Monday, October 23, 2023

CHIẾN TRANH TRUNG ĐÔNG : HIỆN TRẠNG, Ý NGHĨA ĐỊA CHÍNH TRỊ và ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ (Đỗ Kim Thêm)

 



Chiến tranh Trung Đông: Hiện trạng, ý nghĩa địa chính trị và ảnh hưởng quốc tế  

Đỗ Kim Thêm

23/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/23/chien-tranh-trung-dong-hien-trang-y-nghia-dia-chinh-tri-va-anh-huong-quoc-te/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-47.png

Bản đồ khu vực Trung Đông, nơi xảy ra xung độc trong nhiều thập niên qua. Nguồn ảnh: DPA-Infografik/ Deutschland radio

 

Hiện trạng

 

Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn.

 

Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.

 

Chuyện khó tin sẽ xảy ra nhưng có thật: Tổ chức khủng bố Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công Israel hôm thứ Bảy, ngày 7/10. Ngay trong ngày đầu, có ít nhất 2.200 tên lửa từ Dải Gaza đã bắn vào lãnh thổ Israel và hàng trăm tên khủng bố Hamas đột nhập vào các ngôi làng gần biên giới Israel. Tại Kibbutz Be’eri, miền Nam Isael, hơn 100 cư dân bị sát hại; tại một lễ hội âm nhạc gần đó có khoảng 3.500 người Israel tham dự, có hơn 250 người bị giết; hơn 212 người bị bắt, đưa đến Dải Gaza để giam giữ.

 

Cuộc tấn công quy mô vào ngày 7/10 tại 20 địa điểm khác nhau được giới quan sát so sánh với sự kiện “9/11” ở Hoa Kỳ vào năm 2001. Hơn thế nữa, nếu tính từ thảm hoạ Holocaust cho đến nay, chưa có ngày nào có nhiều người Do Thái bị sát hại hơn ngày 7/10.

 

Bộ Quốc phòng Israel thú nhận, họ đã không kiểm soát được tình hình ban đầu, mãi cho đến Chủ Nhật.

 

Suốt một tuần qua, các vụ bắn tên lửa từ Dải Gaza vào Israel vẫn còn tiếp tục, chủ yếu ở các thành phố Sderot và Ashkelon thuộc miền nam Israel, nhưng các khu vực khác cũng được báo động là tên lửa của Hamas sẽ bắn phá.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dom của Israel không thể đánh chặn tất cả các loại bom đạn của Hamas. Cho đến nay, có hơn 1.400 người Israel bị giết chết, hơn 4.600 người bị thương và 212 người bị bắt làm con tin.

 

Israel đáp trả bằng các cuộc không kích khốc liệt tại Dải Gaza. Theo số liệu của Hamas, ít nhất 4.385 người chết, trong đó có khoảng 1.756 trẻ em và khoảng 13.000 người khác bị thương. Vì tình hình còn diễn biến liên tục, nên số lượng tổn thất của hai phía không thể kiểm chứng và chưa dừng lại ở các con số nói trên.

 

Nhưng vấn đề quan trọng là, vẫn chưa rõ khi nào bộ binh Israel sẽ tấn công, nhưng họ đang trong tư thế ứng chiến.

 

Israel kêu gọi thường dân định cư ở phía bắc Gaza nên rời ngay khỏi khu vực, biện pháp di tản này sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 1,1 triệu người. Theo một ước lượng, có khoảng hơn 700.000 người dân Palestine đã di tản về phía cực nam và một số khác định cư tạm thời tại các trại cứu trợ xã hội của Palestine.

 

Theo số thống kê dân số, có khoảng 2 triệu 2 người dân đang sống ở Dải Gaza do tổ chức Hamas cai trị từ năm 2007.

 

Ý nghĩa địa chính trị đối với Hamas

 

Cuộc chiến tranh giữa Israel và Palestine là một câu chuyện dài đẫm máu. Khởi đầu là lúc Israel thành lập quốc gia cách đây 75 năm, ba năm sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, sau vụ Đức Quốc xã sát hại sáu triệu người Do Thái. Kể từ ngày dựng nước, Israel luôn trong tư thế giữ nước trước kẻ thù.

 

Là một lực lượng hàng đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng của Palestine, động cơ chính thúc đẩy Hamas tấn công lần này là muốn phá hoại tiến trình hòa bình của Israel với Ả Rập Saudi đang xây dựng.

 

Ngoài ra, Liên minh cực hữu do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo không còn được dân chúng và cộng đồng quốc tế coi là một chính quyền tôn trọng dân chủ và pháp quyền. Việc cải cách tư pháp gây ra nhiều tranh luận và bị đa số dân chúng và chính giới chống đối. Hậu quả là các hoạt động công quyền hầu như tê liệt.

 

Hamas muốn nhân dịp này để khai thác triệt để sự phân hoá trong nội tình chính trị Israel. Mục tiêu trước mắt của Hamas là gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng dân chúng và gây ngờ vực giữa xã hội dân sự và quân đội.

 

Thời điểm của cuộc tấn công làm cho công luận liên tưởng đến việc kỷ niệm 50 năm bắt đầu Chiến tranh Yom Kippur hồi tháng 10 năm 1973.

 

Được thành lập vào năm 1987, Hamas viết tắt của cụm từ “Tổ chức Kháng chiến Hồi giáo”, nhưng cũng có nghĩa là “nhiệt tình sắt đá” hoặc “tinh thần chiến đấu” trong tiếng Ả Rập.

 

Hamas thoát thai từ một chi nhánh của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chính thống Palestine, nhằm đối lập với đảng Fatah, do Yasser Arafat lãnh đạo, mà trong mục tiêu chính có nhiều chủ trương thỏa hiệp hơn.

 

Tổ chức Hamas muốn chinh phục Israel để thành lập một nhà nước Hồi giáo Palestine. Nguyên nhân Hamas chống Do Thái là nhóm Do Thái-Zionist có âm mưu thống trị thế giới.

 

Ngoài lực lượng quân sự là Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, tổ chức Hamas còn có một cơ quan cứu tế xã hội và một đảng chính trị. Họ tin tưởng cuồng nhiệt rằng, với biện pháp đấu tranh vũ trang sẽ mang lại sự thắng lợi cuối cùng.

 

Năm 2006, Hamas trở thành lực lượng mạnh nhất trong các cuộc bầu cử trên lãnh thổ Palestine; sau các cuộc xung đột với đảng Fatah, năm 2007, Hamas nắm quyền kiểm soát dải Gaza.

 

Tổ chức Hamas bị Liên Âu, Mỹ và Israel xếp loại là một nhóm tổ chức khủng bố.

 

Đối với Iran

 

Iran luôn mang tham vọng chế ngự Trung Đông, đó là đặc điểm chính trong bản chất của sự xung đột khu vực, giống như Trung Quốc tại châu Á. Vì nhu cầu năng lượng dầu hỏa và khí đốt, nên châu Âu phải lệ thuộc Trung Đông, một vấn đề kinh tế khó giải quyết.

 

Trong suốt thời gian qua, Iran không tham gia chính thức hay đối đầu trực tiếp với Israel, nhưng trong thực tế là một đồng minh quan trọng hỗ trợ cho tổ chức Hamas.

 

Do đó, gần đây, Mỹ và Liên Âu lên tiếng kêu gọi Iran không nên hợp tác với Hamas và cáo buộc Iran là đạo diễn cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

 

Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, phủ nhận các cáo buộc này và minh định rằng Iran không đứng đằng sau vụ tấn công hiện nay.

 

Lebanon

 

Israel có quá nhiều kẻ thù trong khu vực, mà nhóm Hezbollah (“Đảng của Chúa”) tại Lebanon là một thí dụ điển hình.

 

Về hình thức, Hezbollah là một nhóm dân quân chiến đấu, được thành lập vào năm 1982 do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran huấn luyện và trang bị.

 

Thực ra, ở một số vùng của Lebanon, Hezbollah được tổ chức gần như là một quân đội tinh nhuệ, vì số lượng vũ khí trang bị hiện nay được coi là nguy hiểm hơn nhiều so với số mà Hamas đang sử dụng.

 

Dù tổ chức Hamas theo tông phái Sunni, trong khi dân quân kháng chiến Hezbollah theo tông phái Schia, cả hai âm thầm xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn trong những năm gần đây qua trung gian của Iran. Trong vai trò của nhà tài trợ chính, Iran cung cấp vũ khí và tài chính cho mọi hoạt động của Hamas và Hezbollah.

 

Nhằm sự thể hiện tình đoàn kết chiến đấu với Hamas, từ Lebanon, Hezbollah pháo kích dồn dập vào lãnh thổ Israel.

 

Các cuộc pháo kích cùng lúc của Hezbollah từ phía bắc và của Hamas từ phía nam là một kịch bản phối hợp, một quyết định có hiệu quả, tất cả đang gây thảm hoạ kinh hoàng cho Israel. Tính đến nay, đã có 19 chiến binh của Hezbollah tử vong.

 

Các quốc gia khác

 

Trước viễn cảnh leo thang chiến cuộc, nhìn chung, hiện nay các nước Trung Đông có hai khuynh hướng đối nghịch.

 

Các nước Qatar, Iraq, Syria và Yemen luôn tỏ tình đoàn kết với Hamas và công khai lên án Israel.

 

Trong khi đó, Ai Cập và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dè dặt hơn, vì đang muốn nối lại mối quan hệ với Israel. Mục tiêu trong tương lai có thể là lập một liên minh chống Iran.

 

Cụ thể, Israel đã thiết lập quan hệ chính trị và kinh tế với Morocco, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Sudan. Một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia cũng sắp hoàn tất. Nhìn chung, triển vọng cho việc xây dựng an ninh khu vực đang thành hình.

 

Nhưng qua cuộc tấn công của Hamas lần này, nếu có Iran đứng đằng sau, cho dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, hậu quả là, đang phá hủy tiến trình xây dựng.

 

Mỹ và phương Tây

 

Trong vụ tấn công của tổ chức Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án mạnh mẽ và cảnh báo Hamas không được lợi dụng tình hình hiện tại. Mỹ bảo đảm với Israel, sẽ hỗ trợ “vững chắc và không thể lay chuyển”.

 

Để thể hiện lời hứa, Lầu Năm Góc gửi ngay một nhóm tác chiến thuộc tàu sân bay “USS Gerald R. Ford” với khoảng 5.000 thủy thủ và máy bay chiến đấu đến phía đông Địa Trung Hải. Lực lượng này được hộ tống bởi các tàu tuần dương, tàu khu trục, các chiến hạm và máy bay khác. Vũ khí cũng được cung cấp cho Israel.

 

Ngày 9/10, các nguyên thủ quốc gia Đức, Pháp, Italy và Anh cũng đồng thanh lên tiếng đoàn kết với Israel. Họ tuyên bố,tr ong tương lai sẽ phối hợp hành động trong một phản ứng thống nhất.

 

Sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak lần lượt đến gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem để bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ quyền tự vệ của Israel, song cũng nhấn mạnh đến việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở Dải Gaza.

 

Theo nguồn tin mới nhất, Tổng thống Biden yêu cầu Quốc hội chi 14,3 tỷ đô la để cung cấp thêm viện trợ cho Israel. Đây chỉ là một trong toàn bộ gói viện trợ bao gồm các quỹ dành cho Ukraine và Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ- Mexico, tổng số lên tới 105 tỷ đô la.

 

Tuy nhiên, liệu các quỹ tài trợ này có thông qua được hay không và không rõ khi nào sẽ được thông qua, vì Quốc hội Mỹ hiện đang bị tê liệt bởi cuộc tranh đấu quyền lực giữa các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, kết quả là suốt 19 ngày qua Hạ viện không có Chủ tịch.

 

Theo các cuộc thăm dò hành lang cho biết, Israel nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ; ngược lại, nhiều đảng viên Cộng hòa phản đối việc tài trợ mới cho Ukraine. Thay vào đó, họ yêu cầu tài trợ nhiều hơn để đảm bảo an ninh cho biên giới Mỹ – Mexico, một vấn đề mà Tổng thống Biden hiện muốn đáp ứng trước phe đối lập.

 

Ảnh hưởng quốc tế

 

Nhìn chung, chiến tranh Trung Đông gây ra các ảnh hưởng khác nhau trong chính giới và dân chúng các nước. Thế giới chia thành hai phe, chính phủ các nước lên tiếng cảnh báo tình trạng nguy hiểm dành cho công dân của mình đang sống và làm việc tại Trung Đông. Đức đang tiến hành các biện pháp gỉải cứu cho dân Đức bằng không vận.

 

Ngày 20/10 hàng ngàn người Hồi giáo ở Ý, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia, Marocco, Yemen, Nam Phi và ngay cả New York, biểu tình phản đối Israel, thể hiện tình đoàn kết với Palestine. Tại châu Âu, nổi bật nhất là Anh và Đức.

 

Châu Âu

 

Ngày 21/10 có hơn 100.000 người ở London biểu tình ủng hộ Palestine. Họ yêu cầu Israel chấm dứt phong tỏa và không kích Dải Gaza. Sau cuộc tuần hành, đám đông tập trung trước dinh Thủ tướng Rishi Sunak ở Phố Downing, hô vang khẩu hiệu “Tự do cho Palestine”.

 

Chính quyền Anh kêu gọi những người biểu tình nên nghĩ đến nỗi thống khổ của cộng đồng Do Thái. Hiện nay, tội phạm bài Do Thái ở Anh tăng gấp 13 lần trong tháng 10 so với năm ngoái, trong khi tội ác chống Hồi giáo tăng hơn gấp đôi.

 

Trong cuộc biểu tình hợp pháp này, đã có các hành vi bạo loạn riêng lẻ và sử dụng ngôn từ kích động thù địch, nhưng không đáng kể.

 

Ở Đức, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra khắp nơi, riêng tại Düsseldorf ngày 20/10 có 5.500 người tham gia. Họ mang biểu ngữ “Vì hòa bình, công lý, phẩm giá con người ở Palestine“, một biểu ngữ khác là “Chống chiến tranh, bạo lực và xâm lược ở Gaza“. Nhiều người tham gia vẫy cờ Palestine. Tuy nhiên, không có sự xung đột bạo lực diễn ra.

 

Tại Opernplatz, Frankfurt, có khoảng 700 người tham gia cuộc biểu tình “Hòa bình và Công lý ở Trung Đông”.

 

Ngoài Düsseldorf và Frankfurt, các cuộc biểu tình đang được dự trù sẽ tổ chức tại Cologne, Münster, Bielefeld và các thành phố khác.

 

Có nhiều cuộc biểu tình ủng hộ cho Israel trong cộng đồng người Do Thái ở Đức, cũng như ở Âu châu. Một cuộc biểu tình đoàn kết với Israel diễn ra tại Berlin ngày 22/11. Nhân dịp này, Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng kêu gọi người dân Đức là: “Bảo vệ cuộc sống của người Do Thái là nhiệm vụ của nhà nước và đó là nghĩa vụ công dân“. Cuộc biểu tình được tổ chức dưới khẩu hiệu: “Đứng lên chống khủng bố, hận thù và chủ nghĩa bài Do Thái trong tình đoàn kết và lòng trắc ẩn với Israel“.

 

Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine được chuẩn bị tiến hành cùng lúc tại Potsdamer Platz gần đó, nhưng đã bị cảnh sát cấm vì có “những tiếng la hét bài Do Thái” và “hành động bạo lực”.

 

Tranh chấp của người dân địa phương theo hai phe, khiến cho cảnh sát Đức phải gia tăng bảo vệ các cơ sở thương mại và tôn giáo của người Do thái. Nhưng phong trào bài Do thái của thành phần cực hữu gia tăng khắp nơi một cách nghiêm trọng, làm cho bất ổn xã hội còn kéo dài.

 

Ukraine

 

Chiến sự Ukraine vẫn tiếp tục, tương quan trên chiến trường không rõ ràng, nhưng phía Ukraine còn cần nhiều viện trợ quân sự của Mỹ và châu Âu để có thể đạt ưu thế hơn cho một giải pháp đàm phán trong tương lai.

 

Cho dù chưa biết kết cuộc ra sao, chiến phí của Nga tại Ukraine sẽ quá đắt. Tuy nhiên, Putin không quan tâm đến chiến phí hay sinh mạng binh sĩ, mà chỉ biết tận dụng tình thế cầm cự này để kêu gọi binh sĩ kiên trì và dân chúng hy sinh nhiều hơn.

 

Tình hình chung là không thuận lợi cho Ukraine vì tất cả tuỳ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nối lại tình thân thiết với Putin, đó sẽ là kịch bản xấu nhất dành cho Ukraine.

 

Nhưng cục diện đang thay đổi, trước mắt với cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10. Các biện pháp trả đũa khốc liệt sắp tới của Israel sẽ làm cho công luận và chính giới quan tâm đến diễn biến chiến cuộc tại Trung Đông nhiều hơn là Ukraine.

 

Cho đến nay, các nước châu Âu còn đang phải giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu và luồng di dân. Chiến cuộc kéo dài, trong khi kinh tế chưa hồi phục, làm cho các nước cảm thấy bị thử thách nhiều hơn. Thiện cảm và kiên nhẫn đối với Ukraine có ít nhiều thay đổi và tạo ra những mâu thuẫn trong chính trị nội địa các nước. Tác động trực tiếp là khả năng viện trợ của châu Âu cho Ukraine có thể bị suy giảm và không còn lối thoát nào khác, Ukraine sẽ lệ thuộc viện trợ Mỹ nhiều hơn.

 

Nhưng Ukraine có nên hy vọng rằng Mỹ sẽ viện trợ dễ dàng hơn không? Thực tế ngược lại. Một mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tự tin rằng việc cung cấp vũ khí cho cả hai nước Ukraine và Israel cùng lúc là không có mâu thuẫn và khả thi. Mặt khác, viện trợ dành cho Ukraine gặp phản đối của Đảng Cộng hòa.

 

Ukraine muốn có nhiều hệ thống tên lửa Patriot để chiến đấu hiệu quả hơn so với tên lửa của Nga. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến ở Gaza lan rộng, Israel sẽ cần nhiều hơn những hệ thống đó. Nguồn tài trợ của Washington dành cho Ukraine sẽ bị giới hạn. Để giải quyết tình trạng này, việc Mỹ chuyển giao vũ khí cần thiết dành cho Israel, sẽ chuyển sang Ukraine hay ngược lại, đó là một ý kiến được đề ra, nhưng hậu quả sẽ là Israel hay Ukraine sẽ nhận ít hơn. Giải pháp cho vấn đề chưa được chung quyết.

 

Nhưng điểm quan trọng nhất là, cuối cùng đều phải tuỳ thuộc vào việc Quốc hội Mỹ biểu quyết cho các biện pháp viện trợ chung. Nhưng Quốc hội Mỹ đang bị tê liệt, nên mọi dự báo về giải pháp cho Ukraine cũng như Israel càng khó lường đoán.

 

Nga

 

Sau cuộc tấn công ngày 7/10, mối bang giao Nga- Israel trở nên phức tạp hơn. Trước đây, mối quan hệ thân thiết cá nhân Putin và Netanyahu tạo nhiều thuận lợi cho Nga. Bằng chứng là ngay trong cuộc vận động tranh cử năm 2019, Netanyahu ca ngợi Putin không tiếc lời trên các bảng quảng cáo. Một số lượng lớn người Nga gốc Do Thái hồi cư tại Israel, làm cho sự gắn bó của Israel với Nga càng sâu đậm hơn.

 

Do đó, trong cuộc chiến Ukraine, Israel không bày tỏ lập trường rõ rệt. Cụ thể là, Netanyahu từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine và không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế. Các quyết định này tạo nhiều thuận lợi cho Nga và làm cho Washington và Kyiv tức giận. Zelensky xác nhận rằng, tình bạn nồng ấm giữa Netanyahu và Putin gây tổn hại cho mối bang giao với Ukraine.

 

Trong cuộc chiến Ukraine, Nga trở nên phụ thuộc Iran, một đối thủ của Israel. Iran là nguồn cung ứng quan trọng về máy bay không người lái cho Nga. Với hiệu năng cao và chi phí rẻ, Nga tận dụng lợi thế này. Do đó, chính giới Mỹ nhiều lần tố giác Tehran trao đổi hàng hóa quân sự với Nga để nhận sự hỗ trợ chính trị của nước này.

 

Vấn đề phức tạp hơn nữa khi Putin cáo buộc nhà lãnh đạo Zelensky chỉ là người giúp việc cho phương Tây và tôn vinh chủ nghĩa phát xít.

 

Trong Chiến tranh Lạnh, Moscow đã trang bị vũ khí cho các nước Ả Rập, gây phản đối từ phía Israel, khiến Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967.

 

Tình thế đổi thay, Ukraine có hy vọng sẽ là ngư ông thủ lợi khi mối quan hệ Nga – Israel tan vỡ. Zelensky muốn thể hiện việc xây dựng mối quan hệ mới này khi yêu cầu được thăm viếng chính thức Israel. Trong bối cảnh mới, nếu việc xây dựng mối quan hệ Israel và Ukraine thành công, Putin sẽ gặp nhiều khó khăn khó lường đoán hơn.

 





No comments: