Friday, July 12, 2024

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÊ THANH VÂN BỊ BẮT 'LIÊN QUAN VỤ ÔNG LÊ BÌNH NHƯỠNG' (BBC News Tiếng Việt)

 



Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt 'liên quan vụ ông Lưu Bình Nhưỡng'

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 7 năm 2

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnd05j0eg0lo

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Thanh Vân khi mở rộng vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng. Ông Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội tại thời điểm bị khởi tố.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1c35/live/1d21e120-3e9a-11ef-96a8-e710c6bfc866.png.webp

Ông Lê Thanh Vân là một đại biểu Quốc hội thường có nhiều phát biểu “gai góc” tại nghị trường.

 

Theo thông báo của công an hôm 10/7, ông Lê Thanh Vân bị điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo Điều 358 Bộ luật Hình sự.

 

Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê chuẩn các quyết định, lệnh trên.

 

Công an tỉnh Thái Bình cho biết đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra hành vi "Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" tại tỉnh Thái Bình.

 

Ông Lê Thanh Vân là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

 

Do ông Vân đang là đại biểu Quốc hội nên theo luật định, việc khởi tố, bắt giữ ông cần phải có ý kiến của Quốc hội.

 

Chiều 10/7, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc đồng ý khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc; đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Thanh Vân.

 

Thủ tục của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện theo đề nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Theo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội khóa 15, kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

 

Ông Lê Thanh Vân là một đại biểu Quốc hội thường có nhiều phát biểu “gai góc”, không ngại đụng chạm tại nghị trường.

 

 

Tại sao phải có ý kiến Quốc hội?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/dcad/live/d96e4ec0-3e9c-11ef-9e1c-3b4a473456a6.jpg.webp

Luật tổ chức Quốc hội 2014 quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.

 

Theo luật này, trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

 

Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

 

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực.

 

Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội quy định về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội:

 

1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

 

2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

 

3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

 

 

Vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng

 

Ngày 14/11/2023, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về vai trò đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.

 

Theo trang tin của Công an tỉnh Thái Bình, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.

 

Theo nhà chức trách, ông Cường nói việc khai thác cát ảnh hưởng việc nuôi thủy hải sản tại bãi triều để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại với giá rẻ. Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, nhóm ông Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

 

Báo chí Việt Nam cũng đã đưa thông tin này, nhưng chỉ dừng lại ở việc dẫn lại thông báo của Cơ quan cảnh sát Điều tra công an tỉnh Thái Bình, bên phát lệnh bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng.

 

Ở thời điểm bị bắt, ông Lưu Bình Nhưỡng không còn là đại biểu Quốc hội (ông làm đại biểu Quốc hội tới ngày 19/7/2021), nhưng ông đang giữ chức Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội.

 

Tương tự ông Lê Thanh Vân, ông Lưu Bình Nhưỡng khi còn là đại biểu Quốc hội cũng từng có những phát ngôn làm nóng nghị trường, ví dụ ông nói vi phạm của cơ quan điều tra là "rất khủng khiếp". Một số nhà quan sát cho rằng ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt có thể vì tiếng nói của ông trước Quốc hội, trên báo chí, kiến nghị của ông trong những vụ án cụ thể đã không làm vừa ý một ai đó.

 

Khi ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cũng nêu một số suy đoán:

 

"Có thể có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là đúng là ông Lưu Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ việc, như báo chí đưa tin. Khả năng thứ hai là cáo buộc ông ấy dính đến tham nhũng, giang hồ, chỉ là một cái cớ mà thôi, và như thế thì thật sự là một sự kiện chấn động vì nó không còn là một vụ án hình sự mà là chính trị. Chưa biết chừng ông Lưu Bình Nhưỡng lại có thể bị cưỡng bức trở thành một dân oan."

 

VIDEO :  "Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này?", Thời lượng 3,47

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnd05j0eg0lo

 

 

Các phát biểu 'gai góc'

 

Tháng 11/2023, ông Lê Thanh Vân từng có màn tranh luận gay gắt với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh.

 

Ông Vân chất vấn: “Việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả đoàn thanh tra có đúng luật không? Với vai trò kép vừa là thủ trưởng cơ quan thanh tra vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổng thanh tra chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?”.

 

Hồi tháng 5/2024, siêu dự án Đại Ninh tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khiến nhiều lãnh đạo, quan chức rơi vào vòng lao lý, trong đó có ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 

Ông Vân từng nhìn nhận, nhiều "người nhà quan miệng gang, gan thép" và không ít thư ký, giúp việc có vị thế "dưới một người, trên muôn người"… liên quan đến đại án "chuyến bay giải cứu".

 

"Không loại trừ khả năng có sự đồng thuận, tương tác lẫn nhau giữa cán bộ giúp việc và thủ trưởng hoặc thủ trưởng ngơ đi, bật đèn xanh cho người dưới làm càn.

 

Việc này bản thân người thủ trưởng mới biết được và chuyện xác định trách nhiệm pháp lý thì khó có bằng chứng cụ thể, nguyên tắc là người nào làm người nấy chịu," ông Vân trả lời báo Dân Trí hồi tháng 10/2023 về vụ "chuyến bay giải cứu", đề cập đến ông Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ.

 

Trước ông Vân, một cựu đại biểu Quốc hội khác bị bắt gây chấn động dư luận là ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

 

Thời điểm bị bắt ông Nhưỡng không còn là đại biểu Quốc hội, nhưng trước đó ông từng là một trong số đại biểu Quốc hội được coi là hiếm hoi có nhiều phát biểu công khai, mạnh mẽ về nhiều vấn đề "đụng chạm".

 

Vụ bắt ông Nhưỡng hồi tháng 11/2023 được một số nhà quan sát đánh giá là và “có màu sắc chính trị”.

 

Khi còn là đại biểu và cả sau này, ông Nhưỡng từng lên tiếng về vụ Đồng Tâm, vụ tử tù Hồ Duy Hải, thậm chí không ngần ngại phê phán Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao... trong các phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

 

 

Ông Lê Thanh Vân là ai?

 

Ông Lê Thanh Vân sinh năm 1964, quê tại Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ông có trình độ tiến sĩ luật.

 

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15 và là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách các khóa 14, 15.

 

Ông Vân từng làm việc tại Vụ Hoạt động Đại biểu dân cử (nay là Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính-Ngân sách.

 

Ông cũng từng làm phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương (3/2014 - 12/2015) trước khi trở lại Ủy ban Tài chính-Ngân sách, giữ chức ủy viên thường trực.

 

---------------

Tin liên quan

·         

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

15 tháng 11 năm 2023

·         

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

15 tháng 11 năm 2023

·         

Về phát biểu 'khác biệt' của ông Lưu Bình Nhưỡng

10 tháng 6 năm 2019

·         

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng

10 tháng 7 năm 2024

·         

Hội nghị Trung ương Đảng 10: Bàn về nhân sự Đại hội 14, có gì chú ý?

9 tháng 7 năm 2024

·         

Việt Nam: Bộ Chính trị và vấn đề 'hồng' hơn 'chuyên'

5 tháng 7 năm 2024

 

 

 




No comments: