Oct 19, 2023 10:03 AM
https://www.luatkhoa.com/2023/10/trung-quoc-ta-trung-quoc-huu/
Bên trái, quay! Bên phải, quay!
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/10/TQ.jpg
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.
Chúng ta đã nghe nhiều về sự phân chia cánh tả
và cánh hữu trong nền chính trị của các nước dân chủ phương Tây, điển hình là
Hoa Kỳ. Vậy đối với nhà nước độc đảng như Trung Quốc, liệu có sự phân chia tả hữu
trong tầng lớp cầm quyền cũng như trong công chúng nói chung không?
Tả và Hữu
Sự khác biệt cơ bản giữa cánh tả và cánh hữu nằm
ở quan niệm khác biệt về bình đẳng.
Cánh tả thường rất quan tâm đến vấn đề bất
bình đẳng kinh tế và ủng hộ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế nhằm giảm
khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ quyền của người lao động và đảm bảo phúc lợi xã
hội. Các chính sách mà cánh tả ủng hộ thường bao gồm đánh thuế cao đối với người
giàu, áp dụng mức lương tối thiểu, ủng hộ bảo hiểm y tế toàn dân và bảo hiểm thất
nghiệp để bảo vệ người dân khỏi rủi ro.
Trong khi đó, cánh hữu tin rằng bất bình đẳng
là một hiện tượng tự nhiên trong xã hội. Họ ủng hộ thị trường tự do và giảm thuế
nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm. Họ lập luận rằng
các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ giúp giảm thiểu nghèo đói một
cách tự nhiên, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên trong xã hội.
Cánh hữu cho rằng tương tác cung cầu trên thị trường giúp nguồn lực được phân
phối một cách hiệu quả, trong khi can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế sẽ dẫn
đến bóp méo thị trường, giảm hiệu suất, lãng phí và làm chậm tốc độ tăng trưởng.
[1]
Cần lưu ý rằng phổ chính trị tả - hữu rất rộng
và có tính tương đối. Một chính sách cụ thể ở nước này bị cho là tả nhưng nếu
thực hiện ở một nước khác thì lại được phe hữu nước đó ủng hộ.
Vậy trong mô hình chính trị độc đảng của Trung
Quốc, người dân nói chung có chia thành hai phái chính trị tả - hữu
không?
Câu trả lời là có.
Tả - Hữu ở Trung Quốc
Trong một nghiên cứu của tác giả Jennifer Pan
và Yiqing Xu về hệ tư tưởng của Trung Quốc đương đại, các tác giả nhận thấy
phân cực chính trị ở Trung Quốc xảy ra giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ
(conservatism) ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism) ở
cánh hữu. [2]
Xin hết sức lưu ý để tránh hiểu nhầm: chủ
nghĩa bảo thủ ở Mỹ được xếp vào cánh hữu, nhưng đó là một chuyện khác. [3]
Nghiên cứu sử dụng kết quả khảo sát trực tuyến
trên trang zuobao.me với sự tham gia của 460.532 người để xác định khuynh hướng
chính trị của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ủng hộ chế độ độc đảng
có khuynh hướng ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, ủng hộ các
giá trị văn hóa - xã hội truyền thống và đề cao chủ nghĩa dân tộc. Những người
này được xếp vào phe bảo thủ thuộc cánh tả.
Trong khi đó, những người ủng hộ tự do và dân
chủ hóa hệ thống chính trị có xu hướng ủng hộ thị trường tự do, các giá trị văn
hóa hiện đại cũng như đề cao chủ nghĩa quốc tế. Những người này được xếp vào
phe tự do cánh hữu. [4]
Bạn có thể xem bảng dưới đây để thấy rõ sự
khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu về quan điểm chính trị, kinh tế, văn hóa –
xã hội và chủ nghĩa dân tộc.
Phe bảo thủ (cánh tả) |
Phe tự do (cánh hữu) |
|
Chính trị |
Chế độ độc đảng |
Bầu cử đa đảng cạnh tranh |
Nhà nước xã hội chủ nghĩa |
Nhà nước dân chủ lập hiến |
|
An ninh quốc gia |
Tính minh bạch |
|
Chủ nghĩa Mao |
Pháp trị |
|
Đặc sắc Trung Hoa |
Nhân quyền phổ quát |
|
Quyền dân tộc tự quyết |
Nhân quyền |
|
Kinh tế |
Nhà nước phúc lợi |
Thị trường tự do |
Ủng hộ sự can thiệp của nhà nước |
Phản đối can thiệp của nhà nước |
|
Lợi ích công |
Quyền cá nhân |
|
Văn hóa – Xã hội |
Các giá trị truyền thống |
Các giá trị phương Tây |
Chủ nghĩa tập thể |
Chủ nghĩa cá nhân |
|
Nho giáo |
Tự do cá nhân |
|
Trí tuệ người xưa |
Khoa học hiện đại |
|
Phản đối hôn nhân đồng
giới |
Ủng hộ hôn nhân đồng giới |
|
Chủ nghĩa dân tộc |
Chủ nghĩa dân tộc |
Chủ nghĩa quốc tế |
Đoàn kết dân tộc & toàn vẹn lãnh thổ |
Nhân quyền |
|
Chống phương Tây |
Thân phương Tây |
Bảng: “Cánh tả” và “cánh hữu” trong nền chính trị
Trung Quốc đương đại. Nguồn: Pan & Xu (2015)
Ở các quốc gia dân chủ phương Tây, dưới ảnh hưởng
của các nhà tư tưởng như John Locke, Adam Smith, Montesquieu và John Stuart
Mill, cả cánh tả và cánh hữu đều ủng hộ nền dân chủ đại diện, pháp quyền, quyền
tự do cá nhân và nền kinh tế thị trường. [5] Các đảng chính trị thuộc cánh tả
và cánh hữu ở phương Tây chỉ khác biệt về ưu tiên chính sách và phương pháp thực
hiện.
Trong khi đó, sự phân cực chính trị ở Trung Quốc
xảy ra giữa cánh tả, ủng hộ duy trì nhà nước độc đảng và cánh hữu, ủng hộ việc
xây dựng một nhà nước dân chủ lập hiến với các cuộc bầu cử đa đảng cạnh tranh.
Để hiểu tại sao trong nền chính trị Trung Quốc,
phái bảo thủ thuộc cánh tả, trong khi phái tự do thuộc cánh hữu, chúng ta cần
điểm lại quá trình phát triển chính trị Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch
Đông.
Mao Trạch Đông và giai đoạn cực tả
Mao Trạch Đông là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung
Quốc từ năm 1949 đến khi ông qua đời vào năm 1976. Thời kỳ này thường được các
học giả mô tả là giai đoạn “cực tả” của Trung Quốc. Mao đã tiến hành hàng loạt
chiến dịch nhằm “giáo dục” dân chúng và đàn áp, triệt hạ những phần tử bị cho
là hữu khuynh, phản cách mạng, chống chính quyền nhân dân.
Trong giai đoạn 1950-1952, Mao thực hiện cải
cách ruộng đất nhằm thay đổi cơ cấu xã hội và xóa sổ tầng lớp địa chủ ở nông
thôn. Các cuộc đấu tố đầy bạo lực diễn ra trong giai đoạn này đã khiến khoảng
800.000 địa chủ bị giết hại. [6] Trong Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Mao
tuyên bố cần phải đấu tranh bạo lực để chống lại các phần tử phản cách mạng, hữu
khuynh và những người theo chủ nghĩa xét lại, những kẻ âm mưu xây dựng một nền
“chuyên chính tư sản”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mao, giới trẻ Trung
Quốc thành lập các đội Hồng vệ binh tỏa ra khắp đất nước, thực hiện đấu tố, sỉ
nhục công khai, đánh đập và giết hại hàng triệu người, bao gồm cả trí thức, cán
bộ đảng viên, giáo viên và người cao tuổi. Trong thời kỳ này, Đặng Tiểu Bình
cũng bị coi là một phần tử theo chủ nghĩa tư bản, bị thanh trừng, cắt hết các
chức vụ và đưa đến lao động trong một nhà máy ở Giang Tây.
Về kinh tế, Đảng Cộng sản dưới thời Mao thực
hiện mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ tư hữu, cưỡng bách nông dân
vào hợp tác xã, trong khi công nhân buộc phải làm việc trong các nhà máy thuộc
sở hữu nhà nước. Nhiều biện pháp cực đoan được thực hiện để giảm khoảng cách
giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa thành thị và nông thôn. Ví dụ,
việc tăng lương và thưởng cho người lao động ở thành thị bị cấm, nhiều y bác sĩ
bị buộc phải phục vụ ở vùng nông thôn thay vì tập trung ở các thành phố lớn. Kỳ
thi đại học bị bãi bỏ từ giữa thập niên 1960 do tầng lớp trí thức được xem là
có ưu thế trong các kỳ thi này. Các tổ công tác (work units) được “đề xuất” ứng
viên vào các trường đại học. Hệ thống này ưu tiên ứng viên có quen biết những
người có quyền lực hoặc ứng viên thuộc các tầng lớp nghèo khó trong xã hội, đồng
thời loại bỏ những cá nhân có thành phần lý lịch giai cấp “xấu”. [7]
Nhìn chung, xã hội dưới thời Mao là một xã hội
“nghèo đều”, quyền tư hữu và tài sản tư nhân gần như không tồn tại. Chính quyền
ưu tiên phát triển công nghiệp nặng cho mục tiêu quốc phòng và nỗ lực tối đa
hóa việc làm ở khu vực thành thị, mà không chú ý đến vấn đề nâng cao năng suất
lao động và hiệu suất sử dụng vốn. Mao theo đuổi chính sách tự cung tự cấp, hầu
như không có giao thương quốc tế. Việc vay nợ nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) bị cấm. [8]
Đặng Tiểu Bình: Bên phải, quay!
Cách mạng Văn hóa chính thức kết thúc khi Mao
qua đời vào năm 1976. Giai đoạn từ năm 1978 đến những năm 1990 được xem là thời
kỳ Trung Quốc cải cách và hiện đại hóa, từng bước rời xa mô hình “cực tả” của
Mao. Trong khi Mao nhấn mạnh vai trò của hệ tư tưởng và đấu tranh giai cấp
trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đặng Tiểu Bình xem trọng tính thực dụng
và kết quả.
Đặng thể hiện tính thực dụng qua các câu khẩu
hiệu “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” và “Hãy để
cho một số người làm giàu trước!”. Phương châm này giúp Trung Quốc chấp nhận áp
dụng các yếu tố của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách
kinh tế theo hướng thị trường.
Các biện pháp được Đặng cổ xúy bao gồm giảm sự
kiểm soát giá của chính phủ, từ bỏ chính sách tập thể hóa nông nghiệp để quay về
kinh tế hộ gia đình, tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước
và thu hút đầu tư nước ngoài. Tác động tổng hợp của các cải cách này làm giảm
vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và cởi trói khu vực kinh tế tư nhân. Từ
giữa thập niên 1980, nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, giúp hàng trăm triệu người
thoát khỏi nghèo đói. [9]
https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/GDP-per-capiata.png
GDP bình
quân đầu người của Trung Quốc giai đoạn 1800 – 2022 (kết quả đã được điều chỉnh
theo tỷ lệ lạm phát và ngang giá sức mua năm 2017). Nguồn: GapMinder.
Về mặt chính trị, Đặng Tiểu Bình tiến hành một
số cải cách nhằm tăng cường dân chủ trong nội bộ đảng, ủng hộ nguyên tắc tập thể
lãnh đạo trong Bộ Chính trị và bài trừ tệ sùng bái cá nhân, vốn là đặc trưng của
thời kỳ Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, Đặng vẫn duy trì quan điểm bảo thủ
về chính trị thông qua việc công bố “Bốn nguyên tắc cơ bản” vào năm 1979, cam kết
trung thành với: (1) chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, (2) con
đường xã hội chủ nghĩa, (3) chuyên chính vô sản nhân dân, và (4) sự lãnh đạo
toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi không có sự đồng thuận rõ
ràng nào về cách thức thực hiện ba nguyên tắc đầu tiên, lịch sử cho thấy Đảng Cộng
sản xem nguyên tắc thứ tư là kim chỉ nam hành động, sẵn sàng đàn áp bất cứ lực
lượng chính trị đối lập nào dám thách thức vị thế độc tôn của họ. [10]
Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương là cánh tay phải
và cánh tay trái của Đặng trong quá trình cải cách. Trong khi Hồ Diệu Bang chú
trọng vào lĩnh vực nhân sự, tư tưởng và khôi phục danh dự cũng như chức vụ cho
những người bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa, Triệu Tử Dương tập trung vào cải
cách kinh tế. [11] Mặc dù Đặng thường xuyên bảo vệ Hồ và Triệu trước các chỉ
trích của phe bảo thủ dẫn đầu bởi Trần Vân, Đặng cũng sẵn sàng loại bỏ Hồ và
Triệu khỏi vị trí tổng bí thư khi họ làm ông phật lòng hoặc tỏ ra quá cấp tiến
về chính trị. [12] Sự bảo thủ về chính trị của Đặng được thể hiện rõ nhất qua
việc áp đặt tình trạng thiết quân luật và sử dụng quân đội để đàn áp người biểu
tình đòi cải cách chính trị trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989. [13]
Sau sau kiện Thiên An Môn và sự sụp đổ của
Liên Xô vào năm 1991, phe bảo thủ trong đảng cảm thấy lo lắng về tính bền vững
của hệ thống và tìm cách chống lại những cải cách do Đặng khởi xướng. Trước
tình thế này, vào mùa xuân năm 1992, Đặng thực hiện chuyến “tuần du phương
Nam”, thăm các đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến, Chu Hải cũng như một số công ty
công nghệ cao ở Thượng Hải. Trong chuyến đi này, Đặng kêu gọi các lãnh đạo
trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế.
Chuyến đi của Đặng truyền cảm hứng cho phe cải cách và giúp tái khởi động
chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Mặc dù kinh tế thị trường giúp cho nền kinh tế
của Trung Quốc cất cánh và củng cố tính chính danh của Đảng Cộng sản, nó cũng dẫn
đến nhiều hệ lụy, bao gồm tình trạng gia tăng phân hóa giàu nghèo, tham nhũng,
ô nhiễm môi trường, và sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất. Trước thực trạng
này, đã xuất hiện một lực lượng không ưa cải cách, có xu hướng muốn duy trì hoặc
phục hồi (conserve) các giá trị kinh tế, chính trị và xã hội “cực tả” kiểu Mao.
Do đó, chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) được gắn liền với cánh tả trong nền
chính trị Trung Quốc.
Tóm lại, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có
khuynh hướng chính trị khác biệt. Làm cách nào để so sánh hai nhà lãnh đạo
này?
Trong khoa học chính trị hiện đại, thay vì sử
dụng phổ chính một chiều từ trái sang phải (left-right spectrum), các học giả
thường ưa chuộng phổ chính trị hai chiều (two-dimensional spectrum) để thể hiện
các quan điểm kinh tế và chính trị phức tạp hơn. [14]
Hình dưới đây xếp Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu
Bình trên một hệ tọa độ hai chiều. Trục hoành biểu thị quan điểm kinh tế, trong
khi trục tung thể hiện quan điểm chính trị.
Hình : https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/Matrix-Mao-Dang.png
Ta có thể thấy Mao Trạch Đông đại diện cho một
quan điểm “cực tả” cả về kinh tế và chính trị. Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình có
quan điểm khá cấp tiến về kinh tế (thực hiện cải cách kinh tế theo hướng thị
trường, thoát dần mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung), nhưng vẫn duy trì một
tư duy bảo thủ về chính trị (tiến hành một số cải cách chính trị trong khi vẫn ủng
hộ duy trì chế độ độc đảng).
----------
Chú thích
1. Heywood, A. (2021) Political ideologies:
An introduction. Bloomsbury Publishing.
2. Pan, J & Xu, Y (2015) China’s
ideological spectrum [Preliminary draft].
3. Xem [2]. Điều này trái ngược với Hoa Kỳ,
nơi mà chủ nghĩa bảo thủ thường gắn liền với cánh hữu. Nguyên nhân là vì cánh hữu
ở Hoa Kỳ thường mong muốn duy trì và bảo vệ (conserve) các giá trị truyền thống
của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), bao gồm ủng hộ thị trường tự
do và hạn chế sự can thiệp của nhà nước. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, bạn đọc
có thể tham khảo Parsons (2017), chương 3.
4. Pan, J & Xu, Y (2018) China’s
ideological spectrum. The Journal of Politics, 80(1), pp.
254-273.
5. Parsons, C. (2017) Introduction to
Political Science: How to think for yourself about politics. Pearson.
6. Lieberthal, K. (2004) Governing China:
From revolution through reform (2nd edition). W. W. Norton &
Company.
7. Xem [6], trang 113 và 133.
8. Xem [6], trang 124.
9. Huang, Y. (2023) China’s economic slowdown
was inevitable: The illusory success of state capitalism. Foreign Affairs.
Available at: https://www.foreignaffairs.com/china/chinas-economic-slowdown-was-inevitable
10. Xem [6], trang 138.
11. Xem [6], chương 5.
12. Xia, C. (2022) The weakness of Xi
Jingping. How hubris and paranoia threaten China’s future. Foregin Affais,
101(85). Available at: https://www.foreignaffairs.com/china/xi-jinping-china-weakness-hubris-paranoia-threaten-future
13. Nathan, A. J. (2001) The Tiananmen Papers.
Foreign Affairs. Available at: https://www.foreignaffairs.com/articles/asia/2001-01-01/tiananmen-papers
14. Xem [1].
Trong kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu khuynh hướng
chính trị của Tập Cận Bình và ảnh hưởng của Tập đến con đường phát triển của
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment