The Economist
Đỗ Đặng
Nhật Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/07/12/the-gioi-hom-nay-12-07-2024/
Khi
ngày càng nhiều nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Mỹ — bao gồm cả thành viên thứ 11
của Hạ viện — kêu gọi Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử, Hakeem Jeffries,
lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, cho biết ông sẽ triệu tập đội ngũ lãnh đạo của
mình để “tìm ra bước tiếp theo.” Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ họp
vào thứ Năm với nhóm vận động tranh cử của ông Biden. Hôm thứ Tư, cựu chủ tịch
Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà đã nói với các đồng nghiệp của mình “hãy tạm dừng”
bình luận công khai cho đến khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, DC, tuần
này kết thúc.
Chỉ
số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 6 tăng 3% so với cùng kỳ năm
trước, giảm từ mức 3,3% của tháng 5. Dữ liệu này thấp hơn cả dự đoán của các
nhà phân tích; sau khi tăng tốc vào đầu năm nay, lạm phát hàng tháng đã giảm lần
đầu tiên kể từ năm 2020. Đây là tin rất đáng khích lệ đối với Cục Dự trữ Liên
bang, trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc
họp tiếp theo vào tháng 9.
Thủ
tướng Hungary Viktor Orban sẽ gặp Donald Trump ở Florida sau
khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. Ông là một trong những người
ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất ở EU. Gần đây ông đã đảm nhận chức chủ tịch
luân phiên của EU, hứa hẹn sẽ “làm cho châu Âu vĩ đại trở lại.” Ông Orban cũng
đã đến thăm tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng, khiến các nhà lãnh đạo
châu Âu phẫn nộ.
Tổng
thống Kenya William Ruto sa thải gần như toàn bộ nội các của
ông sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ kể từ tháng 6, vốn khiến ông phải rút lại dự
luật thuế gây tranh cãi. Ông Ruto cho biết đã đưa ra quyết định sau khi “lắng
nghe người dân Kenya.” Người biểu tình tràn vào Quốc hội hôm 25 tháng 6 và làm
cháy một phần toà nhà. Lực lượng an ninh đã đáp trả một cách thẳng tay,
khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.
Tình
báo Mỹ phát hiện ra kế hoạch ám sát Armin Papperger, giám đốc của
Rheinmetall, theo CNN. Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức đã
cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, và gần đây đã mở một
nhà máy sản xuất xe bọc thép ở Ukraine. Âm mưu giết ông Papperger được cho là một
trong số nhiều âm mưu bị tình báo Mỹ phát hiện.
Theo
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm
xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Mặc dù giá dầu có tăng trong tháng 6, nhưng
nhu cầu lại thấp hơn. Doanh thu từ dầu mỏ là nguồn thu nhập lớn cho chính phủ.
Xuất khẩu sụt giảm khiến Điện Kremlin mất đi nguồn vốn cần thiết để duy trì nền
kinh tế thời chiến.
BHP, gã khổng lồ khai
thác mỏ, sẽ tạm dừng hoạt động khai thác niken ở Tây Úc từ tháng 10. Công ty
cho biết cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất giá rẻ đã làm giảm tỷ suất
lợi nhuận, đặc biệt là ở Indonesia. Dưới thời tổng thống sắp mãn nhiệm Joko
Widodo, đất nước này đã nổi lên như là nhà cung cấp niken hàng đầu thế giới, vốn
rất cần thiết để chế tạo pin xe điện.
Con số
trong ngày:
22%, là tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi—khoảng 150 triệu trẻ em—bị suy dinh dưỡng trên
toàn cầu.
TIÊU
ĐIỂM
Sức
khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ
Ba
trong số những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ — Citigroup, JPMorgan Chase, và Wells
Fargo — sẽ báo cáo thu nhập quý hai vào thứ Sáu. Kết quả từ mảng ngân hàng tiêu
dùng của họ sẽ rất đáng xem. Khi tiền tiết kiệm ngày càng mỏng đi, nhiều người
sẽ phải dựa vào nợ thẻ tín dụng hơn. Nhưng với lãi suất bị mắc kẹt ở mức cao
trong thời gian dài hơn dự kiến của các ngân hàng, khách hàng hiện đang gặp
khó khăn trong việc trả nợ. Do đó ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng đề phòng tổn
thất cho vay. Song cho vay tiêu dùng không phải là điểm yếu duy nhất: giá trị bất
động sản thương mại đã sụt giảm kể từ đại dịch, làm tăng nợ xấu đối với các tòa
nhà văn phòng.
Tuy
vậy, đà hồi sinh của mảng M&A có thể sẽ thúc đẩy kết quả của ngân hàng đầu
tư. Trong hai năm qua, số vụ sáp nhập và mua lại đã giảm mạnh do tình trạng bất
ổn kinh tế làm giảm giá trị của các công ty. Nhưng niềm tin tăng trở lại trong
quý 2 đã vực dậy hoạt động M&A. JPMorgan công bố vào tháng trước rằng họ dự
kiến doanh thu từ hoạt động
ngân hàng đầu tư sẽ tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai. Đó là
tin đáng mừng.
EU
cần cơ chế hợp tác công nghiệp quốc phòng để tránh phân mảnh
Chi
tiêu quốc phòng của châu Âu đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Năm nay
châu Âu sẽ chi hơn 400 tỷ USD cho quốc phòng. Nhưng số tiền này sẽ không được sử
dụng hiệu quả nhất có thể và cũng sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc tăng cường
năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng đang bị phân mảnh của châu Âu.
Đây
chính là lúc EU cần Cơ quan Phòng vệ châu Âu (EDA), được thành lập đúng 20 năm
trước vào thứ Sáu. Mục đích của EDA là cố gắng điều phối chi tiêu quốc phòng của
các thành viên EU để đạt hiệu quả cao nhất trên mỗi đồng euro, đồng thời tránh
đầu tư trùng lặp về năng lực quốc phòng. Nhưng như Nick Witney, sếp đầu tiên của
EDA, gần đây đã thừa nhận, sự hợp tác mua sắm “vẫn còn yếu.” EDA đã đóng góp
đáng kể trong việc điều phối đạn dược cho Ukraine, song cơ quan này vẫn thiếu
thẩm quyền và sức mạnh tài chính để tận dụng hết thế mạnh của một thị trường
chung EU cho ngành công nghiệp quốc phòng. Các quốc gia thành viên biết phải
làm gì, nhưng ngay cả bây giờ vẫn không sẵn sàng bắt tay thực hiện.
Lạm
phát ở Argentina quay đầu tăng
Lạm
phát giảm là lý do lớn cho độ nổi tiếng của Javier Milei, tổng thống Argentina.
Lãi suất hàng tháng đã chậm lại kể từ tháng 1 nhờ ông Milei cắt giảm chi tiêu mạnh
mẽ và một cuộc suy thoái kinh tế. Trong tháng 5, lạm phát đã giảm xuống mức
hàng tháng là 4,2%. (Lạm phát theo năm trong cùng tháng vẫn đạt tới 276%.)
Nhưng các nhà phân tích dự đoán lạm phát trong tháng 6, được công bố vào hôm
nay, sẽ quay đầu lên mức 5,2%, phần lớn là do chính phủ cắt giảm trợ cấp năng
lượng, đẩy giá lên cao.
Lạm
phát tăng có thể gây nghi ngờ về sự thành công của chương trình kinh tế của ông
Milei. Lạm phát cao cũng khiến đồng peso ngày càng được định giá quá cao, làm
tăng nguy cơ điều chỉnh mạnh. Và nó khiến việc dỡ bỏ kiểm soát vốn trở nên khó
khăn hơn, làm nản lòng nhà đầu tư. Ngay cả khi chính phủ vẫn lạc quan, thị trường
đang tỏ ra lo lắng về lạm phát và những gì ông Milei dự định áp dụng cho đồng
peso. Rủi ro vỡ nợ của quốc gia này đã tăng trở lại về mức của tháng 3.
Philippines
tập trận không quân với Australia
Từ
thứ Sáu, máy bay chiến đấu của 20 quốc gia sẽ bay trên bầu trời phía bắc
Australia để tham gia cuộc tập trận hai năm một lần do không quân Australia tổ
chức. Trong số đó có máy bay chiến đấu của Không quân Philippines, lần đầu tiên
được triển khai ở nước ngoài. Trong ba tuần, các phi công Philippines sẽ mài
giũa kỹ năng chiến đấu của mình. Tại thời điểm năm 2005, sau khi các tổng thống
liên tiếp của Philippines không cấp đủ kinh phí cho quốc phòng trước các mối đe
dọa từ bên ngoài, không quan nước này thậm chí không có được một chiếc chiến đấu
cơ nào hoạt động. Sự yếu kém này, cộng với việc trục xuất các căn cứ quân sự của
Mỹ khỏi đất Philippines vào những năm 1990, có thể đã khuyến khích Trung Quốc
xâm lấn các phần Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Không
quân Philippines hiện chỉ có 12 máy bay chiến đấu, 4 trong số đó hiện đang ở
Australia. Nhưng với sự huấn luyện và thiết bị của Úc, Mỹ, và Nhật Bản, cũng
như với những máy bay mạnh hơn trong chương trình mua sắm, các phi công của họ
có thể bắt đầu tạo ra một thách thức mạnh mẽ hơn trước các động tác xâm nhập của
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment