Nguyễn Phú Trọng: công với ai và tội
với ai?
Gió Bấc / Blog
RFA
Thứ
Sáu, 07/19/2024 - 12:13 — Gió Bấc
https://www.rfavietnam.com/node/8114
Ngày
17-7, người dân Việt chợt giật mình khi Bộ Chính Trị lần đầu tiên ban bố đặc ân
hé ra cho người dân thông tin tối mật về sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Té ra bấy
lâu nay ông Trọng “vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe”
nay đã đến lúc “cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí
thư tập trung điều trị tích cực”.
Thật
ra đây chỉ là cái cớ, là thông tin nền, chủ đề chính, nội dung cốt lõi của bản
tin này là công bố “tân nhiếp chính vương”: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ
quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa
XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định” (1).
Bổ
nhiệm nhiếp chính khi vua chưa thăng hà là ngoại lệ chưa từng có trong các triều
đại cộng sản “cường thịnh”, từ Lenin, Stalin ở Nga, Mao ở Tàu hay Lê Duẩn ở ta.
Các “lãnh tụ anh minh yêu đảng, yêu nước vĩ đại” luôn phấn đấu hy sinh phụng sự
đến hơi thở cuối cùng. Chính vì vậy, khi lãnh tụ trút hơi tàn thì đám cận thần
phải sống mái giành vị trí quan trọng nhất trong ban lễ tang, vị trí đứng cạnh
quan tài để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cũng đồng thời gián tiếp thể hiện
vai trò kế vị. Thông thường là tắm máu. Trotsky đã đào tẩu vẫn bị truy sát.
Beria phải dựa cột. Tứ nhân bang phải vào tù để tế cờ cho vương triều mới.
Công
bố quyền lực Nhiếp Chính Vương kèm theo lời hiệu triệu “toàn đảng đoàn kết”, vừa
huấn thị, vừa răn đe trước khi báo tang, hy vọng quyền lực đã và sẽ được chuyển
giao êm thắm mà không phải tắm máu như các tiên triều của đàn anh.
Triều
đình ít biến động, chém giết, hy vọng rằng dân đen cũng đỡ lầm than khổ nạn tai
bay vạ gió. Phải chăng đây là tiên liệu, là sự sắp đặt của “người đốt lò vĩ đại”,
vị tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng?
E
rằng không mà còn ngược lại! Càng về cuối nhiệm kỳ ba, quyền lực Tổng Trọng
ngày càng suy giảm, song hành với tình trạng sức khoẻ; nhưng sự suy giảm quyền
lực chừng như không phải do sức khỏe mà do hậu quả những tính toán sai lầm
trong “công cuộc đốt lò”, trong việc điều hành các nhóm lợi ích, các phe nhóm
dưới trướng. Lửa đốt lò càng lúc càng đậm nhưng củi đưa vào lò càng lúc càng xa
tay với của chủ lò.
Về
công cuộc đốt lò, nhiều người khen Nguyễn Phú Trọng là đầu tàu chống tham nhũng
nhưng có không ít ý kiến nghi ngại đây chỉ là công cụ chiến lược tạo thế cho bọn
đàn em thành lũ quần ngư tranh thực để Tổng Trọng tọa sơn quan hổ đấu, ngư ông
đắc lợi. Thoạt đầu, củi đốt lò là đàn em thân tín của Ba X như Trịnh Xuân
Thanh, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà… Nhưng trước những thanh củi to Lê Thanh Hải,
Vũ Huy Hoàng, lửa lò lại chập chờn khi nóng khi lạnh.
Lửa
thật sự dữ dội từ sau “tai nạn” bò dát vàng của Tô Đại Tướng. Câu nói xa gần của
Tổng Trọng “Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói: ‘Con người – hai tiếng ấy
vang lên kiêu hãnh làm sao!’. Nhưng con người cũng có không ít tật: ‘Kém một miếng
không chịu được’, ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên
đầu!’. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể
không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”
(2).
Chừng
như đã kích hoạt năng lượng tiềm tàng của thanh kiếm Tô Lâm, mục tiêu đốt lò dần
chuyển hướng. Từ vụ test kit Việt Á, đến chuyến bay giải cứu, rồi đến Nguyễn Thị
Thanh Nhàn, tăng dần đến Hậu Pháo, Phúc Sơn, cái trật tự quyền lực Công An báo
cáo, Kiểm Tra kết luận, Công An khởi tố đã bị đảo lộn. Công An khởi tố sân sau,
bắt nóng trợ lý lãnh đạo cấp cao thậm chí cả Ủy Viên Trung ương đảng đương nhiệm
như Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc buộc Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ phải
tự xin từ chức. Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương phải cập rập bẽ bàng đề nghị kỷ luật
đảng viên với những phạm nhân. Uy thế của hai cánh tay quyền lực của Đảng ngày
càng mờ nhạt, thụ động hợp thức hóa các quyết định tố tụng của Công An.
Mới
đây nhất, Phó Ban Nội Chính Nguyễn Văn Yên bị bắt giam, cuộc điều tra các dự án
môi trường đang mở rộng, số phận của Trưởng ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm
tra rung lắc như cây non trong bão lớn, càng cho thấy “công cuộc đốt lò” đã nằm
ngoài tầm tay của Nguyễn Phú Trọng và trước sau nó hoàn toàn không nhằm chống
tham nhũng như đã nhân danh. Thực chất nó chỉ là cuộc đấu đá giữa các nhóm quyền
lực, lợi ích.
Quy
mô, tính chất các vụ tham nhũng đã lộ sáng càng về sau càng lớn hơn các vụ trước
với cấp số nhân. Với Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng số tiền thiệt hại tham
nhũng ngàn tỷ đã là con số khủng nhưng các đại án sau này như Trịnh Văn Quyết,
SCB số tiền thiệt hại là chục ngàn, trăm ngàn tỷ. Trong cái nhìn của giới
chuyên môn, vẫn còn đó nhiều vụ án tiềm năng giá trị thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ
hoặc lớn hơn.
Đặc
biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng qua ba khóa Tổng Bí thư của Tổng Trọng,
hàng loạt ngân hàng phải quản lý đặc biệt, phải mua lại 0 đồng; kinh khủng nhất
là ngân hàng SCB, nhà nước phải chi 25 tỉ USD (bằng 6% GDP cả nước năm 2023) để
giải cứu. Thế nhưng các Thống Đốc Ngân Hàng Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng không
chịu trách nhiệm gì, mà còn thăng tiến vào Bộ Chính Trị. Rõ là “công cuộc đốt
lò” không ngăn chặn, giảm thiểu, mà tham nhũng ngày càng lớn mạnh hơn.
Giới
chức tự xưng yêu đảng, tung hô Nguyễn Phú Trọng có công xây dựng đảng. Quả thật,
Nguyễn Phú Trọng nói nhiều, ra nhiều quy định mới, in nhiều sách về xây dựng
đảng nhưng nhìn lại cái đảng sau gần ba khóa được Trọng xây dựng, đã rệu rã như
thế nào?
Với
tầng lớp lãnh đạo cao cấp do Tổng Trọng đào tạo, tuyển chọn trong khóa 13 này
thì 7/18 Ủy viên Bộ Chính Trị bị cách chức, cho thôi giữ chức do bị nhúng chàm.
Hơn 30 Ủy Viên BCH TƯ bị bắt, cách chức, cho thôi giữ chức vì tham nhũng. Cấp
thấp hơn tuần tự là số trăm, số ngàn. Những thiệt hại nhân sự khủng khiếp chưa
từng có, ngay cả trong thời non trẻ hoạt động bí mật bị thực dân Pháp đàn áp
hay trong chiến tranh. Đây chỉ là con số nhúng chàm đã bị lộ, con số đảng viên
cán bộ nhúng chàm chưa bị lộ thì khó có thể thống kê.
Đảng
có trăm tai nghìn mắt, đảng viên ai cũng học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực
hiện 19 điều cấm, kê khai tài sản hàng năm… theo chương trình xây dựng đảng của
Tổng Trọng. Thế nhưng, nhờ bọn tin tặc lừa đảo, đảng mới biết chủ tịch UBND huyện
Nhơn Trạch bị chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc
nhưng cũng chẳng ai giải đáp thắc mắc của người dân số tiền khổng lồ ấy từ đâu
mà có. Cơ quan chống tham nhũng, xây dựng đảng thực chất chỉ làm công việc xử
lý lấp liếm sai phạm lộ liễu không thể giấu và cố tình che đậy thô thiển những
gì có thể che đậy.
Một
chính sách lợi hại của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng là luân chuyển cán
bộ. Nhưng thực chất đó chỉ là thủ thuật xào bài, cài người phe đảng để Trọng
chiếm đa số Ủy viên Trung ương, lật đổ Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội khóa 12 và
duy trì quyền lực cho Trọng trong khóa 13. Điểm lại các trường hợp cán bộ lãnh
đạo bị lộ, bị xử lý, hầu hết là sai phạm từ nhiều năm trước, từ những chức danh
trước đó mấy khóa và chỉ bị lộ ra nhờ những nguyên cớ tình cờ.
Trịnh
Xuân Thanh sai phạm từ thời làm ở xây dựng dầu khí, được luân chuyển về Bộ Công
thương, luân chuyển tiếp về Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang mới bị lộ nhờ vụ xe
bảng trắng bảng xanh. Đinh La Thăng cũng sai phạm từ dầu khí, luân chuyển về Bô
Giao thông, Bí thư Thành Ủy Hồ Chí Minh, bị lộ từ nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh. Võ
Văn Thưởng sai từ khi làm Bí thư Quảng Ngãi, luân chuyển hàng tá chức lên đến
Chủ tịch nước thì mới lộ vì đàn em Hậu Pháo…
Nói cách
nào đó, luân chuyển là phương cách hữu hiệu để kẻ sai phạm chuyển vùng hoạt động
né tránh, che giấu hậu quả sai phạm của mình. Luân chuyển cán bộ cũng là cơ hội,
phương tiện cho loại hình tham nhũng mới là mua bán chức quyền.
Có
người khen Nguyễn Phú Trọng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Phú Trọng
cũng tự hào về điều đó dù tuyên bố rằng con đường lên chủ nghĩa xã hội còn dài
lắm không biết bao giờ mới tới. Chủ nghĩa Mác – Lê có hai phần chính là ảo tưởng
về xã hội tốt đẹp phân phối theo lao động, người dân hạnh phúc ấm no nhờ phúc lợi
dồi dào mà hiện các nước Bắc Âu đang thụ hưởng. Phần thứ hai là thực thể chuyên
chính vô sản với chính quyền độc tài toàn trị và công cụ bạo lực là công an,
quân đội. Xem ra ba nhiệm kỳ của ông Trọng những chỉ số phúc lợi an sinh xã hội
của nhà nước không có gì khởi sắc nếu không nói là ảm đạm. Theo số liệu do Bộ
Tài chính công bố, năm 2021, dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96
ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục
là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng
và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (3).
Ngoài
ra, ngành Công An còn được trích đến 85% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông, bán đấu giá bảng số xe,… điều này cho thấy ông Trọng không
kiên định với đường lối, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà kiên định và đầu tư chăm
chút cho thực thể bộ máy chuyên chính vô sản.
Sự đàn áp,
tước đoạt tài sản người dân nhất là trong lĩnh vực đất đai trong ba nhiệm kỳ của
Tổng Trọng quy mô lớn, tàn bạo và đẫm máu nhất so với các Tổng bí thư khác từ
1975 đến nay. Nhà
nước đã dùng pháp quyền hành chính, hình sự và cả sức mạnh súng đạn để đàn áp
người dân vừa cướp đất vừa bắn giết, tù đày những người mất đất. Điển hình là vụ
Cống Rộc, Hải Phòng với gia đình Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang, Hưng Yên,… Đặc biệt,
vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dân thôn Hoành bị cướp hàng chục ha đất. Cụ Lê Đình Kình,
đảng viên lão thành trên 60 năm tuổi đảng bị thảm sát, con cháu bị án tử hình,
chung thân ngược lại ba
hung thủ trong số hơn 300 tên khủng bố nửa đêm xông vào nhà dân bắn giết lại được
chính Nguyễn Phú Trọng ký truy tặng huân chương.
Báo
chí, tôn giáo dưới thời Nguyễn Phú Trọng cũng bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết. Quy
hoạch báo chí, Luật An ninh mạng, điều 331 đã giết chết hoàn toàn tự do báo chí
và cả không gian mạng xã hội. Nhiều
nhà báo phản biện hay điều tra chống tiêu cực như Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi,
Nguyễn Hoài Nam, Trương Châu Hữu Danh … bị kết án tù rất nặng nề.
Ngay
trong số cán bộ đảng viên, Nguyễn Phú Trọng cũng có sáng kiến độc đáo, vũ khí đặc
biệt để đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói phản biện. Đó là khái niệm mơ hồ “tự
chuyển biến, tự chuyển hóa, tha hóa mất phẩm chất” và bị kết tội về những hành
vi mơ hồ ất ơ lợi dụng chức vụ quyền hạn, trốn thuế như vị lão tướng nhà báo
Nguyễn Kim Hoa, luật sư Trần Vũ Hải.
Gần đây nhất là Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nhà báo Huy Đức,
Luật sư Trần Đình Triển, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Đạo
lý của dân tộc, nghĩa tử là nghĩa tận, lẽ ra không nên nặng lời với người đã
khuất. Nhưng ngay khi chúng tôi viết những dòng chữ này thì cả hệ thống truyền
thông đồ sộ của Đảng đang huy động hết công suất ca ngợi công đức của Nguyễn
Phú Trọng bằng ngôn từ dối trá, hài hước không kém “Người kể chuyện phi thường”
Hồ Chí Bảo và “Quốc Trung hiền sĩ” tán tụng khen nhau. Một lần nữa họ lại lấy
tiền của, phương tiện hiện đại của đất nước, của người dân để đầu độc nhận thức
cộng đồng. Ai đã tuyệt nghĩa tử nghĩa tận với cụ Lê Đình Kình khi thi hài cụ bị
bị hành hạ, phanh thây, tang lễ cụ bị bao vây? Ai sẽ nói thay những người đã và
đang bị cướp tài sản, bị đàn áp giam cầm?
Lịch
sử đảng cộng sản, các tổ chức độc tài khác sẽ tán dương công đức, tài trí kinh
nghiệm củng cố thể chế chuyên quyền đàn áp của Nguyễn Phú Trọng. Phần còn lại của
thế giới cần phải hiểu và nhận diện con người thật của ông ta.
No comments:
Post a Comment