Ba
chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Việt Nam ân xá tử tù Nguyễn Văn Chưởng
RFA
2023.10.11
Một nhóm
ba chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ) gửi thư chung tới Chính phủ
Việt Nam, đề nghị Hà Nội xoá bỏ án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng và ân xá
cho tử tù này.
Ông
Nguyễn Trường Chinh và vợ với biểu ngữ kêu gọi cứu tính mạng Nguyễn Văn Chưởng
(Fb Nguyễn Trường Chinh/RFA edited)
Thư chung
của Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, không công bằng
hoặc tùy tiện; Báo cáo viên đặc biệt về tính độc lập của thẩm phán và luật sư;
và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn
ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác gửi cho Chính phủ Việt Nam ngày 10/8/2023 và
được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố đầu tuần này.
Ông Nguyễn
Văn Chưởng, 40 tuổi, bị kết án tử hình năm 2008 vì bị cho là thủ phạm trong vụ
giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng vào giữa tháng 7 năm 2007 trong khi tử tù
này liên tục kêu oan, nói bị tra tấn ép cung và các cơ quan tố tụng tảng lờ nhiều
bằng chứng ngoại phạm của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Một tuần
trước khi ba báo cáo viên gửi thư chung, ngày 04/8 vừa qua, gia đình Nguyễn Văn
Chưởng nhận được thông báo của Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc làm
đơn để nhận xác người này về mai táng cho dù cơ quan này không thông báo khi
nào sẽ thi hành án.
“Vì
tính cấp bách của vấn đề và tính không thể đảo ngược của việc thi hành án tử
hình, chúng tôi trân trọng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Việt
Nam đảm bảo không xử tử ông Chưởng. Việc hành quyết ông, dựa trên những thông
tin chúng tôi có được, có thể cấu thành hành vi vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền
quốc tế hiện hành và cấu thành một cuộc hành quyết tùy tiện. Chúng tôi kêu gọi
Chủ tịch nước và cơ quan hành pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem
xét ân xá, giảm án cho ông Chưởng,”
thư chung nói.
Thư chung
cũng nhắc đến thông tin tra tấn ép cung đối với Nguyễn Văn Chưởng mà ba báo cáo
viên nhận được, nêu chi tiết cách cách nghi phạm bị còng tay, đánh đập và đe dọa
cho đến khi tự nhận tội.
Các chuyên
gia nhân quyền nhắc đến việc các cơ quan công tố bỏ qua những bằng chứng ngoại
phạm của Nguyễn Văn Chưởng. Thay vì điều tra tính xác thực của bằng chứng ngoại
phạm, công an Hải Phòng đã bắt giữ em trai ông Chưởng với cáo buộc thao túng bằng
chứng và gây ảnh hưởng đến nhân chứng.
Các chuyên
gia cũng nhận được thông tin về việc một số nhân chứng làm chứng cho bằng chứng
ngoại phạm của ông Chưởng đã bị công an ép buộc thay đổi lời khai của họ.
“Chúng
tôi nhắc lại rằng việc thi hành án tử hình mà không áp dụng các tiêu chí cao nhất
về xét xử công bằng có thể dẫn tới việc thi hành án một cách tùy tiện và vi phạm
quyền sống theo luật pháp quốc tế.
Chúng
tôi trân trọng kêu gọi Chính phủ Việt Nam xem xét việc thực hiện sự khoan hồng
đối với ông ấy và giảm mức án cho ông ấy xuống một thời hạn tù thích hợp; xem
xét kỹ lưỡng vụ án và nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách
quan về những cáo buộc cho rằng tra tấn và các hành vi ngược đãi khác được sử dụng
để lấy lời thú tội trong khi bị giam giữ.”
Thư chung
nhắc lại rằng luật pháp quốc tế quy định các quốc gia thành viên của Công ước
chống tra tấn phải tiến hành nhanh chóng, khách quan và điều tra kỹ lưỡng khi
có khiếu nại về tra tấn hoặc ngược đãi khác và “bất kỳ lời khai nào được xác định
là được thực hiện do bị tra tấn sẽ không được viện dẫn như bằng chứng trong bất
kỳ thủ tục tố tụng nào, ngoại trừ việc sử dụng như bằng chứng chống lại người bị
buộc tội thực hiện hành vi tra tấn.”
Quốc hội
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn năm 2014 và Việt Nam trở thành quốc
gia thành viên thứ 158 của công ước vào ngày 07/3/2015.
HRW
kêu gọi Việt Nam cải tổ lực lượng công an
Bình luận
về cáo buộc tra tấn ép cung trong trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng, ông Phil
Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)
nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 11/10:
“Hoạt động
điều tra của công an Việt Nam trong các vụ án hình sự thường dựa vào tra tấn và
ép cung, và điều này dẫn đến nhiều oan sai trong xét xử. Trong trường hợp này,
thảm kịch càng trở nên trầm trọng hơn khi Việt Nam sử dụng hình phạt tử hình, một
hình phạt tàn nhẫn, bất thường và hoàn toàn không thể đảo ngược, vi phạm trắng
trợn luật nhân quyền quốc tế.”
Ông đưa ra
lời kêu gọi Hà Nội cải tổ lực lượng công an để xoá bỏ việc tra tấn nghi phạm, bảo
đảm quyền được xét xử công bằng.
“Chính
phủ Việt Nam cần phải thức tỉnh và nhận ra rằng lực lượng công an của họ là một
phần chính của vấn đề ở đất nước, và trừ khi có những cải cách nghiêm túc và
mang tính hệ thống trong cách thức hoạt động của công an, Việt Nam sẽ không bao
giờ có thể nghiêm túc tuân thủ các cam kết quốc tế về nhân quyền của mình.”
Ông nói về
trường hợp Nguyễn Văn Chưởng như một vụ điển hình về oan sai ở Việt Nam.
“Thật
đáng buồn và bi thảm khi một người được cho là vô tội, với bằng chứng ngoại phạm
rõ ràng như vậy, lại phải đối mặt với hơn một thập niên ngồi tù và giờ là cái
chết, và nỗ lực tìm kiếm một phiên tòa lại dựa trên bằng chứng lại bị từ chối.”
Ông
Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, người cùng vợ đi kêu oan
cho con trai trong 17 năm qua, nói với RFA:
“Trong
hai tháng vừa qua, gia đình chúng tôi đang chờ câu trả lời của Chủ tịch nước và
Chính phủ Việt Nam trả lời về việc dừng thi hành án và yêu cầu điều tra trả tự
do cho Nguyễn Văn Chưởng nhưng cho đến nay vẫn chưa có, nên tôi rất là lo lắng.”
Ông kêu gọi
cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để cứu lấy con trai của ông:
“Mong
các chuyên gia nhân quyền và mọi người yêu công lý tự do và sự thật trên thế giới
Hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đòi tự cho cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy
Hải, và trước hết là đòi quyết định hoãn thi hành án vĩnh viễn đối với Nguyễn
Văn Chưởng.”
Ngay sau
khi trả lời phỏng vấn của RFA vào sáng sớm ngày 11/10, ông nói gia đình ông lại
lên Văn phòng Chủ tịch nước và một số cơ quan trung ương ở Hà Nội để biểu tình
và kêu oan cho con trai với khẩu hiệu “Cứu Nguyễn Văn Chưởng- sắp bị giết oan,”
như họ đã làm hàng ngày trong nhiều năm qua.
RFA có
liên lạc với ông luật sư Lê Văn Hòa, người từng lên tiếng về những sai sót tố tụng
trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Trong thư
chung, các chuyên gia nhân quyền LHQ cũng bày tỏ quan ngại về việc áp dụng án tử
hình ở Việt Nam cũng như thiếu minh bạch về thông tin tử hình ở quốc gia này.
“Chúng
tôi quan ngại sâu sắc về tính chất bí mật của việc áp dụng hình phạt tử hình ở
Việt Nam. Hình phạt tử hình được coi là bí mật nhà nước theo Luật Bí mật nhà nước
năm 2018, theo đó, người nào tiết lộ dữ liệu liên quan đến án tử hình dù cố ý
hay vô ý đều phải chịu mức phạt hình sự lên tới 15 năm tù. Kết quả là dữ liệu
và số liệu thống kê liên quan đến án tử hình không được công bố rộng rãi ở Việt
Nam.”
Theo các
chuyên gia, với 40 năm kinh nghiệm của Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết
không qua xét xử, không công bằng hoặc tùy tiện, cũng như xem xét cẩn thận nhiều
nghiên cứu và bằng chứng, không có bằng chứng thuyết phục nào trên toàn thế giới
cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả.
Nguyễn Văn
Chưởng, Lê Văn Mạnh, và Hồ Duy Hải là ba tử tù kêu oan vì kết tội dựa trên lời
khai có được từ tra tấn bên cạnh việc cơ quan tố tụng có nhiều sai sót nghiêm
trọng trong quá trình điều tra và xét xử.
Đối
với vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, Phái đoàn ngoại
giao của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và 13 tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sử dụng quyền của mình để dừng thi hành án tử hình
đối với ông và bãi bỏ án tử hình ở quốc gia độc đảng này.
Ngày
22/9 vừa qua, nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành xử tử Lê Văn Mạnh bằng
hình thức tiêm thuốc độc, chỉ bốn ngày sau khi thông báo với gia đình về việc
làm đơn xin đưa xác về mai táng, và bất chấp lời kêu gọi dừng tử hình của Liên
minh Châu Âu, Canada, Anh Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Báo cáo
viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, không công bằng hoặc tùy tiện
của LHQ đã lên án vụ tử hình Lê Văn Mạnh, đồng thời kêu gọi Việt Nam tuân thủ
các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc
thực hiện các án tử hình.
Trong
khi đó, Ân xá Quốc tế thì nói việc kết liễu mạng sống của Lê Văn Mạnh là một việc
làm “đáng kinh tởm” khi còn nhiều uẩn khúc trong vụ án này.
No comments:
Post a Comment