Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)
Người
xưa bảo “trần sao âm vậy”, có một thế giới “bên kia” tách hẳn khỏi thế giới
“bên này”. Đó là cõi âm, dưới ấy cũng đủ bộ máy, thể chế, ban bệ, luật pháp, hoạt
động… Đứng đầu là Diêm vương (vua), thần dân là những người ở cõi dương bị chết,
chuyển sinh hoạt, cắt hộ khẩu sang cõi âm, còn công an cảnh sát âm chính là đám
quỷ sứ yêu ma, tòa án và viện kiểm sát là các phán quan râu dài, cơ quan thi
hành án là cái vạc dầu, chó ngao, xiềng sắt, v.v..
Hồi
tôi còn bé, thày (bố) tôi có mấy quyển sách chữ nho. Đám con là chúng tôi, chữ
nhất bẻ đôi không biết, tò mò lén mở xem. Chả là trong đó có nhiều tranh vẽ cảnh
hành tội người dưới cõi âm, như chó ngao cắn xé, bỏ người vào vạc dầu, dùi nung
lửa đốt thịt, xích xiềng quấn quanh cổ… rất kinh. Anh tôi xem xong mặt tái mét,
nói lí nhí tao sợ âm ti địa ngục lắm. Chị cả tôi bảo muốn không bị quỷ sứ bỏ
vào vạc dầu thì đừng làm điều ác. Đánh mèo, cắt tiết gà, bỏ lợn đói, cười cợt
các bác ngố con cụ Đẹn… đều là ác cả, bị phán quan hằng ngày theo dõi ghi thành
tội. Chúng tôi đâm ra sợ, thậm chí có hôm câu được mớ cá rô, thấy nó còn sống
cũng không nỡ đập để đánh vẩy rửa cho vào nồi. Nhưng cùng lứa với tôi nhiều đứa
chắc nhà nó không có sách nho hình quỷ sứ nên không sợ. Anh em thằng Còm thằng
Nhớn sinh đôi (sau này đổi tên là Việt, Bắc) con ông Ngữ, nghe tôi kể, chúng
bĩu môi “phải tội lội xuống sông, đánh ba tiếng cồng, tội lại nổi lên”, chả coi
diêm vương quỷ sứ phán quan là cái đinh gì.
Đời
người tuân theo quy luật “sinh lão bệnh tử”. Các nhà xây dựng khi thiết kế cái
cầu thang luôn chú ý đến luật 4 chữ này. Làm sao khi bước tới bậc cuối cùng phải
trúng chữ “sinh” thì gia chủ mới thọ lâu, khỏe mạnh. Nhưng ai sống rồi cũng phải
chết, dù sống lâu như ông bành tổ 800 tuổi cũng chết. Còn chết rồi mà sống mãi
trong sự nghiệp của chúng ta lại là chuyện khác.
Chết
thì chôn. Ngày xưa xứ ta chỉ đem chôn, ít khi đốt (hỏa táng). Lúc sống có thể
chiếm muôn nghìn dặm đất, chết chỉ cần vài thước ta. Đắp thành cái mộ. Từ Hán
Việt gọi là "khâu", "thôn hoang mấy nấm cổ khâu" (truyện
Bích câu kỳ ngộ). Cái ấy gọi là mộ, mả. Mồ. Mồ mả. Đều là nó.
Giàu
nghèo cũng nấm mộ. Có 2 mét vuông, bình đẳng. Tưởng vậy nhưng không phải vậy.
Thế mới sinh ra lăng, lăng tẩm, sinh phần (sinh phần nghĩa là khi còn sống đã
chọn giành cho mình chỗ này chỗ nọ xây sẵn lăng mộ để chôn mình về sau). Đó là
thứ của những anh không phải người mà là siêu người. Sống khác người, chết cũng
khác người. Mộ cũng phải là "cụ lớn mả". Trong truyện
"Làng" của nhà văn Kim Lân có kể về ngôi mộ rất to ở làng, chôn vị
quan lớn, dân kính cẩn gọi là cụ lớn mả. Ai cũng tự hào về ngôi mộ ấy. Khi cách
mạng thành công, tự dưng người ta nhìn cái lăng quan thượng mà mình vẫn khoe
ngày nào giờ như chiếc đinh chọc vào mắt, chỉ muốn đào phá đi cho khuất mắt.
(còn tiếp)
Nguyễn
Thông
.
*****
Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)
Ở
xứ ta, có lẽ do chịu ảnh hưởng những quan điểm về đời sống tâm linh từ Trung Quốc
nên cả nghìn năm nay người ta luôn cho rằng tồn tại cõi âm ngoài cõi dương.
Sinh ký tử quy, sống chỉ để tạm gửi thân xác, chết mới là về nơi vĩnh hằng. Người
sống có khi chỉ sống tạm bợ, vất vưởng nhưng khi chết lại được tiễn đưa khá
hoành tráng rình rang. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái mộ có khi còn chắc hơn
cái nhà. Tiền học cho con không có nhưng vẫn có thể đốt vàng mã linh đình gửi
xuống âm phủ cho người chết có cái mà dùng…
Chỉ
có điều, tất cả những cung cách ấy được cuộc cách mạng vô sản coi là biểu hiện
phong kiến, lạc hậu, cổ hủ. Người vô sản giương cao ngọn cờ vô thần, muốn tiêu
diệt hết những thứ mà họ không ưa. Phá đình phá chùa, tịch thu đất nhà thờ, hạn
chế cúng bái, hô hào bài trừ mê tín dị đoan… có một thời hoành hành khắp trong
nam ngoài bắc. Ông anh giai tôi có lần cười bảo sau năm 1954 may mà cố đô Huế ở
bên kia vĩ tuyến 17 chứ lọt vào tay cộng sản lại chả bị phá sạch bách cả lăng tẩm
đền đài để lấy gạch đá xây chuồng lợn HTX. Dường như xã hội chỉ cần “cuộc sống
mới, con người mới” phong cách xã hội chủ nghĩa là đủ, những thứ khác chỉ là
rác rưởi. Họ kêu gọi toàn dân đả thực bài phong, chấp hành những luật lệ mới do
chính họ áp đặt.
Chuyện
mồ mả, tang ma cũng vậy. Nhà cai trị thỉnh thoảng lại vận động phong trào thực
hiện đời sống mới hoặc ra những chỉ đạo mang tính đổi mới. Họ phân tích rằng đất
đai càng ngày càng bị thu hẹp, và nhất là xu thế văn minh trong việc tang ma,
vì vậy nên hỏa táng chứ đừng chôn cất, vừa hợp vệ sinh, vừa tiết kiệm, vừa hội
nhập thế giới. Thậm chí có dạo họ còn định thực hiện quy chế người chết được
quàn bao nhiêu ngày, quan tài phải làm sao, có được lắp ô kính để người sống
nhìn thấy mặt người chết hay không... Cùng với việc hiếu thì việc hỉ (đám cưới)
họ cũng quy định chỉ được bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu người. Tất cả đều có vẻ
có lý, người cộng sản nói gì mà chẳng có lý, bởi họ có lý luận. Họ luôn có trùm
lý luận, mà trùm này mới là người lãnh đạo đích thực, chi phối mọi hoạt động,
chứ không phải nguyên thủ quốc gia. Ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đều thế.
Lạ
ở chỗ, mọi quy định đều chỉ áp đặt cho dân chúng, còn chính người đặt ra quy định
thì lại ngoại lệ. Dân cứ thực hiện, còn chính họ thì không. Thời xưa, thời
phong kiến, vua định ra luật lệ, cả vua quan lẫn dân cùng thực hiện. Vua quan
thời nay không như thế. Họ tự coi mình như thứ đẳng cấp đứng trên luật lệ.
"Ta là một, là riêng, là thứ nhất/Không có chi bè bạn nổi cùng ta".
Ngay cả đám tang, chỗ chôn cất, sự rình rang cờ đèn kèn trống… đều khác. Tất cả
đều ngược với những gì họ hò hét buộc dân phải làm.
Điều
dễ thấy nhất là cho tới tận thời điểm này, lúc tôi gõ những dòng này, chưa có một
vị quan chức lãnh đạo nào cấp trung ương, thậm chí cấp tỉnh thành, chứ đừng nói
hàng bộ trưởng, trưởng ban đảng, ủy viên bộ chính trị, khi chết được hỏa táng.
Đài hóa thân hoàn vũ chỉ dành cho dân. Còn cán bộ, sẵn tiền, sẵn quyền lực, sẵn
sự vênh váo, chả vị nào thích bị biến thành tro. Cán bộ không cần tiết kiệm.
Cán bộ không cần văn minh. Xưa xúi dân đánh đổ phong kiến, mà nay cán bộ còn
phong kiến gấp nghìn vạn lần.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/07/1-10.jpeg
Khu
đền thờ của gia đình ông Trần Đại Quang và khu đất xây mộ của ông Trần Đại
Quang bên cạnh. Nguồn: Đỗ Nam Trung
Chả
cần ví dụ đâu xa, coi đám tang của hai ông quá cố Trần Đại Quang và Đỗ Mười, rồi
sau đó là đại tướng Phùng Quang Thanh, cả ông Phan Văn Khải nữa, là rõ ngay.
Ông nào cũng chiếm/sở hữu những khoảnh đất rộng mênh mông làm chỗ chôn mình. Đừng
ai đó bảo rằng đó là do người còn sống chứ người chết đâu có thế. Xin nói ngay,
những khu đất bờ xôi ruộng mật, đất vàng đất bạc đó đã được chính các vị ấy chọn
khi còn sống nhăn. Mà ngay cả cái bộ máy cầm quyền, nó cũng tự đặt ra quy định
ông bà nào, cấp cỡ nào, lúc chết sẽ được cấp bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu
để xây lăng xây mộ. Với quyền và súng trong tay, họ cứ bất chấp tất cả, dân
chúng ì xèo mấy họ cũng bỏ ngoài tai, kệ. Có lẽ riêng vụ này, ta càng thêm kính
nể ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt, dù ông không di chúc chọn hỏa táng nhưng ngôi mộ
bình thường ở nghĩa trang Đường Sơn Quán (Thủ Đức) của ông đủ làm ta có chút
tin rằng trong đám lãnh đạo ấy vẫn còn người tử tế.
Từ
chuyện họ không chịu hỏa táng, quyết chiếm đất làm chỗ chôn, sực nhớ đám lãnh đạo
không chỉ tham lúc chết mà khi sống cũng rất tham. Họ không cần giấu diếm sự cố
ý tách biệt khỏi đám đông dân chúng dù luôn mồm nói chan hòa trong dân, đồng
cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân. Cửa hàng cũng phải riêng (Tôn Đản hoặc
Nhà Thờ), bệnh viện riêng (Hữu nghị Việt Xô, 108, Thống Nhất), nơi ở riêng luôn
(những khu cán bộ cao cấp), ngay cả các bãi biển, khu du lịch họ cũng ngang
nhiên chiếm giữ đặc khu cho mình (ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng, họ chiếm chỗ đẹp nhất,
gọi là khu 3, ngăn ngừa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” dành riêng cho trung
ương, dân mà bén mảng tới bị đuổi thẳng cánh). Họ miệng thì khen ông vua xưa đi
cày ruộng, hội họp với dân thì thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những ngày nằm hầm ngủ
bụi được dân che chở, nhưng khi có miếng ăn là phân biệt đẳng cấp ngay. Nhiều
lúc ngẫm lại, thấy buồn cười, cái bệnh viện ở ngã tư Bảy Hiền (Sài Gòn) khi xưa
bà Mai Anh vợ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây, đặt tên là Vì Dân, chạy
chữa không phân biệt bệnh nhân thuộc hạng nào, đẳng cấp nào, thì sau 30.4.1975
chính quyền mới biến ngay thành bệnh viện “vì quan”, chỉ có cán bộ trung cao mới
được vào đó. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
.
*****
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
Làng
Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) quê tôi bé tí mà cũng
có những 2 bãi tha ma. Bây giờ gọi tuốt là nghĩa trang, nghĩa địa, chứ ngày xưa
chỉ nôm na bằng bãi tha ma. Thậm chí còn đơn giản hơn, là mả. Một cái có tên Mả
Đò ở xóm ngoài, còn cái kia tên Mả Vối xóm trong. Dân làng chết, ai gần chỗ nào
thì chôn chỗ ấy.
Tại
sao tên Mả Đò? Nguyên do cái bãi tha ma này nằm kế ngay bến đò đi qua một nhánh
rộng của sông Văn Úc, đò nối từ làng Trà sang làng Tú Đôi thuộc tổng Ngũ Phúc.
Nghe các cụ kể chỗ này từ thời nhà Lý là nơi định cư của những tù binh xứ Chiêm
Thành, bị vua Lý bắt về đày ở đó để mở mang khai phá đất đai vùng duyên hải. Mả
Đò lúc đầu chỉ chôn cất những kẻ bại trận tha hương, sau dân sở tại cũng chôn
đó luôn, thành cái bãi tha ma ngay bến đò. Các bậc tiên tổ, tiền nhân họ hàng
nhà tôi cũng chôn ở Mả Đò, mỗi ngôi mộ một nấm cỏ xanh, gia tộc khi sống thì quần
tụ với nhau từng khu sau lũy tre làng, chết lại về Mả Đò sum họp nơi âm phủ.
Tồn
tại được gần nghìn năm thì Mả Đò gặp hạn. Năm 1964, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc.
Để chặn, không cho chúng bay sâu vào đất liền, nhà nước lệnh cho xã tôi phải giải
tỏa ngay Mả Đò, bốc hết xương cốt dời vào Mả Vối. Chỉ trong hơn nửa tháng, mộ bị
dời gần hết, còn cái nào không kịp hoặc chưa có thân nhân thừa nhận, xe ủi tới ủi
sạch băng. Dân công mấy xã xung quanh được huy động đào đắp, sau vài ngày hiện
hình 12 chiếc ụ tên lửa như những quả núi con con chiếm hết mặt bằng bãi tha
ma. Trận địa tên lửa Mả Đò ra đời từ ngày đó, cuối năm 1964.
Nói
chuyện mồ mả mà không nhắc tới cái nghĩa
trang Mai Dịch ở
Hà Nội quả là thiếu sót. Hồi còn học ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi từ Mễ Trì tuốt
tận gần Hà Đông đi tàu điện thăm mấy người bạn học bên Cầu Giấy, tiện thể tò mò
tới ngó Mai Dịch. Nó nổi tiếng quá. Nguyên nơi đây là khu ruộng ngoại thành,
năm 1956 được nhà nước quy hoạch xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Dần dà, phần mộ
nhỏ bé của các liệt sĩ lùi về phía sau, mặt tiền chỉ dành cho các quan lớn cỡ ủy
viên trung ương trở lên. Ông Trần Huy Liệu, một nhà cách mạng lừng lẫy, là người
từng thay mặt trung ương vào Huế nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại, Viện trưởng Viện
Sử học, nhưng do không phải ủy viên trung ương nên người ta không cho vào mai Dịch,
phải đem chôn tận Văn Điển chung với dân chúng. Mấy người bạn học với tôi đùa bảo
đó là chỗ của các cụ lớn mả. Người sống có Ba Đình, người chết có Mai Dịch, một
thứ đẳng cấp cho các quan khi sống khi chết. Mai Dịch khiến người ta kính nể,
kinh sợ. Tuy nhiên, không phải ai vào nằm “mặt tiền” Mai Dịch cũng đều được nể
trọng. Hồi hơn 3 chục năm trước, người ta truyền tai nhau chuyện mộ ông Lê Đức
Thọ cứ đêm đêm lại bị ai đó vào trét phân trét bùn lên, bị riết không chịu nổi
nên thân nhân phải thỉnh ông ấy về quê nhà. Càng ngày Mai Dịch càng mất thiêng,
bao nhiêu lời ra tiếng vào. Và cuối cùng thì nó đã bị hóa kiếp bằng đám tang của
đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính đại tướng và thân nhân của ông quyết đưa ông về
quê chứ không chịu chui vào Mai Dịch.
Mộ
thì vậy, cũng xin nhắc đôi lời về lăng. Ở xứ ta, lăng các bậc vua chúa chả hiếm.
Thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn nhiều lăng nhất. Cũng không hiếm lăng bị tàn
phá khi bãi bể nương dâu, chế độ mới được xác lập. Phong kiến sau phá của phong
kiến trước. Vụ Trịnh Tùng phò Lê sau khi diệt được Mạc đã kéo cả vạn quân về
phá sạnh sành sanh kinh đô Dương Kinh của triều Mạc cùng các lăng mộ vua Mạc ở
vùng duyên hải Hải Phòng là minh chứng. Khi chúng tôi có dịp thăm cố đô Huế, lẩn
mẩn nghĩ nó mà vào tay cộng sản đang sẵn mối căm hờn phong kiến, ghét nhà Nguyễn
tới mức “đào đất đổ đi” thì những lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định...
cổ kính vàng son hoành tráng kia chả biết số phận chúng sẽ bi thảm thế nào.
Sực
nhớ cái đình làng Trà Phương quê tôi, có từ thế kỷ 18, to nhất nhì vùng duyên hải,
hàng chục cột gỗ lim cả vòng tay ôm, trong một cuộc chống phong kiến triệt để
năm 1965, nó đã bị đốn gục để hợp tác xã lấy gỗ lấy gạch xây chuồng lợn trại
chăn nuôi. Đình của dân mà còn như vậy, lăng bọn vua quan “cõng rắn cắn gà nhà”
khó mà tồn tại được bởi bàn tay người cộng sản lúc đang hăng hái “bài phong”.
Trên
thế giới, mặc dù khi đã sang gần giữa thế kỷ 20 nhưng chỉ những nước cộng sản
thích xây lăng. Lãnh tụ vô sản còn hơn vua, hơn hoàng đế xưa ở chỗ, ngày xưa Tần
Thủy Hoàng, Hán Cao tổ, Tào Tháo… chỉ dám xây mộ, giấu kín chứ không dám phô
trương, còn vua vô sản chọn khoảnh đất đẹp nhất dựng cái lăng thật nguy nga cho
thiên hạ nườm nượp tới 4 mùa lễ bái, viếng lăng. Lăng Lênin ở Liên Xô, lăng
Dimitrov ở Bulgaria, lăng cha con Kim Nhật Thành xứ Triều Tiên, lăng Mao bên
Trung Quốc. Việt Nam cũng “sánh vai với các cường quốc lăng” bằng lăng cụ Hồ.
Sau này lịch sử xứ ta nếu viết đầy đủ chân thực thì cần khách quan, công bằng với
cụ. Cụ đã di chúc rõ ràng chỉ làm tang ma đơn giản, hỏa thiêu, rải tro cốt trên
đất đai sông biển tổ quốc. Cái lăng hiện nay không phải là ý nguyện của cụ. Đó
là sản phẩm của đám đồ đệ không làm theo ý người đã khuất.
Tôi
còn nhớ, cuối năm 1973, nhiều sinh viên khoa Văn và khoa Sử, Trường đại học Tổng
hợp Hà Nội được điều vào nội thành lao động xây lăng cụ Hồ. Bọn tôi vừa hết năm
thứ nhất, có lẽ do cấp trên thấy chưa chín chắn nên không bị huy động, chỉ có
các anh chị năm 3 và 4 được thực hiện nhiệm vụ vinh quang. Các anh chị ấy, sau
buổi đi làm về, thỉnh thoảng kể, sao mà công trình hoành tráng thế. Đá hoa
cương nhiều như núi, gỗ quý chất đống như rừng, tinh thứ gỗ thuộc loại quý hơn
vàng. Một anh (hình như anh Đỗ Minh Tuấn sau này là nhà thơ, đạo diễn) kể, những
người vào công trường làm việc, khi ra bị kiểm soát chặt chẽ còn hơn trại lính,
khám từng tí một. Một mẩu gỗ bằng nửa bàn tay hoặc bằng cái thước kẻ cũng bị
thu lại. Cấm ai tơ hào được thứ gì. Người chỉ huy cuộc làm lăng ấy, không phải
ai khác, chính là ông Đỗ Mười. Sau này, mỗi khi có dịp đi ngang qua lăng, ngó
khối đá hoa cương đồ sộ kia, sực nghĩ, mình có may mắn từng được nhìn tận mắt
cái khán đài Ba Đình lịch sử ở mép quảng trường nay đã bị lăng thế chỗ, cả tòa
nhà "hội trường Ba Đình" nữa, chúng từng chứng kiến bao cuộc đổi
thay, bãi bể nương dâu của xứ sở này.
Nguyễn
Thông
.
No comments:
Post a Comment