Nga là kẻ phá bĩnh
chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Derek Grossman
- Foreign Policy
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/07/12/nga-la-ke-pha-binh-chien-luoc-o-an-do-duong-thai-binh-duong/
Trong
lúc Bắc Kinh và Washington tranh giành quyền bá chủ, Moscow vẫn có ảnh hưởng
đáng gờm.
Dù
phần lớn chính sách đối ngoại của Nga đang tập trung vào Trung Đông, Châu Phi,
và kể từ tháng 2/2022 là việc chinh phục Ukraine, Moscow gần đây đã cho thấy rằng
họ vẫn có sự hiện diện đáng gờm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ giữa tháng 5
đến giữa tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Trung Quốc, Triều
Tiên, và Việt Nam để củng cố các quan hệ đối tác chiến lược quan trọng. Ngoài
ra, Putin cũng gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Moscow, trong một cuộc gặp
mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi là “một đòn giáng tàn khốc vào những
nỗ lực hòa bình.”
Hơn
nữa, một nửa Đông Nam Á, phần lớn Nam Á, và gần như tất cả các quốc đảo Thái
Bình Dương đều tránh xa hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine được tổ chức tại
Thụy Sĩ hồi giữa tháng 6. Một số quốc gia từ các khu vực này tuy có tham dự
nhưng đã từ chối ký tuyên bố chung được đưa ra sau thượng đỉnh, chứng tỏ Điện
Kremlin vẫn tiếp tục chi phối các tính toán chiến lược của họ.
Chắc
chắn, ảnh hưởng của Nga ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhỏ hơn nhiều so với ảnh
hưởng của Trung Quốc và Mỹ, hai siêu cường đang cố gắng giành thế thượng phong
trên toàn khu vực. Ngoài việc là nhà cung cấp vũ khí và dầu mỏ lớn, Moscow
không còn lợi ích cụ thể nào để cung cấp cho các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương. Dù Điện Kremlin dường như mong muốn một cuộc đối đầu theo kiểu Chiến
tranh Lạnh giữa phương Tây và phương Đông, nhưng điều này khó có thể xảy ra ở
khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì hầu hết các quốc gia – với một vài ngoại
lệ nổi bật – đang theo đuổi các chiến lược phòng bị nước đôi và cố gắng hết sức
để tránh liên kết theo cân bằng quyền lực cổ điển. Là lựa chọn thứ hai, Nga hài
lòng với việc xây dựng các quan hệ chặt chẽ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để
chống lại cái mà Putin gọi là “bá quyền” của Mỹ và đánh lạc hướng khỏi cuộc xâm
lược Ukraine của nước này. Về mục tiêu này, Điện Kremlin đã đạt được một số
thành công.
Đối
với Nga, hiện nay không có đối tác nào quan trọng hơn Trung Quốc. Trong cuộc gặp
ở Bắc Kinh vào tháng 5, Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố mối
quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” của họ. Đúng như mong đợi của
Putin, Tập đã nói với ông rằng “Trung Quốc sẵn sàng… cùng [Nga] đạt được sự
phát triển và phục hưng hai dân tộc chúng ta,” ám chỉ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục
hỗ trợ Moscow về mặt kinh tế, đặc biệt là trong việc né tránh các lệnh trừng phạt
do Mỹ dẫn đầu.
Trong
một diễn biến kịch tính hơn, Triều Tiên cũng đã nổi lên như một đối tác chiến
lược của Nga – một thay đổi lớn so với bảy năm trước, khi Moscow ủng hộ các lệnh
trừng phạt khắc nghiệt của Liên Hiệp Quốc đối với chế độ Triều Tiên vì đã tiến
hành vụ thử hạt nhân thứ sáu. Vào tháng 6 – lần đầu tiên kể từ năm 2000 – Putin
đến thăm Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Nga
đã được chào đón như một người hùng, và Kim đã đứng đợi ngay ở chân cầu thang
máy bay để chào Putin khi ông xuống máy bay.
Quan
trọng hơn, hai nhà lãnh đạo đã hồi sinh hiệp ước phòng thủ năm 1961, cam kết mỗi
nước sẽ triển khai “ngay lập tức tất cả các phương tiện sẵn có” và cung cấp “hỗ
trợ quân sự cũng như các hỗ trợ khác” trong trường hợp một trong hai bên bị xâm
lược. Việc tái khởi động liên minh thời Chiến tranh Lạnh đã khiến Hàn Quốc phẫn
nộ – và có thể sẽ phản tác dụng đối với Nga nếu Seoul quyết định hỗ trợ vũ khí
cho Ukraine để trả đũa.
Bản
chất của sự nồng ấm gần đây trong quan hệ Triều Tiên-Nga là một hành động có đi
có lại mang tính chiến lược. Trong hội nghị thượng đỉnh trước đó tại
Vladivostok, Nga, vào tháng 9/2023, Putin và Kim đã nhất trí rằng Điện Kremlin
sẽ nhận đạn dược từ Triều Tiên để sử dụng ở Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ kỹ thuật
của Nga cho các chương trình tên lửa (và nhiều khả năng cả chương trình hạt
nhân) của Triều Tiên.
Dù
thông tin chi tiết về sự hỗ trợ của Nga vẫn chưa rõ ràng, nhưng kể từ đó, Bình
Nhưỡng đã gửi nhiều chuyến hàng tới Moscow. Tính đến tháng trước, theo ước tính
của Bộ Ngoại giao Mỹ, Triều Tiên đã cung cấp hơn 11.000 container đạn dược cho
Moscow kể từ cuộc họp năm 2023. Các báo cáo chưa được xác minh gần đây thậm chí
còn cho rằng Triều Tiên có lẽ đã gửi cả binh lính tới Ukraine. Quan hệ đối tác
được tăng cường với Triều Tiên ít nhất sẽ trở thành một phiền toái chiến lược đối
với Mỹ và Châu Âu – nhưng nó đã gây ra tổn thất nặng nề cho Ukraine.
Sau
chuyến thăm Triều Tiên, Putin đã lên đường đến Việt Nam – chuyến thăm cấp nhà
nước đầu tiên của ông kể từ năm 2013. Trái ngược với sự chào đón nồng nhiệt mà
ông nhận được ở Bình Nhưỡng, buổi lễ ở Hà Nội lại khiêm tốn hơn nhiều, cho thấy
Việt Nam đang thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ đang phát triển của
nước này với phương Tây. Dù quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt là về
mặt an ninh, vẫn là một yếu tố nhạy cảm đối với Washington, nhưng quan hệ Mỹ-Việt
dường như không bị ảnh hưởng.
Điều
đó mang một ý nghĩa chiến lược theo quan điểm của Hà Nội: Mối quan tâm số một
trong quá khứ, hiện tại, và tương lai của Việt Nam là Trung Quốc, và bất kỳ sự
giúp đỡ nào mà Việt Nam có thể nhận được đều sẽ được hoan nghênh. Do đó, khả
năng Hà Nội tham gia vào liên kết Moscow-Bắc Kinh là rất thấp, bất chấp hy vọng
của Putin.
Và
giờ đây, một trong những đối tác chiến lược khác của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh
– Ấn Độ – lại một lần nữa xuất hiện trên các mặt báo. Modi đã tới Nga vào ngày
08/07 để gặp Putin trong hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa hai nhà
lãnh đạo kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine. Cách New Delhi xử lý quan hệ nhạy
cảm với Moscow sẽ là một điều đáng chú ý. Hiện tại, Nga vẫn tiếp tục cung cấp
vũ khí và hỗ trợ an ninh khác cho Ấn Độ – nhiều khả năng vi phạm luật pháp Mỹ –
cũng như giảm giá dầu mạnh để trốn tránh các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Trong
những năm gần đây, quan điểm truyền thống của New Delhi về việc kiên quyết
không liên kết trong chính sách đối ngoại đã bắt đầu nhường chỗ cho việc tăng
cường quan hệ chiến lược với Mỹ nhằm giúp chống lại Trung Quốc, đặc biệt là sau
khi Trung Quốc xâm chiếm vùng đất do Ấn Độ kiểm soát dọc biên giới đang tranh
chấp vào năm 2020. Dù Ấn Độ đã bày tỏ lo lắng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga,
hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ trình bày một cách ngắn gọn về chủ đề Ukraine,
trong khi tập trung quảng bá những tiến bộ về thương mại, an ninh, nông nghiệp,
công nghệ, và đổi mới. Tuy nhiên, Modi cũng đã nói với Putin rằng “hòa bình là
điều quan trọng nhất.”
Cuối
cùng, việc các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia hay không tham gia hội
nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine hồi tháng 6 đã cho thấy ảnh hưởng liên tục của
Nga trong khu vực.
Trong
khi các quốc gia thân thiện với Mỹ như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc
có mặt, thì Trung Quốc không tham dự vì họ đứng về phía Nga trong tranh chấp.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có Indonesia, Philippines, Singapore,
Thái Lan, và Đông Timor tham dự – và chỉ có hai trong số họ, Philippines và
Singapore, ký tuyên bố chung kêu gọi hòa bình theo công thức hòa bình của Kyiv
chứ không phải của Moscow.
Indonesia,
quốc gia duy trì quan điểm không liên kết trong chính sách đối ngoại và đã nỗ lực
làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, chỉ cử các quan chức cấp
thấp tham dự nhằm duy trì tính trung lập, vì Nga không có mặt. Động cơ của Thái
Lan chưa rõ ràng, nhưng nó có thể liên quan đến việc Bangkok đang tập trung vào
đơn xin gia nhập BRICS, khối bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi,
và một số quốc gia mới được thêm vào khác.
Việc
các chế độ chuyên chế ở Đông Nam Á – Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt
Nam – không tham gia không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng sự vắng mặt của
Malaysia, một nền dân chủ giống như Ukraine và những người ủng hộ nước này, lại
là điều đáng ngạc nhiên. Giống như Thái Lan, không rõ điều gì thúc đẩy quyết định
tẩy chay hội nghị của Malaysia, nhưng có lẽ sự phẫn nộ của Kuala Lumpur đối với
việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến đang diễn ra với Hamas là một yếu tố
quan trọng.
Từ
Nam Á, chỉ có Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh về Ukraine – và họ cũng chỉ cử
các quan chức cấp thấp, rõ ràng là để tránh tỏ ra tán thành cuộc họp và kết quả
của nó. New Delhi không ký tuyên bố chung. Không có quốc gia Nam Á nào khác
tham gia hội nghị thượng đỉnh, dù tất cả đều là các nền dân chủ đồng minh:
Bangladesh, Maldives, Nepal, Pakistan, và Sri Lanka. Thái độ phòng bị này phần
lớn không liên quan đến Ukraine, nhưng nó cũng là một minh chứng cho thấy tác động
đáng sợ của Nga đối với bất kỳ tính toán chiến lược nào của các quốc gia vừa và
nhỏ.
Trong
số các quốc đảo Thái Bình Dương, chỉ có Fiji và Palau tham dự – một sự thể hiện
yếu ớt đối với một khu vực thường tự xem mình là người ủng hộ toàn cầu cho dân
chủ và hòa bình. Trên thực tế, những hạn chế về mặt hậu cần liên quan tới khoảng
cách di chuyển đến Thụy Sĩ và số lượng nhân viên chính phủ có thể tham dự những
sự kiện như vậy có thể đóng một vai trò nào đó. Nhưng việc chỉ có 2 trong số 16
đảo quốc và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương tham dự một hội nghị quan trọng như
vậy cho thấy ảnh hưởng của Moscow vẫn còn rất lớn.
Dù
ảnh hưởng của Nga không ở mức độ của Trung Quốc hay Mỹ, nhưng nó chắc chắn vẫn
đủ để thúc đẩy các lợi ích chống phương Tây và phá vỡ trật tự khu vực vốn đã bấp
bênh. Trong những tháng gần đây, Điện Kremlin đã cho thấy rằng họ có thể tiếp tục
tận dụng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một yếu tố gây phân tâm cho Washington
và các đối tác của họ – cũng như những nỗ lực của họ nhằm đảm bảo rằng Ukraine
sẽ khiến Nga thất bại. Cho dù là củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt
Nam; mở rộng quan hệ đối tác với Triều Tiên; hay ngăn cản phần lớn khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương bình luận về Ukraine, vai trò của Nga trong khu vực không
thể bị bỏ qua.
Hơn
nữa, Nga đang ngày càng định vị mình như một kẻ phá bĩnh chiến lược. Bằng cách
liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết với Triều Tiên và Trung Quốc, Nga đang tạo cơ
hội hỗ trợ quân sự cho hai quốc gia này trong bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng
nào nhắm vào Hàn Quốc hoặc Đài Loan – dù rào cản gia nhập hiện vẫn còn quá cao
đối với Moscow, vì lợi ích an ninh của chính họ không bị đe dọa trực tiếp.
Và
dù ảnh hưởng của Nga ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ghê gớm đến đâu, chỉ có
Trung Quốc và Triều Tiên mới có thể được xem là những nước ủng hộ trung thành.
Tất cả các quốc gia khác trong khu vực – ngay cả khi họ không hề có thiện cảm với
phương Tây – cũng vẫn phản đối ý tưởng giúp Điện Kremlin xây dựng một khối chiến
lược cạnh tranh. Khi các cường quốc cố gắng thu hút những người ủng hộ tương ứng
của họ, nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như đang học theo
Phong trào Không liên kết ra đời trong thời Chiến tranh Lạnh.
Đối
với Mỹ, chính sách tốt nhất sẽ là tránh phản ứng thái quá– đặc biệt là về hiệp
ước phòng thủ Nga-Triều – và thừa nhận rằng mối đe dọa can thiệp quân sự của
Nga vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay là không thể xảy ra, một phần
không nhỏ là do sự chú ý của Moscow đang dồn vào Ukraine.
Chừng
nào sự can thiệp của Nga về cơ bản không thách thức chiến lược Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương của chính Mỹ, thì sự can thiệp của Moscow chỉ là một phần tất yếu của
trật tự đa cực đang nổi lên.
-----------------------
Derek
Grossman
là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại
học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.
Nguồn: Derek Grossman, “Russia Is a Strategic
Spoiler in the Indo-Pacific,” Foreign Policy, 09/07/2024
No comments:
Post a Comment