Saturday, March 11, 2023

VÌ SAO DU KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM SỐ LƯỢNG ÍT và CHI XÀI CŨNG ÍT? (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Vì sao du khách quốc tế đến Việt Nam số lượng ít và chi xài cũng ít?

An Vui  -  Saigon Nhỏ

11 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vi-sao-du-khach-quoc-te-den-viet-nam-so-luong-it-va-chi-xai-cung-it/

 

Visa cấp hạn lưu trú quá ngắn, thủ tục gia hạn lại rườm rà, mức phí không đồng nhất; khi đến rồi không có gì để mua và để chơi… là những lý do khiến du khách quốc tế chán Việt Nam. 

 

Hội thảo chủ đề “Mở visa, phục hồi du lịch” do Thanh Niên tổ chức ngày 10 Tháng Ba đã nêu nhiều mặt hạn chế của du lịch Việt Nam, khiến số lượng du khách đến Việt Nam sau đại dịch không đạt mục tiêu, trong đó rào cản lớn nhất là chính sách về visa.

 

1.    Phạm Trung Lương, cựu Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng có nhiều yếu tố quyết định việc lựa chọn điểm đến sau Covid-19 của du khách, thứ nhất điểm đến có những giá trị hấp dẫn; thứ hai điểm đến dễ tiếp cận, trong đó là chính sách visa; thứ ba là nụ cười của nhân viên hải quan; thứ tư là có đường bay thẳng. Trong 4 yếu tố đó, ông Lương khẳng định visa là rào cản đầu tiên cần được giải quyết gấp, vì hiện chỉ có 13 quốc gia được miễn visa nhập cảnh vào Việt Nam, với thời gian lưu trú quá ngắn. 

 

2.    Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, phàn nàn chính sách visa của Việt Nam quá khắt khe so với nhiều nước. Ông dẫn chứng: Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế bằng 1/2 của Thái Lan. Sau đại dịch, khách quốc tế vào Việt Nam chỉ còn bằng 1/3 so với Thái Lan. Nếu cứ đi lùi như vậy, ngành hàng không và du lịch Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm khi hàng ngàn công ty du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách, thua lỗ, nợ nần, cắt giảm lao động. Hiện tại thì các hãng hàng không Việt Nam đang ngập trong nợ: Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ bị hủy niêm yết; công ty “con” Pacific Airlines lỗ lũy kế gấp ba lần vốn chủ sở hữu; Vietjet Air sau nhiều năm lời to hiện cũng đã lỗ 2,170 tỷ đồng ($91,6 triệu) trong năm 2022.

 

Ông Nam đề nghị: Với khách từ thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), Việt Nam nên sớm có chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn 5 – 10 năm; miễn visa cho các đoàn khách vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf; miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng phi cơ riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch; mở rộng các nước được cấp visa điện tử (eVisa); nâng cấp hệ thống eVisa và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước.

 

Visa là cánh cửa đầu tiên phải mở, bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World – Tập đoàn Sun Group, cho biết sự thuận lợi của việc cấp visa giúp tăng lượng khách quốc tế từ 5 – 25% mỗi năm. Bà Nguyện so sánh, Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày, từ 15 lên 30 ngày; Đài Loan áp dụng trở lại chính sách eVisa Quan Hồng cho khách đi theo đoàn với thủ tục đơn giản, nhanh chóng; Nam Hàn có loại visa cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm… Đến nay, Malaysia và Singapore đã miễn visa 162 quốc gia, Philippines miễn visa 157 quốc gia, Nhật Bản miễn visa 68 quốc gia, Nam Hàn miễn visa 66 quốc gia, Thái Lan miễn visa 64 quốc gia… với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương;  còn eVisa cấp cho 80 quốc gia nhưng lại giới hạn số điểm cho phép người ngoại quốc nhập cảnh, thời gian lưu trú chỉ được 15 ngày và nhập cảnh một lần. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/11.3.23_Anh-1.jpg

Du khách ngoại quốc tham quan bưu điện thành phố (Sài Gòn), muốn mua sắm cũng chả có gì mới, chỉ là áo thun, nón lá, các móc khóa, búp bê, túi vải…. có mẫu mã lặp đi lặp lại và phẩm chất kém – Ảnh An Vui

 

Bên cạnh đó, dịch vụ visa du lịch đang làm méo mó chính sách visa, và thay vì hỗ trợ, công ty làm dịch vụ visa lại “hành” du khách để lấy tiền.

 

Ngoài chính sách visa cản trở, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chỉ ra độ vênh giữa thực tế và mục tiêu tăng số lượng/tăng chi tiêu của du khách quốc tế thời gian qua. Dẫn thống kê từ World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2008 – 2019, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, số du khách quốc tế tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia, đưa Việt Nam vươn lên vị trí số 4 ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng, trong khi các nước vẫn giữ được mức chi tiêu trung bình của một du khách quốc tế thì Việt Nam lại giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.

 

So với Thái Lan, số lượng khách quốc tế của Việt Nam chỉ bằng 50%, còn mức độ chi tiêu chỉ bằng 40%. Chẳng hạn, khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng $7.5/người/đêm, còn ở Thái Lan họ chi hơn $30/người/đêm và ở Singapore là hơn $100.

 

Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, đến cửa hàng miễn thuế dưới phố, ẩm thực đường phố đặc sắc cùng nhiều hoạt động bán lẻ hàng hóa mang đặc thù bản địa như chợ vải, chợ thời trang… Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28.2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới $4.7 tỷ trong năm 2020.

 

Ông Hạnh cho rằng Việt Nam chỉ có du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, dựa vào lợi thế cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực đa dạng giữa các vùng miền, nhưng thiếu du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm, giải trí. Theo báo cáo của Global Wellness Institute, quy mô du lịch sức khỏe năm 2020 là $436 tỷ và dự báo lên đến $1,128 tỷ vào năm 2025, mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. 

 

Hạn chế của du lịch Việt Nam thì nhiều và ai cũng thấy; tấm gương của các quốc gia khác cũng có rất nhiều và hoàn toàn học hỏi được, vấn đề là từ thấy hay đến làm hay là một khoảng cách rất – rất xa ở xứ “nửa nạc nửa mỡ” (miệng nói trung thành với CNXH nhưng lại thích sống giàu sang như tư bản) này.

 





No comments: