Cựu
TNLT Nguyễn Viết Dũng: Tôi bị công an bắt cóc, tra tấn và bức cung
RFA
2023.10.06
Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Viết Dũng, người
vừa mãn hạn tù sáu năm vào cuối tháng trước, nói ông bị công an bắt cóc, tra tấn
và bức cung trong thời gian tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống
nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng (Ảnh chụp Facebook)
Ông Dũng, 37 tuổi, bị bắt ngày 27/9/2017. Sau đó ông bị toà sơ thẩm
vào ngày 12/4/2018 kết án bảy năm tù giam và năm năm quản chế. Trong
phiên phúc thẩm vào ngày 15/8 cùng năm , ông được giảm án tù xuống còn sáu năm
tù nhưng án quản chế bị giữ nguyên.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến ngày
19/5/2017, ông Dũng đã có hành vi đăng tải trên trang Facebook cá nhân Dũng Phi
Hổ 7 bài viết tự soạn thảo hay sao chép và chỉnh sửa có nội dung tuyên truyền,
xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ
lãnh tụ nhằm chống nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, ông Dũng còn làm và lưu hành 4 lá cờ vàng của chế độ Việt Nam
Cộng hòa để treo tại nhà riêng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) và một số địa điểm
công cộng khác. Sau đó ông đã chụp ảnh, quay video để đăng lên trang Facebook
cá nhân Dũng Phi Hổ để chia sẻ, phát tán lên các trang mạng xã hội.
Hơn một tuần sau khi trở về nhà từ Trại giam Nam Hà, ông nói với Đài Á
Châu Tự Do (RFA):
“Để đưa được tôi ra bục xét xử, cơ quan Công an thành phố Hồ Chí
Minh và Công an Nghệ An đã áp dụng đầy đủ các biện pháp vi phạm dân quyền mà lẽ
ra tôi được bảo vệ bởi pháp luật.
Tôi bị
bắt cóc, tôi bị tra tấn, và tôi bị bức cung bởi cả ba cấp độ: ép cung, bcung và
mớm cung, bị xúc phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự và nhân phẩm.”
Ông cho biết trước khi bị Công an Nghệ An bắt giữ, ông đã hai lần
bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc, đánh đập rồi buộc phải lên máy bay về
Nghệ An để rồi lại bị công an địa phương bắt cóc và đánh đập khi vừa xuống sân
bay.
“Tôi bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc vào đêm 20/05/2016, họ
đánh đập và giam giữ tôi trái pháp luật 2 ngày.
Sau đó
vào ép buộc tôi phải bay về Nghệ An bằng một chuyến bay của Vietjet Air bằng
chính tiền của cá nhân tôi. Tiếp đó Công An Nghệ An đã chờ sẵn để tiếp tục bắt
cóc tôi tại chân cầu thang máy bay của chuyến bay trên tại đường băng của cảng
hàng không quốc tế Vinh.
Sau khi
bắt cóc được tôi vào ngày hôm đó là ngày 22/5/2016, Công an Nghệ An đã đánh đập
tôi, đe dọa giết tôi, đe dọa hủy hoại thân thể tôi, giam giữ tôi trái pháp luật
và đã bức cung tôi. Hơn thế nữa, họ còn ép tôi phải ăn hải sản trong thời gian
biển Miền Trung khi đó vừa bị nước xả thải từ nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Hà Tĩnh đầu độc.”
Trong lần thứ hai vào tháng 7/2016, ngoài việc bắt cóc đánh đập và buộc
phải quay về Vinh cũng bằng máy bay, công an thành phố HCM còn cưỡng đoạt một
chiếc Iphone 5 16 GB màu trắng của ông.
Ông thuật lại lần bị bắt và bị khởi tố về cáo buộc “tuyên truyền chống
nhà nước,” một điều của Bộ luật Hình sự thường được an ninh Việt Nam sử dụng để
trấn áp giới bất đồng chính kiến.
“Vào ngày 27/9/2017, tôi tiếp tục bị công an Nghệ An bắt cóc khi
đang chuẩn bị ăn mì tôm trưa, tôi bị còng cả hai tay hai chân và tiếp tục bị
đánh đập.
Sau khi
đưa tôi vào Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An bằng một lệnh tạm giữ, đáng lẽ
ra tôi phải được bố trí ở buồng dành cho người bị tạm giữ có camera giám sát là
P9A1A bởi vì lúc đó phiếu nhập tiền lưu ký của tôi cũng ghi rõ tôi bị tạm giữ ở
P9 A1A.”
Sau khi đã đánh đập ông trong xe trên đường đến Trại tạm giam Nghi Kim,
công an cho nghi can hình sự đánh ông trong buồng tạm giam P1A1A không có
camera giám nhằm khủng bố tinh thần ông.
“Vào sáng ngày 28/9/2017, khi tôi báo cáo sự việc bị đánh đập cho
cán bộ quản giáo lúc đó tên là Nguyễn Sỹ Hùng, người này đã lấy ra một cây thước
dài ra để đánh tôi đồng thời nói ‘Tao không đánh mi thì ai đánh!’”
Ông Dũng cho biết trong suốt quá trình điều tra, cơ quan điều tra công
an Nghệ An liên tục có hành vi đe dọa đánh đập và bức cung ông. Ông bị đánh đập
và khủng bố tinh thần từ công an điều tra, công an trại giam, và tù hình sự được
bố trí ở cùng buồng giam.
Ông nhớ lại thời gian sáu năm qua, kể từ khi bị bắt.
“Quãng thời gian sáu năm vừa qua đúng là một khoảng thời gian phải
nói là rất vất vả trong thời gian bị tạm giữ bị tạm giam cũng như quá trình thi
hành án. Đương nhiên quá trình về sau này thì có đỡ hơn, tuy nhiên giai khốc liệt
nhất phải nói rằng là rơi vào cái giai đoạn là tạm giữ tạm giam. Đây là một thời
gian cực kỳ khốc liệt.”
Ông nói mình sẵn sàng đổi chất với cơ quan Công an thành phố Hồ Chí
Minh, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An, điều tra viên, cán bộ trại tạm giam cũng
như những người được bố trí tạm giam cùng ông lúc đó về việc họ tra tấn, đánh đập
ông.
Sau này, khi ở cùng trong phòng tạm giam một thời gian, chính những
nghi can hình sự thú nhận với ông là họ đã được cán bộ công an tên là Lê Anh Tuấn
giao nhiệm vụ đánh đập ông Dũng để buộc ông khuất phục.
Tuy bị tra tấn và bức cung nhưng trong cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc
thẩm ông không dám phản cung và tố cáo việc mình bị đánh đập ép cung vì sợ tính
mạng không được bảo toàn khi trở lại Trại tạm giam Nghi Kim, hoặc bị kết án nặng
hơn.
Do vậy, trong cả hai phiên toà, ông nói rất ít. Trong phiên phúc thẩm,
ông chỉ nói mình không có ý định chống phá nhà nước, nên được giảm án một năm.
Phóng viên có gọi điện cho lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An và Công an
thành phố Hồ Chí Minh để kiểm chứng thông tin ông Dũng cung cấp, nhưng không ai
nhấc máy.
Bị cùm chân và biệt giam khi phản đối lao động cưỡng
bức
Sau phiên phúc thẩm, ông Dũng bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Nam Hà
(tỉnh Hà Nam). Tại đây, cũng như các tù nhân khác, ông bị buộc phải lao động
đan lát bằng cói và song mây. Khi ông đòi được trả công lao động và viết đơn phản
đối việc bị buộc lao động không có thù lao thì bị trại giam đưa đi kỷ luật cùm
chân 10 ngày và sau đó bị biệt giam hai năm.
Ông cho biết những người tù khác như Phan Kim Khánh, Lê Thanh Tùng, và
Lê Đình Lượng cũng bị kỷ luật như ông sau khi tham gia phản đối lao động cưỡng
bức.
Sau hai năm bị biệt giam, ông được đưa trở lại giam cùng với những người
tù khác, và lại bị buộc lao động không được trả lương, trừ thời gian bị ốm đau
và chữa bệnh. Tuy nhiên, ông không bị ép sản lượng, chỉ làm theo khả năng trong
khi nhiều người khác phải lao động cật lực để đạt được mức giao khoán.
Do bị đối xử hà khắc, nhất là trong thời gian kỷ luật cùm chân và biệt
giam, sức khoẻ của ông suy giảm nghiêm trọng. Ông bị thoái hoá xương khớp nhưng
chỉ được đưa đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, nơi bác sỹ chuẩn
đoán sai bệnh thành viêm cơ, và do vậy, đơn thuốc họ ghi cho ông không đúng dẫn
tới việc ông uống thuốc nhưng bệnh không khỏi mà lại sinh thêm bệnh dạ dày.
Hiện giờ ông đang mắc hai bệnh thoái hoá xương khớp và đau dạ dày.
Kêu oan và yêu cầu giám đốc thẩm vụ án
Ông Dũng nói rằng mình bị oan và kết quả điều tra của Công an Nghệ An
được làm ra bằng bức cung và nhục hình nên ông đã nhiều lần viết đơn đề nghị
xem xét lại bản án của ông theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Cơ sở của việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đó là họ đã bắt
cóc đánh đập bức cung tôi như thế này thì rõ ràng họ sai so với thủ tục tố tụng
dân sự thôi đấy riêng điểm đấy đã đủ để viết một lá đơn kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm.”
Sau khi bị chuyển đến Trại giam Nam Hà và biết được khả năng không bị
đánh đập như khi còn ở Trại tạm giam Nghi Kim, ông Dũng đã ba lần gửi đơn khiếu
nại về bản án của mình tới Toà án Nhân dân Tối cao, tuy nhiên, ông không nhận
được phản hồi từ phía toà án cho dù cán bộ trại giam nói với ông rằng họ đã
chuyển đơn của ông đi.
Ông có dự định sẽ gửi đơn kháng nghị trong thời gian tới sau khi chữa
trị bệnh tật để nâng cao sức khoẻ.
Ông Nguyễn Viết Dũng, thường được biết đến với biệt danh Dũng Phi Hổ, từng
bị tù 12 tháng với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của
Bộ Luật hình sự 1999, sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội
vào năm 2015.
Bản thân là một học sinh có thành tích học tập giỏi và đạt danh hiệu
trong một đợt thi tháng của chương trình ‘Đường Lên Đỉnh Olympia’, một cuộc thi
về kiến thức mang tính học thuật cao tại Việt Nam. Nhiều học sinh đoạt giải
trong kỳ thi này đang học tập hay làm việc tại các nước ngoài như Úc.
Vào năm 2004, ông thi đậu vào Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách
khoa Hà Nội.
Vào tháng tư năm 2015, ông Nguyễn Viết Dũng chủ xướng thành lập “Hội Những
Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và thường xuyên xuất hiện trong quân phục
của lực lượng đó.
---------------------------------
Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM
Mẹ
tử tù Lê Văn Mạnh nói "sẽ tiếp tục kêu oan" sau thông báo thi hành án
Cựu
TNLT Nguyễn Thị Ngọc Sương tố bị công an Đồng Nai sách nhiễu
Ông
Hội đồng đánh nhân viên sân golf bị xem xét kỷ luật đảng
TNLT
Đặng Thị Huệ mãn án tù: Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống BOT bẩn!
Ông
Nguyễn Viết Dũng đánh caddy nữ đến bất tỉnh bị phạt 6,5 triệu đồng
No comments:
Post a Comment