Sunday, October 22, 2023

TẢ, HỮU & TẬP CẬN BÌNH (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Tả, hữu và Tập Cận Bình

Hoàng Dạ Lan  -  Luật Khoa Tạp Chí

Oct 20, 2023  0:52 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/10/ta-huu-va-tap-can-binh/

 

Cấp ủy, cấp ủy, cấp ủy.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/10/TQ-1.jpg

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và Tập Cận Bình. Minh họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Tập Cận Bình thường được mô tả là một lãnh đạo có khuynh hướng độc tài và bảo thủ. Ông nằm ở đâu trong phổ chính trị tả - hữu ở Trung Quốc?

 

Theo Cai Xia (蔡霞), giáo sư tại trường Đảng Trung ương Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2012, tầng lớp lãnh đạo của đảng có thể chia làm ba phe. [1]

 

Cánh tả gồm những người trung thành với chủ nghĩa Marx, ủng hộ đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Nhóm này thống trị hệ thống chính trị Trung Quốc dưới thời Mao. Nhóm này bao gồm Mao Trạch Đông, Trần Vân (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng, nhân vật số hai sau Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn Đặng nắm quyền), Bạc Hy Lai (cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị bắt do các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn trước khi Tập Cận Bình nắm quyền), và chính Tập Cận Bình. Ở cấp cơ sở, cánh tả cũng bao gồm một nhóm nhỏ các sinh viên theo chủ nghĩa Marx và những công nhân bị sa thải khỏi các nhà máy quốc doanh do các cải cách của Đặng.

 

Nhóm trung lập là những người theo đường lối của Đặng Tiểu Bình, họ ủng hộ cải cách kinh tế mạnh mẽ nhưng cải cách chính trị một cách hạn chế, với mục tiêu là đảm bảo sự cai trị lâu dài của Đảng Cộng sản. Nhóm trung lập này gồm những người thuộc phe Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng (Phó Chủ tịch nước giai đoạn 2003-2008) và nhóm “Đoàn Thanh niên”, bao gồm nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và nguyên Thủ tướng Lý Khắc Cường.

 

Cuối cùng, cánh hữu bao gồm những người cấp tiến ủng hộ thị trường tự do và một hệ thống chính trị ít độc đoán hơn, thậm chí là một nền dân chủ lập hiến. Đây là nhóm yếu nhất trong ba nhóm, bao gồm những người đi theo đường lối của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, vốn là các lãnh đạo đảng dưới thời Đặng Tiểu Bình. Theo giáo sư Cai Xia, nhóm này cũng có thể bao gồm Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc giai đoạn 2003-2013.

 

Thuộc về phe bảo thủ cánh tả, kể từ khi trở thành tổng bí thư vào năm 2012, Tập Cận Bình đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quyền lực của Đảng Cộng sản, tái thiết lập sự kiểm soát của đảng đối với chính phủ, nền kinh tế, truyền thông và xã hội dân sự. Tại Đại hội lần thứ XIX của đảng năm 2017, Tập tuyên bố “chính phủ, quân đội, xã hội, trường học, phía Bắc, phía Nam, phía Đông và phía Tây, Đảng lãnh đạo mọi thứ”.

 

Phục hồi quyền lực của cấp uỷ

 

Về chính trị, trong những năm cầm quyền, Đặng Tiểu Bình cải cách nhằm phân tách bộ máy của đảng và nhà nước. Đây là nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính và giảm sự can thiệp của cấp ủy vào các quyết định của chính phủ. Tuy nhiên, Tập Cận Bình bãi bỏ những điểm cải cách này của Đặng, tăng cường quyền lực và sự can thiệp của đảng trong việc điều phối hoạt động của chính phủ. [2]

 

Cụ thể, một trong những điểm cải cách chính của Tập với bộ máy nhà nước chính là việc gia tăng số lượng và quyền hạn của các “tiểu tổ lãnh đạo” hay “nhóm nhỏ lãnh đạo” (领导小组). Các tiểu tổ này là các cơ quan tư vấn chiến lược, phối hợp và thực hiện chính sách giữa các cơ quan của đảng, chính phủ và quân đội.

 

Nếu như các tiểu tổ lãnh đạo của đảng thường xử lý các vấn đề chính trị và an ninh quốc gia, các tiểu tổ trực thuộc chính phủ thường tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội. Trước Đại hội Đảng lần thứ XVIII năm 2012, có 54 tiểu tổ lãnh đạo trong bộ máy của đảng và chính phủ. Tuy nhiên, từ sau khi Tập trở thành Tổng bí thư, con số này tăng lên thành 83 tiểu tổ. [3]

 

Số lượng các tiểu tổ lãnh đạo sau Đại Hội XVIII của Đảng năm 2012

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/10/973943.png

Nguồn: Johnson, Kennedy & Qiu (2017)

 

Những tiểu tổ quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng và báo cáo trực tiếp với Thường vụ Bộ chính trị và Ban bí thư. Tập đã thành lập mới và trực tiếp nắm quyền lãnh đạo một số tiểu tổ thuộc loại này, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia, Ủy ban An ninh và Thông tin mạng, Ủy ban Cải cách Quốc phòng và Quân sự, Ủy ban Phát triển Hội nhập Quân sự và Dân sự Trung ương. [4]

 

Chiến thuật cải tổ này giúp Tập Cận Bình tập trung hóa quyền lực, đồng thời làm suy yếu các tổ chức quyền lực chính thức khác trong bộ máy nhà nước. Ví dụ, thay vì để Bộ Ngoại giao và Cục Hải dương Quốc gia xử lý các vấn đề liên quan đến biển Đông như những người tiền nhiệm, Tập có một nhóm lãnh đạo trung ương thân tín xử lý những vấn đề này. [5]

 

Lý Khắc Cường là thủ tướng của Trung Quốc giai đoạn 2013 - 2023. Lý ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, điều này trái ngược với ưu tiên của Tập chú trọng vào sở hữu nhà nước. Trong suốt hai nhiệm kỳ thủ tướng, Lý gặp nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa các chính sách của mình vì không thể ngăn Tập thâu tóm quyền lực và chuyển quyền ra quyết định từ chính phủ sang các cơ quan của đảng. Do đó, Lý Khắc Cường bị đánh giá là “thủ tướng yếu nhất kể từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền vào năm 1949”. [6] Sau hai nhiệm kỳ, ông bị thay thế bởi Lý Cường, vốn là thuộc cấp của Tập khi Tập giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.

 

Củng cố doanh nghiệp nhà nước, siết chặt khu vực tư nhân

 

Về kinh tế, Tập Cận Bình đề cao vai trò của nhà nước và Đảng Cộng sản trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế được củng cố. Trong khi đó, đảng tăng cường kiểm soát khu vực tư nhân bằng cách yêu cầu thành lập các chi bộ đảng tại các doanh nghiệp này và khuyến khích các chi bộ đảng trực tiếp tham gia quản trị doanh nghiệp.

 

Các tập đoàn như Tencent và Alibaba bị giám sát chặt chẽ thông qua các quy định mới, các cuộc điều tra và khoản phạt. Vào năm 2020, Sun Dawu, tỷ phú sở hữu tập đoàn nông nghiệp Dawu Group, người đã công khai chỉ trích Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc về việc đàn áp các luật sư nhân quyền, bị bắt giữ với cáo buộc “gây rối và kích động xung đột”. Sun Dawu phải lĩnh án 18 năm tù trong một vụ án được cho là có động cơ chính trị. Tập đoàn của ông sau đó bị bán lại với giá rẻ mạt cho một công ty nhà nước mới được thành lập. [7][8]

 

Những sự kiện như trên gây rúng động cộng đồng doanh nghiệp và đánh thức ký ức về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khi các nhà tư sản bị giam giữ, tiền bạc, trái phiếu, vàng và thậm chí cả nhà riêng của họ bị chính phủ tịch thu. Dường như dưới sự lãnh đạo của Tập, Trung Quốc đang dần rời xa các cải cách của Đặng và quay trở lại thời kỳ của Mao. [9]

cars parked in front of red and brown building

 

https://images.unsplash.com/photo-1586784444981-ac96e335555c?crop=entropy&cs=tinysrgb&fit=max&fm=jpg&ixid=M3wxMTc3M3wwfDF8c2VhcmNofDQ2fHxDaGluYXxlbnwwfHx8fDE2OTc3Njk5NzN8MA&ixlib=rb-4.0.3&q=80&w=1000

Bóng ma Cách mạng Văn hóa đang quay trở lại? Ảnh: Nick Fewings / Unsplash.

 

Tầng lớp doanh nhân Trung Quốc ngày càng lo sợ cho tài sản và sự an toàn của gia đình, họ ngần ngại trong việc đầu tư và tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài. Niềm tin thấp và đầu tư suy giảm ở khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc gần đây gây thất vọng lớn, ngay cả khi các biện pháp hà khắc của chính sách Zero COVID đã được dỡ bỏ. [10]

 

Một trong những điểm nhấn trong chính sách kinh tế của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình là kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025). Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài. Kế hoạch này tập trung nguồn lực vào một số ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ thông tin và viễn thông, trí tuệ nhân tạo, robot, hàng không vũ trụ, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ dược phẩm sinh học v.v. Chiến lược thực hiện bao gồm hỗ trợ tài chính từ chính phủ và/hoặc giảm thuế cho các công ty nội địa mục tiêu, sát nhập và mua lại các công ty công nghệ nước ngoài, ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất và nghiên cứu sang Trung Quốc. [11]

 

Tuy nhiên, các chính sách này đã gây ra quan ngại sâu sắc ở Hoa Kỳ và nhiều nước EU. Các lãnh đạo phương Tây cho rằng sáng kiến MIC 2025 có thể dẫn đến việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, đánh cắp sở hữu trí tuệ và nhiều hình thức thương mại bất công khác, tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho các công ty Trung Quốc, bóp méo thương mại toàn cầu và gây hại cho các ngành công nghiệp phương Tây.

 

Một số ngành công nghiệp được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ trong MIC 2025, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn và thiết bị viễn thông, bị đánh giá là có thể giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo ra nguy cơ an ninh cho các quốc gia phương Tây. Những quan ngại này góp phần làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, dẫn đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 áp thuế lên các mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc liên quan đến kế hoạch MIC 2025. [12]

 

 

Thẳng tay đàn áp đối lập

 

Về văn hóa – xã hội, Tập Cận Bình coi Internet là mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của đảng vì tự do trên không gian mạng có thể khiến đảng mất dần kiểm soát đối với tư tưởng của người dân.

 

Do đó, Tập tiến hành đàn áp các blogger, các nhà bất đồng chính kiến, thực hiện kiểm duyệt nội dung và củng cố “Vạn Lý Tường Lửa” nhằm ngăn chặn người dùng Internet truy cập các trang web nước ngoài. Những động thái này gây tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận cũng như quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời kìm kẹp sự phát triển của xã hội dân sự. [13]

 

                                                         ***

 

Như vậy Tập Cận Bình có khuynh hướng chính trị như thế nào, đặt trong mối tương quan so sánh với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình?

 

Hình dưới đây xếp Mao, Đặng và Tập trên một hệ tọa độ hai chiều. Trục hoành biểu thị quan điểm kinh tế, trong khi trục tung thể hiện khuynh hướng chính trị. Ta có thể thấy Mao Trạch Đông có xu hướng “tả” hơn Tập Cận Bình, trong khi Tập Cận Bình lại “tả” hơn Đặng Tiểu Bình.

 

 

Duy trì chế độ độc đảng

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2023/10/1-5.jpg

Bầu cử đa đảng cạnh tranh

 

 

Triển vọng cải cách

 

Điều đáng buồn là Trung Quốc hiện nay được lãnh đạo bởi Tập Cận Bình, thuộc nhóm bảo thủ nhất. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ cải cách chính trị để mở đường cho sự quá độ đến một hệ thống chính trị dân chủ hơn.

 

Việc Tập thành công trong việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018 mở ra viễn cảnh ông có thể trở thành lãnh đạo trọn đời. Ngoài ra, tất cả các ủy viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị hiện nay đều là những thân tín trung thành của Tập. Những chỉ dấu này cho thấy hệ thống chuyển dịch theo hướng độc đoán hơn, gây ra mối quan ngại sâu sắc về việc tập trung hóa quyền lực vào tay một người, ngăn chặn những tiếng nói mới và ý tưởng mới xuất hiện bên trong Đảng Cộng sản cũng như Bộ Chính trị.

 

Tuy nhiên, quá trình cai trị của Tập ngày càng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Bên cạnh những vấn đề cố hữu như tình trạng phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, và tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng suy giảm, Tập có thể phải đối diện với một tầng lớp trung lưu ngày càng tự do và cấp tiến.

 

Quay trở lại với nghiên cứu của Jennifer Pan và Yiqing Xu về hệ tư tưởng của Trung Quốc đương đại được đề cập ở bài trước. Nghiên cứu sử dụng kết quả khảo sát trực tuyến trên trang zuobao.me với sự tham gia của 460.532 người để xác định khuynh hướng chính trị của họ. Các tác giả tìm ra rằng ở những tỉnh/thành phố có thu nhập cao hơn, dân số thành thị đông hơn và mức độ mở cửa thị trường cao hơn, ví dụ như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông, người dân thường ủng hộ chủ nghĩa tự do hơn so với các tỉnh nghèo như Quý Châu, Quảng Tây và Hà Nam. Ở cấp độ cá nhân, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cánh hữu thường có học vấn và thu nhập cao hơn những người bảo thủ cánh tả. [14]

 

Lý giải cho hiện tượng này, Pan và Xu đặt ra giả thiết khi một người trở nên giàu có hơn, họ có thể muốn bảo vệ tài sản của mình thông qua các thiết chế chính trị dân chủ hơn và một nền pháp quyền vững chắc hơn. Một lý giải khác là những người có thu nhập cao và được giáo dục tốt hơn có thể được tiếp xúc nhiều hơn với các luồng tư tưởng tiến bộ về tự do chính trị và thị trường tự do, từ đó dẫn đến một sự “tỉnh thức” về chính trị, bất chấp những nỗ lực tuyên truyền tẩy não của đảng.

 

Như vậy, dưới chế độ cai trị hà khắc của Tập Cận Bình, lực lượng bất mãn nhất và mong muốn cải cách chính trị nhất nhiều khả năng là thành phần trí thức, có thu nhập cao và sống ở các thành phố lớn. Việc lực lượng này có thể kết nối và tạo ra các hành động tập thể gây áp lực lên chính quyền đòi cải cách chính trị hay không sẽ là một trong những yếu tố quyết định con đường phát triển của Trung Quốc.

 

                                                                ***

 

Lưu ý: Vì Trung Quốc chuyển dịch từ mô hình cực tả kiểu Mao sang phía hữu, một lãnh đạo thuộc nhóm tự do cánh hữu trong hệ thống chính trị Trung Quốc vẫn có thể được đánh giá là “tả” hơn so với nhiều chính trị gia phương Tây đương thời.

 

Góc khám phá: Bạn muốn tìm hiểu khuynh hướng chính trị của mình? Bạn tò mò về vị trí của bản thân trên một biểu đồ chính trị? Bạn muốn biết quan điểm chính trị của mình tương đồng với những chính trị gia nào trên thế giới?

 

Hãy tìm câu trả lời thông qua việc làm bài trắc nghiệm trên một trong số những website sau:

 

·        The Political Compass

·        The Nolan Chart Test

·        The World’s Smallest Political Quiz

 

 

Đọc thêm:

Trung Quốc tả, Trung Quốc hữu

Bên trái, quay! Bên phải, quay!

Luật Khoa tạp chí                     Hoàng Dạ Lan

 

 

------------------------

 

 Chú thích

 

1. Xia, C. (2022) The weakness of Xi Jingping. How hubris and paranoia threaten China’s future. Foregin Affais, 101(85). Available at: https://www.foreignaffairs.com/china/xi-jinping-china-weakness-hubris-paranoia-threaten-future

 

2. Xem [1].

 

3. Johnson, C. K., Kennedy, S., Qiu, M. (2017) Xi’s signature governance innovation: The rise of leading small groups. Center for Strategic & International Studies. https://www.csis.org/analysis/xis-signature-governance-innovation-rise-leading-small-groups

 

4. Xem [3].

 

5. Xem [1].

 

6. Yu, V. (2023) ‘A defeated person’: sidelined by Xi, China’s Li Keqiang bows out as premier. The Guardian. Available at: https://www.theguardian.com/world/2023/mar/11/a-defeated-person-sidelined-by-xi-chinas-li-keqiang-bows-out-as-premier

 

7. Xem [1]

 

8. Westcott, B. (2021) Outspoken Chinese billionaire Sun Dawu sentenced to 18 years in prison. CNN Business. Available at: https://edition.cnn.com/2021/07/29/business/sun-dawu-prison-sentence-china-intl-hnk/index.html

 

9. Huang, Y. (2023) China’s economic slowdown was inevitable: The illusory success of state capitalism. Foreign Affairs. Available at: https://www.foreignaffairs.com/china/chinas-economic-slowdown-was-inevitable

 

10. An Huy (2023) Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới thế giới. VnEconomy. https://vneconomy.vn/kinh-te-trung-quoc-giam-toc-va-nhung-tac-dong-toi-the-gioi.htm

 

11. Congressional Research Service (2020) “Made in China 2025” Industrial Policies: Issues for Congress. Available at: https://sgp.fas.org/crs/row/IF10964.pdf

 

12. Swanson, A. (2018) U.S. and China expand trade war as Beijing matches Trump’s tariffs. The New York Times. Available at: https://www.nytimes.com/2018/06/15/us/politics/us-china-tariffs-trade.html

 

13. Xem [1].

 

14. Pan, J & Xu, Y (2018) China’s ideological spectrum. The Journal of Politics, 80(1), pp. 254-273.

 

 




No comments: