Saturday, July 13, 2024

MARINE LE PEN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI CỰC HỮU? (John Lloyd / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Marine Le Pen có phải người cực hữu?

John Lloyd

Lê Thị Thanh Loan, biên dịch

11/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/11/marine-le-pen-co-phai-nguoi-cuc-huu/

 

Trong tuần này, liệu làn sóng cực hữu vốn đã được chờ đợi từ lâu ở châu Âu rốt cuộc có đến với chúng ta hay không?

 

Khi vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp có kết quả, hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây, từ BBC cho đến New York Times, đều lấy chiến thắng của “cánh hữu” với đại diện là Marine Le Pen làm tiêu đề cho các bài báo của họ. Cùng lúc đó, ở Bỉ, quốc gia nằm ngay cạnh nước Pháp, đã xuất hiện lời cảnh báo về việc Orbán Viktor đang lên kế hoạch nhằm thành lập một liên minh “cực hữu” mới trong Nghị viện châu Âu. Chủ nhật tuần trước, đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) đã tổ chức đại hội đảng “cực hữu”, hoạt động của họ trong những ngày qua quả thực không hề “sóng yên bể lặng”.

 

Tuy nhiên, những lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông vốn mang tính nghi thức nhất định này thiếu đi những phân tích thực nghiệm. Trên thực tế, gần như không có thành phần “cực hữu” nào trong phong trào của các đảng phái nói trên.

 

Họ là những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, nhưng không phải những người theo chủ nghĩa Brexit. Họ bác bỏ chính sách nhập cư hàng loạt (ngày nay, liệu có chính phủ của quốc gia châu Âu nào không bài bác điều đó chứ?), nhưng thừa nhận rằng sự suy giảm mạnh mẽ của tỷ suất sinh có nghĩa nhập cư hàng loạt là con đường khả dĩ duy nhất. Họ hoài nghi phong trào của các nhóm thiểu số về giới tính nhưng về cơ bản thì chấp nhận sự tồn tại của tình yêu đồng giới. Phần lớn những chủ trương của họ, từ vấn đề nhà ở đến kinh tế, đều rất khó thực thi, nhưng chúng sẽ không gây ra mối đe dọa cho chính quyền dân chủ nếu được theo đuổi một cách hợp pháp.

 

Tại sao có hàng triệu người ủng hộ các chính đảng này? Vào đầu năm nay, trong khi chờ Marine Le Pen và Jordan Bardella phát biểu tại một cuộc mít tinh của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) ở Marseille, tôi đã hỏi cặp vợ chồng Bodineau câu hỏi này. Họ đều ở vào độ trung niên, tràn đầy hứng khởi và thích trò chuyện.

 

“Bởi vì bà ấy (Le Pen) nói ra sự thật, bà ấy đã nói thay chúng tôi”, ông Bodineau trả lời. “Tôi ngưỡng mộ bà ấy, bà ấy thật thông minh”, bà Bodineau nói thêm. Khi được hỏi về việc liệu họ có cân nhắc bỏ phiếu cho Éric Zemmour (trong quang phổ chính trị, vị cựu nhà báo này có vị trí lệch phải hơn so với Le Pen), bà Bodineau tỏ ra chán ghét: “Không, không, ông ấy quá cực đoan!”

 

Đây cũng là đặc điểm thường thấy của nhiều đảng phái chính trị đã được thành lập: Những người ủng hộ họ tẩy chay những kẻ họ cho là cực đoan – bất kỳ ai công khai hay ngấm ngầm phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và tiềm tàng khả năng bạo lực – và ủng hộ những đảng phái phản đối kịch liệt việc nhập cư bất hợp pháp và chỉ trích những người theo chủ nghĩa tự do cực đoan. Nhìn chung, họ không chống nhập cư: Họ chỉ hy vọng vấn đề nhập cư được kiểm soát.

 

Vì vậy, ở Pháp, phần lớn người dân ủng hộ đảng RN thay vì đảng Reconquête! của Zemmour. Ngoài ra, tại Thụy Điển, đảng Sự lựa chọn thay thế cho Thụy Điển (Alternative for Sweden) vốn tách ra từ Đảng Dân chủ Thụy Điển (SDs) “cực hữu”, nhận thấy rằng có rất ít người ủng hộ đề xuất ra khỏi EU và ngừng hỗ trợ cho Ukraine của họ. Đảng Dân chủ Thụy Điển, một thành viên của Liên minh trung hữu, đã trực tiếp bác bỏ cả hai đề xuất trên.

 

Tất cả những điều này không hề phủ nhận rằng, ở châu Âu hiện nay vẫn còn một số ít các đảng cực hữu đích thực, trong đó đại diện tiêu biểu nhất là đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức. Trước đây, Maximilian Krah, cựu lãnh đạo của đảng này ở Nghị viện châu Âu, đã ám chỉ rằng, các thành viên SS của Đức Quốc xã “chưa chắc đã đều là kẻ xấu”. Lời nhận xét này đã khiến nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID Group) cánh hữu trong Nghị viện châu Âu gần đây đã trục xuất các thành viên của đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức.

 

Để đáp lại, lãnh đạo của đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức đã quyết định thành lập một nhóm mới ở Nghị viện châu Âu vào tuần trước. Một vài đảng đối tác tiềm năng của họ rõ ràng thuộc cánh hữu, ví dụ như đảng Our Homeland của Hungary và Konfederacja của Ba Lan đều mang yếu tố bài Do Thái mạnh mẽ. Gần như tất cả các đảng này đều ủng hộ mạnh mẽ việc lập tức rời khỏi EU, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Các đảng này thường giành được 4% đến 7% tổng số phiếu bầu. Có thể nói, họ mới thực sự là những đảng cực hữu đội lốt người theo chủ nghĩa dân túy.

 

So với những đảng kể trên, dường như ngôn từ được sử dụng để miêu tả chiến thắng vang dội của đảng RN ở vòng bỏ phiếu đầu tiên đã bị cường điệu hóa. Trong nhiều năm qua, Le Pen đã luôn nỗ lực trong việc gột rửa bản thân và đảng của mình khỏi vết nhơ từ cha bà, Jean-Marie Le Pen, một người bài Do Thái đầy nhiệt huyết. Nỗ lực này càng được gia tăng trong vài tháng qua.

 

Giờ đây, Le Pen và Bardella mong muốn thể hiện lập trường ôn hòa trong mọi vấn đề và có sự tách biệt rõ ràng với các chính trị gia mang bản chất cực đoan như Zemmour. Đặc biệt, Bardella, người có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của Pháp, hứa sẽ thúc đẩy các chính sách kinh tế “thực tế” và “sẽ không làm suy yếu” tiếng nói của Pháp ở nước ngoài sau khi nhậm chức. Khó có thể coi đây là chủ trương của một kẻ cấp tiến muốn làm lung lay nền tảng chính trị của nước Pháp.

 

Ngay cả đối với các vấn đề gây chia rẽ trong lực lượng cánh hữu trên khắp châu Âu, đảng RN cũng có thể được coi là đang chơi lá bài ôn hòa. Le Pen, người từng là bạn và là người hưởng lợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói trong bài phát biểu tại một cuộc mít tinh của đảng RN vào tháng 3 năm nay rằng: “Sự phản kháng anh dũng của người dân Ukraine sẽ dẫn đưa Nga đến thất bại.” Nếu tiếp tục logic diễn ngôn của mình, Le Pen sẽ trở thành đại diện thứ ba và quyền lực nhất của lực lượng “tân hữu” (New Right) (đây rõ ràng là một thuật ngữ hay hơn nhiều so với “cực hữu”) ở châu Âu cùng với Meloni của Ý và lãnh đạo đảng Dân chủ Thụy Điển Jimmie Åkesson, để đồng hành cùng NATO, Mỹ và (hầu hết) các nền dân chủ phương Tây.

 

Tất cả những điều này đều không nói lên việc “phe cực hữu” đã tiếp quản nền chính trị châu Âu. Những chính trị gia này không bỏ tù kẻ địch chính trị của mình, “thanh trừng” các công chức chính phủ liên bang và thách thức Hiến pháp Mỹ như Donald Trump. Ngoại trừ đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức, các lực lượng cánh hữu mới ở châu Âu luôn phô bày lập trường tương đối ôn hòa của mình. Đúng vậy, giống như chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân chủ Kitô giáo và các hệ tư tưởng chính thống khác của châu Âu, vị thế của chúng trong lòng của cử tri ở các quốc gia châu Âu khác nhau cũng không giống nhau. Tuy nhiên, họ cũng có một bộ khung ràng buộc về mặt ý thức hệ của riêng mình: chủ nghĩa dân tộc dân chủ (Democratic Nationalism). Họ đặt niềm tin vào sự lựa chọn của người dân – và ngầm cho thấy, họ cũng tin vào sự điều tiết của người dân và giả định rằng nhà nước là vẫn đơn vị chính trị cơ bản nhất.

 

Đúng, các chính đảng này bảo thủ ở một vài khía cạnh, ví dụ như nhấn mạnh nhiều hơn vào tầm quan trọng của gia đình, nhưng ở những khía cạnh khác thì không phải vậy. Ví dụ, nếu Bardella trở thành Thủ tướng Pháp, ông có kế hoạch sẽ nâng cao mức sống của tầng lớp lao động bằng cách làm giảm chi phí và cắt giảm thuế (cho các công ty tăng lương cho công nhân), điều này gần với chủ nghĩa xã hội hơn là chủ nghĩa bảo thủ. Có vẻ như những kẻ cực đoan đang ở nơi nào đó khác.

 

------------------------------------

 

Marine Le Pen là ai?

Nguồn: Christine Ockrent, “Who Is Marine Le Pen,” Project Syndicate, 24/04/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

 

Tôi còn nhớ như in lần đầu ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen xuất hiện trên truyền hình. Đó là trước thềm cuộc vận động bầu cử tổng thống … Continue reading  Marine Le Pen là ai?

 

Nghiên cứu quốc tế







No comments: