Wednesday, July 10, 2024

BẤT ỔN CHÍNH TRỊ VẪN LÀ MỐI LO CỦA CÁC DOANH NGHIỆP PHÁP (Thanh Hà / RFI)

 



Bất ổn chính trị vẫn là mối lo của các doanh nghiệp Pháp

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 09/07/2024 - 16:04

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20240709-b%E1%BA%A5t-%E1%BB%95n-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-v%E1%BA%ABn-l%C3%A0-m%E1%BB%91i-lo-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-doanh-nghi%E1%BB%87p-ph%C3%A1p

 

Trong ba tuần cuối tháng Sáu, quyết định giải tán Quốc Hội cuốn trôi « ba tháng tăng trưởng » của nước Pháp. Kết thúc hai vòng bầu cử Quốc Hội, toàn cảnh chính trị Pháp vẫn trong một vùng sương mù và đó là điều các chủ doanh nghiệp và giới đầu tư tối kỵ.

 

HÌNH :

Cử tri cánh tả mừng chiến thắng tại quảng trường Cộng Hòa, Paris, Pháp, ngày 08/07/2024. AFP - EMMANUEL DUNAND

 

Giới đầu tư và doanh nghiệp không an tâm trước nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài, trước khả năng các chương trình cải tổ của nước Pháp để đem lại tăng trưởng, lấy lại cân bằng trong cán cân chi tiêu của nhà nước, giảm nợ công có nguy cơ bị chựng lại. Nhưng không mấy ai tin vào tính khả thi và hiệu quả từ những hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử của cánh tả.

Với kết quả vòng hai bầu cử Quốc Hội Pháp hôm 07/07/2024 Pháp đã đẩy lùi « kịch bản xấu nhất », nghĩa là quyền lực thuộc về tay một đảng bài ngoại, chống đối mọi chính sách kinh tế của Liên Âu mà Pháp là một trong hai đầu tàu quan trọng nhất.

 

Nhưng việc Quốc Hội mới có ba khối lớn với tương quan lực lượng khá ngang nhau và không một phe nào giành được đa số tuyệt đối để điều hành đất nước đặt ra nghi vấn về khả năng đàm phán giữa các đảng phái để tìm ra đồng thuận.

 

 

« Wait and See »

 

Ba lực lượng chủ chốt ở Quốc Hội Pháp sắp tới gồm đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN, cánh trung với liên minh Đồng Hành Ensemble và liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Khối này có nhiều dân biểuhơn cả, nhưng lại không đồng nhất, bao gồm bốn thành phần (đảng Xanh EELV, đảng Xã Hội PS, đảng Cộng Sản PCF và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI). Với bức tranh chính trị này các bên thương lượng được với nhau để thành lập chính phủ đòi hỏi thời gian. Sau này, tìm được đồng thuận ở Quốc Hội để thông qua các dự luật sẽ luôn đòi hỏi sức thuyết phục cao của mỗi bên. Trong mắt các doanh nghiệp, sự bấp bênh về mặt chính trị này kềm hãm một số chương trình đầu tư và các dự án tuyển dụng thêm lao động. Trả lời đài phát thanh tư nhân Radio Classique sau kết quả bầu cử Quốc Hội Pháp vòng 2 hôm 08/07/2024, Jean - Eudes du Mesnil, tổng thư ký Liên Đoàn Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ CPME không che giấu mối lo ngại

 

 « Hiện tại chúng ta đang đứng trước một tình huống bất định. Câu hỏi lớn là phe nào sẽ lên điều hành đất nước. Các doanh nghiệp, từ khi có tin giải tán Quốc Hội, đã dừng các dự án đầu tư, đình chỉ các kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên. Vấn đề đặt ra là nội các mới có đủ sức thuyết phục, để giới doanh nhân tin tưởng trở lại vào tương lai, để thúc đẩy trở lại các dự án đang bị tạm ngừng hay không. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã trong tình thế khó khăn. So với cùng thời kỳ năm ngoái, hiện đã có thêm 18 % các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Trên trang mạng tìm việc làm Hellowork, trong hồi tháng 5/2024, trong 1 tháng nhu cầu tuyển dụng nhân viên tăng 15 %. Dưới tác động bầu cử, bước sang tháng 6/2024 nhu cầu tuyển người giảm đi mất 5 %. Điều đó chứng tỏ là giới chủ lo lắng và họ đợi xem rằng đường lối kinh tế của Pháp sắp tới đây sẽ ra sao ».

 

 

Niềm tin, bàn tay vô hình điều khiển kinh tế

 

Xavier Jaravel trường kinh tế London School of Economics cũng cho rằng « các hoạt động ở Pháp trong thời gian vừa qua gần như bị « đóng băng » thậm chí một số lĩnh vực đã bị « thụt lùi ». Chỉ số PMI đo lường sức năng động trong ngành công nghiệp của Pháp trong tháng 6 tuột dốc so với một tháng trước đó. Đầu tháng 6/2024 Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp báo động chỉ số tin tưởng của các hộ gia đình đã rơi xuống mức còn chưa đầy 90 điểm, tương đương với thời kỳ Pháp phải đối mặt với đại dịch Covid trong nữa đầu năm 2020.

 

 

Nhu cầu cấp bách về một chính sách kinh tế rõ ràng

 

Vào lúc tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ thủ tướng Gabriel Attal tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi Quốc Hội mới được định hình để có thể thành lập chính phủ, thì các doanh nhân đang có rất nhiều câu hỏi cần nhanh chóng được giải đáp.

 

Câu hỏi đầu tiên chính sách kinh tế của Pháp sắp tới đây có cho phép đem lại tăng trưởng và giúp người dân đủ tự tin để tiếp tục tiêu thụ hay không ? Đây là chìa khóa cho phép các chủ doanh nghiệp khởi động lại các dự án đầu tư và đủ tự tin để tuyển dụng thêm nhân công.

 

Liên minh cánh tả NFP đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua. Ẩn số thứ hai là tập hợp này sẽ có áp dụng chính sách « hào phóng » hứa hẹn tăng lương, tăng sức mua cho người lao động, dẹp bỏ những cải tổ về bảo hiểm thất nghiệp, về tuổi hưu trí hay không.

NFP chủ trương tăng lương và bơm thêm sức mua cho người dân, tăng lương tối thiểu lên thành 1.600 euro thay vì 1.398 euro như hiện tại, bơm thêm 25 tỷ euro cho người lao động để kích cầu. Vẫn tổng thư ký Liên Đoàn Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ CPME Jean -Eudes du Mesnil phân tích về gánh nặng cho các doanh nghiệp nếu chính phủ mới áp dụng biện pháp này.

 

 « Đội mức lương tối thiểu lên thành 1.600 euro, có nghĩa là ngay lập tức tăng thêm 15 % lương cho nhân viên. Trong một số lĩnh vực thuộc diện nhọc nhằn, người lao động được hưởng quy chế làm việc có 32 giờ một tuần, với điều khoản tăng lương tối thiểu vừa nêu, đồng nghĩa với việc giới chủ tăng lương đến 25 % cho nhân viên. Có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ sức chịu được khoản chi tiêu phụ trội đó ? Trước cuộc bầu cử Quốc Hội, nghiệp đoàn của chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò về điều khoản tăng lương tối thiểu lên thành 1.600 euro như đề xuất của Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Kết quả cho thấy là 14 % sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, 27 % những người được hỏi báo trước là sẽ phải sa thải một phần nhân viên và 50 % dự trù sẽ tăng giá các sản phẩm thành, hay tăng giá các dịch vụ cung cấp. Trong điều kiện đó, mục đích tăng lương để bơm thêm mãi lực cho người dân có hiệu quả hay không ? Thực tế có thể hoàn toàn khác với những tính toán ban đầu ».

 

Tăng mức lương tối thiểu : Lợi bất cập hại

 

Nếu giới sản xuất phải tăng giá thành, đâu đó người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu hậu quả từ biện pháp tăng lương cho người lao động. Vật giá leo thang, hàng của Pháp đắt hơn so với của các đối tác thương mại trong và ngoài khối euro. Cán cân thương mại lại càng bị thâm hụt.

 

Hơn nữa trong đề xuất, NFP quên mất rằng, trong thế giới mở rộng hiện tại, nhiều doanh nghiệp có thể di dời cơ sở sản xuất sang những nơi có nhân công rẻ, có thể mở thêm nhà máy ở nước ngoài, tức sẽ không tạo công việc làm cho dân Pháp, ngừng các chương trình đầu tư trên đất Pháp, khi đó thì tính toán « tăng sức mua cho người lao động Pháp » như trong chương trình của liên minh cánh tả có còn hiệu quả nữa hay không và có lợi cho người lao động với thu nhập thấp – lương tối thiếu,  nếu như Pháp không còn các nhà máy sản xuất ?

 

Paris vẫn là một bãi đáp an toàn ?

 

Song một chỉ dấu quan trọng đó là trong hai ngày vừa qua, sàn chứng khoán của Pháp đã khá ổn định, đồng euro cũng không hề bị sụt giá. Theo giới phân tích, bên cạnh những hoài nghi về tính thực tế của chương trình kinh tế bên cánh tả đề xuất, các nhà đầu tư cũng tin vào tính linh hoạt của một số các nhân vật chủ chốt trong Mặt Trận Bình Dân Mới. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất chỉ là một trong bốn thành viên của NFP nên bắt buộc phải thương lượng và nhượng bộ. Điều đó cũng có nghĩa là không dễ để NFP bơm thêm sức mua cho người dân, hay xóa bỏ luật cải cách các chế độ hưu bổng, cải cách bảo hiểm thất nghiệp mà ba đời thủ tướng Borne, Castex hay Philippe đã thông qua từ 2017 đến nay.  

 

Tuy nhiên, trước mắt, Pascal Cagni, điều hành quỹ đầu tư C4Industries được báo Le Monde (04/07/2024) trích dẫn cho biết các dự án đầu tư vào Pháp có phần chựng lại nhưng chưa một kế hoạch nào bị « hủy bỏ ». Mới trung tuần tháng 5 vừa qua, một thăm dò của cơ quan tư vấn Ernest&Young cho thấy trong 5 năm liền Pháp là điểm đến « số1 » tại châu Âu, hơn hẳn Anh hay Đức. Tại diễn đàn Choose France tổ chức tại lâu đài Versailles, Pháp thu hút gần 15 tỷ euro đầu tư trực tiép nước ngoài, trong đó có nhiều hợp đồng với nhữung tên tuổi lớn trên thế giới từ như Amazon, Pfizer hay Microsoft.  

 

Hiển nhiên như Antoine Moyroud, thuộc quỹ đầu tư Lightspeed Venture Parteners đánh giá « bất ổn chính trị có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng tài chính của một quốc gia, làm xáo trộn kinh tế và điều đó sẽ khiến nước Pháp trở nên kém hấp dẫn hơn ».

 

 

Lo ngại về nợ công trong lúc tình hình đã không mấy sáng sủa

 

Thêm một mối lo ngại khác liên quan đến trực tiếp đến tình trạng nợ nần của nước Pháp. Trong quý một năm nay, nợ công của Pháp lên tới 3.159 tỷ euro, tương đương với 110 % GPD. Thâm hụt ngân sách của nước Pháp cũng đã vượt quá xa so với quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Paris đã bị Bruxelles và các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế nhắc nhở rằng, đã đến lúc phải thận trọng hơn về ngân sách. Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính sắp mãn nhiệm đã liên tục thông báo cắt giảm chi tiêu 10, rồi thậm chí là 20 tỷ euro trong ngân sách để thu hẹp bội chi. Do vậy chính phủ mới trong tay một liên minh cánh tả làm thế nào để tài trợ những chương trình mang tính xã hội nhưng lại tốn kém họ đã đề xuất ?

 

Nhiệm vụ của chính phủ sắp tới lại càng khó khăn hơn khi biết rằng, có nhiều báo động kinh tế Pháp đã bắt đầu « bước vào giai đoạn sóng gió ». Ngân Hàng Trung Ương Pháp e rằng mục tiêu GDP tăng 1 % trong năm nay sẽ « khó hoàn thành ».

 

 




No comments: