Friday, October 20, 2023

XUNG ĐỘT ISRAEL-HAMAS : TỔNG THỐNG BIDEN MẤT MỘT CƠ HỘI THUYẾT PHỤC CÁC NƯỚC HỒI GIÁO (Thanh Hà / RFI)

 



Xung đột Israel - Hamas: Tổng thống Biden mất một cơ hội thuyết phục các nước Hồi Giáo

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 19/10/2023 - 15:02

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231019-xung-%C4%91%E1%BB%99t-israel-hamas-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng.....BB%93i-gi%C3%A1o

 

Hơn một chục ngày sau loạt khủng bố đẫm máu trên lãnh thổ Israel do phong trào Hamas tiến hành, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, rồi đến lượt tổng thống Joe Biden đã công du Cận Đông. Nhưng vụ oanh kích vào một bệnh viện ở Gaza, dù chưa biết ai là thủ phạm, đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ tại nhiều nước Hồi Giáo. Quốc Vương Jordanie hủy một cuộc họp bốn bên, phá hỏng « một nửa kế hoạch ngoại giao » của Joe Biden.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e36abfae-6e7b-11ee-b581-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-10-18T151804Z_1330339924_RC21V3AW2LR6_RTRMADP_3_ISRAEL-PALESTINIANS-BIDEN.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về xung đột Israel - Hamas tại Tel Aviv, Israel, ngày 18/10/2023. via REUTERS – POOL

 

Ngày 18/10/2023, tổng thống Joe Biden đã vội vã lên đường sang Cận Đông với hai mục đích : một là thể hiện tình liên đới mật thiết với Israel và cảnh cáo mọi ý đồ của Iran muốn nhập cuộc, mượn tay lực lượng Hồi Giáo vũ trang Hezbollah Liban mở mặt trận ở phía bắc « tiêu diệt » nhà nước Do Thái. Nhưng vế thứ nhì trong chuyến đi này cũng quan trọng không kém : phối hợp với các đồng minh của Mỹ trong khu vực để làm hạ nhiệt tình hình, thuyết phục cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới rằng Washington không tán đồng chính sách của Israel « trả thù một cách mù quáng » gây thêm tang tóc cho thường dân Palestine.

 

Thế nhưng, theo giới phân tích, mục tiêu thứ nhì này của ông Biden đã bị vụ oanh kích bệnh viện Gaza làm tiêu tan trước khi chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia Mỹ đáp xuống phi trường Tel Aviv. Joe Biden đã mang hết uy tín của Hoa Kỳ ra để phủi trách nhiệm cho quân đội Israel trong vụ tấn công vào bệnh viện Gaza, đồng thời rầm rộ thông báo là Washington đã thuyết phục được Israel cho phép chuyển viện trợ nhân đạo cho hai triệu người Palestine ở Dải Gaza bị « phong tỏa hoàn toàn » từ hôm 07/10/2023. Nhưng không chắc là thế giới Hồi Giáo nguôi giận.

 

Cho đến giờ phút này, từ ở Liban đến Ai Cập, hay các nước Hồi Giáo châu Phi, công luận vẫn chỉ chú tâm đến những tuyên bố của Mỹ và một số nước phương Tây khác đồng loạt nhìn nhận « quyền tự vệ chính đáng » của nhà nước Do Thái. Theo họ, một cách gián tiếp phương Tây cũng có trách nhiệm về thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Gaza từ hơn 10 ngày qua.

 

Có nhiều lý do khiến mối nghi kỵ của các nước Hồi Giáo trước những thiện chí của Hoa Kỳ khó thuyên giảm. Thứ nhất, đành rằng Mỹ kềm chế Israel để tránh gây thêm thảm họa cho người dân Palestine, nhưng đồng thời chính tổng thống Biden và trước ông là bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin hay ngoại trưởng Antony Blinken từng cam kết là Tel Aviv sẽ « được cung cấp đủ các phương tiện để tự vệ », Washington tăng viện trợ quân sự cho Israel, điều hai hàng không mẫu hạm đến khu vực để thị uy. Hiện thời 2.000 lính Mỹ đã được đặt trong tư thế « sẵn sàng » trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, khó mà thuyết phục các nước Hồi Giáo rằng Hoa Kỳ không « thiên vị » và là một nhà trung gian hòa giải « đáng tin cậy ».

 

Nội việc Jordanie, quốc gia đón nhận hơn 2 triệu người tị nạn Palestine, hủy cuộc họp bốn bên được dự trù diễn ra tại thủ đô Aman giữa tổng thống  Biden với hai đồng cấp Palestine và Ai Cập cũng đủ cho thấy sự ngờ vực đó lớn đến chừng nào. Đó là một vố rất đau đối với ông Biden.

 

Trở ngại thứ nhì là ngay cả Ai Cập, một đối tác trông cậy nhiều vào viện trợ quân sự của Mỹ và cũng là một trong những nước Hồi Giáo đầu tiên thiết lập bang giao với Israel, đến nay vẫn cương quyết không đón nhận người tị nạn từ Gaza. Lý do : Cairo nghi ngờ đây là một âm mưu của Israel để chiếm đoạt lãnh thổ chưa đầy 400 km vuông này của người Palestine. 

 

Thêm một khó khăn thứ ba, theo như ghi nhận của một nhà cựu ngoại giao châu Âu từng công tác tại Jerusalem, đó là căng thẳng và sự ngờ vực lẫn nhau đã dâng cao đến nỗi, bất luận ai là thủ phạm của vụ oanh kích hôm 17/10 vào một bệnh viện ở Gaza, « sự thật thể nào cũng sẽ bị phe bên kia phản bác ».

 

Bên cạnh đó, còn phải tính đến những yếu tố chính trị và địa chính trị. Đối với một số nước Hồi Giáo thân phương Tây như Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ, từ sau vụ tấn công phong trào Hamas tiến hành hôm 07/10/2023, lãnh đạo các quốc gia này cũng trong thế « ngồi trên lửa » vì đang chịu áp lực rất lớn của đường phố : các cuộc tuần hành gần như hàng ngày huy động hàng ngàn, hàng chục ngàn người ủng hộ người Palestine trên Dải Gaza.

 

Riêng với các quốc gia thù nghịch với Mỹ nói riêng, với phương Tây nói chung, biến cố ngày 07/10 là cơ hội lý tưởng để lôi kéo thêm các nước Hồi giáo về phía mình. Nhà báo Isabelle Lasserre trên tờ Le Figaro không ngần ngại nêu đích danh Iran, Nga và Trung Quốc. Teheran thì muốn củng cố thêm « liên minh Hồi Giáo Shia ».

 

Tại Matxcơva, tổng thống Vladimir Putin quên hẳn các đợt oanh kích quân đội Nga nhắm vào các bệnh viện và khu dân cư tại Ukraina để mạnh mẽ lên án các vụ « tấn công vô nhân đạo » vào Gaza và đề nghị đứng ra làm một trung gian để vãn hồi hòa bình cho Cận Đông.

 

Vết rạn nứt mới này trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với thế giới Hồi Giáo cũng được coi là có lợi cho Trung Quốc, bởi theo nhà báo Lasserre, Cận Đông sẽ làm cỗ máy xoay trục sang châu Á của Mỹ bị chậm lại. Đây cũng là cơ hội để ngành ngoại giao Trung Quốc đẩy mạnh các quân cờ ở một vùng còn nằm ngoài ảnh hưởng của Bắc Kinh.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ISRAEL - HAMAS - TẤN CÔNG

Bệnh viện Gaza bị tấn công làm hàng trăm người chết, Israel và Hamas đổ trách nhiệm cho nhau

 

HOA KỲ - ISRAEL - VIỆN TRỢ NHÂN ĐẠO

Tổng thống Mỹ thuyết phục được Israel cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza

 

ĐIỂM BÁO

Tổng thống Mỹ đến Trung Đông: ‘‘Cú đặt cược ngoại giao mạo hiểm’’

 

 

 

 


No comments: