Tuesday, October 24, 2023

HỘI KÍN XỨ AN NAM (Tạ Duy Anh)

 



Hội kín xứ An Nam

Tạ Duy Anh

24/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/24/hoi-kin-xu-an-nam/

 

Nhẩn nha đọc lại cuốn sách do chính mình biên tập cách đây 4 năm, bỗng phát hiện ra vài điều thú vị mà khi chưa có “bối cảnh” là bộ phim Đất rừng phương Nam, thì chưa chú ý.

 

Tác giả là tiến sỹ văn chương Georges Coulet, từng có thời gian dạy tại trường Pestrus Ký, Sài Gòn. Cuốn sách đang nói tới, bản in tiếng việt dầy 480 trang, khổ 16 x 24 cm, tức là khá nhiều chữ, do Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng dịch. Ông Coulet công bố cuốn sách lần đầu vào năm 1926, tức cách nay ngót một thế kỉ. Tư liệu để ông viết là các kết luận điều tra, thẩm vấn và xét xử, kết tội những hoạt động của một số hội kín, chủ yếu xứ Nam Kỳ, có những hoạt động vũ trang chống lại người Pháp.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-86-1152x1536.jpg

Ảnh chụp bìa sách “Hội kín xứ An Nam” của tác giả Georges Coulet. Nguồn: Tạ Duy Anh

 

Những sự kiện được đặc biệt chú ý là cuộc binh biến ở Huế do Tôn Thất Thuyết chủ xướng; những hoạt động của Phan Bội Châu cùng với Việt Nam Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, phong trào Đông du, bị người Pháp coi là âm mưu khôi phục đế quốc; biến loạn tại miền Trung xảy ra ở Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1909; vụ đầu độc trại lính ở Hà Nội; vụ Gilbert Chiếu ở Nam Kỳ 1908; những hoạt động cuối cùng của Đề Thám; đặc biệt là các sự kiện gắn với hội kín Nam Kỳ, đều xảy ra ở Sài Gòn-Chợ Lớn vào các năm 1913 và 1916. Đó cũng là hai sự kiện quan trọng khiến người Pháp bắt đầu chú ý đến hoạt động của các hội kín Nam Kỳ, với hàng loạt các cuộc đàn áp.

 

Nó đồng thời tạo cảm hứng để Geores Coulet cho ra đời cuốn sách này. Cuốn sách nói về nhiều vấn đề gắn với văn hóa, tư tưởng, sinh hoạt của người Việt, nhưng tôi chỉ xin nêu vài “bất ngờ” của bản thân mình.

 

Nhân có cuộc cãi nhau nảy lửa về bộ phim ĐRPN (tôi chưa xem bộ phim này do bệnh đau đầu), nhiều người dẫn tên những hội kín như Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn, với ý chê trách là nhóm tác giả cổ vũ cho văn hóa Trung Hoa và các hoạt động của người Hoa. Nhưng qua cuốn sách này thì Nghĩa Hòa (đoàn), Thiên Địa hội lại hoàn toàn của người Việt, hoặc do người Việt làm thủ lĩnh. Họ chỉ theo mô hình tổ chức và hoạt động của Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn, vốn là các hội kín có nguồn gốc Trung Hoa, hoạt động mạnh mẽ ở Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Trong toàn bộ cuốn sách, Coulet không hề đề cập đến bất cứ hoạt động nào của hội kín do người Hoa thành lập và điều hành ở Nam Kỳ, ngoại trừ một lần có sự tham gia của người gốc Hoa, nhưng hóa ra cái hội kín đó ra đời với mục tiêu kiếm tiến, vì thế sau khi nhận “thù lao” cho công vận động thành lập, thì ông ta cũng biến mất luôn? Hoặc có thể tác giả chỉ quan tâm đến những hội kín “bài quỷ Tây”!

 

Ví dụ ở trang 49, tác giả viết:

 

“Ở Mỹ Tho, tại làng Thới Sơn, Trần Văn Phong và Huỳnh Công Ý, khoảng năm 1910, thành lập hội Nghĩa Hòa MƯỢN TÊN (tôi nhấn mạnh) của một hội kín Trung Hoa: Trần Văn Phong đảm trách nghi lễ gia nhập và phân phát bùa, Huỳnh Công Ý phụ trách riêng việc tổ chức hội”.

 

Ở trang 213-214, tác giả liệt kê một số hội kín Nam Kỳ như sau:

 

“Ngụ ở chùa Rạch Trê (Sa Đéc), nhà sư Phùng sáng lập, sau đó điều hành hiệu quả, hội kín Đồng Bào Ái Chưởng (…). Tại Bà Rịa, thầy phù thủy Nguyễn Anh Huê (Huế) thành lập và điều hành hội kín ở Cửa Lấp, có bốn mươi tám thành viên. Ở Bình Sơn (Biên Hòa), phù thủy Nguyễn Văn Mùi cũng sáng lập và điều hành một hội kín, trong đó có bốn mươi thành viên được phát hiện. Cạnh đó, ở Thắng Nhì (Bà Rịa) có Nhơn Hòa Đường hay quán nước thân hữu (café des amis), gồm ba mươi bảy thành viên, do Nguyễn Văn Tứ sáng lập và từ năm 1911 do Nguyễn Văn Tham điều khiển. Cũng vậy, Trần Văn Phong (đã nói ở trên) với NGHĨA HÒA ở làng Thới Sơn (Mỹ Tho), ba mươi thành viên; Huỳnh Phát Đạt với Duy Tân, cũng làng Thới Sơn (Mỹ Tho) khoảng hai mươi thành viên; Võ Văn Quới với NGHĨA HÒA ở làng Mỹ Lợi (Mỹ Tho), bốn mươi thành viên; Huỳnh Văn Sanh với Lương Hữu hay thân hữu trung thành, còn gọi Phúc-hưng (có thể là Phục Hưng) ở Long Hưng (Mỹ Tho), mười tám thành viên…

 

Và Nguyễn Văn Hay, với THIÊN ĐỊA HỘI ở làng Suối Chà và Phú Hội (Thủ Dầu Một) tám mươi thành viên…”

 

Danh từ Thiên Địa hội được tác giả nhắc đến dăm lần, nhưng hầu hết đều chỉ nhắc tên một hội kín xuất phát từ Trung Hoa, hoạt động ở Trung Hoa và Ấn Độ. Chỉ có lần vừa dẫn, cũng là lần đầu tiên Thiên Địa hội được nhắc đến với tư cách là tên một hội kín của người Việt, cụ thể do Nguyễn Văn Hay sáng lập và điều hành, với số lượng khá lớn (80 người) so với một hội kín Nam Kỳ lúc ấy, nhưng quá nhỏ so với Thiên Địa hội gốc Trung Hoa.

 

Vậy “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn” mà mọi người đang tranh cãi, từ đó cho rằng nhóm làm phim cổ vũ văn hóa Trung Hoa, nếu theo Coulet thì chưa chắc đúng, bởi tại Nam Kỳ thời kỳ ấy quả là có Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn, nhưng đều là hội của người Việt, mượn tên (và theo mô hình) những hội nổi tiếng của Trung Hoa?

 

Những hội kín này hầu hết đều lấy tôn chỉ “Phục quốc, bài Tây” với việc phò hoàng đế là Phan Xích Long, chủ trương bạo động đánh đuổi người Pháp.

 

Tôi không biết Coulet đúng đến đâu, nhưng rõ ràng ông ở gần các sự kiện nhất trong số những người viết về hội kín Nam Kỳ, hơn nữa ông lại là một nhà khoa học nhân văn Pháp – thương hiệu bảo đảm về sự tỉ mỉ và tính chính xác?

 

Cũng qua cuốn sách, tôi biết về tình trạng nhân khẩu của các tỉnh, thành cũng như khoảng cách địa lý giữa chúng với Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng… đầu thế kỉ 20, mà hầu hết các số liệu về khoảng cách vẫn đúng với hôm nay.

 

Ví dụ, tỉnh Cao Bằng, quê ngoại của các con tôi, sách ghi thế này:

 

“Trụ sở chỉ huy, cách Hà Nội 292 km và Hải Phòng 351 km; thành phố đương thời có 370 đinh trong đó 46 người được miễn, vùng quân sự thứ hai của Bắc kỳ, có 31.939 người trong sổ bạ và 5319 người được miễn, phân bổ tại 31 tổng và 222 xã”.

 

CHỢ LỚN:

 

(a) Một trong 21 tỉnh của Nam Kỳ; có 45 người Âu, 200.618 người An Nam, 16 người Miên, 90 người Lào và Bắc Kỳ, 1287 người Hoa, 1337 người Minh Hương và 9 cá nhân thuộc các chủng tộc khác nhau; trong tổng số 203.402 cư dân; chia thành một thành phố (Chợ Lớn), 12 tổng và 69 xã. Bao gồm, ngoài quận của tỉnh lị, 3 đại lý hành chánh tại Đức Hòa, Rạch Kiến và Cần Giuộc, tỉnh lị: Chợ Lớn, cách Sài Gòn 5 km 358 m.

 

(b) Chợ Lớn (thành phố) của tỉnh Chợ Lớn cách Sài Gòn 5km 358 m (dân số được tính riêng):

 

“Có 834 người Âu, 41.169 người An Nam, 117 người Miên, 48.887 người Hoa, 2593 người Minh Hương, 291 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong tổng số 93,887 dân, có diện tích 1246 ha, được quản lý bởi một ủy ban thành phố”.

 

Với một người ít đọc sách sử như tôi, thì những thông tin về Phan Bội Châu và hoạt động của ông dữ dội hơn rất nhiều so với những gì tôi biết về ông. Và hóa ra, từ những năm đầu thế kỉ 20, cụ thể là năm 1912, năm thành lập Việt Nam Quang Phục hội, một danh sách nội các cộng hòa cho Việt Nam đã rất chi tiết, như sau (Trang 26):

 

– Cường Để: Tổng đại biểu, đại diện chung của nhân dân An Nam (tổng thống);

 

– Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật), thủ tướng;

 

– Nguyễn Thần Hiến, Bộ trưởng Bộ tài chính;

 

– Hoàng Trọng Mậu, Bộ trưởng Bộ quốc phòng;

 

– Nguyễn Cẩm Giang (Nguyễn Hải Thần), Bộ trưởng Bộ nội vụ;

 

– Đặng Hữu Bằng, Tham tán nhà nước.

 

Một cuốn sách khó đọc, nhiều chỗ phải tra cứu, nhưng thú vị.

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-87.jpg

Poster của bộ phim Đất rừng phương Nam. Nguồn: Internet

 

.

89 BÌNH LUẬN   

 





No comments: