Monday, October 23, 2023

CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ về VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN ĐANG CHỆCH HƯỚNG? (Oriana Skylar Mastro  |  New York Times)

 



Chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan đang chệch hướng?

Oriana Skylar Mastro  |  New York Times

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

20/10/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/10/20/chinh-sach-cua-my-ve-van-de-dai-loan-dang-chech-huong/

 

Suốt nửa thế kỷ qua, Mỹ đã tránh gây chiến với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, phần lớn nhờ vào sự cân bằng tinh tế giữa răn đe và trấn an.

 

Nhưng sự cân bằng đó đã bị đảo lộn. Trung Quốc đang xây dựng và phô trương sức mạnh quân sự của mình, và những lời lẽ thù địch bắt đầu đến từ cả Bắc Kinh và Washington. Dường như, chiến tranh ngày càng dễ xảy ra hơn.

 

Vẫn chưa quá muộn để khôi phục lại sự cân bằng vốn đã giúp duy trì hòa bình trong nhiều thập niên qua, nhưng sẽ cần một số hành động để giảm bớt lo ngại của Trung Quốc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì sự không khoan nhượng của Trung Quốc và bầu khí “quá nóng” đang hiện diện ở Washington. Nhưng nó đáng để mạo hiểm về mặt chính trị, nếu điều đó giúp ngăn được chiến tranh.

 

Răn đe được thực hiện dưới hình thức Mỹ ngụ ý sử dụng lực lượng quân sự để ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan. Trong khi đó, trấn an có liên quan đến nhận thức rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào các quyết định liên quan đến tình trạng chính trị cuối cùng của Đài Loan.

 

Mỹ và các đồng minh khu vực phải tiếp tục tạo ra khả năng răn đe quân sự mạnh mẽ. Nhưng các nhà lãnh đạo và chính trị gia Mỹ cũng cần ghi nhớ sức mạnh của sự trấn an, cố gắng hiểu sự nhạy cảm sâu sắc của Trung Quốc về Đài Loan, đồng thời nên tái cam kết – một cách rõ ràng và dứt khoát – với quan điểm rằng chỉ có Trung Quốc và Đài Loan mới có thể giải quyết được những khác biệt chính trị của họ, một lập trường cho đến nay vẫn là chính sách chính thức của Mỹ

 

Trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh và Washington đã ký một loạt thông cáo liên quan đến Đài Loan. Một trong số chúng tuyên bố rằng Mỹ “tái khẳng định sự quan tâm của mình đến việc giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan bởi chính người Trung Quốc.” Văn bản này và nhiều văn bản khác đều được viết mơ hồ một cách có chủ đích, nhưng nó vẫn được tất cả các bên chấp nhận như một cam kết để tránh làm xáo trộn tình hình. Và Trung Quốc vẫn xem thỏa thuận này là có tính ràng buộc.

 

Chính xác hơn thì Trung Quốc mới là bên làm xáo trộn tình hình trước.

 

Kể từ năm 2016, khi Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến có xu hướng ủng hộ độc lập cho Đài Loan được bầu làm Tổng thống (kế nhiệm một chính quyền thân thiện hơn với Trung Quốc), Tập Cận Bình đã nhiều lần phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và các chiến thuật gây áp lực khác, nhằm mục đích ngăn cản tình cảm ủng hộ Đài Loan độc lập.

 

Các chính trị gia Mỹ đã phản ứng đúng đắn bằng những lời ủng hộ một Đài Loan dân chủ, bằng cách cung cấp vũ khí cho nước này, và bằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhưng phản ứng của Mỹ cũng đang đổ thêm dầu vào lửa.

 

Tôi đã nghiên cứu chiến lược quốc phòng của Mỹ với nhiều vai trò khác nhau trong quân đội trong hơn một thập niên. Gần đây, tôi đã đến Bắc Kinh, nơi tôi gặp các quan chức chính phủ và quân đội Trung Quốc, các học giả và chuyên gia hàng đầu từ các viện chính sách trực thuộc Đảng Cộng sản. Trong các cuộc gặp gỡ này, tôi nhận thấy Bắc Kinh ít quan tâm đến những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường vị thế quân sự trong khu vực – nói cách khác là khía cạnh răn đe – so với những luận điệu chính trị, vốn được Trung Quốc xem là bằng chứng cho thấy người Mỹ đang dần từ bỏ sự mơ hồ trong quá khứ, và hướng tới ủng hộ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan.

 

Họ có rất nhiều bằng chứng để chứng minh điều đó.

 

Tháng 12/2016, Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ khi bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung năm 1979 nói chuyện trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan, khi bà Thái gọi điện chúc mừng ông đắc cử. Về phần mình, Tổng thống Biden đã bốn lần mâu thuẫn với chính sách mơ hồ của Mỹ khi nói rằng người Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự nếu Trung Quốc tấn công. Số lượng thành viên Quốc hội Mỹ đến thăm Đài Loan – hành động mà Trung Quốc cho là công khai ủng hộ nền độc lập của hòn đảo – đã đạt mức cao nhất trong một thập niên vào năm ngoái, bao gồm chuyến đi vào tháng 8/2022 của Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện vào thời điểm đó và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm chính thức Đài Loan kể từ những năm 1990. Những chuyến thăm vẫn tiếp tục diễn ra trong năm nay: Hồi tháng 6, một phái đoàn Quốc hội Mỹ gồm chín thành viên, đông nhất trong nhiều năm, đã đến Đài Bắc.

 

Vấn đề còn nằm ở việc thông qua nhiều đạo luật mang tính khiêu khích. Năm ngoái, Đạo luật Chính sách Đài Loan, trong đó ủng hộ vai trò của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, đã được đưa ra tại Thượng viện Mỹ, và vào tháng 7 năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua một đạo luật tương tự. Trong khi đó, vào tháng 1, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đề xuất một kiến nghị công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

 

Những hành động như thế gây áp lực lớn lên Tập, người không thể chấp nhận việc đi vào lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc để mất Đài Loan. Điều đó được Bắc Kinh coi là một mối đe dọa sống còn, có khả năng thúc đẩy tình cảm ly khai ở các khu vực bất ổn như Tây Tạng và Tân Cương.

 

Hiện tại, những nghi ngờ đã có từ lâu về khả năng quân sự của Trung Quốc, cũng như lo ngại sự trả đũa của Mỹ và đồng minh là đủ để kiềm chế Tập. Nhưng nếu ông kết luận rằng Mỹ đã phá vỡ, một lần và mãi mãi, quan điểm trước đây của mình về Đài Loan và có ý định cản trở sự thống nhất với đại lục, ông có thể cảm thấy cần phải hành động quân sự. Mỹ có thể củng cố sức mạnh quân sự trong khu vực nhằm ngăn chặn Trung Quốc lựa chọn con đường chiến tranh. Nhưng sẽ rất khó đạt được mức độ thống trị quân sự đủ để ngăn Tập thực sự phát động một cuộc chiến mà ông cho là cần thiết.

 

Việc trấn an Trung Quốc sẽ đòi hỏi Biden nhắc lại rằng Mỹ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, hay phản đối việc hòn đảo thống nhất trong hòa bình với Trung Quốc, và rằng cuối cùng số phận của Đài Loan tùy thuộc vào Đài Bắc và Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là phải tránh những nỗ lực tạo không gian quốc tế cho Đài Loan, và tránh lên án Bắc Kinh khi nước này lôi kéo các đối tác ngoại giao của Đài Bắc. Nhà Trắng cũng cần sử dụng đòn bẩy mà họ có để ngăn cản các thành viên Quốc hội đến thăm Đài Loan và đe dọa phủ quyết các đạo luật mang tính khiêu khích.

 

Chắc chắn sẽ có sự phản đối ở cả Washington và Đài Bắc, và cũng có thể Tập đã quyết định sẽ chiếm Đài Loan, bất chấp lập trường của Mỹ. Nhưng lập trường trung lập về mặt chính trị đối với Đài Loan là điều mà người Mỹ đã theo đuổi trong nhiều thập niên. Các đời tổng thống từ George H.W. Bush tới Barack Obama đều ủng hộ đối thoại hòa bình giữa Đài Bắc và Bắc Kinh để giải quyết những khác biệt giữa hai bên.

 

Ngoài ra, còn có những hậu quả dài hạn cần xem xét: Nếu sự kết hợp giữa răn đe và trấn an thất bại, và Trung Quốc tấn công Đài Loan, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ để các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định theo đuổi bạo lực nhằm đạt được mục tiêu của mình. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn còn một con đường để cuối cùng thuyết phục người dân Đài Loan – thông qua dụ dỗ hoặc gây áp lực – rằng việc thống nhất một cách hòa bình là vì lợi ích của họ, thì đó có thể là một Trung Quốc mà chúng ta có thể sống chung.

 

Trong trường hợp tốt nhất, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận cấp cao, một thông cáo chung mới, trong đó Washington nhắc lại quan điểm trung lập chính trị lâu đời của mình, và Trung Quốc cam kết giảm bớt các mối đe dọa quân sự. Điều này sẽ vừa ngăn chặn chiến tranh, vừa mang lại cho Trung Quốc không gian chính trị để hướng tới thống nhất bằng hòa bình, có thể là qua việc sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để cô lập Đài Loan và cuối cùng thuyết phục người dân trên đảo rằng họ nên đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Nhưng Washington không có quyền ngăn cản sự thống nhất của hai bên – người Mỹ chỉ có thể đảm bảo điều đó không xảy ra bằng con đường quân sự hoặc cưỡng bức.

 

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh Đài Loan có thể là cuộc chiến tàn khốc nhất kể từ Thế chiến II. Dù khó khăn về mặt chính trị đến đâu, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có nhiệm vụ cố gắng ngăn chặn xung đột, và điều đó có nghĩa là cần nói năng nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn phải mang theo một cây gậy lớn.

 

---------------------

Oriana Skylar Mastro là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford và là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Bà là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Upstart: How China Became a Great Power.”

 

Nguồn: Oriana Skylar Mastro, “This Is What America Is Getting Wrong About China and Taiwan,” New York Times, 16/10/2023

 





No comments: