Như
thường lệ, hôm nay tôi lại đi máy bay. Ra sân bay check in, cô nhân viên mặt đất
đưa cái boarding pass, có ghi số ghế. Tôi xem lại vé máy bay, số ghế trên
boarding pass không phải là số ghế tôi đã chọn.
Tôi
hỏi lại, tại sao tôi đã chọn ghế, mà bây giờ lại đổi ghế của tôi mà không hỏi
tôi. Cô nhân viên mặt đất trả lời, rằng vì hôm nay có VIP đi. Tôi không đồng ý,
vì muốn đổi ghế của tôi thì phải hỏi ý kiến tôi, và có sự đồng ý của tôi. Khi sếp
của cô nhân viên mặt đất đến, cũng yêu cầu tôi thông cảm, vì đột xuất có VIP
đi.
Tôi
nói: “VIP là cái gì? Nếu các cô muốn đổi ghế của tôi thì phải gọi hỏi tôi. Ít
nhất thì khi tôi ra check in tại quầy, cũng phải hỏi xem tôi có đồng ý không.
Tôi bỏ tiền ra mua vé, chứ có xin xỏ hay ăn cướp đâu”. Sau đó, cô sếp gọi cho
ai đó, rồi quay qua làm lại boarding pass cho tôi với số ghế tôi đã chọn.
Ở
đây xin mở ngoặc một chút. Vietnam Airlines (VNA) có chế độ cho khách mua vé
máy bay được chọn chỗ với mức phí nào đó. Nói chung là được mua chỗ ngồi theo ý
mình ngoài tiền mua vé máy bay. Trường hợp của tôi, do đi nhiều, có thẻ khách
hàng thường xuyên, lại mua hạng vé cao, nên được chọn chỗ miễn phí. Việc không
hỏi ý kiến tôi mà tự động đổi chỗ ngồi của tôi, đối với tôi là sự coi thường
tôi. Thực ra thì tôi không quan trọng về chỗ ngồi, chẳng qua là tôi muốn VNA phải
tôn trọng khách hàng.
Vô
phòng chờ, tôi chú ý xem VIP nào đi mà các cô ấy làm dữ vậy. Nhưng cửa phòng
VIP đóng kín, không có ai trong đó. Tôi chú ý đến một bà cụ khá lớn tuổi, được
đẩy bằng xe lăn, có mấy người con đi theo, ngồi cách tôi mấy bàn. Một người đàn
ông chừng hơn 50 tuổi đi cùng bà trông rất quen, mà tôi cứ nghĩ mãi là ai.
Khi
nhân viên phòng chờ đến báo cho tôi lên máy bay, thì tôi thấy bà cụ và những
người đi cùng còn đang thu xếp đồ đạc, nên chúng tôi ra trước. Chúng tôi ngồi
vào ghế của mình một lúc, thì cái ông trông quen quen và bà cụ lên máy bay. Ông
kia hỏi cô tiếp viên, rằng ghế A và C có gần nhau không?
Ông
hỏi đến lần thứ hai thì cô tiếp viên mới hỏi lại, là hàng nào. Thì ra đó là người
mà các cô mặt đất định xếp ngồi vô chỗ của tôi. Tôi đứng dậy nhường chỗ cho bà
cụ. Cũng tiết kiệm được vài bước chân. Nhưng ông kia cám ơn và ngăn lại, rằng
bà cụ cần ngồi gần bà xã ổng để bà xã ổng lo cho bà cụ.
Cuối
cùng thì cái ông trông quen quen ngồi cách tôi cái đường đi, bà cụ và bà xã ổng
ngồi dưới tôi một hàng ghế. Tôi cố gắng nhớ xem ông này là ai. Và tôi chợt nhận
ra, ông là Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Tôi quay qua hỏi ông và ông xác nhận.
Tôi
giải thích sơ qua cho ông việc tôi yêu cầu ngồi đúng số ghế là vì tôi muốn yêu
cầu VNA phải tôn trọng khách hàng. Ông nói: “Không sao đâu anh. Ngồi ghế nào
thì cũng như nhau thôi”. Thực ra thì cũng không như nhau, vì cái ghế tôi chọn,
theo các cô mặt đất nói, là ghế dành riêng cho VIP.
Thường
tôi mua vé máy bay một lần cho nhiều tháng liền. Khi mua, tôi chọn chỗ ngồi
luôn. Thường thì các ghế mà VNA dành cho VIP sẽ được đóng lại, khách hàng không
được chọn. Không biết tại sao chuyến bay này lại mở ra để tôi chọn ngồi vô đó
được. Bản thân tôi cũng không nhớ mua vé bao giờ.
Vấn
đề tôi muốn nói ở đây, là phản ứng của ông Phan Văn Mãi, với việc không được ngồi
ở ghế VIP. Tôi nghĩ là sau sự quyết liệt của tôi, chắc chắn VNA sẽ phải hỏi ý
kiến ổng về việc không xếp cho ông ấy và gia đình ngồi ghế VIP, và ông ấy biết
việc tôi khiếu nại đòi lại ghế của mình. VNA có thể coi thường tôi, chứ chắc chắn
không dám coi thường ông ấy.
Không
biết ổng nghĩ như thế nào, nhưng ông ấy tỏ ra rất nhã nhặn. Khi xuống máy, bay,
như thường lệ ở khoang thương gia, người ta giành nhau xuống trước. Tiếp viên
ngăn mọi người lại để ông ấy và gia đình đi trước, nhưng ông ấy để mọi người xuống
trước. Ông đưa tay mời tôi ra trước ông. Trước đó, việc ông không vô phòng VIP
mà ngồi ở phòng chờ chung, cũng cho thấy ông không tận dụng, không chứng tỏ đặc
quyền của mình.
Tôi
nghĩ có thể ông có xe đón. Nhưng khi ngồi trên xe bus sân bay, mới thấy ông xuống
sau, đi cùng xe đó. Riêng bà cụ không thấy xuống. Có lẽ bà phải đi xe nâng. Khi
ở Đà Lạt, có đường ống nên bà ngồi xe lăn và đẩy vô tới cửa máy bay. Nhưng về đến
Sài Gòn, không có ống, phải đi thang bộ, nên có thể bà không bước xuống thang
đó được, phải đi xe nâng như nhiều cụ già khác.
Sau
vụ dịch, tôi khá có cảm tình với dàn lãnh đạo cấp cao mới của TPHCM, đứng đầu
là Bí thư Nguyễn Văn Nên. Ít nhất thì họ gần dân hơn, biết lắng nghe hơn.
No comments:
Post a Comment