Saturday, October 28, 2023

NGA MUỐN KHẲNG ĐỊNH ĐỦ SỨC MẠNH ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU LÂU DÀI VỚI PHƯƠNG TÂY (Anh Vũ / RFI)

 



Nga muốn khẳng định đủ sức mạnh để đương đầu lâu dài với phương Tây

Anh Vũ   -  RFI

Đăng ngày: 27/10/2023 - 16:33

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231027-nga-mu%E1%BB%91n-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-%C....B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Tăng ngân sách quốc phòng, diễn tập tấn công tên lửa liên lục địa, hủy bỏ hiệp ước hạt nhân. Trong hai ngày qua, Matxcơva liên tiếp đưa ra những tín hiệu để chứng tỏ nước Nga đủ tiềm lực sức mạnh và sẵn sàng đương đầu với phương Tây trong một cuộc chiến dài hơi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9f91d1cc-74d0-11ee-b7f2-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-10-26T175503Z_599533573_RC2H04A2HDTD_RTRMADP_3_RUSSIA-PUTIN-SPACE.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm trụ sở của tập đoàn Tên lửa và Vũ trụ "Energia" ở Korolyov, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 26/10/2023. via REUTERS – SPUTNIK

 

Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/10/2023, trực tiếp giám sát diễn tập phóng tên lửa đạn đạo trong tình huống đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân. Bên cạnh đó, Hạ Viện Nga thông qua ngân sách quốc phòng với mức tăng kỷ lục và Thượng Viện chính thức hủy quyết định phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân.

 

Giới quan sát nhận thấy chỉ trong một khoảng thời gian rất nhanh, chính quyền Nga đã có những động thái mạnh để gửi đến phương Tây một thống điệp rõ ràng, sau hơn một năm rưỡi phát động cuộc chiến tranh xâm lược tại Ukraina, giờ đây nước Nga đã chuẩn bị đối đầu quân sự toàn diện với phương Tây.

 

Trước tiên là về tài chính. Hôm 26/10, Quốc Hội Nga đã thông qua luật ngân sách 2024-2026 dự trù tăng 70% chi phí quân sự.  Như vậy trong năm tới, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ chiếm 6% GDP, tăng gần gấp đôi so với năm nay. Cụ thể, với số tiền tương đương hơn 100 tỷ euro, ngân sách quốc phòng này trên thực tế đã tăng gấp ba lần so với năm 2021, năm trước khi khởi sự cuộc chiến trạnh tại Ukraina. Ngân khoản chi tiêu quân sự này chắc chắn vẫn còn kém xa so với Mỹ (gần 800 tỷ euro vào năm tới), nhưng đó là một khoản tiền không hề nhỏ, trong hoàn cảnh nước Nga đang bị phương Tây bao vây trừng phạt mọi mặt. Năm 2024 là năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, mà ông Vladimir Putin được dự đoán là người chiến thắng. Giới quan sát nhận thấy, ngay từ bây giờ, ông chủ điện Kremlin đã bắt đầu chiến dịch vận động, chứng tỏ ông là một người mạnh mẽ có thể lãnh đạo nước Nga đương đầu với mọi mối đe dọa an ninh, chủ yếu theo ông là đến từ phương Tây.

 

Trên hết, ông thể hiện mình là người đứng đầu quân đội. Một ngày trước cuộc bỏ phiếu thông qua ngân sách quân sự tại Hạ Viện, truyền thông Nga đưa tin rầm rộ rằng tổng thống đích thân giám sát các cuộc tập trận quân sự, dự khóa huấn luyện bắn tên lửa đạn đạo và hành trình nhằm mô phỏng « một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt », theo cách nói của bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu.

 

Theo truyền thông Nga, cuộc diễn tập đã triển khai các « lực lượng tấn công chiến lược để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù ». Quân đội Nga cho biết chi tiết, một tên lửa đạn đạo liên lục địa được bắn đi từ căn cứ vũ trụ Plessetsk ở miền bắc Nga và một tên lửa đạn đạo khác được phóng từ tàu ngầm ở biển Barent.

 

Động thái quân sự này diễn ra phối hợp với một kịch bản chính trị khác. Thượng Viện Nga vừa thông qua luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân. Đây là hiệp ước đã được Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/1996. Nga đã ký phê chuẩn vào năm 2000, nhưng vẫn có 8 trên 44 nước có vũ khí hạt nhân không phê chuẩn, trong đó có Hoa Kỳ, cho nên trên thực tế, Hiệp ước này được cho là công cụ ngăn chặn chạy đua vũ trang, vẫn chưa có hiệu lực. Hủy phê chuẩn Hiệp ước vào giữa cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Nga với phương Tây, một lần nữa, Matxcơva khẳng định lại những tuyên bố cứng rắn của ông Putin rằng nước Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện, tiềm lực có trong tay để đối phó với mọi đe dọa và vũ khí hạt nhân không còn là vấn đề cấm kỵ.

 

Tổng thống Vladimir Putin từng nhiều lần tuyên bố Nga tấn công Ukraina không phải là « cuộc tranh chấp lãnh thổ », mà là cuộc chiến để xác định « các nguyên tắc mà trên đó trật tự thế giới mới sẽ được lập nên ». Sau hơn một năm rưỡi theo đuổi chiến tranh ở Ukraina, mục tiêu phá vỡ trật tự thế giới của phương Tây đang trở thành ưu tiên của ông Putin. Ý tưởng này đã được các đồng minh, như Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên ủng hộ. Xác định đây là một cuộc chiến dài hơi, tổng thống Putin khẳng định nước Nga vẫn có đủ tiềm lực về tài chính và quân sự để đối đầu với phương Tây bằng bất cứ giá nào.

 

 




No comments: