể đô thị này còn đặc biệt giá trị khi quy tụ hơn 150 nhà thờ, tu
viện cổ đại xây tạc trong vách đá bởi các thầy tu Byzantin từ thế kỷ VIII.
Khách tham quan có thể được chiêm ngưỡng những bức tranh tường lớn mang nội
dung tôn giáo vẫn còn được lưu giữ trong những nhà thờ này.
HÌNH
:
Thành
cổ Matera, miền nam Ý, tháng 08/2024. © RFI / Bùi Uyên
Từ
đô thị thịnh vượng thành khu ổ chuột
Mảnh
đất này chính thức được định danh Matheola, dưới thời cai trị của Đế chế La Mã
vào năm 251 trước Công nguyên. Matera đặc biệt phát triển thịnh vượng trong khoảng
thế kỷ thứ X do nằm trên trung điểm của các con đường giao thương nối hai bờ biển
Adriantique và Tyrrhénienne. Ngôi thành này lần lượt nằm dưới sự cai trị của
các nền văn minh từ Lombards, Byzantins, Normands, qua đến Ả Rập rồi sang đế chế
Ottoman đến sự chiếm đóng của người Aragon (Tây Ban Nha) vào thế kỷ XV. Vì vậy,
nơi đây chứng kiến nhiều văn hóa đến từ nhiều dân tộc đa dạng, cũng như biết
bao đổi rời, từ hưng thịnh đến suy tàn.
Khôi
phục lại vị thế, trở thành thủ phủ của vùng Basilicata vào thế kỷ XVI, Matera bắt
đầu xây dựng rộng ra phần bờ vách phía trên, chia cắt dần dần thành hai khu vực
: giới trung lưu tư sản ở khu Civita phía trên, nông dân, dân nghèo sống
chật chội trong những khu nhà sassi cổ dưới vách núi. Khu vực này không được đầu
tư chăm sóc, dần bị đẩy ra bên lề. Tình trạng quá tải dân cư làm điều kiện sống
ở đây đã không được cải thiện, lại ngày càng xuống cấp tệ hại. Hậu quả của việc
không có sự tác động lớn nào trong suốt nhiều thế kỷ, là khu vực này trở nên lạc
hậu trong thời đại mới. Đến tận đầu những năm 50 của thể kỷ XX, những người dân
cư ngụ tại đây vẫn phải sống trong điều kiện ở như thời Trung Cổ: không có đường
điện, nước sinh hoạt, nước thải thoát thẳng ra cống lộ thiên. Với dân cư quá tải
trầm trọng, kiến trúc nhà ở như những hang động đào sâu trong núi khiến thông
thoáng kém, bệnh dịch tràn lan và vệ sinh không đảm bảo. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ
sinh vượt ngưỡng 40%, bệnh lao phổi, sốt rét phổ biến, thêm vào đó là nạn mù chữ
tăng cao. Khu nhà ở này trở thành một khu ổ chuột khổng lồ bị bỏ lại bên rìa xã
hội.
Một
trong nhiều cây bút đã viết miêu tả về sự khốn cùng chứng kiến tại Matera, nhà
văn, nhà báo Carlo Levi, và đồng thời là chính trị gia Ý, đã viết trong tiểu
thuyết hồi ký nổi tiếng của mình, “Chúa Kito đã dừng lại ở Eboli”: “tôi
liếc nhìn vào trong những ngôi nhà chỉ được chiếu sáng và lấy thoáng qua cửa
vào. Một số thậm chí còn không có cả cửa vào, bạn vào nhà từ trên nóc, qua một
nắp lật để xuống thang. (..) Mỗi gia đình có 1 cái hang duy nhất là nơi diễn ra
mọi sinh hoạt, người lớn phụ nữ, trẻ con và động vật đều ngủ cùng nhau.(..) Hai
mươi ngàn người sống như vậy. Những người phụ nữ với những đứa trẻ suy dinh dưỡng
và bẩn thỉu bám trên bộ ngực khô héo, chào đón tôi bằng sự tử tế buồn bã và cam
chịu : tôi tưởng như, dưới ánh mắt trời lóa mắt này, lạc vào giữa một thành phố
đang bị dịch hạch hoành hành”. Cùng với sự thành công của cuốn sách, sự thật
về Matera bị phơi bày, như tác giả so sánh “như Địa ngục của Danté”. Các
nhà chức trách Ý thời bấy giờ coi Matera và khu nhà ở Sassi như “nỗi hổ
thẹn của nước Ý”!
HÌNH
:
Matera
lung linh trong ánh đèn, tối mùa hè 2024. © RFI / Bùi Uyên
Từ
nỗi xấu hổ thành niềm tự hào của nước Ý
Vào
năm 1953, không thể làm ngơ, chính quyền buộc di rời toàn bộ dân cư ra những
khu tái định cư mới bên ngoài. Lần đầu tiên, khu đô thị 8.000 năm tuổi không
còn người sinh sống! Cùng với việc thảo đồ án quy hoạch vùng, các nhà chuyên
môn và quản lý quyết định coi Matera như một phòng thí nghiệm cho chính sách
tái định cư và cải tạo đô thị. Các lý thuyết đô thị theo chủ nghĩa duy lý, chức
năng được nghiên cứu. Các đô thị mới được xây dựng để di dân, tái định cư. Suốt
1 thập kỷ sau đó, Sassi bị bỏ hoang. Quá xuống cấp và hoàn toàn không ở được,
phương án phá dỡ để xây lại đô thị mới được tính đến - không khó hiểu trong bối
cảnh tư duy kiến trúc hiện đại những năm 50. Sau gần chục ngàn năm trường tồn
qua biến thiên lịch sử, mảnh đất ghi bao dấu ấn văn hóa nhân loại, với khối kiến
trúc độc đáo Sassi xây “âm bản” đào sâu trong lòng vách núi đá
vôi trắng, đứng trước bước ngoặt định mệnh, có nguy cơ hoàn toàn bị san phẳng!
Chỉ
đến giữa những năm 60, cùng với những quan điểm khai mào về bảo tồn di sản được
đánh dấu bằng Hiệp ước Venise - Charte Venise, câu hỏi ứng xử với khu vực bỏ
hoang một thập kỷ qua lại trỗi dậy. May mắn thay, nước Ý đã đặt cược vào một kế
hoạch trùng tu và hồi sinh quy mô tổng thể đô thị cổ này. Một cuộc thi quốc tế
cải tạo đô thị được phát động, đặt khu Sassi vào vai trò trung tâm lịch sử đô
thị và cảnh quan của thành phố Matera. Hàng loạt quảng trường mới được thiết kế,
cùng với chỉnh trang, mở rộng những trục tiếp cận, để kết nối và đặt khu thành
cổ vào một tổng thể lõi lịch sử. Những trục phố, lối cầu thang mới được xây dựng
hài hòa trong tổng thể, đôi khi trên mái những căn nhà cổ. Matera có diện mạo
như ngày nay, phải kể đến vai trò quyết định của chính quyền từ cấp quốc gia đến
địa phương. Các nhà quản lý cùng phối hợp đưa ra những khung pháp lý, điều luật
riêng về bảo tồn cảnh quan, chính sách hỗ trợ tài chính, quy định sở hữu, quản
lý cải tạo khu vực này. Toàn bộ hạ tầng điện nước, chiếu sáng đô thị được lắp đặt,
hệ thống thông gió được trang bị thêm.
Bên
cạnh đó, phải kể đến những nỗ lực lớn của chính những thanh niên sinh ra trong
khu ổ chuột, đã lập nên “Scaletta”- hiệp hội hành động để hồi sinh
Sassi. Nhờ công sức của họ trong nhiều thập kỷ, đi khắp vùng để liệt kê 159 nhà
thờ bằng đá có niên đại xây dựng từ thời những thầy tu Byzantin thế kỷ XIII. Họ
tìm kiếm và thu gom lại những tác phẩm điêu khắc bị đánh cắp, thất lạc. Không dừng
lại ở đó, họ tiếp nối những nghề truyền thống của vùng, đấu tranh để lịch sử và
giá trị kiến trúc của Matera được biết đến rộng rãi hơn. Theo chân họ, những
đoàn làm phim, nhà văn, nghệ sỹ, trí thức lũ lượt tìm đến thăm Matera. Một trong
số đó là bộ phim điện ảnh gây tiếng vang lớn “La passion du Christ
- Cuộc khổ nạn của Chúa Gesu” của Mel Gibson ra mắt năm 2004
hay những cảnh quay phim Điệp viên 007 tại đây. Tất cả cùng đầu tư, cải tạo, dọn
dẹp lại Matera. Thành quả của công cuộc “trả lại ánh hào quang” này
là sự công nhận của UNESCO, đưa Matera vào danh sách Di sản thế giới vào năm
1993, và được lựa chọn trở thành Thủ đô văn hóa Châu Âu vào năm 2019.
HÌNH
:
HNgõ
nhỏ ở thành cổ Matera, hè 2024. © RFI / Bùi Uyên
Kiến
trúc độc đáo và điểm hẹn văn hoá trở thành dấu ấn chỉ có ở Matera
“Ông
của tôi là một nông dân đã 90 tuổi, ông từng sống ở trong một ngôi nhà Sassi
này. Ông không thể hình dung nổi ngày nay ở đó lại có wifi và bể bơi Jacuzzi”
- một thanh niên 27 tuổi nói vui khi trả lời AFP. “Quả thật, chúng tôi đã trải
qua từ sự hổ thẹn biến thành niềm vinh quang”- thị trưởng Matera -
Raffaello De Ruggieri tự hào thừa nhận. “Chúng tôi mong muốn phát triển
hoạt động du lịch “chậm”(…) Chúng tôi muốn rằng mỗi người đến thăm Matera sẽ được
sống trong một trải nghiệm riêng”, Paolo Verri, giám đốc Quỹ Matera
2019 giải thích chiến lược phát triển Thủ đô văn hóa châu Âu tại Matera theo hướng
thu hút người đam mê nghệ thuật văn hóa, hơn là điểm du lịch đại trà với toàn
những nhà hàng khách sạn và du khách ghé qua trong ngày. Vì thế, các căn nhà cổ
chỉ có những hợp đồng thuê 30 năm, khuyến khích các hoạt động đa dạng cùng
chung sống : nhà nghỉ cho thuê, galerie nghệ thuật, trung tâm văn hoá, xưởng
thiết kế, xưởng nghề thủ công, nhà hàng ... Những hoạt động văn hoá thường niên
được tổ chức tại đây. Những nghệ sỹ được mời đến Matera để giới thiệu các tác
phẩm mới của họ.
Vậy
là, sau hơn nửa thế kỷ, Matera lột xác từ khu ổ chuột trở thành điểm đến du lịch
và văn hoá của nước Ý vốn đã giàu di sản. Được bầu chọn là Thủ đô Văn hoá châu
Âu, Matera giờ đây là niềm tự hào cho nước Ý! Thế nên khi đặt chân đến đây, trước
khi nhìn thấy khu thành cổ, ấn tượng mà du khách bắt gặp đầu tiên, là trên quảng
trường Vittorio Veneto, ở góc này góc kia, bắt gặp một buổi giao lưu văn hoá với
một nghệ sỹ, nhà văn, hay buổi gặp gỡ trao đổi bàn tròn của một hội nhóm. Những
gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ địa phương rải rác trước mặt nhà hát thành phố.
Bên những bức điêu khắc đồng điểm xuyết quảng trường, bên những bức họa hiện đại
được trưng bày đây đó, tất cả đều diễn ra một cách ấm cúng, thân mật.
Nơi
đây, kiến trúc hàng ngàn năm tuổi, quy hoạch hiện đại và những hoạt động văn
hoá mang nhịp thở đương đại vẫn tìm được chỗ đứng bên nhau. Ghi nhận và tôn trọng
những nỗ lực đó của người Ý, những đoàn khách du lịch dường như cũng ít xô bồ
ào ạt hơn khi đến đây. Bên nhau, cùng thả bước nhẹ nhàng, khoan thai hơn, để
hòa mình trong không khí đời sống văn hóa bao trùm không gian, để cùng hy vọng
sự cân bằng này sẽ giữ cho đô thị cổ trường tồn thêm hàng ngàn năm nữa cùng hậu
thế.
--------------------------
Các
nội dung liên quan
Tạp
chí Xã hội
Pháp
- 30 năm huy hoàng xây dựng lại sau Thế chiến thứ 2
No comments:
Post a Comment