Friday, October 20, 2023

"NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ" NHIỀU BẤT TRẮC : BẮC KINH DỰ TÍNH ĐIỀU CHỈNH RA SAO? (Trọng Thành / RFI)

 



‘‘Nhất Đới Nhất Lộ’’ nhiều bất trắc: Bắc Kinh dự tính điều chỉnh ra sao?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 19/10/2023 - 15:54

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231019-nhat-doi-nhat-lo-bat-trac-backinh-dieuchinh-rasao

 

Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ‘‘Những Con đường Tơ lụa Mới’’, tên chính thức là ‘‘Nhất Đới, Nhất Lộ’’ (‘‘Vành đai và Con đường’’) trong hai ngày 17 và 18/10/2023, với sự có mặt của đại diện hơn 130 quốc gia tham gia dự án. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, dự án hạ tầng khổng lồ hơn 1.000 tỉ đô la nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi, vốn được coi như phương tiện khẳng định sức mạnh của Bắc Kinh, đang đứng trước một tương lai ‘‘không chắc chắn’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/73e1f25e-152b-11ea-9304-005056bf7c53/w:980/p:16x9/bri_01_0.webp

Dự án khổng lồ "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc được giới thiệu tại Diễn đàn Tài chính Châu Á ở Hồng Kông ngày 08/01/2016. REUTERS/Bobby Yip/File Photo

 

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, Bắc Kinh đang toan tính những chuyển hướng như thế nào trong tương lai? Thu hẹp quy mô đầu tư, chuyển hướng địa bàn trọng điểm ở một số nơi, và có thể chấp nhận tuân thủ các luật chơi quốc tế để tăng khả năng tranh giành ảnh hưởng là một số điểm nổi bật trong các điều chỉnh của Trung Quốc, được nhiều nhà quan sát ghi nhận. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

 

                                                      ***

Khá đông đảo giới quan sát ghi nhận, về một số mặt, dự án ‘‘Vành đai và Con đường’’ (BRI - Belt and Road Initiative) đã thu được nhiều thành công trong thập niên đầu tiên. Tuần báo kinh tế Anh The Economist có bài ‘‘How China’s Belt and Road Initiative is changing’’ (Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang thay đổi như thế nào) (17/10/2023) ghi nhận thành công ‘‘rất đáng kinh ngạc’’ của BRI: hơn 150 quốc gia đã tham gia, trong đó có 18 trong số 27 thành viên của Liên Âu. Điều đó đã giúp Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của khối các nước đang phát triển, tăng cường được ảnh hưởng ngoại giao và địa chính trị của nước này. Dự án cũng mang lại lợi ích cụ thể cho nhiều nước đang phát triển, nơi mà lẽ ra nhiều tuyến đường bộ và đường sắt đã không thể được xây dựng nếu không có dự án’’.

 

 

BRI chững lại từ 2018

 

Tuy nhiên mười năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi. Trước hết là những thay đổi liên quan đến bản thân Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo The Economist, ‘‘trong những năm đầu của chương trình, Trung Quốc đã cho các nước nghèo vay một cách hào phóng mà không có những đánh giá rủi ro thích hợp. Nhiều khoản vay trong số đó hiện đã trở nên khó đòi, buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn. Các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2016’’.

 

Bài “Chinese President Xi’s $1.3t ‘project of the century’ faces uncertain future’’ (‘‘Dự án thế kỷ’’ trị giá 1,3 nghìn tỷ đô la của chủ tịch Trung Quốc đối mặt với tương lai không chắc chắn’’ của Bloomberg, dẫn lại thông tin từ Trung tâm tư vấn Green Finance & Development Centre, ghi nhận dự án đã thu hút 1.000 tỉ đô la trong thập niên đầu tiên, nhưng tổng thể các hoạt động của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI đã đạt đỉnh vào năm 2018 (với 120 tỷ đô la đầu tư), và hiện tại đã giảm khoảng 40% so với thời kỳ hoàng kim này. Bắc Kinh bị cáo buộc là bên cho vay ‘‘vô trách nhiệm’’, khiến nhiều quốc gia ‘‘vỡ nợ’’ (hoặc lọt vào ‘‘bẫy nợ’’, theo cáo buộc từ nhiều phía).

 

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp liên quan đến các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến Bắc Kinh không thể duy trì mức độ đầu tư nhiều hơn. Quan hệ ngày càng rơi với thế đối đầu với Hoa Kỳ cũng khiến đại dự án ‘‘con cưng’’ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng gây chia rẽ trên thế giới.

 

Giảm hẳn quy mô

 

Theo giới quan sát, Sáng kiến Vành đai và Con đường tiếp tục là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh đang bắt buộc phải có những điều chỉnh. Giảm quy mô của việc thực thi BRI là điều nổi bật. Bloomberg ghi nhận lập trường mới của chủ tịch Trung Quốc, được đưa ra gần đây, theo đó Bắc Kinh sẽ tập trung vào những khoản đầu tư ‘‘nhỏ nhưng đẹp’’, một sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu đối với một chương trình mà lãnh đạo tối cao Trung Quốc từng ca ngợi là ‘‘đại dự án của thế kỷ’’.

 

Bắc Kinh sẽ không thể dàn trải các đầu tư, bởi Trung Quốc một mặt ‘‘có ít vốn hơn để cho vay và áp lực ngày càng tăng để thu hồi số tiền đã cho vay còn tồn đọng’’ (theo một quan chức cao cấp Hoa Kỳ gần gũi với hồ sơ này), mặt khác đang đứng trước áp lực phải tiếp tục tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ. Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Phi của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, vào tháng 10 này, một ‘‘khoản vay lớn’’ cho một dự án đường sắt mới của Trung Quốc ở châu PhI, sẽ được công bố.

 

 

Giảm đầu tư vào châu Phi, tập trung vào ‘‘sân sau’’ của Mỹ

 

Thu hẹp quy mô đầu tư, nhưng tập trung vào một số hướng ưu tiên, một số trọng điểm có ý nghĩa chiến lược. Về vấn đề này, đài Pháp France Info cho biết, Trung Quốc có xu hướng giảm mạnh đầu tư tại châu Phi để chuyển hướng sang khu vực Trung Á và Mỹ Latinh. Năm 2022, Bắc Kinh đã giảm 65% tín dụng dành cho các nước thuộc khu vực phía nam sa mạc Sahara. Một trong những đích ngắm chính của Bắc Kinh tại khu vực châu Mỹ Latinh, vốn thuộc ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, là Peru. France Info nêu ví dụ về dự án cảng biển nước sâu Chancay, nối liền Trung Quốc với Nam Mỹ.

 

Dự án do Trung Quốc đầu tư có thể cạnh tranh với kênh đào Panama, do Mỹ kiểm soát. Theo một cựu bộ trưởng Thương Mại Peru, địa điểm chiến lược này là nơi nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương : ‘‘Peru nằm ở miền trung bờ biển Thái Bình Dương Nam Mỹ,… cho phép nối liền hai đại dương thông qua các dự án xa lộ xuyên lục địa, cùng với Brazil. Dự án này cho phép Brazil xuất khẩu qua ngả Thái Bình Dương’’. Theo France Info, Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Quốc có thể ‘‘tìm thêm được một luồng sinh khí mới với những tuyến đường mới’’. Trung Quốc đầu tư khoảng 3 tỷ đô la vào cảng nước sâu Chancay. Vào năm tới, các tàu hàng đầu tiên có thể bắt đầu cập cảng.

 

 

Bắc Kinh bổ sung các tiêu chuẩn quốc tế về sinh thái, xã hội

 

Một điều chỉnh thứ ba của Trung Quốc trong các dự án liên quan đến Sáng kiến ‘‘Những Con đường Tơ lụa Mới’’ là hướng tới tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về sinh thái, môi trường, cũng như các tiêu chuẩn về xã hội. Trả lời RFI, giáo sư Trần Kiến Phủ ( Chen Chien-Fu ), giám đốc Viện nghiên cứu về Hoa lục và giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Sáng kiến Nhất Đới, Nhất Lộ (Đại học Tamkang, Đài Loan), cho biết : ‘‘Những Con đường Tơ lụa Mới sẽ có những thay đổi quan trọng trong tương lai, các dự án này sẽ phải đáp ứng các nhu cầu đặc thù hơn, hoặc phải chấp nhận các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn và bảo vệ sinh thái hơn, như tập trung vào các vấn đề như bảo vệ quyền phụ nữ, năng lượng xanh’’.

 

Nhà nghiên cứu Đài Loan ghi nhận việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến BRI, đã tập trung nhấn mạnh đến các vấn đề bảo trợ xã hội, quyền phụ nữ, năng lượng xanh, nữ quyền, vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ cuốn sách trắng về Nhất Đới Nhất Lộ (công bố hôm 10/10). Theo giáo sư Trần Kiến Phủ, việc điều chỉnh theo hướng này ‘‘có thể mang lại một hình ảnh tích cực hơn cho Trung Quốc, đặc biệt nếu như điều này mang lại tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia tham gia BRI’’.

 

Như ta biết, Trung Quốc thường xuyên cổ vũ cho quan điểm lên án phương Tây thống trị thế giới, và có chung quan điểm với Nga trong việc xây dựng một ‘‘trật tự thế giới mới’’. Việc Trung Quốc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế nói trên dường như là một phản ứng ‘‘tích cực’’. Đối với chuyên gia Ana Horigoshi, Đại học William và Mary (Hoa Kỳ), trong một bài viết về Sáng kiến BRI trên The Diplomat (A Decade Down the Belt and Road". One decade of the BRI: Where it started, how it has changed, and where it may be going), ‘‘những thách thức trong và ngoài nước đã bắt đầu tác động đến cách Trung Quốc thực hiện các tham vọng được triển khai trong Sáng kiến BRI’’. Việc Trung Quốc công bố ‘‘Sáng kiến Phát triển Toàn cầu’’ (Global Develop­ment Initiative), tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2021, có thể coi là một nỗ lực của Trung Quốc thừa nhận cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế.

 

 

‘‘Sáng kiến toàn cầu’’ của Trung Quốc, sự nối dài của chính sách trong nước

 

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác tỏ ra dè dặt. Chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Trung Á Niva Yau (trung tâm tư vấn Atlantic Council), trong một bài viết trên Nikkei Asia (‘‘BRI is only first step in China's strategy for a new world order’’ /‘‘BRI chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới của Trung Quốc’’) nhận định, đúng là các vấn nạn về  tham nhũng, hủy hoại môi trường và nợ không bền vững của các dự án BRI đã buộc Trung Quốc phải tìm cách sửa đổi, nhưng các sáng kiến mới đây, như ‘‘Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu’’ mà ông Tập Cận Bình đã triển khai liên tiếp trong hai năm qua không nhằm mục tiêu thay thế BRI, mà chỉ là những bổ sung cho tham vọng áp đặt các mục tiêu toàn cầu của Trung Quốc.

 

Các điều chỉnh được coi là tích cực nói trên của Trung Quốc cần được nhìn nhận với sự cảnh giác, bởi ‘‘người dân Trung Quốc không được tự do và xã hội Trung Quốc không cởi mở. Tầm nhìn toàn cầu của Trung Quốc chắc chắn được xây dựng trên nền tảng của các chính sách trong nước’’.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - NHỮNG CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI

Trung Quốc: Mười năm « Những con đường tơ lụa mới » và các thành tựu trái ngược

 

TRUNG QUỐC - CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Trung Quốc: Diễn đàn « Một vành đai một con đường » khai mạc tại Bắc Kinh

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Dự án kết nối Trung Quốc với ASEAN: Việt Nam thận trọng  

 

 

 







No comments: