Việt Nam nộp đệ trình
Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông
BBC News Tiếng Việt
18
tháng 7 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cevwj0wk2lyo
Hôm
17/7 (giờ Mỹ), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Ủy ban Ranh giới thềm
lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng
ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông (VNM‑C).
Đoàn
đại biểu Việt Nam trao cho đại diện Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc
(CLCS) Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt
Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông
Đại
sứ Đặng Hoàng Giang - trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc -
cùng phái đoàn của Bộ Ngoại giao do ông Trịnh Đức Hải, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Biên giới quốc gia, làm trưởng đoàn - đã chính thức nộp hồ sơ đệ trình Ranh
giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển
Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).
Cùng
ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ra Tuyên bố về việc đệ trình nêu trên.
Theo
đó, quy trình này được thực hiện dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS.
Theo
đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường
cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp đệ trình về
các thông tin và dữ liệu liên quan để Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc
xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.
Đây
là lần đệ trình thứ ba của Việt Nam.
Năm
2009, Việt
Nam đã nộp đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài
200 hải lý ở khu vực Bắc Biển Đông và đệ
trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài
200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.
Trong
công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres về đệ trình Ranh giới
thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, Việt Nam một lần
nữa khẳng định việc nộp đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới công tác phân định
biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.
Một
tàu cá Việt Nam ở gần đảo Lý Sơn
Lần
đệ trình trước đó có gì?
Năm
2009, tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên
Hợp Quốc tại New York, "đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo
quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc
Biển Đông".
Cũng
tại phiên họp được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/8/2009, đại diện Việt Nam và
Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa
vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Việt
Nam và Malaysia đã gửi các hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng 5 cùng
năm, trước thời hạn mà LHQ đặt ra.
Hồ
sơ của hai nước đã nhanh chóng bị Trung Quốc phản đối.
Một
ngày sau khi Việt Nam nộp hồ sơ, đại
diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm
tới cho Tổng thư ký Ban Ki-moon yêu cầu "không xem xét".
Về
phần mình, tuy Trung Quốc khi đó không gửi báo cáo đăng ký, nhưng kèm công hàm
tới LHQ là bản đồ của Trung Quốc, mà Việt Nam tuyên bố là đã "vi phạm
nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam
ở Biển Đông".
Tại
phiên trình bày, trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh rằng báo cáo đã được thực
hiện theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của Ủy ban Ranh giới thềm
lục địa của Liên Hợp Quốc.
Trưởng
đoàn Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của Việt
Nam lên ủy ban là phù hợp với UNCLOS 1982, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định
biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển.
Việt
Nam cũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và
nhắc lại chủ trương giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ
sở luật pháp quốc tế.
Tuy
Việt Nam đề nghị Liên Hợp Quốc sớm thành lập các tiểu ban để xem xét báo cáo của
Việt Nam, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp
nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận.
Tuy
nhiên, để đạt được đồng thuận là điều rất khó, nếu không nói là không thể làm
được.
Thí
dụ đơn cử khu vực Bắc Biển Đông nơi có quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố
chủ quyền.
Tiến
sĩ Ian Storey, lúc bấy giờ là chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại
(Contemporary Southeast Asia) thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại
Singapore, nói
với BBC trong một phỏng vấn vào năm 2009: "Hiện Trung Quốc đã
chiếm hoàn toàn quần đảo này, và Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận đề
cập tới chủ quyền của bất cứ nước nào khác tại đây."
"Nhưng
Việt Nam cũng không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại Hoàng Sa. Vấn
đề Hoàng Sa, theo tôi, sẽ mãi mãi không bao giờ giải quyết nổi."
Theo
UNCLOS 1982, mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối
đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó.
UNCLOS
cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải
lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng
bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.
Phạm
vi thềm lục địa mở rộng mà các nước đăng ký không khỏi có chỗ chồng lấn, phát
sinh bất đồng và tranh chấp.
--------------------
TIN
LIÊN QUAN
Philippines 'sẵn
sàng đối thoại với Việt Nam' về Biển Đông
1
tháng 7 năm 2024
·
Đối phó Trung Quốc
trên Biển Đông: Việt Nam cần 'rõ ràng, sòng phẳng' như Philippines?
27
tháng 6 năm 2024
·
Biển Đông: 'Trung
Quốc âm mưu chia rẽ, Việt Nam và Philippines nên đoàn kết'
6
tháng 5 năm 2024
No comments:
Post a Comment