Friday, July 12, 2024

VÌ SAO BỘ GIÁO DỤC IM LẶNG SAU HAI TUẦN YÊU CẦU ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI BÁO CÁO VỤ THÍCH CHÂN QUANG? (RFA)

 



Vì sao Bộ Giáo dục im lặng sau hai tuần yêu cầu Đại học Luật HN báo cáo vụ Thích Chân Quang?

RFA

2024.07.10

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hanoi-law-university-ministry-of-education-thich-chan-quang-07102024132226.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hanoi-law-university-ministry-of-education-thich-chan-quang-07102024132226.html/@@images/256330d3-2b86-46f7-9270-1d308464aa42.jpeg

Ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) nhận bằng tiến sỹ   (Courtesy of GHPGVN)

 

 

Đại học Luật phớt lờ yêu cầu báo cáo của Bộ GD- ĐT?

 

Ngày 25/6, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) hỏa tốc yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội phải gởi báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, còn có pháp danh là Thích Chân Quang, trong ngày 26/5. Báo cáo phải bao gồm cả quá trình nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án… và có bằng chứng kèm theo.

 

Cho đến nay, đã gần nửa tháng trôi qua kể từ ngày hết hạn nộp báo cáo, Bộ GD&ĐT chưa cho biết họ có nhận được báo cáo từ Đại học Luật Hà Nội hay chưa và cũng chưa thấy động thái hối thúc nào đối với trường đại học này.

 

Trước đó, dư luận dấy lên quá nhiều ý kiến nghi ngờ về trường hợp ông Vương Tấn Việt lấy bằng tiến sỹ chỉ trong thời gian hai năm ba tháng. Chiều ngày 25/6, Trường Đại học Luật Hà Nội ra thông cáo báo chí, kết luận rằng Quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ vào tháng 3/2022 cho ông Việt đáp ứng và tuân thủ Quy chế đào tạo tiến sĩ của của Bộ Giáo dục và đào tạo và của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Luật sư Lê Quốc Quân, từng là sinh viên đại học Luật Hà Nội và cũng học chương trình thạc sỹ ở trường này, đánh giá việc Đại học Luật Hà Nội ra thông cáo báo chí nhằm chứng minh cho dư luận thấy rằng có những quy định rõ ràng về thời gian học tiến sỹ và ông Việt đáp ứng được điều kiện đó. Tuy nhiên:

 

“Nhưng mà khi người ta càng đào sâu vào hơn nữa thì người ta càng phát hiện ra nhiều vấn đề, từ vấn đề về bằng bổ túc cấp 3 của ổng, rồi bằng Đại học cử nhân hệ tại chức. 

 

Cho nên trường Đại học Luật bây giờ chắc chắn bị đặt vào thế là hết sức bối rối. Bởi vì mình đã bảo vệ một cái mà thực chất là sai.”

 

Một luật sư trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, nhận định rằng Đại học Luật Hà Nội đã không thực sự nghiêm túc khi ra thông cáo báo chí này bởi không có lấy một người nào đứng ra chịu trách nhiệm ký tên đóng dấu vào thông cáo đó:

 

“Một cái nôi đào tạo ra những con người để thực thi pháp luật mà nó đã không tử tế từ cái thông cáo báo chí rồi thì thử hỏi xem những cái người được đào tạo ra từ đấy học được gì?”

Thứ hai, cũng theo vị luật sư giấu tên, có thể là Đại học Luật HN đang phớt lờ đi yêu cầu từ Bộ GD & ĐT:

 

“Thời hạn đã qua hai tuần rồi thì tại sao Đại học luật không trả lời. Có phải là họ đang phớt lờ đi cái yêu cầu của Bộ giáo dục không hay là họ cho rằng cơ quan chủ quản của họ là Bộ Tư pháp nên họ không coi Bộ giáo dục là cái gì cả, họ không coi cái dư luận xã hội ra làm sao hết.”

 

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, trường Đại học Luật HN chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao. Ngoài ra, trường cũng sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT.

 

 

Bằng tiến sĩ của sư Thích Chân Quang - siêu tốc, nặng mùi hương khói cúng dường

 

Vụ cấp bằng tiến sĩ ‘thần tốc’ cho TT Thích Chân Quang- Bộ GD-ĐT chưa nhận báo cáo của ĐH Luật

 

Dân mạng nghi ngờ bằng tiến sĩ luật của sư Thích Chân Quang, Đại học Luật nói gì?

 

Thượng tọa Thích Chân Quang chịu cấm thuyết giảng hai năm

 

 

Vì sao Bộ Giáo dục- Đào tạo im lặng?

 

Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng hiện nay không biết là Đại học Luật HN đã gởi báo cáo hay chưa. Có thể Bộ Giáo dục đã nhận được báo cáo nhưng hai bên không cho truyền thông được biết:

 

“Hoặc là một báo cáo rất đầy đủ nhưng mà yêu cầu là không được truyền thông. Bởi vì vấn đề này nó phức tạp hơn nhiều, nó kéo nhiều cơ quan khác phải có trách nhiệm.”

 

Theo luật sư Quân, các vấn đề xã hội và được sự quan tâm lớn thì nhân dân có quyền phải biết; nhưng mà pháp luật không quy định chi tiết về việc một cái văn bản pháp luật từ cơ quan này sang cơ quan kia thì có buộc phải công khai hay không. 

 

Về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong sự việc lần này, luật sư giấu tên cho rằng Bộ này không làm hết chức năng của mình nên đã không công khai hối thúc Đại học Luật HN gởi báo cáo:

 

“Khả năng rất có thể xảy ra là Bộ GD&ĐT biết được rằng đằng sau cái luận án tiến sĩ này là một quá trình nhập nhèm, là những sai trái của Đại học Luật Hà Nội.

 

Cái việc khảo thí cái việc kiểm tra chất lượng đầu vào của Đại học Luật HN có thể có vấn đề. Bây giờ Bộ giáo dục mà làm căng ra thì còn gì là giáo dục, còn gì là chương trình đào tạo tiến sỹ, còn gì là cái bộ mặt của trường đại học hàng đầu đào tạo ra những con người cầm cân nảy mực, có thể là lãnh đạo quốc gia sau này nữa.”

 

 

Vị luật sư giấu tên còn cho rằng Bộ GD& ĐT không muốn đẩy vụ việc này đi xa hơn vì còn liên quan đến Bộ Tư pháp. Đại học Luật Hà Nội là trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, mà bộ trưởng là ông Lê Thành Long, người vừa được cất nhắc lên ghế Phó Thủ tướng hồi tháng 6/2024:

 

“Ví dụ bây giờ đi để làm căng chuyện Thích Chân Quang thì có phải là ảnh hưởng đến Bộ Tư pháp, ảnh hưởng đến Phó Thủ tướng đương nhiệm không, trách nhiệm Phó Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu là gì?”

 

-----------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

Hệ lụy gì khi một hiệu trưởng được bổ nhiệm không giới hạn nhiệm kỳ?

Học sinh xúc phạm giáo viên, lỗi thuộc về ngành giáo dục

Vụ cô giáo ở Quy Nhơn tự vẫn cho thấy áp lực nặng nề của nhà giáo

Kỷ luật ông Phùng Xuân Nhạ không khắc phục được hậu quả để lại

Sách giáo khoa Tiếng Việt dạy học hay tuyên truyền

 

 





No comments: