Mái
che và cây xanh, giải pháp nào bền vững cho môi trường?
An Vui -
Saigon Nhỏ
26 tháng 3, 2023
Không
còn cây xanh vì phải làm nhà ga ngầm bên dưới cho tuyến metro Bến Thành-Suối
Tiên, một trong những tuyến phố đắt đỏ nhất Sài Gòn là đường Lê Lợi nắng như đổ
lửa trưa hè Tháng Ba.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/26.3.23_Anh-5.jpg
Tuyến
phố Lê Lợi nhìn từ trên cao trông thật trơ trụi – Ảnh Tri Thức & Cuộc Sống
Đường
Lê Lợi (quận 1) dài chừng 1km (0.62 miles), gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn
Huệ, là một trong tuyến phố thương mại-dịch vụ sầm uất nhất Sài Gòn. Từ Tháng
Mười 2016 đến Tháng Tám 2022, tuyến đường này bị rào chắn để thi công ga ngầm
của Metro số 1. Tháng Tám năm ngoái, các hàng rào thi công metro bị gỡ bỏ, trả
lại mặt bằng như cũ, Ủy ban quận 1 đã đề nghị chuyển đường Lê Lợi thành phố đi
bộ để thu hút du khách. Tuy nhiên, hiện trạng con đường này có một bên mất sạch
cây xanh (hướng cùng phía với chợ Bến Thành và khách sạn Rex Saigon), còn phía
ngược lại, một nửa đường vẫn còn hàng cây.
Vịn
lý do để thuận tiện cho du khách đi lại mua sắm ở khu vực này, Sở Quy hoạch
Kiến trúc (Sở) vừa đề xuất với Ủy ban thành phố (Sài Gòn) phương án làm mái che
trên vỉa hè đường Lê Lợi.
Theo Tuổi
Trẻ ngày 25 Tháng Ba 2023, phương án này sẽ tốn kinh phí từ 20 – 30 tỷ
đồng ($850,160 – $ 1,275,240), bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi
công. Đáng lưu ý là nguồn kinh phí này sẽ được xã hội hóa (từ đóng góp từ các
chủ mặt bằng trên đường Lê Lợi) hoặc nguồn ngân sách địa phương.
Vỉa
hè đường Lê Lợi mỗi bên từ 5.5 – 6m (216 – 236 inches) sẽ có mái che nắng, che
mưa, vươn ra 4m (157 inches). Vật liệu làm mái che chưa quyết là làm bằng cái
gì nhưng Sở “hứa hẹn” sẽ sử dụng chất liệu đẹp, bền vững, tiết kiệm chi phí,
hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.
Theo
Sở, phương án này sẽ thay thế hàng cây xanh đã bị di dời (thực tế đã đốn hạ 27
cây, chỉ bứng dưỡng 1 cây mà không biết đem đi đâu, theo VTC ngày
5 Tháng Năm 2017), tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn (?) cho
du khách và khách bộ hành, đồng thời tạo điều kiện kinh doanh cho những chủ
nhân có mặt bằng ở đây (!)
Sở
này cũng giải thích hiện nay tuyến đường này không thể trồng ngay hàng cây xanh
đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước, nên làm mái che sẽ nhanh
chóng, thuận lợi hơn (!)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/26.3.23_Anh-6.jpg
Đường
Lê Lợi, đoạn từ Công trường Quách Thị Trang đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê
Lợi vẫn còn hàng cây xanh, trong khi phía đối diện hoàn toàn trơ trụi, nắng như
“bể đầu” – Ảnh: Tri Thức & Cuộc Sống
Điều
này hoàn toàn ngược lại với tuyên bố của Sở Giao thông Vận tải trong cuộc họp
báo hồi Tháng Năm 2017, dẫn nguồn VTC:
“Khi hoàn thành tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, mảng xanh, cây xanh trên
đường Lê Lợi sẽ được đầu tư lại, bảo đảm phù hợp với cảnh quan thực tế và hài
hòa với quy hoạch của khu vực”.
Trong
khi Tuổi Trẻ và Thanh Niên lấp lửng nêu nhiều
ý kiến cho rằng lắp mái che cũng có lý mà trồng cây xanh cũng tốt thì Vnexpress ngày
26 Tháng Ba khẳng định: “Nên trồng cây thay vì lắp mái che”. Trả lời tờ báo
này, TS.Võ Kim Cương, một kiến trúc sư, đề nghị các cơ quan chức năng nên trồng
lại cây xanh, tạo bóng mát. Ông lý luận: Việc lắp mái che sẽ ảnh hưởng xấu đến
cảnh quan xung quanh, lại gây thêm ngột ngạt vì thời tiết oi bức, chưa kể,
ngoài kinh phí đầu tư ban đầu, việc lắp mái che còn tốn kém chi phí duy tu, bảo
dưỡng, chưa kể mùa mưa nếu gió mạnh có khi bị đổ sập.
Ông
Cương dẫn chứng nhiều thành phố lớn trên thế giới chỉ lắp mái che vỉa hè ở
những khu vực đã có metro hoặc mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ, giúp họ
thuận tiện đi bộ đến các nhà ga, dừng chân mua sắm, nghỉ ngơi. Tại Sài Gòn,
việc lắp mái che và tập trung phát triển không gian đi bộ ở đường Lê Lợi hiện
quá sớm, chưa cần thiết vì metro chưa xây dựng xong.
Nguyễn
Thị Lan Thi, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên thành phố (Sài Gòn) cũng đồng ý
với ông Cương và đề nghị các cơ quan chức năng chuyển những cây lớn 3-4 năm
tuổi từ nơi khác đến đường Lê Lợi, nếu chăm sóc tốt, cây sinh trưởng nhanh chỉ
cần 1 – 2 năm là toàn khu vực rợp bóng mát, cải thiện không gian thiếu mảng
xanh của Sài Gòn.
Ở
góc độ khác, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố,
góp ý nếu chọn làm mái che, Ủy ban thành phố cần đánh giá kỹ hiệu quả, so sánh
giữa việc làm mái che hoặc trồng cây cái nào lợi ích hơn. Thay vì bỏ ra 20-30
tỷ đồng để làm mái che, theo ông nên trồng cây xanh và xây dựng thêm nhiều nhà
vệ sinh công cộng.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/26.3.23_Anh-7.jpg
Kết
quả thăm dò ý kiến bạn đọc trên Vnexpress ngày 26 Tháng Ba 2023 – Ảnh chụp màn
hình
Khi Vnexpress tổ
chức thăm dò ý kiến bạn đọc thì có 90% bạn đọc biểu quyết việc nên trồng lại
cây ở đường Lê Lợi, tất nhiên trồng cây gì phải nên tính kỹ, để không ảnh hưởng
đến nhà ga tàu điện ngầm sẽ hoạt động trong tương lai.
Trước
mắt, nếu Ủy ban thành phố vận động các chủ nhà có mặt bằng ở đây đóng góp cho
việc xây dựng mái che thì không khả thi, khi tuyến phố này hiện vẫn “ngủ đông”,
đa số các mặt bằng đều cửa đóng then cài vì không có người thuê. Tuổi
Trẻ ngày 12 Tháng Chín 2022 cho biết, sau khi tháo dỡ các rào chắn xây
dựng metro, mặt bằng có bề ngang 4-5m (157 – 196 inches), diện tích phổ biến
khoảng 100m2 – hơn 200m2/căn (1,076 – 2,152 square feet) trên tuyến phố
Lê Lợi được chào giá thuê từ 200 – 400 triệu đồng/tháng ($8,501 –
$17,003/tháng). Không chỉ có giá ngất ngưởng, mà chủ nhà còn buộc người thuê
đặt cọc tiền 6 tháng, thời hạn thuê tối đa 5 năm, cứ hai năm lại tăng giá 10%!
Mức giá cho thuê hiện tại đã tăng gấp 2 – 4 lần mức giá cho thuê hồi năm 2016,
ai dám thuê khi khách quốc tế hiện chỉ bằng 30% so với năm 2019? Mặt khác, nếu
tính toán kỹ thì chả có ai (dù là du khách ngoại quốc) dám mua hàng ở những cửa
hàng trên tuyến phố này, vì phí mặt bằng cộng vào sẽ khiến giá sản phẩm đội lên
phi lý!
Phóng
sự ảnh của Tri thức & Cuộc sống ngày 26 Tháng Ba 2023 đã
dẫn lời ông Trịnh Hoài Thanh, bán đồ lưu niệm trên đường Lê Lợi, cho biết sau
khi rào chắn gỡ bỏ, nắng như muốn bể đầu suốt cả ngày, cuối chiều ông mới ra
ngoài vỉa hè hóng mát chờ khách. Ông Thanh đề nghị: “Nếu được lựa chọn
tôi muốn tuyến phố được trồng lại cây xanh để nhìn xanh tươi, mát mẻ hơn”.
Trồng
cây trên các tuyến phố đô thị chắc chắn là giải pháp bền vững nhất cho môi
trường rồi, lại phù hợp với ý muốn của đa số người dân. Nhưng ý dân không trùng
với ý đảng (nhất là đảng viên đang nắm quyền trong tay) thì cũng thua thôi.
No comments:
Post a Comment