Giới
tài phiệt Việt Nam và chiến lược bảo vệ tài sản
Linh Ðan - VOA Tiếng Việt
08/10/2023
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-tai-phiet-viet-nam-va-chien-luoc-bao-ve-tai-san/7300421.html
Vào năm
2013, Forbes lần đầu tiên đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới một
tỷ phú của Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, số lượng các tỷ phú Việt Nam
tăng lên trong danh sách này. Họ là những nhà tỷ phú tiền đô đầu tiên của quốc
gia do Đảng Cộng sản cầm quyền sau nhiều năm chính phủ Việt Nam thực hiện chính
sách mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế với thế giới.
https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-61da-08daa21ca65d_cx0_cy0_cw97_w650_r1_s.jpg
Các tỷ phú Việt Nam, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng (giữa) được xem là
những "tài phiệt" khi tích lũy được tài sản của họ hầu hết từ bất động
sản và ngân hàng.
Người đầu tiên trở thành tỷ phú Việt Nam trong
danh sách của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn bất động sản
Vingroup mà sau này mở rộng sang nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Sau đó vài
năm, Việt Nam đã có thêm các tỷ phú khác lọt vào danh sách của Forbes vốn đánh
giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác. Đến năm ngoái, Việt Nam
đã có tới 7 tỷ phú trong danh sách này.
Khi giới thiệu về ông Vượng lúc ông trở thành
tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes
vào tháng 3/2013, tờ tạp chí kinh doanh hơn 100 năm tuổi của Mỹ viết rằng “câu
chuyện của ông Phạm (Nhật Vượng) đã nhân cách hóa câu chuyện hậu chiến tranh của
(Việt Nam), một thành tựu tư bản ở một đất nước trên danh nghĩa vẫn là cộng sản.”
Ngoài ông Vượng, các tỷ phú khác trong danh
sách của Forbes còn gồm có Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch
Tập đoàn Sovico kiêm CEO của hãng hàng không VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo,
Chủ tịch Tập đoàn Nova Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch
Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.
Những tỷ phú này đều tích lũy của cải từ bất động
sản và ngân hàng, đồng thời tích cực xây dựng các mối quan hệ chính trị cũng
như bảo vệ của cải của mình nên họ được xem là những tài phiệt, theo ông Nguyễn
Xuân Thành, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Rajawali về châu Á tại trường
Harvard Kennedy của Đại học Harvard ở Mỹ.
“Một mặt, bạn thấy những doanh nhân như ông Phạm
Nhật Vượng, người đã đưa hãng xe VinFast của mình lên sàn Nasdaq, và mặt khác bạn
cũng thấy việc bắt giữ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt
Nam và sự sụp đổ sau đó của một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt
Nam,” ông Thành nói tại một buổi tọa đàm về cuốn sách mới ra mắt “Việt Nam - Định
hướng trong một nền kinh tế, xã hội và trật tự chính trị đang thay đổi nhanh
chóng” (Vietnam - Navigating a Rapidly Changing Economy, Society, and Political
Order) do Trung tâm Ash của Đại học Harvard tổ chức.
Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch
Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đều bị bắt
giữ vào năm ngoái trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam.
Theo ông Thành, đồng tác giả của cuốn sách kể
trên và cũng là giảng viên của Trường Chính sách công và Quản lý tại Đại học
Fulbright Việt Nam, những nhà tài phiệt này đang có những chiến lược để bảo vệ
tài sản của mình trước chiến dịch “đốt lò”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
phát động, trong đó tỷ phú có thể trở thành tội phạm bị kết án tù.
Họ từ đâu ra?
Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước xã hội chủ
nghĩa khác như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên, chủ nghĩa xã hội đã dẫn
tới việc giới doanh nhân giàu có trong nước bị tiêu diệt và nền kinh tế thị trường
bị thay thế bằng thệ thống kế hoạch hóa tập trung. Sau năm 1975, các nhà lãnh đạo
chính trị ở miền Bắc đã thay thế nền kinh tế thị trường ở miền Nam bằng nền
kinh tế chỉ huy và kiểm soát theo kiểu Lê Nin, dẫn đến sự chậm lại đáng kể
trong phát triển kinh tế ở đây vào nửa cuối thập niên 1970.
“Tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc các nhà
lãnh đạo Cộng sản phải nhanh chóng từ bỏ nỗ lực tập trung hóa hoàn toàn nền
kinh tế miền Nam,” ông Thành, người từng làm việc tại Ủy ban Nhân dân TPHCM trước
khi giảng dạy và nghiên cứu tại trường Fulbright Việt Nam, nói và cho biết tàn
dư của nền kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại ở TPHCM giai đoạn này.
Cuối những năm 1980 và đầu 1990, trước sự sụp
đổ của Liên Xô cùng sự giảm sút về lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo
của Đảng cùng sự điều hành của Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở cửa.
Chính sách “Đổi mới”, được bắt đầu thực hiện vào năm 1986, cho phép thực hiện
kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,
chuyển sang “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội
Chủ nghĩa.”
“Nhiều cơ sở kinh doanh gia đình ở TPHCM đã tận
dụng việc mở cửa này và đó chính là nguồn gốc những doanh nhân giàu có đầu tiên
ở Việt Nam,” ông Thành, người có hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy và triển
khai chính sách về tài chính và đầu tư công, cho biết.
Bà Lan, người sáng lập ra Vạn Thịnh Phát, là một
trong số những doanh nhân của thế hệ tài phiệt đầu tiên ở Việt Nam. Khởi điểm của
bà là ngành kinh doanh nhà hàng và thương mại. Sau đó bà chuyển sang kinh doanh
bất động sản và khách sạn. Nữ doanh nhân gốc Hoa này từng sở hữu nhiều bất động
sản sang trọng ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đưa gia tộc của bà trở
thành một trong những gia đình giàu có nhất Việt Nam.
Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Việt
Nam chứng kiến làn sóng doanh nhân giàu có thứ hai đến từ Đông Âu. Họ là những
sinh viên được chính phủ Việt Nam cử sang Liên Xô và các nước Đông Âu học đại học
và sau đại học từ thập niên 70 và 80. Theo ông Thành, sự chuyển đổi của các nền
kinh tế Đông Âu mang lại cơ hội cho nhiều thanh niên Việt Nam sau khi tốt nghiệp
và thậm chí trong quá trình học tập lúc đó để bắt đầu kinh doanh riêng. Sau đó,
họ chuyển tài sản của họ ra khỏi Đông Âu và quay trở về Việt Nam để bắt đầu
kinh doanh riêng.
“Điều đó xảy ra khi Đảng Cộng sản Việt Nam
ngày càng tin tưởng hơn vào các chính sách cải cách kinh tế và có lột trình cho
phép khu vực tư nhân chính thức tồn tại và sau này chấp nhận khu vực tư nhân
chính thức làm động lực phát triển kinh tế thay cho doanh nghiệp nhà nước,” ông
Thành, người có các nghiên cứu về ngân hàng, đầu tư công và phát triển cơ sở hạ
tầng, nói.
Tờ VietNamNet, trong một bài viết vào tháng
3/2017, nói rằng Đông Âu là “cái nôi” của các tỷ phú Việt Nam và cho biết nhiều
đại gia tên tuổi trong giới kinh doanh hiện nay ở Việt Nam từng học tập và lập
nghiệp ở Đông Âu rồi khi trở về Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành công
trong các lĩnh vực mà họ theo đuổi. Trong số họ có ông Vượng – người lập ra
Vingroup, bà Thảo – người lập ra VietJet Air, và ông Quang – người lập ra
Masan.
Bà Thảo từng du học tại Moscow cuối thập niên
1980 và đã sớm bước chân vào thương trường khi mới là sinh viên năm thứ 2, khởi
nghiệp với việc kinh doanh hàng điện tử và nông sản. Ở tuổi 21, bà Thảo đã kiếm
được 1 triệu USD và sau đó trở về Việt Nam đầu tư bất động sản và tài chính
ngân hàng, trở thành cổ đông sáng lập Tập đoàn Sovico cùng 2 ngân hàng tư nhân
đầu tiên tại Việt Nam là Techcombank và VIB.
Trong khi đó, ông Vượng lập nghiệp tại Ukraine
sau khi hoàn thành việc học tập ở Moscow. Tại Kharkov, ông mở một nhà hàng với
số vốn 10.000 USD rồi sau đó cùng một người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để
sản xuất mỳ ăn liền. Dưới sự điều hành của ông Vượng từ 1993 đến 1999, tập đoàn
này trở thành “đế chế” số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và
được định giá lên tới 1 tỷ USD. Vào năm 2001, ông Vượng đưa phần lớn lợi nhuận
về đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản qua 2 công ty Vinpearl Land
và Vincom. Kể từ khi Forbes đưa ông vào danh sách tỷ phú cách đây 10 năm, ông
Vượng luôn dẫn đầu nhóm các tỷ phú Việt khi là người giàu nhất ở quốc gia Đông
Nam Á.
Bất động sản và ngân hàng
Hầu hết các tỷ phú được công nhận ở Việt Nam đều
có tài sản từ phát triển bất động sản hoặc ngân hàng nhưng, theo ông Thành, phần
lớn trong số họ thường tham gia vào cả hai lĩnh vực này.
“Sự kết hợp giữa bất động sản và ngân hàng đã
dẫn tới sự phát triển của cơ cấu sở hữu chéo phức tạp, cho phép những doanh
nhân này tích lũy tài sản ở Việt Nam với quy mô chưa từng có,” ông Thành, từng
là thành viên của tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói.
Tuy nhiên, ông Vượng là người không “lấn sân”
vào lĩnh vực ngân hàng mà chỉ tập trung vào phát triển bất động sản.
Một điều khác biệt giữa Việt Nam và các nền
kinh tế chuyển đổi khác, như Nga hay Trung Quốc, về sự nổi lên của giới doanh
nhân giàu có, theo ông Thành, là ở quốc gia Đông Nam Á không có “những nhà tài
phiệt là những nhà lãnh đạo chính trị trước đây hoặc hiện tại” hay là “giám đốc
điều hành cấp cao của các SOE (doanh nghiệp nhà nước).”
“Lý do chúng ta không thấy các tài phiệt là những
lãnh đạo hay từ các doanh nghiệp nhà nước trước đây là vì các lãnh đạo Đảng
luôn quan ngại những người giàu, đặc biệt là những tài phiệt có quan hệ chính
trị đặc biệt trở nên quá quyền lực,” ông Thành giải thích. “(Lãnh đạo Đảng) sợ
rằng đó là một trong những nguồn gốc của cái mà họ gọi là ‘diễn biến hòa bình’
dẫn đến sự phá hủy quyền lực của Đảng Cộng sản.”
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đưa ra những
cảnh báo để ngăn chặn và đẩy lùi “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” mà họ
gọi là “những âm mưu, thủ đoạn chiến lược rất nguy hiểm của các thế lực thù địch”
nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Do đó, theo giải thích của ông Thành, các nhà
lãnh đạo chính trị biết rằng họ có thể tích lũy của cải nhưng không thể tích cực
kiểm soát các doanh nghiệp lớn và sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để
tích lũy của cải một cách công khai.
“Khi bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào được
cho là đang làm điều đó, họ sẽ bị bộ máy Đảng hùng mạnh trừng trị và điều tương
tự cũng xảy ra với các giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước,” ông Thành
nói.
Nhưng các lãnh đạo chính trị trong những năm
qua thường bị báo chí phanh phui là có nhiều “biệt phủ” với khối tài sản giàu
có hơn người dân bình thường trong nước dù chỉ nhận mức lương công chức bình
thường. Báo Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 9/2017 đã nói hình thức móc ngoặc
giữa các quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, thông qua
những công ty “sân sau” hoặc “chống lưng” cho các doanh nghiệp.
Đến năm 2015, Đảng Cộng sản nhận thấy nguy cơ
tham nhũng vượt tầm kiểm soát nên đã tiến hành nhiều cuộc điều tra do Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.
“Tất cả những cuộc điều tra này nhanh chóng dẫn
đến nguồn gốc của sự giàu có được nhiều nhà tài phiệt sử dụng,” ông Thành nói
và cho biết rằng các tài phiệt trong nước “trở nên dễ bị tổn thương” và “tích cực
theo đuổi các chiến lược khác nhau để bảo vệ tài sản” của mình.
Đầu tư ra nước ngoài
Một dạng chiến lược bảo vệ tài sản về cơ bản
là tăng gấp đôi số tài sản đang có – bằng việc xây dựng các mối quan hệ chính
trị hiện có, đầu tư thêm tiền vào phát triển bất động sản và ngân hàng, theo
ông Thành.
“Nhưng càng ngày, những chiến lược truyền thống
đó càng trở nên rủi ro hơn,” nhà nghiên cứu của Viện Rajawali nói.
Những tài phiệt đầu tiên bị ‘trảm’ trong bối cảnh
có sự “đấu đá nội bộ gay gắt và cạnh tranh công khai giữa các lãnh đạo và các
thể chế chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam, theo ông Thành,
gồm có Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “Bầu Kiên”, Trầm Bê và Hà Văn Thắm.
Ông Kiên, thành viên hội đồng sáng lập Ngân
hàng TMCP Á Châu kiêm chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ABC, bị tuyên án tù 30
năm vào năm 2014 với 4 tội danh, gồm kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo
và cố ý làm trái. Còn ông Trầm Bê, từng là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài
Gòn Thương Tín, phải thi hành 2 bản án hình sự tổng cộng 7 năm tù trước khi mãn
hãn đầu năm nay. Ông Thắm bị tuyên án chung thân trong vụ đại án OceanBank cách
đây 2 năm.
“Hầu hết các vụ bắt giữ và truy tố gần đây đều
liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng xảy ra do những tài phiệt này đã thất bại
trong việc thực hiện các chiến lược bảo vệ tài sản của mình.”
Bà Trương Mỹ Lan, dù có những mối quan hệ thân
thiết với các quan chức tại TPHCM, đã bị công an Việt Nam bắt vào ngày
8/10/2022 vì bị cáo buộc phát hành trái phiếu bất hợp pháp để huy động 25 nghìn
tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Trước đó trong năm vào tháng 3, ông Trịnh Văn
Quyết bị bắt giam và khởi tố với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán.”
Vài tuần sau đó, ông Đỗ Anh Dũng cũng bị bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau một loạt các cuộc bắt giữ các tỷ phú này,
mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện thông tin ông Phạm Nhật Vượng “bị cấm xuất cảnh.”
Tuy nhiên không lâu sau đó, Bộ Công an Việt Nam lên tiếng xác nhận rằng chủ tịch
Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh.
Cũng trong năm ngoái, hãng xe VinFast của ông
Vượng đã chuyển trụ sở pháp lý và tài chính sang Singapore, vài tháng sau khi
Vingroup chuyển toàn bộ cổ phần VinFast sang công ty con ở quốc gia Đông Nam Á
này với lý do nhằm tái cấu trúc đợt IPO tại Mỹ.
Sau nhiều lần trì hoãn, hãng xe của ông Vượng
đã khởi động việc xây dựng nhà máy ở Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán ở New
York thông qua một công ty séc khống. Công ty này cũng đang xem xét việc mở nhà
máy ở Ấn Độ và dự tính đầu tư 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia.
Theo ông Thành, đây là những chiến lược “thành
công hơn” mà các tài phiệt ở Việt Nam đang áp dụng trong việc bảo vệ tài sản của
họ.
“Các nhà tài phiệt mời các nhà đầu tư chiến lược
tham gia, tận dụng các hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện hơn của Việt
Nam cũng như sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn,” ông Thành nói và cho rằng điều này
khiến “Đảng ít xem họ là mối đe dọa hơn đối với hệ thông chính trị.”
Sẽ có thêm nhiều công ty lớn của Việt Nam theo
đuổi việc niên yết ở nước ngoài, theo ông Thành. Gần đây nhất, công ty VNG của
Việt Nam đã có kế hoạch chào bán cổ phiếu phổ thông trên sàn chứng khoán Nasdaq
nhưng hoãn đợt phát hành cho đến năm sau do điều kiện thị trường không ổn định.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, các công ty lớn
này đang cho Chính phủ thấy rằng họ có thể trở thành công cụ mới về chính sách
công nghiệp trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả
ở Việt Nam.
Nhưng liệu những tài phiệt và các doanh nhân
giàu có của Việt Nam có thành công trong việc theo đuổi tham vọng mở rộng toàn
cầu và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược quốc tế hay không và
liệu họ có thể thành công trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước truyền
thống làm công cụ mới trong chính sách công nghiệp của Chính phủ hay không,
theo ông Thành, điều đó còn phải chờ xem.
“Cho đến nay nó đã được chứng minh là rất khó
khăn,” ông Thành nói. “Rất nhiều trong số họ hiện đang phải chịu áp lực tài
chính rất lớn.”
No comments:
Post a Comment