Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 3)
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
Những người
lứa tuổi tôi, sinh hồi giữa thập niên 50, thời nay gọi tắt là 5X, chắc không mấy
ai quên chuyện nhà cai trị xứ này đánh tư sản, diệt doanh nghiệp doanh nhân. Họ
gọi bằng cái tên “cải tạo công thương nghiệp”, xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng
quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả những gì vướng víu, vướng mắt
trên con đường lớn không tưởng, mơ hồ ấy đều bị họ đưa lên đoạn đầu đài. Diệt
cho bằng hết. Lại nhớ cụ Phan Khôi từng chua chát cay đắng “Đánh đùng một
cái/Kêu eng éc ngay/Bịt mồm bịt miệng/Trói chân trói tay/Từ đây đến con dao/Chẳng
còn xa là bao”. Cụ tả về chuyện giết lợn, nhưng “giết” văn nghệ sĩ, doanh nhân
cũng đều thế cả, cùng bàn tay đao phủ.
Thời Pháp
cai trị (còn gọi là thời Pháp thuộc), nhà cầm quyền thực dân rộng đường cho tư
nhân tư sản làm ăn, sản xuất, kinh doanh, để họ phát huy tài năng khả năng của
mình làm giàu, vừa “vinh thân phì gia”, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội, đất
nước. Cho tới giờ, nói tới doanh nhân Việt, người ta vẫn nhắc đến nhưng idol, tấm
gương tiêu biểu như Bạch Thái Bưởi (tàu thủy), Nguyễn Sơn Hà (sơn), Trịnh Văn
Bô (kinh doanh vải lụa), Đoàn Đức Ban (chủ hãng nước mắm Vạn Vân lớn nhất miền
Bắc), Trịnh Văn Mai (chủ hãng dệt Cự Doanh), Vũ Đình Long (xuất bản, in ấn)…, họ
được tự do làm ăn làm giàu, không bị người Pháp tước đoạt quyền tự do kinh
doanh. Nhưng sang chế độ mới, tư sản chết như ngả rạ, bởi tư sản, làm ăn tư bản
là kẻ thù không đội trời chung của vô sản, của làm ăn kiểu xã hội chủ nghĩa.
Ngay cả việc góp 5.000 lượng vàng cho tuần lễ vàng năm 1945, nuôi cả cụ Hồ và
hàng đống quan chức thủ lĩnh Việt Minh, hiến cả nhà 48 Hàng Ngang, v.v.. cũng
không cứu được vợ chồng ông Bô bà Hồ bị chính quyền chiếm mất nhà, đòi mãi họ
không trả, phải “vùng lên” chiếm lại. Ai muốn biết rõ hơn sự “lấy oán trả ân”
này, cứ hởi các con cháu của hai cụ.
Sau khi miền
Bắc được hòa bình, các nhà máy xí nghiệp tư nhân đều bị quốc hữu hóa hết, hoặc
thành quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh. Gọi là công tư hợp doanh nhưng thực
chất tư nhân chả có quyền hành gì, nhà cửa công xưởng, máy móc đều phải “tự
nguyện” góp cho nhà nước (vốn không có gì), sản xuất theo mệnh lệnh, chủ cũ chỉ
tham gia cho có chứ cán bộ nhà nước nắm hết quyền điều hành. Dạng nhà máy dệt
kim Cự Doanh của cha con ông Mai ông Căn ở Hà Nội là vậy, sau chủ cũ chán quá bỏ
luôn, thế là mặc nhiên thuộc về nhà nước. Bất chiến tự nhiên thành. Công cuộc cải
tạo tư bản tư doanh ấy thực chất là cuộc chiếm đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất
cá thể để gom về một đầu mối theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc.
Công cuộc
đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, quốc hữu hóa tàn bạo kết quả đã giết
chết một nền sản xuất kinh doanh đang phát triển, đưa kinh tế miền Bắc về thời
mông muội, cái gì thứ gì cũng thiếu, kể từ hạt muối. Tôi còn nhớ, khoảng năm
1965, nhà tôi được hợp tác xã mua bán phân phối cho chục bát ăn cơm bằng sành,
về nhà giở ra có cả cái mẻ cái sứt, có chiếc còn nguyên mảnh vỡ dính vào. Không
dám bỏ, bởi bỏ thì chẳng nhẽ ăn bốc. Không còn tư sản doanh nhân, chỉ có độc nhất
nền kinh tế tập trung do nhà nước chỉ đạo điều hành, miền Bắc trước năm 1975
như đang trở về thời cộng sản nguyên thủy. Hàng hóa thiếu thốn, vật chất nghèo
nàn, đi lại khó khăn; hai thứ thiết thực nhất là hạt gạo và tấm vải đã thành thứ
tiêu chuẩn để đánh giá giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ. Người đem lại “thành
công” u ám ấy, diệt trừ tư sản ấy, dĩ nhiên là chính quyền, công của những Đỗ
Mười, Trường Chinh, Lê Duẩn, ông này bà nọ, trong đó có cả cụ Hồ.
Thực tế
đen tối như vậy, nhưng bộ máy tuyên truyền của họ cố tình lờ đi, và luôn ca ngợi,
khen tụng thành công thế này, thắng lợi thế nọ, dù thâm tâm họ nhận thấy sai lầm.
Và đáng nói hơn, biết sai, nhưng họ với bản chất kiêu ngạo cộng sản, vẫn không
chịu sửa, vẫn lặp đi lặp lại về sau, đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Sau cuộc
cải tạo công thương, triệt bỏ doanh nhân tư sản ở miền Bắc thập niên 50, hơn 2
chục năm sau, họ vẫn lặp lại y chang, thậm chí còn tàn bạo hơn trong cuộc đánh
doanh nhân ở miền Nam, và cả những chiến dịch kiểu Z30 ở miền Bắc thập niên 80.
(còn tiếp)
Nguyễn
Thông
.
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (Kỳ 2)
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
Trong suốt
quá trình tồn tại và chiếm đoạt vị trí cai trị, từ khi nắm quyền tới nay, nhất
là sau 1954 ở miền Bắc, rồi sau 1975 trên cả nước, chính quyền cộng sản chỉ chú
trọng, đề cao công nông binh, gần như gạt hẳn tầng lớp, đội ngũ doanh nhân ra
khỏi hệ thống của họ.
Họ chủ
trương làm ăn tập thể, như ông Lê Duẩn từng nhận định “làm chủ tập thể là phát
minh vĩ đại”, công hữu hóa, bài trừ tư sản, diệt lối làm ăn tư hữu cá nhân… nên
doanh nhân không có đất để tồn tại. Chỉ cần hé ra, lộ ra cách làm ăn riêng lẻ,
dù hiệu quả tới mấy đi chăng nữa, cũng bị tiêu diệt.
Nói đâu
xa, chính trong đội ngũ của họ, cái gì đi chệch hướng đường lối của chủ nghĩa
xã hội đều phải lên đoạn đầu đài. Dù hợp tác xã nông nghiệp - biểu tượng của lối
làm ăn tập thể ở nông thôn chỉ sau gần chục năm tồn tại đã ngày càng thể hiện sự
lạc hậu, phi lý, cản trở quá trình phát triển nhưng họ vẫn ngu dốt, cố tình, nhắm
mắt nhắm mũi duy trì.
Chuyện ông
Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) ở Vĩnh Phú xé rào đường lối, “chống lại trung ương”,
tiến hành khoán hộ, làm thay đổi cơ bản cuộc sống nông dân, nông nghiệp, nông
thôn theo hướng đi lên, thoát khỏi nghèo đói nhưng vẫn bị các đồng chí của ông,
cấp trên ông hành lên bờ xuống ruộng thì đủ biết họ bảo thủ ngu dốt thế nào. Họ
chỉ cần cái gọi là chủ nghĩa xã hội tồn tại, còn bất kỳ thứ nào khác đều không
có giá trị.
Sau này,
khi bị dồn vào chân tường, thấy rõ nếu không thay đổi thì sẽ chết, nói theo kiểu
Fidel “đổi mới hay là chết”, họ lại quay ngoắt nhận công lao về mình, tụng ca đổi
mới, như chính họ là người mở đường. Suốt nửa thế kỷ, đưa đất nước, xã hội, nền
kinh tế lên bờ thì ít mà xuống ruộng thì nhiều, tận diệt biết bao tinh hoa làm
ăn, cuối cùng họ lại thành người có công. Cứ mỗi lần tới dịp này dịp nọ ngày sinh
tháng đẻ, ngày giỗ ngày cúng, họ lại tâng bốc những Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ
Mười… lên tận mây xanh, như đuốc soi đường, như cứu tinh, thánh sống.
Với lề
thói làm ăn ấy, thì dạng xé rào Kim Ngọc hay Nguyễn Văn Chẩn vua lốp chỉ là tội
đồ, chưa bị bắn như bà Nguyễn Thị Năm là may. Có thời gian rất dài, họ nhét vào
đầu óc đám học trò chúng tôi những hình ảnh Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh
Đình Kính, Đỗ Đình Đạo… dù làm ăn rất tài giỏi nhưng bản chất là kẻ bóc lột, thậm
chí còn quy thành tư sản mại bản, phản động, tay sai thực dân phát xít cần phải
đánh đổ, tiêu diệt. Nhà xưởng, cơ ngơi, tài sản của doanh nhân tư sản bị họ tịch
thu, được gọi bằng cái tên mỹ miều “công hữu hóa”. Ở miền Bắc sau 1954 không một
doanh nhân nào thoát khỏi tay họ trong cuộc càn quét tiêu diệt tàn bạo ấy.
Cứ tưởng sự
ngu dốt, ấu trĩ của đám cai trị cầm quyền chỉ diễn ra nhất thời trong buổi mông
muội, lúng túng ngơ ngác ban đầu, nhưng không phải, nó còn kéo dài, lặp đi lặp
lại rất nhiều lần qua những cuộc “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp” ở
cả hai miền Nam, Bắc. Thủ phạm vẫn không ai khác, mà chính là họ. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-59.jpg
Ảnh: Bí
thư Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc), người chủ trương khoán hộ, bị hành lên bờ, xuống
ruộng. Nguồn ảnh: VNN
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (Kỳ 1)
Nguyễn
Thông
(Nguyễn
Thông Cào)
(Nhân
cái gọi là Ngày doanh nhân 13.10)
Xứ này có
rất nhiều ngày vinh danh dành cho từng loại đối tượng. Tôi mày mò tìm tra trên
Gu gồ, thấy chưa đâu lắm ngày này ngày nọ như nước An Nam ta. Một kiểu tự sướng
và khoái màu mè hình thức. Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi
ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng,
cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân.
Kể từ năm
2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày
doanh nhân Việt Nam. Tới nay đã tròn chẵn 19 năm bởi hôm nay là 13.10.
Thời xưa,
lẩu lầu lâu rồi, các cụ xứ ta nhấn đến 4 tầng lớp-hạng người đáng để ý nhất
trong xã hội, đời sống, là “sĩ nông công thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ
đặt ra mục đích “trí phú địa hào - đào tận gốc trốc tận rễ” (trí thức, phú
nông, địa chủ, cường hào). Chả hiểu sao người ta lại thích số 4 đến thế.
Tới khi cướp
được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm ngôi vị độc tôn gồm “công
nông binh”, chỉ 3 thành phần thôi, mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ,
nhất là những anh có chữ có học eo xèo xì xào nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ
“công nông binh trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong
xã hội chỉ là công dân hạng 2, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới
được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì.
Có một
giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của nhà nước công nông, khi khai lý lịch mà
khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân,
kinh doanh, làm ăn cá nhân… thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai
mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng, thành phần bóc lột, cùng duộc
với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng
tư sản họ cũng bắn, cũng không tiếc đạn. Dẫn chứng chả khó kiếm.
Bà Nguyễn
Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng
khắp trong nam ngoài bắc. Bà đã chết bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo
ôm nắm quyền bởi chúng ghét người giàu.
Gần hơn nữa,
thời thập niên 80 còn mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn, được tôn là vua,
vua lốp. Giỏi, lại biết làm giàu. Dù ông làm giàu một cách cực kỳ chính đáng,
đáng được trân trọng, tôn vinh, nhưng những kẻ ngu muội đã hành ông lên bờ xuống
ruộng, bắt giam ông hết đợt này đến lần khác, tịch thu tài sản, tịch biên kê
biên nhà xưởng, máy móc.
Vua Chẩn tội
gì? Không hề phản động, thù địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình
là biết làm giàu, làm ra sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể đơn sai. Con
cái ông còn sống sờ sờ ra kia, họ là nhân chứng.
Nếu ai muốn
biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự “Vua lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người
đã viết những tác phẩm lừng danh, trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự
“Lời khai của một bị can”). Làm văn, văn nghiệp phải như Trần Huy Quang, bênh vực
con người, phụng sự công lý, đạo lý, chứ không phải xun xoe dùng chữ nghĩa ve
vuốt nịnh bợ, viết thứ văn cờ xí khẩu hiệu nhan nhản trong làng văn xứ này.
(còn tiếp)
Nguyễn
Thông
.
No comments:
Post a Comment