Sunday, October 22, 2023

BÀN VỀ QUY ĐỊNH BẮT TẠM GIAM (Ngô Anh Tuấn)

 



BÀN VỀ QUY ĐỊNH BẮT TẠM GIAM  

Ngô Anh Tuấn

21-10-2023  09:06   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0bTTYhTFJU4MUeqV6rgQqB2B7T6zX5xvRxkT8BZeVTQAHAc1oHKnDJRAzLs7PiCqCl&id=1569759542

 

Trường hợp nào bị bắt tạm giam?

 

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về Tạm giam thì: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng (Khoản 1); có thể áp dụng tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn…

 

Như vậy, tạm giam chỉ áp dụng chủ yếu đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; các tội phạm khác ở mức độ thấp hơn, để phải áp dụng biện pháp tạm giam, cần thêm một hoặc một số điều kiện khác đi kèm như tôi vừa liệt kê sơ bộ trên đây.

 

Thực tế, đối tượng bị tạm giam hiện tại rất rộng và số lượng bị tạm giam rất lớn, gây áp lực không chỉ cho những người bị tạm giam, người thân cửa họ mà lên cả cơ quan thực hiện việc giam giữ, cán bộ phụ trách việc giam giữ. Một số nơi tôi có lui tới như TP.HCM, Điện Biên còn mở rộng thêm nhà giam hoặc chuyển tới nơi mới rộng hơn, giam được nhiều người hơn…

 

 

Được bắt tạm giam bao lâu?

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 173 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về Thời hạn tạm giam để điều tra thì: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

 

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

 

Thực tế thì rất nhiều vụ án, thời hạn bị tạm giam bị kéo dài hơn rất nhiều so với luật định mà không thay đổi biện pháp ngăn chặn khác.

 

 

Những biện pháp nào thay thế việc bắt tạm giam?

 

Hiện tại, có hai biện pháp chính được quy định, gồm: Bảo lĩnh và Đặt tiền để bảo đảm theo Điều 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bảo lĩnh và Đặt tiền để bảo đảm là các biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh hay đặt tiền để bảo đảm. Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

 

Căn cứ theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, mức tiền nộp để được tại ngoại được quy định như sau: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới: Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Như vậy, dù quy định rõ ràng trong luật nhưng những quy định này không được phổ biến và áp dụng rộng rãi nên không phải ai cũng biết đến. Đây là những quy định của pháp luật chứ không phải là một “đặc ân” của ai đó dành cho riêng một ai đó.

 

 

Cần làm gì để giảm bớt việc phải bắt tạm giam?

 

Như đã trình bày trên, việc bắt tạm giam không chỉ gây khó khăn, áp lực lớn cho bị can, bị cáo cùng người thân của họ mà còn gây thêm gánh nặng cho nhà nước nơi tạm giam phải cắt người trông giữ và nuôi ăn uống không công cho người bị bắt giữ; đó là chưa nói tới việc tỷ lệ bắt tạm giam quá nhiều sẽ dễ dẫn tới tỷ lệ oan sai không thể khắc phục có thể tăng theo tỷ lệ thuận. Những ai phải ở một số ngày trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam thì mới hiểu hết giá trị của những ngày bên ngoài và vì mong muốn được ra ngoài bằng mọi giá nên không ít người chấp nhận “đánh đổi” bằng nhiều cách khác nhau.

 

Để giảm thiểu áp lực cho các bên, giảm gánh nặng cho nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao và các cơ quan có liên quan cần thiết nên họp bàn, phổ biến và đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp bảo đảm ngăn chặn thay thế tạm giam như Bảo lĩnh hoặc Đặt tiền để bảo đảm. Nếu điều này được thực hiện trên diện rộng, chúng ta không phải tính tới việc xây thêm nhà tù, dành ngân sách cho giáo dục, y tế. Việc này cũng vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật, giảm oan sai, nhà nước không chỉ giảm chi ngân sách mà số tiền lãi tiền gửi ngân hàng thu được từ số tiền đặt để bảo đảm nếu sử dụng đúng cách sẽ là khoản thu không nhỏ để tái đầu tư, cải tạo nhà giam giữ, tăng chất lượng đời sống cán bộ, nhân viên và cả những người bị giam giữ.

 

Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các biện pháp ngăn chặn đã đúng, đủ, phù hợp hay chưa; có hay không sự lạm quyền trong việc áp dụng những biện pháp nêu trên nhằm tạo ra một cơ chế thống nhất mà bất cứ ai cũng phải thực hiện, bất kỳ ai khi rơi vào tình huống pháp lý tương tự cũng được áp dụng như nhau. Có như vậy thì việc đặc quyền, đặc lợi mới ít được nhắc tới và người dân bình thường ít phải đưa ra những nghi vấn về động cơ không trong sáng của những người có liên quan khi mà những yêu cầu, đề nghị mà họ xem là chính đáng không được xem xét thoả đáng.

 

.

42 BÌNH LUÂN   

 





No comments: