Tuesday, March 21, 2023

THÁI LAN GIẢI TÁN QUỐC HỘI, MỞ MÀN CUỘC ĐẤU CÁC ĐẢNG DỊP BẦU CỬ THÁNG 5 (Jonathan Head & Nicholas Yong / BBC News)

 



Thái Lan giải tán Quốc hội, mở màn cuộc đấu các đảng dịp bầu cử tháng 5

Jonathan Head & Nicholas Yong

Từ Bangkok và Singapore

20 tháng 3 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw08pyr2jk9o

 

Thái Lan vừa giải tán quốc hội, chuẩn bị tổ chức bầu cử dự kiến vào đầu tháng 5, một kỳ bỏ phiếu dự báo là sẽ đấu nhau quyết liệt giữa các đảng chính.

 

Đảng mới của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đảng Dân tộc Thái Thống nhất, sẽ bị thách thức chủ yếu bởi đảng Pheu Thai do Paetongtarn, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lãnh đạo.

 

Tỷ phú Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006.

 

Paetongtarn, 36 tuổi, đã dẫn trước ông Prayuth trong các cuộc thăm dò dư luận trong nhiều tháng.

 

Ngày bầu cử chưa được ấn định, nhưng sự kiện này phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày giải tán quốc hội.

 

Nhưng chiến dịch vận động của hàng chục đảng phái đã được tiến hành. Vỉa hè ở Bangkok đang biến mất đằng sau vô số áp phích quảng cáo của đảng với đủ loại hứa hẹn được đưa ra cho cử tri.

 

Tuy nhiên, rốt cuộc thì cuộc bầu cử này thực sự chỉ xoay quanh một vấn đề: liệu Pheu Thai có thể giành chiến thắng với cách biệt đủ lớn để đảm bảo rằng họ sẽ chiếm lại được quyền lực hay không?

 

Gần như mọi cuộc thăm dò đều dự đoán đảng này sẽ một lần nữa trở thành đảng lớn nhất, giống như trong mọi cuộc bầu cử trong 22 năm qua, dựa vào lòng trung thành mạnh mẽ với ông Thaksin ở miền bắc và đông bắc.

 

Một số người nghĩ rằng Pheu Thai thậm chí có thể giành được đa số ghế trong hạ viện. Nhưng điều đó có thể là chưa đủ, nếu tính đến sự thù địch lâu dài của những người bảo hoàng bảo thủ và quân đội đối với ông Thaksin và các đồng minh của ông.

 

Trong quá khứ, các phán quyết của tòa án hoặc các cuộc đảo chính quân sự đã khiến cho ba đời chính phủ do ông Thaksin hậu thuẫn, trong đó có một chính phủ do em gái ông là bà Yingluck lãnh đạo, không thể hoàn thành trọn nhiệm kỳ.

 

Tướng về hưu Prayut đã nắm quyền kể từ khi lãnh đạo cuộc đảo chính chống lại chính phủ của bà Yingluck hồi chín năm về trước.

 

Ông Thaksin đã sống lưu vong từ 15 năm qua để tránh bị truy tố hình sự. Thậm chí nhiều phụ tá của ông hiện vẫn đang bị cấm tham gia chính trị.

 

Tuy nhiên, ông vẫn tồn tại thấp thoáng, ám ảnh trong cuộc bầu cử này.

 

Con gái ông là thành viên mới nhất của gia đình Shinawatra dẫn dắt đảng Pheu Thai.

Phát biểu hôm thứ Sáu tại một sự kiện giới thiệu các ứng viên của Pheu Thai, bà Paetongtarn nói bà tự tin là sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.

 

Sau cuộc đảo chính vừa qua, quân đội quyết tâm xử lý dứt điểm vấn đề Thaksin bằng cách viết lại hiến pháp nhằm khiến cho đảng của ông không thể nắm quyền. Họ bổ nhiệm 250 thượng nghị sĩ, hầu hết trong số họ được cho là vẫn trung thành với Tướng Prayuth và Prawit Wongsuwan, những người đã lãnh đạo cuộc đảo chính vừa qua.

 

Với sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ và sau rất nhiều mưu lược, Pheu Thai đã bị loại tại cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019. Hai vị tướng đã lãnh đạo một liên minh bảo thủ cứng rắn kể từ đó.

 

Tuy nhiên, giờ đây mỗi người đứng đầu các đảng của mình, có nguy cơ chia rẽ phiếu bầu.

Theo hiến pháp do quân đội soạn thảo, các thượng nghị sĩ vẫn có thể bỏ phiếu thêm một lần nữa về việc lựa chọn thủ tướng tiếp theo. Với sự ủng hộ của họ, hai vị tướng vẫn có thể thành lập chính phủ ngay cả khi Pheu Thai giành được đa số ghế.

 

Nhưng các thượng nghị sĩ không thể bỏ phiếu thông qua luật hoặc ngân sách, và bất kỳ chính quyền nào phụ thuộc vào sự ủng hộ của họ sẽ đều không thể hoạt động.

 

Nếu Pheu Thai giành được hơn 200 trong số 500 ghế đang được tranh cử, thì việc loại bỏ đảng này khỏi chính phủ tiếp theo sẽ là điều rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi.

 





No comments: