Song Chi | Blog RFA
Thứ
Sáu, 07/19/2024 - 14:44 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/8115
Khi
một lãnh đạo qua đời ở một xứ độc tài
Ở
một xứ sở độc tài mà báo chí truyền thông được kiểm soát hết sức chặt chẽ thì
người dân thường đã quen với việc đọc “giữa hai hàng chữ” từ những thông tin
chính thức, hoặc nhận ra những dấu hiệu phía sau những động tác tưởng như bình
thường của nhà nước.
Khi
báo chí trong nước vào ngày 18/7 chỉ mới đồng loạt đưa tin giống hệt nhau rằng:
“…Theo
TTXVN, đến nay do yêu cầu phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để Tổng bí thư tập
trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ Quy chế làm việc của Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 13, trước mắt Bộ Chính trị
phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền
hạn được Bộ Chính trị quy định”…
Bên
cạnh đó là thông báo của Bộ Chính trị “quyết định trao tặng Huân chương
Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Việt Nam, cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” thì
những ai quan tâm theo dõi tình hình chính trị Việt Nam lập tức nhận ra tình
hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang rất nghiêm trọng rồi.
Trong
khi đó, như thường thấy, trên mạng xã hội Facebook và một vài tờ báo bên ngoài
khác đã tràn ngập thông tin, lời bình về việc ông Trọng có lẽ đang hấp hối hoặc
đã qua đời. Tờ Thời Báo bên Đức thậm chí còn đưa tin rất rõ ràng “Tổng
Bí thư Nguyễn Trọng đã chết”, từ nguồn tin nội bộ, vào ngày 18/7/2024,
lúc 1:30 giờ.
Và
đến hôm nay thì báo chí chính thức loan tin, ông Nguyễn Phú Trọng từ trần vào
lúc 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024. Vậy không biết nguồn tin bên ngoài hay nguồn
tin chính thức là đúng về ngày, giờ?
Dù
sao, không có gì lạ về chuyện này. Kể từ thời ông Hồ Chí Minh cho tới bây giờ,
sức khỏe và cái chết của các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước luôn luôn được
xếp vào diện “bí mật quốc gia”. Trừ những trường hợp rõ ràng là vì tuổi già sức
yếu, họ chết vì nguyên nhân gì không bao giờ người dân được biết, giờ nào công
bố về cái chết cũng phải được Bộ Chính trị cân nhắc tới lui.
Sự
ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa, tác động như thế nào đến Việt Nam và
thế giới?
Với
người dân có lẽ không có tác động gì nhiều, từ lâu rồi người dân đã quen với việc
bị đặt vào vị trí “khán giả bất đắc dĩ” đứng quan sát mọi diễn biến chính trường
ở Việt Nam nên ai lên ai xuống, ai sống ai từ trần cũng thế. Với quốc tế có lẽ
cũng vậy vì Việt Nam không phải là một nước lớn, có vai trò ảnh hưởng đến cục
diện chính trị thế giới như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu…Có chăng là những
tác động trong đảng, với những người từ trước đến giờ thuộc phe ông Nguyễn Phú
Trọng thì sẽ cảm thấy mất đi chỗ dựa chính trị, cái ghế có khả năng lung lay;
ngược lại, với những người thuộc phe đang lên là ông Tô Lâm--Chủ tịch nước đồng
thời vừa được tạm giữ vị trí quyền Tổng Bí thư thì sẽ càng tập hợp quanh ông Tô
Lâm, củng cố thêm vị trí của mình.
Từ
đây cho tới đại hội đảng khóa XIV vào đầu năm 2026, và trước đó nữa, là Hội nghị
Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10 theo như ông Nguyễn Phú Trọng
khi còn sống cho hay, sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14, ông
Tô Lâm sẽ phải tiếp tục củng cố quyền lực, mặt khác thuyết phục mọi đảng viên,
mọi cá nhân trong Bộ chính trị hoàn toàn thần phục, chấp nhận mình. Khả năng đấu
đá tranh giành quyền lực và chuyện khủng hoảng nhân sự sẽ còn tiếp diễn cho đến
khi các cái “ghế” đã được sắp xong, nhưng với cái thế rất vững hiện nay của ông
Tô Lâm, có lẽ cũng không có biến động gỉ lớn.
Vị
trí, tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng
Ở
Việt Nam dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo, không có một quan chức
lãnh đạo nào từ cấp tỉnh, thành cho tới trung ương có thể một bước nhảy ngang
vào một vị trí nào đó, phải là đảng viên đảng cộng sản và có quá trình đi từ dưới
lên trên. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng vậy, trước khi ngồi vào ghế Tổng Bí thư,
ông đã có cả một bề dày hoạt động chính trị, từ Ủy viên trung ương đảng khóa
VII cho tới khóa XIII là hơn 30 năm, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII cho tới
khóa XIII– hơn 26 năm, từng là Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc Hội v.v…Riêng với chức vụ Tổng
Bí thư, kể từ sau thời Lê Duẩn, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thự tại vị lâu
nhất –cho đến thời điểm hiện tại là 13 năm hơn 180 ngày. Ông Nguyễn Phú Trọng
đã phá bỏ điều lệ đảng quy định về việc chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm
kỳ liên tiếp, cũng như quy định về việc Ủy viên Bộ Chính trị để được tái cử phải
“không quá 65 tuổi”, để tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, khi
đã 77 tuổi (năm 2021) . Sau khi ông Trần Đại Quang, cố Chủ tịch nước qua đời
vào tháng 9.2018, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người thứ ba trong lịch sử của
đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và
nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.
Nhắc
lại những điều này để thấy trong vòng vài thập niên trở lại đây, ông Nguyễn Phú
Trọng là người có một vị trí và quyền lực không nhỏ. Cũng chính ông Nguyễn Phú
Trọng đã đưa quyền lực của đảng trở lại, mạnh hơn quyền lực của bên chính phủ
sau thời gian quyền lực của chính phủ lấn lướt đảng dưới thời ông cựu Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta biết, Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh
đạo Quân đội nên Tổng Bí thư (kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương) là chức
danh lãnh đạo cao nhất đối với quân đội, ngoài ra ông Trọng cũng cùng lúc đảm
nhiệm nhiều chức vụ khác là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Tiểu ban
nhân sự Đại hội XIV (được thành lập ngày 8/10/2023)…Cho nên quyền lực của ông
Trọng phải nói là bao trùm từ đảng, quân đội, công an, cho tới việc xây dựng,
giới thiệu nhân sự cho đảng và chính quyền.
Hình
ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng--Người cộng sản cuối cùng?
Trong
những năm ở đỉnh cao quyền lực, ông Trọng đã tích cực xây dựng hình ảnh của
mình với phong cách giản dị, liêm khiết, ăn mặc xuề xòa như cách lãnh đạo thời
kỳ đầu, và thường xuyên nhắc tới chủ nghĩa Mác Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con
đường xây dựng xã hội chủ nghĩa v.v…Có lẽ vì vậy mà có nhiều người định danh
ông là “người cộng sản cuối cùng” trong một chế độ tuy vẫn là đảng cộng sản nắm
quyền tuyệt đối, nhưng từ thực tiễn xã hội Việt Nam cho tới cách sống của đại
đa số đảng viên cộng sản đã hoàn toàn đi ngược với lý thuyết, lý luận, mô hình
nhà nước của chủ nghĩa cộng sản, với lý tưởng của đảng cộng sản thời kỳ đầu và
trong thâm tâm của đại đa số đảng viên cho tới người dân chắc cũng chẳng còn mấy
ai tin vào những điều đó nữa.
Nhưng
ông Trọng thì người viết bài này tin là ông thực sự vẫn tin vào chủ nghĩa Mác
Lenin cho tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cho dù có lần ông
đã từng nói “không biết đến cuối thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam hay chưa”. Cả một đời học và công tác, nghiên cứu lý lý luận, xây
dựng đảng, ông Trọng rất khó thay đổi. Và đúng là trong mắt ông Trọng thì đúng
là đảng cộng sản đã thành công rực rỡ, xã hội cũng như vị thế của Việt Nam đã
khá hơn rất nhiều so với thời chỉ có một nửa nước là miền Bắc trước năm 1975
hay thời bao cấp, kinh tế khốn cùng, đối ngoại lại bị bao vây, cấm vận, đến mức
ông đã từng thốt lên 'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay'.
Vừa
là hình ảnh của một người cộng sản kiểu cũ, vừa có dáng dấp của một ông giáo
làng, ông thầy đồ khi mở miệng ra là nói đạo đức, lẩy Kiều, làm thơ.
Còn
trên thế giới, hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một chính khách, lãnh đạo
quốc gia trông khá là bảo thủ, lạc hậu, kiên định với việc bảo vệ đảng, bảo vệ
chế độ. Một người thân Trung Quốc và vẫn giữ tình cảm với nước Nga, mặc dù đảng
của ông vẫn mở cửa với phương Tây. Với Trung Quốc, điều đó thể hiện qua mối
quan hệ gắn bó “cùng chung vận mệnh” giữa hai đảng dù thăng trầm, có những xung
đột về chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải, còn bản thân ông Trọng thì nhất nhất học
theo Tập Cận Bình. Chẳng hạn, họ Tập có phong trào chống tham nhũng “đả hổ, diệt
ruồi, săn sói, quét muỗi” thì Nguyễn Phú Trọng cũng nêu cao quyết tâm chống
tham nhũng. Nhưng tham nhũng ở Trung Quốc hay ở Việt Nam thì không thể nào tiêu
diệt được, một khi hai quốc gia này còn tồn tại mô hình thể chế chính trị độc
tài độc đảng với quyền lực của đảng cộng sản đứng trên cả luật pháp, tư pháp,
hành pháp lẫn truyền thông. Cho nên chống tham nhũng ở hai quốc gia này chỉ là
tiêu diệt phe cánh mà thôi.
Ở
Trung Quốc, quyền lực của Tập Cận Bình cực lớn. Việc tư tưởng của Tập Cận Bình
được đưa vào bản hiến pháp sửa đổi sau phiên họp của đảng Cộng sản Trung Quốc
trong tháng 1.2018 đã đặt ông Tập ngang hàng với hai cố lãnh đạo Trung Quốc là
Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Chưa kể, Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày
25.2.2018 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của
chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh
viễn, chẳng khác nào một ông Vua.
Nguyễn
Phú Trọng có lẽ cũng mơ có một vị trí như thế, nhưng từ tầm nhìn, tư duy, năng
lực, cho tới bản lĩnh, ông Trọng vẫn còn thua Tập Cận Bình rất xa. Và chính
tính cách, con người của ông Nguyễn Phú Trọng đã góp phần vào sự thất bại của
các chính sách lớn trong đời ông, bên cạnh lý do mô hình, thể chế.
Di
sản
Ông
Nguyễn Phú Trọng vừa nằm xuống, báo chí tiếng Việt khắp nơi nói về di sản của
ông. Tựu trung lại, về đối nội, như nhiều người đã chỉ ra, điều lớn nhất mà ông
đã làm là chiến dịch đốt lò chống tham nhũng. Nhưng kết quả là gì? Hàng ngàn đảng
viên bị mất chức, vào tù hoặc phải từ chức. Không thể nhớ hết là bao nhiêu người,
bao nhiêu vụ án thậm chí đại án, siêu đại án đã được khui ra. Bản thân ông Trọng
khơi dậy chiến dịch đốt lò chống tham nhũng này để cứu đảng, cứu uy tín của đảng
nhưng lại làm cho đảng mất uy tín hơn, người dân mất lòng tin hơn vào đảng.
Ngay cả những người bao nhiêu lâu nay chỉ tin vào đảng vào nhà nước cũng phải
thấy là tham nhũng đã trở thành một căn bệnh ung thư của đảng bởi vì chính thể
chế này đã tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Việc dùng nhân trị, đức trị kiểu
như ông Trọng hay nhắc nhở đảng viên không được làm này làm kia v.v… không ăn
thua gì, còn dùng luật pháp thì cũng lại vừa “đánh chuột” vừa sợ “vỡ bình”.
Công cuộc đốt lò đó cũng đã tạo cơ hội cho những cuộc đấu đá tranh giành quyền
lực, hạ bệ lẫn nhau: Ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn
Phú Trọng với Nguyện Xuân Phúc, rồi với Tô Lâm. Cuối cùng quyền lực lại rơi vào
tay Tô Lâm.
Người
ta cũng nhắc đến thất bại của ông Trọng trong tuyển chọn nhân sự. Hàng loạt người
do ông Trọng giới thiệu đều bị khui ra có dính dáng đến tham nhũng và phải rời
ghế, mới đây nhất là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ.
Đó
là chưa nói đến các quyền tự do dân chủ, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam dưới
thời ông Trọng đã xấu đi tệ hại với bao nhiêu nhà báo, blogger, nhà hoạt động
xã hội dân sự, luật sư nhân quyền ….phải vào tù, các chỉ số tự do báo chí, tự
do tôn giáo…của Việt Nam luôn luôn nằm ở top 5 quốc gia tệ hại nhất.
Về
đối ngoại, người ta nhắc đến chính sách đa phương, “ngoại giao cây tre” của đảng
cộng sản Việt Nam dưới thời ông Trọng.
Dù
sao cũng phải thừa nhận là dù vẫn gắn chặt với Tàu, Nga, nhưng Việt Nam vẫn mở
cửa với thế giới, tạo lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược
toàn diện với phương Tây, nhất là Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục
được người Mỹ công nhận tính chính danh của đảng và nhà nước cộng sản, bản thận
ông thì được phía Mỹ mời sang thăm Nhà Trắng như một nguyên thủ quốc gia, và
ngược lại cũng đã đã đón, gặp mấy đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau tới Hà Nội.
Nhưng
“ngoại giao cây tre” về lâu dài lợi hay hại thì còn phải chờ xem.
Cũng
có người nhắc đến việc ông Trọng và đảng của ông đã giữ được hòa bình với nước
láng giềng Trung Quốc, giữ được ổn định chính trị trong nước. Nhưng câu hỏi là
giữ được hòa bình với giá nào? Kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Cộng
vào năm 1979 (nhưng trên thực tế xung đột vẫn dằng dai cho đến tận năm 1988),
trong khi Trung Quốc đã đầu tư “khủng” vào quân đội, quốc phòng, nhất là hải
quân, xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa chiếm được của
Việt Nam và một số đảo nhân tạo, thì quân đội, hải quân các thứ của Việt Nam ra
sao? Nếu bây giờ lại xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ trụ được
bao lâu? Đó là chưa nói đến mối quan hệ lạnh nhạt đi giữa Việt Nam-Campuchia và
Campuchia đã ngả hẳn về phía Trung Quốc, làm tăng thêm mối lo ngại cho Việt
Nam.
Còn
về sự ổn định chính trị, một điều mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam luôn
luôn tự hào nhắc đi nhắc lại nhưng thời gian vừa qua, khi những cuộc đấu đá
thay người ngay cả ở các cấp cao nhất liên tục xảy ra đã cho thấy sự bất ổn, khủng
hoảng chính trị của Việt Nam.
Rồi
đây, khi chế độ của đảng cộng sản không còn nữa, lịch sử sẽ được đánh giá lại một
cách minh bạch, công bằng, mọi khuôn mặt nổi bật của đảng như Hồ Chí Minh, Lê
Duẩn cho tới Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng…
Tương
lai của VN
Sau
thời kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng chuyển sang thời kỳ của ông Tô Lâm, có lẽ tình
hình chính trị-xã hội của cũng không thay đổi gì nhiều. Nếu Tô Lâm chính thức
trở thành Tổng Bí thư, cùng lắm là có chuyện nhất thể hóa 2 chức vụ Tổng Bí thư
và Chủ tịch nước như bên Trung Quốc và nếu như vậy có nghĩa là Việt Nam sẽ hoàn
tất quá trình trở thành một nhà nước độc tài độc đảng công an trị với quyền lực
tập trung chủ yếu vào một người. Còn trong ngắn hạn chưa có triển vọng gì về
chuyện dân chủ hóa, đa đảng. Con đường đi vẫn sẽ như vậy, chỉ trừ phi có một biến
cố gì lớn trên thế giới làm xáo trộn nhiều thứ và tác động đến Việt Nam, khiến
Việt Nam phải đứng trước sự lựa chọn thay đổi hay là chết.
Nhưng
tất nhiên, người dân Việt Nam nếu muốn có tự do dân chủ, nếu muốn cho tương lai
đất nước, dân tộc Việt Nam sáng sủa hơn thì không thể ngồi chờ sự thay đổi từ
bên ngoài hay trên xuống mà mỗi người phải tự mình góp phần vào sự thay đổi
ấy.
No comments:
Post a Comment