Sunday, October 22, 2023

BIDEN và CHIẾN SỰ TRUNG ĐÔNG (Hiếu Chân / Người Việt)

 



 

Biden và chiến sự Trung Đông

Hiếu Chân/Người Việt

October 20, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/biden-va-chien-su-trung-dong/

 

Tổng Thống Joe Biden đã có bài phát biểu quan trọng với người dân Mỹ vào “giờ vàng” tối hôm Thứ Năm, 19 Tháng Mười, một ngày sau khi ông trở về từ chuyến kinh lý tới vùng chiến sự Trung Đông. Bài diễn văn 15 phút của ông chủ Tòa Bạch Ốc minh định lập trường của Hoa Kỳ đối với các cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra, giải thích tại sao chiến tranh ở các quốc gia xa xôi như Israel và Ukraine lại là vấn đề của người Mỹ, tại sao Mỹ phải tiếp tục viện trợ các nước này. Tuy nhiên, phát biểu quan trọng của ông Biden làm nhiều người không hài lòng vì ông tỏ ra mềm mỏng với nhà cầm quyền Israel mà thiếu quan tâm tới nguyện vọng của người Palestine, do đó khó có thể giải quyết vấn đề Trung Đông mà còn có thể xói mòn uy tín của nước Mỹ ở khu vực.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/10/BL-Biden-Xin-Tien-1536x1024.jpg

Trẻ em Palestine ngồi trên đống gạch vụn của khu nhà bị Israel ném bom ở Gaza. (Hình minh họa: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

 

Biden: Nếu không ngăn chặn khủng bố và độc tài, nước Mỹ sẽ trả giá

 

Israel có mọi quyền tự vệ – đó là tuyên bố mà các giới chức cao cấp nhất của Israel và Mỹ nhắc đi nhắc lại về vụ trả đũa của Tel Aviv sau khi bị tổ chức Hamas bất ngờ tấn công và tàn sát 1,400 người Israel hôm 7 Tháng Mười, trong đó có ít nhất 30 người Mỹ. Trong bài diễn văn hôm Thứ Năm, ông Biden không chỉ nhấn mạnh Israel có quyền tự vệ, Mỹ cam kết ủng hộ Tel Aviv bằng mọi giá, ông còn nêu bật sự tương đồng trong vụ Hamas bất ngờ tấn công và tàn sát man rợ các khu định cư giáp với Dải Gaza và cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo ở Ukraine mà chính quyền của ông Vladimir Putin thực hiện suốt 20 tháng qua.

 

Theo ông Biden, cả Nga và Hamas đều đại diện cho các thế lực khủng bố và độc tài, mưu toan xóa sổ các nền dân chủ ở các nước láng giềng và đặt ra những mối đe dọa cho thế giới. Trong hoàn cảnh đó, Hoa Kỳ cần viện trợ cho Israel và Ukraine. Ông kêu gọi Quốc Hội nhanh chóng phê chuẩn khoản viện trợ $105 tỷ mà Tòa Bạch Ốc sắp đệ trình.

 

“Lịch sử dạy chúng ta rằng khi quân khủng bố không phải trả giá cho hành vi khủng bố của chúng, khi các nhà độc tài không phải trả giá cho sự xâm lăng của họ thì họ sẽ gây ra nhiều sự hỗn loạn và chết chóc hơn nữa, nhiều sự tàn phá hơn nữa. Họ sẽ tiếp tục. Và cái giá phải trả cũng như mối đe dọa nước Mỹ và thế giới tiếp tục tăng lên,” ông Biden nói.

 

Lập luận của tổng thống rất chặt chẽ, lập trường của ông rất vững chắc, nhưng có gì đó khiên cưỡng khi đặt Nga và Hamas vào cùng một loại. Trong trường hợp Ukraine, chiến tranh là cuộc xâm lược vô cớ của một nước lớn và mạnh, một cường quốc nguyên tử, vào một nước láng giềng Ukraine nhỏ bé hơn, chà đạp Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế. Vì thế, đa số các nước trên thế giới đồng lòng ủng hộ Ukraine kháng chiến giữ nước, lên án hành động của Nga và ông Putin. Không có gì để băn khoăn ở đây.

 

Trong trường hợp Israel, Hamas chỉ là một tổ chức bị coi là khủng bố cực đoan, hành động man rợ và coi đó là cách phản ứng của kẻ yếu thế bị đàn áp. Khác với Ukraine, Israel đối phó với Hamas trên tư thế kẻ mạnh, nhưng đồng thời là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột. Tổng Thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập có lý khi nói với Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ hôm 15 Tháng Mười: “Nhưng chúng ta cần hiểu đây [vụ khủng bố] là kết quả của sự giận dữ và hận thù tích tụ trong suốt bốn thập niên, khi mà người Palestine không còn hy vọng tìm ra giải pháp.”

 

Phản ứng của Mỹ: Vội vàng và thiên vị

 

Phải dứt khoát lên án hành vi khủng bố của Hamas, nhưng cũng không thể im lặng về chính sách cướp đất và kỳ thị chủng tộc của Israel. Phản đối Israel không có nghĩa là tán dương hay chấp nhận hành vi khủng bố của Hamas. Hai chuyện đó khác hẳn nhau. Xem ra khi đánh đồng vụ khủng bố của Hamas với cuộc xâm lược của Nga để rồi biện minh cho hành động trả đũa tàn bạo của Israel vào dải Gaza, ông Biden đã thiên vị rõ rệt.

 

Ngay sau khi vụ khủng bố nổ ra ở Israel sáng ngày Thứ Bảy, 7 Tháng Mười, chính quyền Biden đã phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng, nếu không nói là vội vàng. Mỹ cử lực lượng quân đội hùng hậu, có cả hàng không mẫu hạm, đến Địa Trung Hải, cấp tập viện trợ vũ khí đạn dược cho Tel Aviv và thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi của Ngoại Trưởng Antony Blinken đến thủ đô các nước Trung Đông. Được Washington công khai hậu thuẫn, chính phủ cực hữu của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel lập tức mở cuộc phong tỏa toàn diện dải Gaza và phát động cuộc tấn công bằng phi cơ và hỏa tiễn vào mảnh đất hẹp vốn bị coi là “nhà tù lộ thiên” lớn nhất thế giới. Cuộc sống của hơn 2 triệu người Palestine, vốn đã khốn khổ khốn nạn trong vòng kiềm tỏa của Israel suốt mấy chục năm, nay bị đẩy tới bờ vực của sự diệt chủng.

 

Ủng hộ Israel trả đũa Hamas là đúng, nhưng phát ngôn và hành động của chính quyền Biden tạo ra cảm nghĩ rằng Washington vội vàng đứng về phía Tel Aviv mà không hành xử như một siêu cường cầm cân nảy mực, chí công vô tư, trong những vấn đề của thế giới. Hậu quả là biểu tình chống Mỹ bùng nổ khắp các nước trong khu vực, lan sang tận Châu Á và cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Biden, quốc vương Jordan, Tổng Thống Mahmoud Abbas của Palestine về Gaza bị hủy vào phút chót. Ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ hiện nay cũng có không ít tiếng nói bất đồng với việc Washington hậu thuẫn quá nhiệt thành cho Tel Aviv và gây nguy hiểm cho lợi ích của chính nước Mỹ.

 

Làm sao thuyết phục Israel?

 

Dù ủng hộ Israel hết mình, ông Biden không thuyết phục được các nhà lãnh đạo cực đoan của Israel kiềm chế trong cơn say máu trả thù của họ. Nói gì thì nói, việc Israel cắt nguồn cung cấp điện, nước, thực phẩm, thuốc men, và đi lại của hơn 2 triệu người, đa số là người nghèo, ở Dải Gaza, cùng lúc liên tục dội bom và bắn hỏa tiễn san bằng nhiều khu phố, giết chết hơn 4,000 người, làm bị thương gần 20,000 người, là một hành động hết sức vô nhân đạo, gây phẫn nộ khắp thế giới.

 

Ông Biden có nói với ông Netanyahu về “lỗi lầm” của chính quyền Mỹ sau vụ khủng bố làm hơn 3,000 người Mỹ thiệt mạng ngày 11 Tháng Chín, 2001 và khuyên nhà lãnh đạo Israel chớ để “nóng mất ngon, giận mất khôn” mà trở thành mù quáng. Ông cảnh báo một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza có thể mang lại thảm họa cho cả Palestine và Israel. Ông yêu cầu Israel tôn trọng luật quốc tế về chiến tranh, tránh gây thiệt hại cho dân thường và cho phép các đoàn xe chở nhu yếu phẩm viện trợ do Liên Hiệp Quốc điều hành được vào Gaza càng sớm càng tốt.

 

“Nếu các bạn có cơ hội xoa dịu nỗi đau thì các bạn nên nắm lấy. Chấm hết. Nếu các bạn không nắm lấy, uy tín của các bạn sẽ bị hủy hoại trên toàn thế giới. Tôi nghĩ họ hiểu lời tôi nhắn nhủ,” ông Biden thuật lại buổi nói chuyện với ông Netanyahu cho các phóng viên tháp tùng trên phi cơ trở về Mỹ, theo tường trình của báo The Guardian. Ông cũng tiết lộ Mỹ đang thảo luận với lãnh đạo quân đội Israel tìm biện pháp thay thế cho chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

 

Ông Netanyahu đã lịch sự lắng nghe nhưng không hành động như ông Biden yêu cầu. Israel vẫn tiếp tục dội bom đạn xuống Gaza, vẫn cưỡng bức người Palestine phải di tản tới nơi an toàn dù ai cũng biết không có nơi nào an toàn khi toàn bộ dải đất này bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Quân đội hùng hậu của Israel vẫn sẵn sàng đổ bộ vào Gaza khi có lệnh còn các đoàn xe chở hàng cứu trợ vẫn chưa thể vào Gaza vì phía Israel chưa chấp nhận, theo cáo buộc từ Ai Cập, nước quản lý cửa khẩu Rafah nối Gaza với bán đảo Sinai.

 

Tất nhiên, Israel có quyền hành động theo quyết định của riêng họ nhưng chính phủ của ông Netanyahu dường như đang muốn chứng tỏ họ không muốn nghe theo “chỉ đạo” của Hoa Kỳ. Nên để ý quan hệ của Thủ Tướng Netanyahu với Tổng Thống Biden từng không hòa thuận do ông Biden phản đối những chính sách cực hữu của ông Netanyahu, đặc biệt là kế hoạch thu hẹp quyền hạn của nhánh tư pháp và chuyển theo hướng độc tài. Nhưng gần đây để ổn định tình hình Trung Đông, ông Biden tạm nhân nhượng để kéo ông Netanyahu vào cuộc hội đàm bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia – một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở khu vực. Thế rồi xảy ra vụ tấn công ngày 7 Tháng Mười, nước cờ nhân nhượng Israel đột ngột biến thành sự hậu thuẫn vững chắc của Washington và ông Netanyahu được thể lấn tới. Ông thủ tướng Israel không tỏ vẻ muốn áp dụng bài học kinh nghiệm của Mỹ sau vụ 11 Tháng Chín trong không khí sục sôi đòi trả thù ở Israel hiện nay.

 

Tổng Thống Biden không bỏ qua quan điểm của người Palestine. Ông khẳng định: “Hoa Kỳ tiếp tục cam kết theo đuổi quyền của người Palestine được tự quyết và phẩm giá được tôn trọng.” Ông nhắc lại mục đích của giải pháp “hai nhà nước” Israel và Palestine cho dù triển vọng của giải pháp đó hiện có vẻ xa vời hơn bao giờ. Thông điệp về Palestine của ông chỉ thoảng qua và có vẻ chiếu lệ so với những lời hoa mỹ về Israel và sứ mệnh của Hoa Kỳ.

 

Bây giờ ông Biden đã trở về Washington, quân Israel sẽ đổ bộ vào Gaza bất cứ lúc nào để tiêu diệt Hamas dù thương vong cho thường dân Palestine sẽ rất kinh khủng. Một sai lầm như vậy có thể sẽ đẩy khu vực Trung Đông vào đám cháy lớn, cả người Palestine, người Do Thái, và quyền lợi của Mỹ chắc chắn sẽ bị thiệt hại không bù đắp nổi. [đ.d.]

 

 





No comments: