Tuesday, July 23, 2024

TẠI SAO PHÁT BIỂU CỦA LÝ CƯỜNG VỀ KINH TẾ TRUNG QUỐC GÂY BỐI RỐI? (Katsuji Nakazawa  |  Nikkei Asia)

 



Tại sao phát biểu của Lý Cường về kinh tế Trung Quốc gây bối rối?

Katsuji Nakazawa  |  Nikkei Asia

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

22/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/22/tai-sao-phat-bieu-cua-ly-cuong-ve-kinh-te-trung-quoc-gay-boi-roi/

 

Cuộc họp quan trọng của đảng phản ánh những ý tưởng mà Tập Cận Bình đang hướng tới sau lần lỡ miệng ngoài ý muốn của Lý Cường.

 

Nền kinh tế Trung Quốc đang đi về đâu? Đó là điều mà mọi người đều muốn biết trong khi chờ đợi bản thông cáo được đưa ra vào thứ Năm, 18/07/2024, khi cuộc họp quan trọng kéo dài 4 ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc.

 

Thông cáo cũng sẽ cho thấy liệu đảng có thể đưa ra cho thế giới một lời giải thích dễ hiểu về cách họ chẩn đoán và đưa ra các đề xuất chính sách cho một nền kinh tế đang ốm yếu hay không.

 

VIDEO :

Tại sao phát biểu của Lý Cường về kinh tế Trung Quốc gây bối rối?  

https://www.youtube.com/watch?v=J4QHls_xvio

 

Tổng Bí thư Tập Cận Bình, người kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước Trung Quốc, đã đọc báo cáo công tác vào thứ Hai, 15/07/2024, ngày khai mạc hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20.

 

Tân Hoa Xã đưa tin, trong báo cáo lần này, nhà lãnh đạo tối cao “đã trình bày chi tiết dự thảo quyết định” của Trung ương Đảng về “tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc.”

 

Thống kê cho thấy nền kinh tế Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, đang trong tình trạng ảm đạm. Tăng trưởng từ tháng 4 đến tháng 6 đã chậm lại so với quý trước, giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài và cầu trong nước vẫn yếu. Do đó, các biện pháp thúc đẩy kinh tế là trọng tâm lớn nhất trước thềm cuộc họp quan trọng.

 

Thế nhưng, cuối tháng trước, Thủ tướng Lý Cường đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Với ý định xoa dịu những lo ngại của cộng đồng quốc tế, ông đã có một buổi “giới thiệu sớm” trong Diễn đàn Davos mùa hè, nhưng mọi chuyện đã phản tác dụng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F0%2F2%2F6%2F1%2F47981620-1-eng-GB%2F_4BL1516.jpg?source=nar-cms

Lý Cường nghĩ rằng mình sẽ có thể lấy lòng sếp bằng cách sử dụng một số thuật ngữ yêu thích của nhà lãnh đạo tối cao khi nói chuyện với những người tham dự Diễn đàn Davos ở Đại Liên, Trung Quốc, vào ngày 25/06. (Ảnh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới)

 

Tại Đại Liên, thành phố ven biển phía đông bắc Trung Quốc, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Lý đã giải thích tương đối chi tiết về nền kinh tế của nước mình trong lúc phát biểu tại Hội nghị Thường niên lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa hè 2024.

 

Tuy nhiên, phát biểu của Lý cuối cùng lại gây ra hiểu lầm trong giới chuyên gia kinh tế bên ngoài Trung Quốc.

 

Dù đang nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, nhưng Thủ tướng Trung Quốc lại nói theo cách mà chỉ có các cán bộ đảng mới hiểu được, và dường như ông đang cố gắng nịnh bợ ông chủ đầy quyền lực của mình. Suy cho cùng, Lý rất tự hào khi là một trong những trợ lý thân cận nhất của Tập.

 

Ông so sánh nền kinh tế Trung Quốc với một bệnh nhân và cho biết bệnh nhân này cuối cùng cũng đã khỏi bệnh sau một thời gian dài mắc bệnh hiểm nghèo. “Theo lý thuyết y học Trung Quốc,” Lý nói, “vào thời điểm này, chúng ta không thể dùng các loại thuốc mạnh.” Phải từ từ để cơ thể bệnh nhân hồi phục, ông nói.

 

Trong lời giải thích của mình, Lý đã sử dụng thuật ngữ cố bản bồi nguyên, có nghĩa là “củng cố nền tảng và nuôi dưỡng sức sống.” Dù nhiều người tham dự nước ngoài không nhận ra điều đó, nhưng “cố bản bồi nguyên” chính là điểm quan trọng nhất trong bài phát biểu của Lý. Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc chỉ đưa tin về phần này trong bài phát biểu của ông, hoàn toàn phớt lờ việc ông đề cập đến “thuốc mạnh.”

 

Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới lại nghe Lý tuyên bố rằng “chúng ta không thể sử dụng thuốc mạnh” và kết luận nền kinh tế Trung Quốc thực sự đang mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng.

 

Những người tham dự quốc tế cũng diễn giải những lời của Lý thành: hội nghị trung ương ba sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp chi tiêu tài chính hoặc nới lỏng tiền tệ lớn nào.

 

Theo các nguồn tin đã quan sát chính trị Trung Quốc trong nhiều năm và hiểu về sở thích của Tập, tổng bí thư thích các lý thuyết y học Trung Quốc hơn lý thuyết phương Tây và ưa chuộng các ý tưởng dựa trên triết học Trung Quốc truyền thống hơn là những ý tưởng dựa trên triết học phương Tây.

 

Lý từng là thư ký của Tập ở tỉnh Chiết Giang và ông tự tin rằng mình có thể đoán được mong muốn của sếp. Chính niềm tin đó đã khiến ông nhắc đến cố bản bồi nguyên trước khán giả quốc tế ở Đại Liên.

 

Điều gì khiến ông lựa chọn những từ ngữ mà cuối cùng lại phản tác dụng? Chính là Tập. Vì lãnh tụ tối cao thích ý tưởng cố bản bồi nguyên. Ông đã sử dụng thuật ngữ này vào năm ngoái, trong bài phát biểu tại một hội nghị công tác giáo dục với chủ đề “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F1%2F3%2F7%2F1%2F47981731-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024071600006123.jpg?source=nar-cms

Những cuốn sách giới thiệu các bài phát biểu của Tập Cận Bình tràn ngập các hiệu sách trên khắp Trung Quốc. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

Trong bài phát biểu, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng các quan chức cấp cao trong đảng cần phải nâng cao năng lực phán đoán, hiểu biết, và thực thi chính trị thông qua cố bản bồi nguyên.

 

Vào ngày 04/07, ông lại tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của cố bản bồi nguyên tại một phiên họp của Bộ Chính trị khi nói đến vai trò của thuật ngữ y học này trong nghiên cứu “Tư tưởng Tập Cận Bình.” Qua đó, ông đang phản ánh động cơ thầm kín của mình: khuyến khích lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ đảng với chính ông.

 

Tập cũng yêu thích các lý thuyết y học Trung Quốc.

 

Ban phụ trách xây dựng các tổ chức của đảng cho biết trên trang web chính thức của mình rằng kể từ đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 vào năm 2012, khi Tập chính thức đảm nhận chức vụ tổng bí thư, ông đã rất coi trọng việc phát triển và ứng dụng y học Trung Quốc.

 

Cố bản bồi nguyên đã trở thành biệt ngữ chính trị tượng trưng cho thời kỳ Tập Cận Bình. Do đó, về mặt chính trị, việc Lý Cường sử dụng thuật ngữ này là chính xác, chí ít là đối với khán giả Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia kinh tế nước ngoài không thể nhanh chóng hiểu được thuật ngữ chính trị độc đáo của đảng.

 

Thay vào đó, nhận xét của Lý đã giáng một đòn nặng nề vào Trung Quốc trên trường quốc tế. Nó truyền đi nhận thức rằng tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc đang tồi tệ hơn những gì các nhà quan sát đã nghĩ, và rằng hội nghị toàn thể trung ương ba sẽ không đưa ra được giải pháp chính sách quan trọng nào.

 

Vào ngày khai mạc hội nghị, Tập đã giải thích về dự thảo quyết định của Ban chấp hành Trung ương liên quan đến “hiện đại hóa Trung Quốc.” Và ý tưởng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, vốn được Tập ủng hộ, kết hợp triết học Trung Quốc cổ đại với các ý tưởng y học Trung Quốc.

 

Ông cũng chủ trương vì “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và khái niệm này cũng dựa trên tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, bao gồm cả ý tưởng về tự cường, có nghĩa là nỗ lực hoàn thiện bản thân. Nhưng vấn đề là người nước ngoài sẽ thấy những tư tưởng này rất khó hiểu.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F0%2F8%2F6%2F1%2F47981680-1-eng-GB%2F2020-01-28T000000Z_741521384_RC2ROE9VR0N1_RTRMADP_3_CHINA-HEALTH.jpg?source=nar-cms

Một nhân viên kiểm tra nhiệt độ của tài xế tại trạm kiểm soát bên ngoài Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, vào ngày 28/01/2020. Chính sách zero-COVID hà khắc của Trung Quốc có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trì trệ kinh tế hiện tại. © Reuters

 

Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng hơn mọi người tưởng, thì có thể dễ dàng rút ra một kết luận rằng chính quyền của Tập đã mắc một loạt sai lầm về chính sách kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hồi 12 năm trước. Trong đó có thể kể đến chính sách zero-COVID hà khắc và kéo dài.

 

Nhưng Tập, người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không thể thừa nhận hậu quả kinh tế này là do lỗi của mình. Bởi làm như vậy sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tập quyền mà ông đã xây dựng với chính mình là hạt nhân trung tâm. Thay vào đó, lòng trung thành tuyệt đối phải được duy trì để bảo vệ hệ thống đó.

 

Nếu hội nghị trung ương ba không làm được gì nhiều ngoài việc nhắc đến những câu cửa miệng và triết lý ưa thích của Tập, thì cộng đồng quốc tế sẽ không khỏi lo lắng, khi biết rằng tình hình kinh tế tồi tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến định hướng tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

 

Thay vào đó, chính quyền Tập nên giải thích tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc và các chính sách điều chỉnh mà nước này dự định triển khai bằng những thuật ngữ mà bất cứ ai trên thế giới cũng có thể hiểu được. Họ cũng nên công bố loại số liệu thống kê có thể so sánh trên phạm vi quốc tế để mọi người có thể đánh giá chính xác tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc.

 

Nếu chính quyền Tập không thể điều chỉnh các thuật ngữ để đưa Trung Quốc vào một sân chơi bình đẳng hơn với các nước khác, thì khoảng cách nhận thức mà Lý đã tạo ra vào cuối tháng trước sẽ càng rộng hơn.

 

-------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

======================================================

Có Thể Bạn Quan Tâm:

1.    Lý do Tập Cận Bình không còn được gọi là “lãnh tụ nhân dân”

2.    “Cách mạng giấy trắng”: Trung Quốc mộng của Tập đang biến thành ác mộng

3.    Giang Trạch Dân từng suýt bị sa thải và bài học cho Tập Cận Bình

4.    Phụ nữ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ chính sách zero-covid

5.    Trung Quốc vật lộn với Covid trong khi chuỗi chỉ huy gây bối rối

6.    Người già Trung Quốc là nạn nhân của những sai lầm trong đại dịch

7.    Jack Ma sụp đổ đánh dấu hồi kết cho thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc

Tập giao Vương Hỗ Ninh thiết kế chiến lược mới để thu hồi Đài Loan







No comments: