Wednesday, October 18, 2023

ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM (Võ Xuân Sơn)

 



Đất rừng phương Nam

Võ Xuân Sơn

18/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/18/dat-rung-phuong-nam/

 

Đất rừng phương Nam là một cuốn truyện (gọi văn vẻ là tác phẩm văn học) của nhà văn Đoàn Giỏi, mà tôi đọc khi còn nhỏ. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng chắc chắn nó đã ra đời trên 50 năm rồi.

 

Là con nhà miền Nam trên đất Bắc, phải xác nhận là cuốn truyện ấy tác động đến tôi thật nhiều, vì nó cho tôi thấy một phần quê hương tôi. Tuy nhiên, trong truyện, có một số chi tiết khó tin, tôi hỏi ba tôi, ba tôi bảo ba tôi không rõ, cũng có thể là do ông ấy (nhà văn Đoàn Giỏi) bịa ra, tiểu thuyết mà.

 

Còn nhớ, có lần bác Cao Minh Nhật và bác Thành Trí đến nhà chơi và ở lại vài ngày, tôi tranh thủ cơ hội hỏi hai bác ấy về những chi tiết trong cuốn truyện ấy, mà không nhắc đến tên của cuốn truyện. Lúc ấy, bác Cao Minh Nhật vừa ở tù ra, có vẻ không hiểu tôi nói về cái gì. Nhưng bác Thành Trí bảo, cái tay Đoàn Giỏi này khá lắm.

 

Nói vậy để thấy, Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi đã đi vào lòng người xem ở miền Bắc, đặc biệt là thế hệ của tôi, như thế nào. Ở trong Nam, Bác Ba Phi cũng đã là một nhân vật của dân gian, hình ảnh đã được in sâu trong lòng người dân thuộc rất nhiều thế hệ, hiện đang sống ở cả trong nước và nước ngoài.

 

Tôi chưa xem, và cũng không biết sẽ có xem phim Đất rừng phương Nam của Trấn Thành hay không, tôi không bàn về bộ phim. Nhưng tôi đọc được vô số những ý kiến, những lời bình, về bộ phim, về những lời bình, về việc thẩm định lại, và cả về việc các trường khuyến khích hay bắt buộc học sinh, sinh viên đi xem phim này.

 

Tôi thấy thế này. Văn học nghệ thuật nói chung, và công việc sáng tác nói riêng, cần có một không gian tự do cho sự bay bổng, cho hư cấu, cho các thủ pháp truyền tải các triết lí, tư tưởng, hoặc đơn giản là câu view, câu like. Nhưng nếu đã lấy những hình ảnh, những biểu tượng đã ăn sâu trong kí ức của số đông người dân, cần phải tôn trọng nó.

 

Không ai được phép cấm người khác sáng tác, hư cấu. Nhưng hãy đừng vì thế mà sử dụng tùy tiện những hình ảnh hay biểu tượng đã đi vào kí ức của nhiều người, bóp méo những hình ảnh đó, để phục vụ cho mục đích của mình.

 





No comments: