Yêu
cầu xử lý người đăng clip: Một hình thức lạm quyền!
RFA
2023.10.04
Sáng 4 tháng 10 năm 2023, mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh liên
quan đến câu chuyện giữa Ban Giám hiệu trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc
Sơn, Hà Nội) và một vị phụ huynh có con đang theo học lớp 12 tại trường. Theo
đó, do phụ huynh có ý kiến trong lớp về chuyện nhà trường thu chi các khoản đầu
năm học nên bị nhà trường mời làm việc, thậm chí thông báo sẽ “từ chối công tác
giáo dục” đối với học sinh này nếu phụ huynh không đến trường làm việc. Cả thư
mời lẫn thư thông báo đều do Hiệu Trưởng Đinh Quang Dũng ký.
Một sự kiện khác xảy ra trước đó vài ngày cũng liên quan đến một trường
học ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tối 29 tháng 9 năm 2023, trên mạng xã hội xuất hiện
clip một giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo lê từ hành lang vào lớp
học. Sự việc được cho là xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc, huyện
Sóc Sơn, Hà Nội. Trao đổi với truyền thông nhà nước chiều ngày 2 tháng 10, ông
Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng trường này cho hay, nhà trường sẽ đợi kết luận của
cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với học sinh phát
tán đoạn video lên mạng xã hội.
Đầu năm nay, ngày 11 tháng 1 năm 2023, mạng xã hội lan truyền hai đoạn
clip được cho là xảy ra tại trường Quân sự Quân khu 7, một trong số đó có tiếng
kêu thất thanh của nữ sinh và đoạn clip còn lại cho thấy một nữ sinh được nhiều
người khiêng đi. Các trang Facebook của sinh viên dẫn các tường thuật giấu tên
cho biết, có vụ nữ sinh bị các quân nhân xâm hại tình dục khi sinh viên Trường
Đại học Ngoại ngữ và Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) tham gia khóa học
Giáo dục Quốc phòng, An ninh tại đây.
Các đoạn video và thông tin về vụ việc liên quan bị xóa khỏi các mạng
xã hội ngay trong sáng 12 tháng 1, thay vào đó là công văn từ Trường Quân
sự Quân khu 7 khẳng định thông tin sai sự thật và đòi xử lý những ai lan truyền
tin tức giả mạo.
Cả ba sự việc cụ thể trên bị cho là sự lạm quyền trong cách xử lý vụ việc
của người đứng đầu tổ chức, tức hiệu trưởng.
Với tư cách một người dân Hà Nội, ông Vũ Minh Trí nói với RFA quan điểm
của ông:
“Cái
tình trạng lạm quyền nó xảy ra ở trong rất nhiều ngành. Điển hình là vụ mà dư
luận đang xôn xao là cô giáo bạo hành tinh thần một học sinh ở trường THPT Đa
Phúc. Tay hiệu trưởng xử lý một cách rất dở và thể hiện rõ sự lạm quyền, đó là
đề nghị xử lý các em học sinh đã quay và tung clip ấy lên mạng. Lý do là nhà
trường cấm học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích không phải học tập. Thực ra
văn bản cấm ấy là cái rất sai. Người người ta có điện thoại thì người ta sử dụng
điện thoại vào mục đích gì là chuyện của người ta. Có thể thấy chuyện lạm quyền
nó ở khắp nơi.”
Nhà giáo Đinh Kim Phúc nói với RFA sáng ngày 4 tháng 10 năm 2023:
“Chuyện
lạm quyền và hiện tượng một số hiệu trưởng trong hệ thống giáo dục hiện nay tự
cho mình là một ông trời con không phải mới đây, mà nó đã xuất phát từ rất lâu
nhưng không có biện pháp nào để uốn nắn, để chữa trị căn bệnh này. Đó là vấn đề
dân chủ. Không ai dám đấu tranh với hiệu trưởng, với bí thư chi bộ, với đảng ủy
vì bài học nhãn tiền là chỉ có thiệt thân. Do đó, đại đa số giáo viên phải ngậm
bồ hòn làm ngọt, ngậm miệng trước hiện tượng mất dân chủ trong trường học.
Một lỗi
nữa là do phụ huynh học sinh không có can đảm để chỉ tận gốc bản chất của vấn đề.
Phải đấu tranh tới cùng những sai phạm của nhà trường. Nếu có nhiều phụ huynh tỏ
thái độ thì chắc chắn nó sẽ hạn chế những tiêu cực trong nhà trường hiện nay.
Ngay từ
thời Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Quốc Hội khóa 8, ông nói một câu rất
đanh thép trước diễn đàn Quốc hội rằng, dân chủ không ai ban phát mà phải đấu
tranh để giành lấy. Hiện nay trong hệ thống giáo dục Việt Nam có bao nhiêu người
dám can đảm đấu tranh với sai trái của cấp trên?”
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam vào năm 2021, Chính phủ
yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông phải xử lý nghiêm những người
đưa tin lên mạng xã hội mà theo Chính phủ là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống
phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý
của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch... Hàng chục facebooker bị xử phạt
vì lan truyền thông tin dịch bệnh lên mạng xã hội.
Qua một loạt những vụ người dân bị xử lý hoặc dọa xử lý khi đưa video
clip lên mạng xã hội, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu nhận định với RFA:
“Người
dân có quyền giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Đó là quyền mà hiến
pháp đã công nhận. Người dân có thể thực hiện giám sát theo bất kỳ cách nào họ
muốn, miễn nó không xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của người
khác. Việc quay video và chia sẻ chúng là là một trong những cách giám sát hợp
pháp.
Cũng nhờ
vậy, mà nhiều sự việc khuất tất, tiêu cực, vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức nghề
nghiệp… đã bị phát giác và phần nào đã được xử lý kịp thời, giữ gìn sự trong
lành cho xã hội. Thế nên, công chúng thật sự biết ơn đối với những người đã tự
nguyện thực hiện việc giám sát đó và khuyến khích chúng. Việc điều tra, trừng
phạt đối với những người quay và chia sẻ các video đó, chẳng khác nào là cách để
che dấu, dung dưỡng tiêu cực. Không chỉ vậy, chúng còn công nhiên vi phạm vào
quyền giám sát do hiến pháp quy định.
Với thực
tế lãnh đạo luôn miệng hô hào, kêu gọi đấu tranh với tiêu cực, nhưng mặt khác lại
tìm cách trừng phạt những người đấu tranh, một lần nữa, chế độ đã thể hiện bản
chất phản động của mình khi hành xử đi ngược lại với lợi ích dân tộc và nguyện
vọng của người dân.”
Hầu như tất cả những video clip lan truyền trên mạng xã hội phản ảnh những
sai trái của các cơ quan chức năng hay cá nhân vị lãnh đạo nào đó, thường bị
quy kết vi phạm Luật An ninh mạng. Luật này bị một số chuyên gia trong lĩnh vực
công nghệ thông tin nhận định rằng nó không nhắm vào tin tặc bên ngoài và bên
trong Việt Nam mà là vào những người dân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment