Thursday, October 5, 2023

PHẢI CHĂNG CHỦ NGHĨA MÁC LÊ GÓP PHẦN LÀM HỦY HOẠI VĂN HÓA DÂN TỘC (Nguyễn Đình Cống)

 



Phải chăng Chủ nghĩa Mác Lê góp phần làm hủy hoại văn hóa dân tộc (Phần 1)

Nguyễn Đình Cống

04/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/04/phai-chang-chu-nghia-mac-le-gop-phan-lam-huy-hoai-van-hoa-dan-toc-phan-1/

 

I. Dự án 350 ngàn tỉ đồng để chấn hưng văn hóa

 

Gần đây dư luận quan tâm nhiều đến dự án chi 350 ngàn tỉ đồng do lãnh đạo Bộ Văn hóa đề xuất nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

 

Dự án này ẩn chứa ba điều sau: 1- Công nhận nền văn hóa dân tộc bị hủy hoại nặng nề; 2- Nhầm lẫn tai hại giữa bản chất văn hóa và những hoạt động do Bộ Văn hóa phụ trách; 3- Hy vọng rằng có thể dễ dàng lừa được lãnh đạo nhà nước và nhân dân để kiếm một số tiền lớn chia nhau.

 

1.1- Một nền văn hóa bị băng hoại

 

Để tránh dài dòng, xin không dẫn ra các hiện tượng cụ thể về sự băng hoại văn hóa và tác hại của nó (vì đã trình bày nhiều), chỉ xin viết rằng nền văn hóa của dân tộc Việt được hình thành, truyền lại qua mấy ngàn năm, bỗng chốc bị hủy hoại trong vòng vài chục năm gần đây, do việc Đảng Cộng sản kiên trì thực hành Chủ nghĩa Mác Lê, thể hiện ra trong mọi lĩnh vực (giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo, lịch sử v.v…).

 

Nếu chỉ cần thực hành cho bằng được những quan điểm mà cộng sản chủ trương thì có thể không cần đề ra nhu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc, dù cho nó có bị hủy hoại đến tận gốc rễ, vì theo lý thuyết thì cộng sản không quan tâm đến dân tộc (qua chủ thuyết “Tam vô”: Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). Cộng sản chủ trương: “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành (Lời bài Quốc tế ca – phá tan cả truyền thống văn hóa của dân tộc, họ cho là tàn dư của phong kiến, của chế độ cũ).

 

Xã hội cộng sản chỉ là ảo tưởng, chỉ những người người muốn và có thể dựa vào nó để kiếm lợi mới tuyên truyền, cổ vũ cho nó, nhưng họ chỉ chiếm một số ít. Sự hủy hoại văn hóa đụng đến tình cảm của đại đa số nhân dân, buộc một số người có trách nhiệm phải nói đến chấn hưng để lừa bịp quần chúng chứ chưa chắc họ đã có thực lòng. (Trừ những người thực tâm đau khổ vì văn hóa bị hủy hoại và nóng lòng về chuyện đó).

 

Nếu thật sự muốn chấn hưng văn hóa thì trước hết cần có nghiên cứu nghiêm túc, vạch ra được đúng nguyên nhân cơ bản làm hủy hoại văn hóa, phải tìm cách làm có hiệu quả. Cách làm như thế nào cần được phản biện đầy đủ của các nhà văn hóa, các nhà khoa học chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan của một vài chính khách có quyền.

 

1.2- Lẫn lộn bản chất của văn hóa với hoạt động văn hóa

 

Văn hóa là lĩnh vực khá phức tạp, dễ gây ra nhầm lẫn. Trong từ điển Tiếng Việt (GS Hoàng Phê chủ biên), cụm từ Văn Hóa có 5 nội dung (ND) khác nhau. Xin trích hai ND chính.

 

ND 1: Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra,

 

ND 2: Văn hóa là những hoạt động của con người, nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần.

 

ND 1 thể hiện bản chất của văn hóa, nó có nội hàm phong phú, có ngoại diên rất rộng, vì thế có trên trăm định nghĩa, phản ánh các cách nhìn và đánh giá khác nhau mà ND 1 chỉ mới là định nghĩa ngắn gọn.

 

ND 2 là các hoạt động do Bộ Văn hóa điều hành, quản lý, như công việc xuất bản, biểu diễn, triển lãm, hội hè, di tích, bảo tàng v.v…

 

Có một nhận thức nhầm lẫn tai hại là, lẫn lộn bản chất văn hóa ở ND 1 với hoạt động văn hóa ở ND 2. Nguyên nhân trực tiếp của việc này là có một Bộ Văn hóa. Bộ này ít hoặc không quan tâm đến bản chất Văn hóa ở ND 1. Về nhầm lẫn này, trước đây tôi đã trình bày trong vài bài viết.

 

Việc lẫn lộn hai khái niệm trên, nếu chỉ ở trong dân chúng thì chỉ ảnh hưởng ít đến nhận thức, nhưng những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mà bị lẫn lộn như thế thì sẽ gây ra nhiều tai hại. Tôi phát hiện một số lẫn lộn như vậy trong các phát biểu tại “Hội nghi Diên Hồng về văn hóa của Đảng” vào tháng 11 năm 2021 và trong nhiều bài viết về văn hóa.

 

Chấn hưng văn hóa là chấn hưng bản chất của nó, nêu ở ND 1 chứ không phải chấn hưng các hoạt động nêu ở ND 2. Thế mà hình như dự án chi 350 ngàn tỉ đồng lại có xu hướng giúp Bộ Văn hóa tăng cường hoạt động.

 

Tôi có nhận xét rằng, suy thoái nặng nề nhất, nguy hiểm nhất là trong “Văn hóa cầm quyền, Văn hóa lãnh đạo”, rồi từ đó lan rộng ra toàn xã hội với những thói bạo lực, gian dối.

 

Nền văn hóa hình thành, phát triển trong nhiều ngàn năm, bị suy thoái trong thời gian ngắn từ khi đảng Cộng sản lãnh đạo dân tộc làm cách mạng. Từ năm 1945 đến 1975 văn hóa đã bị suy thoái với cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp v.v… tuy vậy người dân vẫn còn có lòng tin vào lãnh đạo. Từ năm 1975 trở về sau, văn hóa và giáo dục xuống cấp trầm trọng, lòng tin của người dân vào Đảng giảm sút toàn diện.

 

Tháng 11 năm 2021 Đảng mở Hội nghị Diên Hồng nhằm tìm cách chấn hưng văn hóa, nhưng càng ngày chỉ thấy nó càng xuống cấp thêm.

 

1-3. Hy vọng và mưu đồ trong việc dùng tiền của ngân sách

 

Có một khả năng lớn là những người đề ra dự án 350 ngàn tỉ đồng cho rằng, nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, của Quốc hội lẫn lộn bản chất và hoạt động văn hóa (điều này là có thật) và có thể lợi dụng để lừa dối, nhằm thông qua dự án. Họ nghĩ rằng, có thể dễ dàng vượt qua sự chỉ trích của dư luận để tiêu hết số tiền khổng lồ và mỗi người tham gia sẽ kiếm được nhiều chục, nhiều trăm tỉ đồng.

 

Họ nhầm mà cho rằng, rồi đây những tiếng nói phản biện không những bị lãnh đạo bỏ qua, mà còn có thể bị buộc tội vì bị quy kết là luận điệu của “thế lực thù địch”, “chống phá chế độ”, chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Phải chăng họ đã có nhầm lẫn lớn trong chuyện này, và ôm ấp mộng tưởng “hốt một mớ tiền chùa”?

 

II. Nguyên nhân làm cho văn hóa suy thoái

 

Đầu đề của bài tôi dùng từ “Phải chăng…” vì rằng những phát biểu chỉ mới mang tính cá nhân, chưa được những cơ quan khoa học thẩm định, đánh giá. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi xin nói ngay rằng, chủ nghĩa Mác Lê (CNML) là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy thoái nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Tất cả bắt đầu từ Mác. Thời còn trẻ, ông nhận thức rằng, chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của nó, là lúc nó giẫy chết. Đó là nhận định quá chủ quan, rất sai lầm, dẫn đến việc xúi dục công nhân “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” bằng các cuộc cách mạng vô sản. Về già, Mác nhận ra sai lầm của tuổi trẻ nhưng đã quá muộn. Ông đã nhặt được “chiếc hộp Pandora” và đã mở nó.

 

CNML chọn bạo lực cách mạng của Quốc tế ba mà chống lại con đường hòa bình của Quốc tế hai. Họ cho rằng cách mạng của họ là triệt để nhất, toàn diện nhất với phương châm “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành”. Bạo lực trong cách mạng, thấm sâu vào công an, vào chính quyền, lan ra khắp xã hội, làm suy thoái rất nhanh nền văn hóa.

 

Lênin lại nghĩ ra cách tổ chức và hoạt động của các đảng Cộng sản kiểu mới, một tổ chức khá chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, hoạt động có hiệu quả cao, nhưng mang lại nhiều tai họa cho nhân loại vì theo chủ thuyết sai lầm của Mác. Chủ trương của các đảng cộng sản là độc quyền về tư tưởng, không để cho truyền bá bất kỳ một ý kiến phản biện nào, không cho phép tồn tại bất kỳ một tổ chức nào không do họ lập ra. Lê nin chủ trương thiết lập nền “Vô sản chuyên chính”, một loại chính quyền độc quyền đảng trị, độc tài còn khủng khiếp hơn so với chế độ phát xít.

 

CNML chủ trương “Duy Vật, Vô Thần”, bài bác tôn giáo, hướng cuộc đấu tranh của vô sản nhằm vào tranh đoạt các lợi ích vật chất, đưa con người về gần với bản chất “CON” hơn là “NGƯỜI”. CNML không chỉ ra được bản chất của văn hóa gắn chặt với đạo đức, với đời sống tinh thần, mà các tôn giáo là là nơi quan tâm đến lĩnh vực này rất nhiều. Bài bác tôn giáo khác nào chống lại cơ sở của đạo đức.

 

Mác khá phiến diện khi cho rằng, “bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, bỏ qua phần quan trọng là thể tâm linh và tính tư hữu thuộc “tiên thiên” (là bản chất có sẵn của con người). Mác thấy vô sản bị nghèo khổ là vì họ không có tư liệu sản xuất. Mác không chỉ ra được nguyên nhân sâu xa sinh ra vô sản là vì kém trí tuệ, (nói nôm na là ngu dốt). CNML đưa ra hứa hẹn làm cách mạng đem lại quyền lợi vật chất cho vô sản. Điều đó làm cho họ có nhiệt tình cao, có quyết tâm lớn. Nhưng Mác không biết hoặc cố tình bỏ qua một nguyên lý là khi kết hợp nhiệt tình với sự ngu dốt, sẽ thành phá hoại.

 

CNML đánh giá sai vai trò của vô sản nên mới chủ trương xây dựng thể chế: “Vô sản chuyên chính” mà dần dần chuyển thành thể chế “độc tài đảng trị”.

 

Khi vô sản còn nghèo khổ, họ có những đức tính tốt, nhưng khi họ đã nắm được quyền lực thì sẽ trở thành loại người khác, chứ không còn như xưa. Theo Milovan Djilas, thì họ đã tạo nên một giai cấp mới, quay lại bóc lột và đàn áp bằng thủ đoạn mới tàn bạo hơn. Tuy rằng có lúc Mác cũng nói tới điều đó, có dự báo, nhưng vì quá tin vào “Bản chất giai cấp” mà hy vọng vào vô sản trong những vai trò không thực tế.

 

CNML tạo ra cơ chế “Độc quyền đảng trị”, không những đồng nhất đảng với nhà nước mà còn đặt đảng cao hơn. Để duy trì cơ chế này đảng phải dựa vào công an và tuyên giáo. Công an chủ yếu dùng bạo lực làm cho dân sợ, tuyên giáo dùng những mánh khóe dối trá mê hoặc dân. Ai không sợ bạo lực, ai vạch ra sự dối trá liền bị vu cho tội vi phạm luật pháp, bị tù tội bằng các bản án bỏ túi hoặc oan sai. Những điều đó phá hoại văn hóa rất lớn.

 

Độc quyền đảng trị còn tạo ra nền dân chủ rởm, theo kiểu “đảng cử dân bầu”. Việc này làm suy thoái lòng tin, dẫn đến suy thoái văn hóa.

 

Riêng ở Việt Nam, nền hành chính sinh ra để giải quyết những công việc của người dân liên quan đến chính quyền thì nhiều nơi đã trở thành “HÀNH dân là CHÍNH”. Việc này càng làm suy thoái văn hóa.

 

(Còn tiếp)

 

                                                              ***

 

 

Phải chăng Chủ nghĩa Mác Lê góp phần làm hủy hoại văn hóa dân tộc (Phần 2)

Nguyễn Đình Cống

05/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/05/phai-chang-chu-nghia-mac-le-gop-phan-lam-huy-hoai-van-hoa-dan-toc-phan-2/

 

 

III. Vài câu hỏi và trả lời

 

Hỏi 1: Tại sao có thể phê phán CNML trong khi Đảng Cộng sản (ĐCS) cầm quyền chủ trương kiên trì nó, xem là kim chỉ nam của mọi hành động?

 

Trả lời: ĐCS chủ trương như vậy là một sai lầm từ trong bản chất, không những làm suy thoái văn hóa, mà còn kìm hãm sự phát triển cần có của dân tộc. Trong việc đổi mới kinh tế, Đảng đã từ bỏ một phần CNML, chấp nhận kinh tế tư nhân. Có nhiều ý kiến đề nghị, cùng với đổi mới kinh tế, cần đổi mới về chính trị mà chủ yếu là từ bỏ những nội dung độc hại, không phù hợp của CNML, từ bỏ độc quyền đảng trị. Thế nhưng, lực lượng bảo thủ trong Đảng còn thắng thế nên chưa làm được.

 

 

Hỏi 2: CNML có những độc hại như vừa kể, đó là từ thực tiễn rút ra. Nhưng sẽ giải thích như thế nào về mục đích rất tốt đẹp mà nó hướng tới là xây dựng chủ nghĩa cộng sản như mơ ước của nhân loại?

 

Trả lời: Câu hỏi vừa đặt ra là một ngụy biện đánh tráo. Chủ nghĩa cộng sản là thứ chỉ mới có trong đầu óc tưởng tượng của một số ít người, dùng để tuyên truyền. Sự tốt đẹp của nó chỉ là cái bánh vẽ mà bất kỳ một người nào cũng có thể nghĩ và nói ra được khi muốn lôi kéo những người vô minh, nhẹ dạ cả tin, đi theo mình. Những người đi theo đó, ngoài số đông là vô sản còn có một số trí thức, vì bị hấp dẫn bởi lý tưởng tốt đẹp của cộng sản, nhưng càng theo càng nhận ra lý tưởng đó chỉ là ảo tưởng nên đã nhận thức lại và từ bỏ.

 

Có một số lại nhận thấy theo cộng sản sẽ giúp họ đạt được những lợi lộc to lớn nên ra sức tuyên truyền để lôi kéo những người khác, đó là bọn cơ hội đáng khinh.

 

Câu “Chủ nghĩa cộng sản là mơ ước của nhân loại” là một ngụy biện. Nếu trong nhân loại có một số kẻ mơ ước như vậy thì chỉ là vài người vô sản ngây thơ mà thôi. Viết, nói câu ấy không dựa vào một chứng cứ nào cả, vậy đó là lời bịa đặt.

 

 

Hỏi 3: Trên kia có viết: CNML là một trong những nguyên nhân…, vậy còn nguyên nhân nào khác?

 

Trả lời: Một kết quả thường do kết hợp của một vài nguyên nhân tác động đồng thời. Theo “nhận thức luận” thì có Nhân và Duyên là hai yếu tố cơ bản.

 

Ngoài sự độc hại của CNML thì phần còn lại gây nên sự hủy hoại văn hóa là một số tiêu cực trong truyền thống dân tộc. Truyền thống này có nhiều tích cực, nhưng không tránh khỏi một số tiêu cực như dân trí về chính trị còn quá thấp, người dân đã quen sống trong môi trường thiếu dân chủ và sùng bái cá nhân, tính tham lam ích kỷ, tính dễ tin và lệ thuộc vào chính quyền, ít dược tiếp xúc và hưởng nền tự do dân chủ, thói chuộng hư danh, xuề xòa với dối trá v.v…

 

Sự kết hợp của hai nhân tố (độc hại của CNML và tiêu cực trong truyền thống) là hoàn toàn tự động và có lúc không những chúng kết hợp mà còn cộng hưởng làm tăng mức độ tác dụng. Không ai tự giác tạo ra sự kết hợp hoặc cộng hưởng này, không ai điều khiển quá trình này, nó tự sinh ra và phát triển.

 

Thực ra CNML đã du nhập vào nhiều nước, nhưng nó không thể bắt rễ được ở những nơi có dân trí cao vì người ta nhận ra ngay các độc hại của nó.

 

Riêng việc trong truyền thống dân tộc có một số tiêu cực nhưng nếu không gặp phải CNML mà gặp được những người có tài năng, có đạo cao đức trọng làm lãnh đạo, quản lý, tạo ra được chính quyền trong sạch, vững mạnh thì những tiêu cực cũng dễ bị phát hiện và ngăn cấm.

 

Trong hai yếu tố: A- độc hại của CNML và B- tiêu cực trong truyền thống thì: Khi đứng ở góc độ dân tộc mà xét B là nhân và A là duyên, còn đứng ở vị trí của cộng sản mà xét thì A là nhân, B là duyên.

 

.

Hỏi 4: Ở Việt Nam đã có thời kỳ đề lên rất cao chủ nghĩa Mác trong văn hóa, nay xem ra tác giả nói ngược lại, tại sao vậy?

 

Trả lời: Không chỉ về văn hóa. Trong những nước do cộng sản cầm quyền, Mác được tôn sùng về mọi hoạt động của xã hội, được những người cuồng tín đeo cho ông cái mặt nạ “đại vĩ nhân, đại thiên tài”. Khi mặt nạ đó bị bóc đi, Mác lộ ra là một con người nguy hiểm.

 

Ở Việt Nam từ năm 1943, ông Trường Chinh, lúc đó là Tổng bí thư đảng Cộng sản Đông Dương, viết Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đề cương đó được viết ra dưới “Ánh sáng của CNML” với phương châm của văn hóa là Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Tháng 11 năm 1946, tại Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị có nói qua phương châm của văn hóa.

 

Từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, ông Trường Chinh chủ trì Hội nghị về văn hóa và đọc báo cáo: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Sau đó báo cáo được in thành sách, được những người ngưỡng mộ đánh giá là “Tài sản quý và có giá trị”. Ông Trường Chinh sau này là Tổng bí thư đảng Lao động VN (1951-1956), Chủ tịch Quốc hội (1960-1976), chủ tịch nước (1981- 1987). Ông mất năm 1988, thọ 81 tuổi.

 

Xem như vậy thì biết rằng chủ nghĩa Mác được đề cao một thời gian là chuyện bình thường. Trước đây tôi cũng nghe theo ông Trường Chinh và ca ngợi Mác, nhưng gần đây thực tế cuộc sống đã giúp tôi giác ngộ và nhận thức lại, tôi đã vạch ra những sai lầm của Mác từ gốc chứ không phải chỉ trong lĩnh vực văn hóa.

 

IV. Giải pháp tình thế chấn hưng văn hóa

 

Nền văn hóa được hình thành trong hàng ngàn năm, bị hủy hoại trong thời gian ngắn. Có được nền văn hóa đó phải tốn nhiều công sức và thời gian, nhưng hủy hoại nó chỉ cần sự sai lầm của một số người độc tài nắm quyền lực tối cao và trong thời gian ngắn đã có thể hủy hoại nhiều thứ.

 

Nếu nhân và duyên như vừa viết ở trên là đúng thì phải tìm cách hạn chế đến loại bỏ chúng. Loại được cả hai là quá tốt. Nhưng nếu chưa thể làm việc đó thì tìm cách loại hoặc hạn chế một trong hai. Loại những tiêu cực trong truyền thống, nói thì dễ nhưng làm được có kết quả là rất khó, cần thời gian dài. Hơn nữa, nếu vẫn còn thể chế chuyên chính vô sản thì các tiêu cực chỉ tăng chứ rất khó giảm.

 

Loại bỏ CNML, loại bỏ sự độc tài đảng trị cũng không dễ chút nào vì trước hết phải đổi mới được chế độ chính trị, mà chế độ đó đang được những lực lượng vũ trang hùng mạnh bảo vệ vơi phương châm “còn chế độ, còn mình”.

 

Như vậy, đối với dân tôc Việt Nam, chấn hưng văn hóa là cần nhưng chưa thể tiến hành ngay để có kết quả tốt đẹp được. Nếu cố bày ra mà làm thì có nhiều khả năng tiêu tốn một số năng lực, tiền của, thời giờ để thay cái sai này bằng cái sai khác, có thể còn tệ hại hơn. Đặc biệt nguy hiểm là giao việc, giao tiền vào tay những kẻ vừa tham lam mà lại hữu danh vô thực (như phần lớn các trí thức, cán bộ của Đảng). Cải cách giáo dục trong mấy năm qua là một dẫn chứng, càng cải cách, càng phá nát.

 

Đối với dân tộc Việt, điều cấp thiết là “Dân chủ hóa đất nước” bằng những biện pháp hòa bình nhằm đổi mới thể chế chính trị. Chỉ khi đã có thể chế dân chủ đúng nghĩa, có nền giáo dục nhân bản thì văn hóa sẽ tự phục hưng dần mà không cần chi nhiều tiền. Không cần chi nhiều tiền nhưng rất cần có những nhà văn hóa, những nhà tư tưởng lớn được Nhân dân và Nhà nước công nhận, vinh danh.

 

Trong lúc buộc phải chấp nhận, chưa thể nào thay đổi thể chế mà muốn chấn hưng văn hóa thì chỉ có thể dùng một vài giải pháp tình thế (chưa thể triệt để). Đó là:

 

1- Xây dựng nền văn hóa cầm quyền;

 

2- Đấu tranh để thực hiện dân quyền, nhân quyền theo Hiến pháp;

 

3- Đưa việc cải cách giáo dục vào đúng quỹ đạo nhân văn;

 

4- Ngăn cấm, xóa bỏ một số hoạt động không hiệu quả.

 

5- Hình thành, củng cố đội ngũ trí thức tinh hoa của dân tộc.

 

Riêng đối với Đảng Cộng sản, như đã viết ở mục 1.1, nếu họ trung thành với Tuyên ngôn Cộng sản do Mác và Engel công bố năm 1848, theo chủ thuyết “Tam vô” và theo phương châm “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành”, thì có thể không cần quan tâm đến sự hủy hoại văn hóa dân tộc.

 

(Còn tiếp)

 

                                                          ***

 

Phải chăng Chủ nghĩa Mác Lê góp phần làm hủy hoại văn hóa dân tộc (Phần cuối)

Nguyễn Đình Cống

05/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/05/phai-chang-chu-nghia-mac-le-gop-phan-lam-huy-hoai-van-hoa-dan-toc-phan-cuoi/

 

4.1- Xây dựng nền văn hóa cầm quyền

 

Việc xây dựng này cần dựa vào các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Tuy rằng về việc làm, Đảng và Nhà nước theo CNML nên đã phạm một số sai lầm, nhưng trong các văn bản về văn hóa thì phần nhiều viết đúng và hay. Cán bộ của Đảng và Nhà nước phạm phải lỗi là việc làm và lời nói (hoặc văn bản) cách xa nhau, mà trong lĩnh vực văn hóa sự cách xa đó càng lớn, thậm chí ngược nhau.

 

Xin kể vài văn bản gần đây:

 

Về phía Đảng: Năm 1998, hội nghi TƯ 5, khóa 8, có NQ 03; năm 2014, hội nghị TƯ 9 khóa 11 có NQ 33 về văn hóa; năm 2018 có Quy định số 08 về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong NQ của Đại hội 13 có nội dung khá hay về văn hóa; tháng 11 năm 2021, tổ chức Hội nghị toàn quốc về văn hóa.

 

Về phía Chính phủ: Năm 1998 có Chương trình 1109, năm 2019 có Nghị định 1847 về văn hóa công sở.

 

Có Nghị quyết, Nghị định, Quy định, Chương trình gồm những nội dung thiết thực (đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, chuẩn mực đạo đức v.v…) nhưng hình như soạn ra chỉ để tuyên truyền chứ chẳng mấy ai quan tâm. Bây giờ nên tập họp chúng, nghiên cứu kỹ, giữ lại những điều thật sự cần và có thể thực hiện, biên tập thành văn bản nội quy mà việc làm theo là bắt buộc. Nếu có cuộc thi tuyển công chức thì đó là một môn cần đưa vào chương trình. Quy định nếu vi phạm đến lần thứ ba thì bị buộc thôi việc.

 

Trước đây trong các công sở người ta treo các “đại tự” để nhắc nhở người làm quan, đó là bốn chữ Hán: QUANG MINH CHÍNH ĐẠI. Ngày nay nên tìm ra các chữ Việt có ý nghĩa tương tự để nhắc nhở cán bộ, thí dụ MINH BẠCH LIÊM KHIẾT (thay cho khẩu hiệu: “XYZ quang vinh muôn năm”).

 

4.2- Đấu tranh để thực hiện dân quyền

 

Hiến pháp năm 2013 ghi rõ các quyền tự do của công dân (ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình), nhưng trong thực tế các quyền đó còn bị hạn chế hoặc bị ngăn cấm. Trong các quyền vừa nêu thì tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cần được ưu tiên hàng đầu và để dân có quyền đó là trách nhiệm của Quốc hội.

 

Có được tự do ngôn luận và báo chí thì những nhà văn hóa, các trí thức của dân mới có điều kiện truyền bá kiến thức để nâng cao dân trí, đặc biệt là dân trí về chính trị. Ở Việt Nam, Phạm Đoan Trang đã xuất bản sách “Chính trị bình dân”. Đó là tài liệu quý, nhằm nâng cao dân trí về chính trị, nhưng sách bị cấm và tác giả bị kết án tù.

 

Một trong các động lực để phát triển đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa là hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Hiến pháp ghi rõ ràng, công dân có quyền tự do lập hội, nhưng thực tế chỉ được lập ra các hội để đi theo con đường của CNML, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các hội như vậy tham dự vào sự hủy hoại văn hóa. Phải đấu tranh để công dân có thể lập hội thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của CNML và hoạt động độc lập.

 

4.3- Đưa nền giáo dục vào quỹ đạo nhân văn

 

Giáo dục là lĩnh vực liên quan chặt chẽ với văn hóa. Đại đa số người nói được rằng giáo dục là vô cùng quan trọng, nhưng hiểu được cái quan trọng đó như thế nào, nằm ở đâu thì không phải ai cũng nắm vững, kể cả một số có cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo. Nhiều người cũng đã thấy, đã ngấm đòn do sự xuống cấp thê thảm của giáo dục.

 

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước tỏ ra rất quan tâm đến cải cách giáo dục, tăng đầu tư cho giáo dục. Nào là “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nào là NQ số 14, năm 1979 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, NQ số 29 năm 2013 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong NQ của ĐH 13, đoạn viết về giáo dục, đọc qua nghe cũng khá hợp lý.

 

Cứ theo văn bản thì đường lối là hay, NQ khá đúng, nhưng đó chỉ là những ý tưởng duy ý chí, xa rời thực tế.

 

Rồi lại giao quyền và tiền vào tay một số kẻ tham lam, thiếu đạo đức, hữu danh vô thực để họ tự tung tự tác trong việc thực hiện, vì thế nên càng cải cách, càng đổi mới thì càng đưa nền giao dục vào con đường suy thoái, thay cái sai này bằng cái sai khác trầm trọng hơn.

 

Bây giờ trách nhiệm của lãnh đạo nhà nươc, của Quốc hội là tìm được người thật sự xứng đáng (làm sao tìm được, xin bàn sau) để tổ chức và chỉ đạo công cuộc cải cách, đưa giáo dục thoát ra khỏi vũng lầy suy thoái, xây dựng một nền giáo dục nhân bản, tiến bộ.

 

4.4-Ngăn cấm, xóa bỏ một số việc tầm phào

 

Trong xã hội hiện nay có một số việc hoặc do dân tự phát, hoặc có tổ chức, có chỉ đạo, nhưng xét kỹ ra chỉ là những việc tầm phào, làm theo thói quen, đem lại lợi ít, hại nhiều, hiệu quả thấp. Trong dân gian thì đó là những hoạt động mê tín, dị đoan ở quy mô lớn, tập trung một lúc đông người, là các hủ tục trong ma chay, khao mừng, cưới hỏi. Với các tổ chức, các địa phương là những phô trương trong những ngày lễ kỷ niệm chuyện nọ chuyện kia (thí dụ kỷ niệm 60 năm ngày chủ tịch nước về thăm). Trên toàn quốc là phong trào thi đua (mà người ta gắn thêm từ yêu nước (thi dua yêu nước) để tăng ý nghĩa.

 

Nghĩ rằng, nhiều người đã biết các hủ tục, tôi xin bỏ qua (để tránh dài dòng) mà chỉ viết vài điều về thi đua, một phong trào rất có ý nghĩa và tác dụng trong thời kỳ chiến tranh, còn bây giờ nó cần được đưa vào bảo tàng. Những người cố duy trì thi đua, không thuộc loại trí tuệ kém phát triển thì cũng là loại người thủ đoạn, xúi bẩy người ta thi đua để lợi dụng kiếm chác một thứ gì đó từ những người tham danh hiệu (chạy thi đua).

 

Ngoài những phiền hà do các thủ tục đem lại thì thi đua tạo điều kiện cho người ta dối trá trong việc tạo thành tích dỏm. Việc này rất tai hại đối với ngành giáo dục.

 

Tác dụng của thi đua là động viên tinh thần để người ta làm việc tốt hơn (trong lúc kinh tế còn eo hẹp). Nhưng hiện nay, trong điều kiện kinh tế thị trường có biện pháp hiệu quả hơn rất nhiếu, đó là trả công theo kết quả lao động. Phong trào thi đua cũng diễn ra theo quy luật phát triển một công nghệ qua các bước: Hình thành, phát triển, đạt đỉnh cao và tàn lụi khi có công nghệ mới, tốt hơn, thay thế.

 

Như vậy chỉ những người có quyền trả công (lương, thưởng) cho người khác mà không thể đánh giá kết quả lao động của họ (vì thiếu trí tuệ) thì mới phải dựa vào sự bình chọn của tập thể, thông qua thi đua.

 

Nhà nước còn làm ra luật thi đua (mới nhất là luật số 29 năm 2013). Các văn bản về thi đua hiện nay là sản phẩm của những bộ não đất sét hoặc bã đậu (kể cả người soạn thảo, người thông qua và phê duyệt).

 

4.5- Hình thành, củng cố tầng lớp tinh hoa của dân tộc

 

Theo định nghĩa “Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra”. Đứng ở trung tâm “giá trị” ấy là tầng lớp tinh hoa của dân tộc mà phần lớn là trí thức.

 

Trước năm 1945, trong các làng xã Việt Nam, có một phong tục khá hay về vai trò “tiên chỉ”. Đó là một người được tôn vinh như người đứng đầu dân làng. Thường là người có học vấn cao nhất, không tham gia trực tiếp vào chính quyền địa phương, nhưng thường được hỏi ý kiến về các công việc chung của dân với vai trò cố vấn. Những vấn đề tuy được chính quyền địa phương thông qua nhưng bị tiên chỉ phản đối thì phải đưa ra thảo luận ở hội nghị đại biểu của toàn dân. Tiên chỉ như là đại diện cho văn hóa làng xã. Sau Cách mạng tháng Tám, danh vị tiên chỉ bị phế bỏ.

 

Hiện nay, ở ta tuy nhiều trí thức có học vị tiến sĩ, có khá đông người được phong học hàm giáo sư, nhưng chưa có tầng lớp tinh hoa có thể đại diện cho văn hóa của dân tộc. Thật ra, tầng lớp tinh hoa không cần lập ra tổ chức hội đoàn mà họ tự gắn kết với nhau thông qua quan hệ cá nhân. Sự tan rã của tầng lớp tinh hoa cũng góp một phần làm hủy hoại văn hóa.

 

Để xảy ra tình trạng này phần lớn là do lãnh đạo đất nước mắc mưu thâm độc của Trung Cộng. Một mặt, Trung Cộng quan tâm xây dựng tầng lớp tinh hoa của họ; mặt khác, chúng bày mưu cho lãnh đạo Việt Nam tìm cách hạn chế và hủy hoại tầng lớp tinh hoa của Việt Nam để họ dễ bề thao túng và bành trướng.

 

V. Vài lời tâm sự

 

Tôi viết bài này với tinh thần “Quốc gia hưng vọng, thất phu hữu trách”. Tôi tự nhận rằng mình không phải chỉ là một thất phu tầm thường mà là một trí thức thứ thiệt, biết làm và có thể làm phản biện. Đã từ lâu, thấy dân tộc vướng vào “hết nạn nọ đến nạn kia”, như là bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, tôi cố tìm xem nguyên nhân gốc rễ từ đâu. Tại vì có tìm được nguyên nhân gốc mới đề ra được biện pháp hữu hiệu để sửa chữa. Tôi tìm được kết luận do Tuyên giáo Đảng công bố, rằng “Nguyên nhân cơ bản của mọi tiêu cực là sự thoái hóa, biến chất của một số đông cán bộ các cấp các ngành”.

 

Đoán rằng kết luận ấy do Hội đồng lý luận của Đảng tìm ra. Tôi không đồng ý, cho rằng sự thoái hóa, biến chất của cán bộ chưa phải là nguyên nhân cơ bản, chưa phải là gốc rễ, đó chỉ là nguyên nhân gần, trực tiếp. Tôi tự hỏi, cái gì sinh ra “sự thoái hóa, biến chất ấy” và đi đến kết luận, đó là sự kết hợp và cộng hưởng cùa hai yếu tố: A- Những độc hại trong CNML; B- Một số tiêu cực trong truyền thống của dân tộc.

 

Sự kết hợp này không những là nguyên nhân gốc làm suy thoái văn hóa, mà còn là nguyên nhân gốc của nhiều tai họa giáng xuống đầu dân tộc. Tôi đã công bố kết luận này trong một số bài báo trước đây, kể cả gửi cho báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hôi, ban doc. dcsvn, Hội đồng lý luận trung ương, với hy vọng có được phản biện hoặc nhận xét. Nhưng tôi chưa nhận được một ý kiến nào của những người quan tâm. Tôi hy vọng vào độ chính xác của câu trong dân gian “Nhất ừ (đồng ý), nhì làm thinh (im lặng)”.







No comments: