Thursday, July 11, 2024

HẬU BẦU CỬ : CHÍNH TRƯỜNG PHÁP RẮC RỐI HƠN TRƯỚC KHI GIẢI TÁN QUỐC HỘI (Anh Vũ / RFI)

 



Hậu bầu cử : Chính trường Pháp rắc rối hơn trước khi giải tán Quốc Hội

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 10/07/2024 - 16:25

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240710-h%E1%BA%ADu-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-ch%C3%ADnh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ph%C3%A1p-r%E1%BA%AFc-r%E1%BB%91i-h%C6%A1n-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-gi%E1%BA%A3i-t%C3%A1n-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i

 

Chính trường Pháp hậu bầu cử Quốc Hội tiếp tục chiếm phần lớn các trang báo ra hôm nay, với các cuộc mặc cả sôi động giữa các đảng phái, chủ yếu bên cánh tả, nhằm tìm kiếm liên minh giành quyền lãnh đạo chính phủ trong bối cảnh Quốc Hội mới không có phe nào chiếm đa số quá bán.

 

HÌNH :

(Ảnh minh họa) - Toàn cảnh phiên họp Quốc Hội Pháp tại Paris, ngày 11/12/2023 trong cuộc bỏ phiếu bác bỏ dự luật nhập cư của chính phủ. AP - Michel Euler

 

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn « Cánh tả đi tìm thủ tướng ». Le Monde cho biết, lãnh đạo các đảng phái bên cánh tả từ hôm thứ Hai hối hả với các cuộc họp để cố gắng thỏa hiệp với nhau tìm ra một người lãnh đạo chính phủ. Tổng thống Macron vẫn chưa hề đưa ra tín hiệu gì cho thấy ông sẽ chỉ định ai bên cánh tả đứng ra thành lập chính phủ, khiến các lãnh đạo trong liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới lo ngại rằng tổng thống đang cố tình kéo dài thời gian, chờ cơ hội lôi kéo liên minh về đảng của mình. Bên cạnh đó, nội bộ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN, bắt đầu bị chia rẽ vì thất cử, về thứ 3 trong cuộc bầu cử.

 

Trong khi liên minh cánh tả loay hoay mặc cả thì Le Monde nhận thấy tổng thống « Macron đi tìm một liên minh khó có », tựa bài báo. Tờ báo ghi nhận, sau cuộc bầu cử lập pháp vừa rồi, không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối, khiến cho tình hình chính trường Pháp trở nên phức tạp hơn cả trước khi giải tán Quốc Hội, mà theo ông Macron là nhằm làm « sáng rõ » tình hình chính trị Pháp. Nhưng rõ ràng là hiện tại chính trường Pháp trở nên rắc rối hơn. Chính trị Pháp sẽ còn rơi vào bất trắc, nếu không muốn nói là hỗn loạn trong nhiều tháng tới, thậm chí trong suốt nhiệm kỳ tổng thống còn lại của ông Macron, theo nhận định của Le Monde.

 

 

Chương trình kinh tế nguy hại của cực tả

 

Trong bối cảnh khả năng liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới, trong đó đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) chiếm số đông, lãnh đạo chính phủ, nhật báo le Figaro tỏ lo ngại đảng cực tả LFI sẽ áp dụng chương trình kinh tế như hứa hẹn tranh cử. Tờ báo tập trung mổ xẻ chương trình kinh tế của cánh tả, với tựa chính trang nhất : « Thuế, phí, hưu bổng, lương tối thiểu... dự án đáng báo động của cánh tả ».

 

Dẫn đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, khối cánh tả giành được 182 trên 577 ghế ở Quốc Hội. Sau chiến thắng thủ lĩnh của đảng cực tả, Jean-Luc Mélanchon khẳng định sẽ áp dụng toàn bộ chương trình trong tranh cử, như trở lại giới hạn tuổi về hưu 60 tuổi, tăng thuế, tăng lương tối thiểu... Đây là những hứa hẹn là mang tính mị dân và gây tốn kém công quỹ. Hậu quả là nước Pháp có thể thâm thủng ngân sách cả trăm tỷ mỗi năm, sức cạnh tranh, sản xuất bị sụt giảm và thất nghiệp gia tăng. Các nhà kinh tế và giới chuyên gia liên tục đưa ra những tín hiệu báo động kinh tế Pháp sẽ bị sụp đổ nhanh chóng nếu chương trình này được áp dụng. Tiêu đề của bài xã luận Le Figaro đánh giá đó là sự « tự tử kinh tế ».

 

 

Căng thẳng gia tăng giữa tổng thống và cánh tả

 

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài : « Căng thẳng giữa cánh tả và tổng thống Macron tăng thêm một nấc ». Bài báo cho hay Mặt Trận Bình Dân Mới gia tăng áp lực với tổng thống, để một đại diện cánh tả phải được chỉ định làm thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ mới. Ông Olivier Faure, lãnh đạo đảng Xã Hội, lực lượng thứ 2 trong liên minh cánh tả, tuyên bố « sẵn sàng đảm nhiệm chức thủ tướng ». Nhưng Les Echos nhận thấy từ Chủ Nhật qua, ông Emmanuel Macron tìm cách kéo dài thời gian để tìm một lối thoát chính trị mà đến giờ lối thoát đó chưa thấy đâu. Ông vẫn đợi xem cơ cấu phe phái cụ thể của Quốc Hội mới ra sao. Trong khi đó, ngày 18/07 tới, theo lịch trình Quốc Hội mới sẽ họp phiên khai mạc.

 

 

Châu Âu lo nước Pháp tê liệt

 

Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp, Le Monde có bài : « Trong Liên Âu, chờ đợi sau khi thở phào nhẹ nhõm ». Tờ báo ghi nhận, trừ Ý, hàng loạt các nước trong Liên Hiệp Châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan đã tỏ vui mừng trước kết quả đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc bị chặn ở vòng bầu cử hôm Chủ Nhật. Nhưng rất nhiều người lo lắng về nguy cơ nước Pháp bị tê liệt vì cuộc khủng hoảng hậu bầu cử. Tờ báo có bài viết, « tại Bruxelle, nỗi sợ đầu tầu Pháp bị hỏng », trước viễn cảnh nước Pháp có thể rơi vào hỗn loạn chính trị hay khủng hoảng kinh tế. Giới chính trị trong Liên Âu giờ đây hiểu rằng ở Pháp giờ quyền lực thực sự nằm ở Quốc Hội chứ không phải trong phủ tổng thống. Trong khi đó, lối thoát khỏi rối ren chính trường Pháp cho đến lúc này chưa thấy đâu.

 

 

Thượng đỉnh NATO trong dịp kỷ niệm ảm đạm

 

Liên quan đến thời sự quốc tế, các báo Pháp hôm nay chú ý nhiều đến sự kiện thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO diễn ra từ hôm 09 đến 11/07 tại Washington, Hoa Kỳ, vào dịp kỷ niệm 75 năm tồn tại.

 

Nhật báo Le Figaro có bài : « Mối gắn kết các đồng minh trước thử thách chủ nghĩa dân túy », cho thấy hội nghị thượng đỉnh NATO mở ra trong bối cảnh các điểm căng thẳng và lo ngại trên thế giới tăng lên gấp bội. Tờ báo nhận xét : « Đằng sau vẻ bề ngoài, bầu không khí không hề mang tính lễ hội đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang kỷ niệm 75 năm thành lập vào năm nay ». Lễ kỷ niệm diễn ra vào tối thứ Ba, trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, không làm người ta quên đi những câu hỏi đang giằng xé các đồng minh. Tổng thống Mỹ Joe Biden, 81 tuổi, sẽ tiếp đón một vài đồng nghiệp của ông tới phòng Mellon Auditorium, nơi ký kết thành lập NATO vào ngày 4/4/1949. « Ba phần tư thế kỷ sau khi thành lập, Liên minh có 32 thành viên, cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina từ hơn hai năm rưỡi nay. Các tụ điểm căng thẳng và lo ngại đã nhân lên từ Trung Đông đến Ấn Độ - Thái Bình Dương. Quân đội đồng minh phải đối mặt với những vẫn đề chóng mặt về sự chuẩn bị quân sự của họ. Tính bền vững chính trị của Liên minh bị suy yếu do cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ phương Tây và áp lực của các trào lưu dân túy ».

 

Theo Le Figaro, thượng đỉnh NATO tại Washington diễn ra trong lo ngại còn bởi bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ, với cuộc đối đầu hai ứng cử viên đương kim và cựu tổng thống, Biden-Trump, mà chiến thắng của ai cũng sẽ làm thay đổi diện mạo của Liên Minh, nhất là với các thành viên thuộc Liên Âu.

 

Ở góc độ này, La Croix có bài phân tích, cho thấy mối lo của các đồng minh khi Mỹ đang muốn hướng các nỗ lực của họ về hướng châu Á, sau khi đã tăng cường sự hiện diện trên đất châu Âu.

 

La Croix nhận xét : « Tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tạo ra hình ảnh về một liên minh mạnh mẽ và sống động, được củng cố nhờ sự xuất hiện mới Thụy Điển, vào thời điểm tất cả các đối tác của nước này đang đặt câu hỏi về sự vững chắc trong cam kết của Mỹ đối với Châu Âu. Viễn cảnh trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, kẻ phá hoại NATO, gây lo lắng cho nhiều quan chức châu Âu vốn đặt cược chiến lược của họ vào chiếc ô của Mỹ ».

 

Theo tờ báo, cuộc chiến tranh ở Ukraina càng làm rõ sự phụ thuộc của châu Âu vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Kể từ cuộc xâm lược, Washington đã tăng cường sự hiện diện của mình ở châu Âu, nơi ngày nay có 100.000 binh sĩ đồn trú, so với 70.000 dưới thời Barack Obama. Nhưng sự tăng cường hiện diện quân tại Châu Âu không kéo dài vì ngân sách quân sự của Mỹ dành cho việc triển khai quân ở châu Âu đang giảm theo từng năm, để dồn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tờ báo kết luận : Ở Washington, châu Âu rõ ràng không còn là trọng tâm của các ưu tiên. Ngay cả trong giả thuyết Joe Biden tái đắc cử, sự đồng thuận xung quanh về việc tích cực hỗ trợ của Mỹ cho NATO giờ cũng đã bị xói mòn trong tầng lớp lãnh đạo cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

 

 

Bán kết EURO 2024 : Tây Ban Nha thắng Pháp xứng đáng

 

Đội tuyển Pháp đã chấm dứt hành trình EURO 2024, sau trận thua 2-1 trước tuyển Tây Ban Nha ở bán kết, tối 09/07/2024 trên sân vận động Allianz Arena của thành phố Munich. Một chiến thắng xứng đáng và đội thua không có gì đáng tiếc. Báo Le Figaro nhận định qua tựa bài báo « Tây Ban Nha quá mạnh, điều thần kỳ màu Lam đã chấm dứt (một cách hợp lý) ».

 

Tờ báo bình luận, các cầu thủ Tây Ban Nha : « Kỹ thuật hơn, sáng tạo hơn, xuất sắc hơn, táo bạo hơn và tài năng hơn, như hình ảnh của Lamine Yamal, 16 tuổi, người biến Kylian Mbappé, 25 tuổi, chơi vật vờ như bóng ma ở Euro lần này, trở thành cựu binh... La Roja đã ở trên hẳn ».

 

Các cầu thủ Áo Lam, 4 trên 5 giải đấu quốc tế liên tiếp đều vào đến chung kết, đã thiếu quá nhiều thứ. Những ngôi sao đã thành danh, Mbappé và Griezmann hoàn toàn mất phong độ và không có ai thay thế họ. « Thất bại thật nghiệt ngã, nhưng hợp lý, không thể tránh được. Kẻ mạnh hơn đã chiến thắng ».







No comments: