Khi
luật sư bị biến thành can phạm
Hiếu Chân -
Saigon Nhỏ
11 tháng 3, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/khi-luat-su-bi-bien-thanh-can-pham/
Như Saigon Nhỏ đã đưa tin
từ cuối tháng trước, trong năm luật sư biện hộ cho các bị cáo trong vụ án Tịnh
thất Bồng Lai, còn có tên Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (dưới đây gọi tắt là Thiền
Am), thì ba người có nguy cơ bị bắt và truy tố theo điều 331 Bộ luật Hình sự
(BLHS). Đến nay thì nguy cơ đó đã biến thành sự thực khi lần lượt các luật sư
Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An
triệu tập để điều tra.
Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Untitled-1024x589.jpg
Báo Pháp
Luật TPHCM ngày 11 Tháng Ba 2023 loan tin: “Chiều 11-3, Cơ quan CSĐT tỉnh
Long an thông tin đã tiếp nhận tin báo tội phạm từ Cục an ninh mạng và Phòng chống
tội phạm sử dụng Công nghệ cao – Bộ Công an liên quan đến luật sư Đặng Đình Mạnh
(Đoàn luật sư TP.HCM) – một trong năm luật sư bào chữa cho các bị cáo ở Tịnh thất
Bồng Lai… Nội dung tiếp nhận thể hiện: Luật sư Đặng Đình Mạnh đã có hành vi
phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu
tội phạm về “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi
hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331 Bộ luật Hình sự.”
Trước đó, ngày 6 Tháng Ba 2023, cơ quan cảnh
sát điều tra công an tỉnh Long An cũng đã gửi giấy triệu tập luật sư Mạnh, yêu
cầu ông có mặt tại văn phòng của họ vào ngày 21 Tháng Ba 2023 để làm việc về những
nội dung tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng
Công nghệ cao – Bộ Công an.
Ông Đào Kim Lân đã có đơn kêu cứu và Liên đoàn
Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị Công an Long An thận trọng trong điều
tra luật sư biện hộ vụ Thiền Am. Ông Mạnh thì mới bị triệu tập và chắc chắn bà
Hoàng Anh cũng sắp nhận được giấy triệu tập nay mai.
Trang Zing News ở trong nước thông tin thêm:
“Toàn bộ nội dung tin báo tội phạm đã được cơ quan tố tụng tỉnh Long An tiếp nhận
và thụ lý, nếu đủ dấu hiệu tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án.”
Giấy triệu tập
luật sư Đặng Đình Mạnh của Công an Long an. Ảnh FB
Hành vi “có dấu hiệu tội phạm” của các luật sư
này là trong quá trình biện hộ cho ông Lê Tùng Vân và năm người tu tại gia của
Thiền Am qua các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, họ đã thẳng thắn chỉ ra những
hành vi vi phạm luật Tố tụng Hình sự của cơ quan điều tra và tố tụng tỉnh Long
An, gây hại cho các thân chủ của họ. Các luật sư tin rằng: “Các thành viên
Thiền Am có thể có tội hoặc vô tội, nhưng tiến trình điều tra, xét xử vẫn phải
bảo đảm công bằng, khách quan và đúng pháp luật với họ,” như phát biểu của
Luật sư Mạnh trên Facebook cá nhân của ông.
Một ví dụ cho hành vi vi phạm của cơ quan điều
tra mà các luật sư chỉ ra là lấy mẫu giám định di truyền của các thành viên
sinh sống tại Thiền Am không đúng quy định của pháp luật. Để điều tra nghi vấn
về “tội loạn luân” của ông Lê Tùng Vân, 91 tuổi, cơ quan điều tra đã thu thập mẫu
ADN của 28 người, phần lớn là trẻ em và không phải là nghi can của vụ án. Các
luật sư cho rằng việc thu thập mẫu ADN không được sự đồng ý của người bị thu thập;
việc thu thập mẫu ADN của các cháu nhỏ không có sự đồng ý của người giám hộ hợp
pháp… là sai, từ đó kết luận: “Từ thực tế thu thập ADN theo cách đáng ngại
đó, công chúng có thể tự suy ra giá trị của bản kết quả giám định ADN”.
Các luật sư cũng phản đối việc cơ quan điều
tra ngăn cản các luật sư tiếp cận với thân chủ tại tư gia của chính họ, vì như
vậy là không bảo đảm quyền được có luật sư bảo vệ và có thể kiểm chứng được..
Nhưng các luật sư trở thành cái gai trong mắt
nhà cầm quyền công an trị từ khi họ sử dụng các nền tảng công nghệ như
Facebook, YouTube để cung cấp thông tin về vụ án từ nhiều phía trong bối cảnh
truyền thông nhà nước chỉ đưa tin một chiều và các dư luận viên của nhà cầm quyền
liên tục sử dụng mạng xã hội để tấn công các nghi phạm trong vụ án và cả các luật
sư biện hộ. Chính “hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh,
lời nói, bài viết” về vụ án mà họ tham gia biện hộ đã làm cho các cơ quan
điều tra nóng mặt và quyết trả đũa.
Việc thông tin trên mạng xã hội diễn tiến một
vụ án được cả xã hội quan tâm từ góc nhìn của luật sư, trình bày các luận cứ biện
hộ của họ, trả lời câu hỏi của người quan tâm… là quyền tự do ngôn luận của các
luật sư, và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhà nước pháp quyền. Những
người bị bắt, bị tạm giam, có quyền được xã hội hiểu biết đúng đắn về hành vi của
họ. Công chúng cần được biết những thông tin này để hiểu biết pháp luật, hiểu
quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong các xã hội văn minh, với mỗi vụ án có tác
động lớn đến xã hội, người dân luôn được thông tin đầy đủ về nội dung các phiên
tòa, nhân thân của bị cáo, luận cứ của các bên nguyên và bị, cùng phán quyết của
bồi thẩm đoàn. Không có gì phải che giấu khi mọi người dân đều bình đẳng trước
pháp luật.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị kết án
10 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước, nói về
vai trò của các luật sư: “Các luật sư của tôi đã làm rất tốt phần việc của
họ khi giải thích các tình huống pháp lý, bảo vệ quyền của tôi và quan trọng
hơn hết là THÔNG TIN CHÍNH THỨC đến công luận trong bối cảnh tôi không được gặp
mặt gia đình suốt 7 tháng hơn sau khi bị bắt giam và bị chuyển trại giam một
cách bí mật. Luật sư đóng một vai trò quan trọng trong việc thông báo và công bố
thông tin chính xác cho người bị bắt lẫn gia đình và công luận,” theo
FB
Là những người am hiểu luật pháp, các luật sư
vụ Thiền Am đã hành xử “hạn chế” trong khuôn khổ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp.
“Chúng tôi mong rằng các đồng nghiệp, các kênh truyền thông cá nhân quan tâm
đến vụ án Thiền Am và người hâm mộ Thiền An thông cảm về việc chúng tôi thông
tin về vụ án một cách hạn chế. Vì lẽ, những giới hạn của nghề nghiệp không cho
phép”, các luật sư khẳng định trên trang Facebook Manh Dang.
Các luật sư
biện hộ cho sáu nghi phạm trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Vậy tại sao các luật sư bỗng dưng biến thành
“đối tượng vi phạm pháp luật” để bị Bộ Công an tố cáo và Công an Long An điều
tra?
Chỉ có thể khẳng định đây
là một sự lạm quyền khủng khiếp trong một nhà nước cảnh sát, khi lực lượng công
an “còn đảng còn mình” sử dụng công cụ bạo lực để trừng phạt, trả thù và dập tắt
mọi tiếng nói bất đồng với hành vi chà đạp pháp luật của họ trong bối cảnh các
cơ quan thực thi pháp luật bị đa số người dân căm ghét, khinh bỉ và sợ hãi.
Thay vì thẳng thắn đối thoại với những người có quan điểm khác, công an đã dùng
biện pháp đe dọa, điều tra, bắt bớ để che giấu những hành vi phạm pháp của
chính họ.
Chỗ dựa của các hành vi đó chính là điều 331 Bộ
luật Hình sự mà chúng tôi đã
phân tích trong bài trước.
Nội dung của điều luật này hết sức mơ hồ và “xảo
quyệt” (lợi dụng các quyền tự do), cho phép nhà cầm quyền, thông qua guồng máy
công an trị, có thể bắt giam và kết án nặng nề bất kỳ ai không tuân phục sự cai
trị của họ.
Hai thành phần xã hội bị điều luật mơ hồ này
đàn áp nhiều nhất là nhà báo và luật sư vì họ phát ngôn cho “những người không
có tiếng nói” trong xã hội, đặc biệt là các nhà báo và luật sư chọn đứng về
phía lẽ phải, sự thật và lương tri. Những người sử dụng các mạng xã hội
Facebook, YouTube để phát biểu ý kiến, thực hiện “báo chí công dân” trái với đường
lối của nhà cầm quyền cũng có nguy cơ đối mặt với các bản án tàn độc vì bị cáo
buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Hiện có hơn 300 nhà báo, nhà hoạt động xã
hội – trong đó có nhiều phụ nữ – bị cầm tù chỉ vì dám nói lên sự thật.
Trở lại vụ Thiền Am, nếu những luật sư biện hộ
cũng bị trừng phạt bởi một đạo luật mơ hồ vì họ đã hành xử chức nghiệp của họ
thì hầu như không người nào trong xã hội có thể tránh được một kết cục tương tự,
nếu như còn chút lương tri, còn biết phẫn nộ và lên tiếng nói.
Một xã hội như thế quả thật hết sức ngột ngạt
và không có cơ may tiến tới văn minh.
----------------
Đọc thêm:
·
Chiếc
thòng lọng mang số 331
·
Vụ
Tịnh Thất Bồng Lai: Công an Long An lại tìm cách thao túng dư luận
·
Vụ
án Tịnh thất Bồng Lai: Chuyện con bò trong tòa
·
Bí
ẩn gì đằng sau vụ tịnh thất Bồng Lai?
No comments:
Post a Comment