Mấy câu
hỏi về học thêm, hay sự bất lực của ‘học chính’
15:02
- 25/03/2023
https://nongnghiep.vn/may-cau-hoi-ve-hoc-them-hay-su-bat-luc-cua-hoc-chinh-d346847.html
Báo
chí đưa tin, dạy thêm, một cô giáo Hà Nội thu nhập 120 triệu, một cô khác ở Phú
Thọ kiếm 80 triệu/tháng; không bàn chuyện tiền bạc, nhưng con số này một lần
nữa mở toang cánh cửa để nhìn vào bức tranh nhức nhối của giáo dục Việt Nam. Có
mấy câu hỏi cần đặt ra và trả lời.
https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/03/25/day-them-145110_725.jpg
Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ.
1.
Ai dạy?
Trả
lời: Giáo viên đang công
tác trong hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí dạy chính học sinh của
trường/lớp mình.
Nhiều nước trên thế giới cũng có dạy thêm, đặc biệt là các nước châu Á, nhưng
người ta cấm tiệt chuyện giáo viên trong hệ thống đứng ra tổ chức dạy thêm. Anh
chỉ có thể chọn 1 trong 2, hoặc “dạy chính”, hoặc bỏ ra ngoài “dạy thêm”.
Ở
ta thì không thế, dạy thêm tràn lan, dạy thêm vô kỷ luật. Đây chính là một
trong những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực và phá hủy môi trường lành mạnh
của giáo dục. Vì để có đông học sinh đến lớp của mình, giáo viên sẽ sẵn sàng
dùng nhiều cách để lôi kéo. Không ít trường hợp đã rơi vào tình trạng vô đạo,
phá vỡ tình thầy trò, làm băng hoại mối quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh, gây
ra những hệ lụy nhiều mặt trong hệ thống giáo dục.
2.
Dạy cái gì?
Trả
lời: Dạy chương trình giáo
dục phổ thông! Nghĩa là “dạy lại”/dạy trước chứ không phải “dạy thêm”. Điều này đặt ra tiếp
một câu hỏi nữa: Vậy hiệu quả của việc thực hiện chương trình chính khóa trong
nhà trường thế nào mà bây giờ học sinh phải đổ xô đi học thêm như thế? Rõ ràng,
nhìn vào tình trạng nhà nhà học thêm, người người học thêm hiện nay, bất cứ ai
cũng phải đặt một dấu hỏi rất lớn về chất lượng dạy học trong các nhà trường.
Và nếu chất lượng quá thấp đã dẫn đến tình trạng cả nước phải kéo nhau đi học
thêm như vậy thì phải coi lại cách xây dựng, cách tổ chức và triển khai, coi
lại toàn bộ hệ thống; để đi đến một kết luận là có nên giữ hệ thống ấy nữa
khống hay cần thiết phải “xóa bài làm lại”?
Nhiều
người sẽ biện minh rằng, học thêm là học mở rộng, học nâng cao. Một chương
trình mà không giúp học sinh biết tự học, biết vận dụng thì chắc chắn chương
trình ấy không ổn, hay ít nhất là cách thực hiện chương trình ấy là không ổn,
nếu không nói là đang mang trọng bệnh.
3.
Dạy để làm gì?
Trả
lời: Để thi. Thi cái gì?
Thi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông!
Người
ta biện luận rằng, nếu không học thêm thì không thể đáp ứng được các kỳ thi
quan trọng. Vậy lại phải hỏi tiếp rằng: Các kỳ thi ấy được thiết kế ra sao mà
đến nỗi khi đã học xong, đã học đầy đủ rồi lại vẫn không thể thi được?
Tóm
lại, hoặc là chương trình “học chính” có vấn đề, hoặc các kỳ thi có vấn đề,
hoặc cả 2 đều có vấn đề. Không thể thiết kế và bằng lòng với một chương trình
giáo dục mà sau khi dồn toàn bộ nguồn lực để thực hiện, cho đến khi xong xuôi
thì người học lại vẫn không có năng lực, rồi phải dành ra chừng ấy hoặc hơn nữa
một lượng thời gian, sức lực, tiền bạc để lấp vào chỗ trống do “học chính” để
lại thì mới mong đáp ứng được các kỳ thi cho chính cái chương trình ấy đề ra!
“Học
thêm” nghĩa là phải học cái mà chương trình giáo dục phổ thông không có, không
dạy; nhằm mục đích phát triển năng khiếu, rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện những
khoảng trống mà một chương trình giáo dục không thể đáp ứng hết được cho các
đòi hỏi vô cùng phong phú của người học. Còn đây, việc học thêm nhưng là học
lại chính cái đã học ở trường thì đồng nghĩa với một sự lãng phí ghê gớm về
nguồn lực, làm phát sinh vô vàn những hệ lụy cho từng cá nhân cũng như toàn xã
hội.
Khi
cỗ máy đã quay thì tất cả phải quay theo. Không một cá nhân phụ huynh nào có
thể chống lại nạn dạy thêm này, bởi vì nó đã trở thành một căn bệnh mang tính
hệ thống. Cũng không thể dùng hình thức cấm đoán một cách máy móc đối với giáo
viên, vì không thể phủ nhận rằng nó (dạy thêm - học thêm) được sinh ra do quy
luật cung - cầu, chứ không phải duy ý chí.
Chỉ
có Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Giáo dục - Đào tạo, mới có thể tống tiễn vấn
nạn này ra khỏi ngành. Không phải là bằng các mệnh lệnh hành chính, mà là thiết
kế lại toàn bộ từ chương trình, thi cử, kiểm tra đánh giá,... Tại sao học chính
không hiệu quả? Chỉ có thể giải thích rằng, vì học và thi đang không thống
nhất, không hữu cơ, không đảm bảo tính khoa học.
Giảm
tải chương trình, xây dựng các phương pháp dạy học phát triển năng lực lấy đối
thoại làm công cụ, lấy con người cá nhân làm gốc rễ, lấy tự do làm mục đích;
chỉ có như thế, nạn học thêm mới có thể được trị tận gốc.
Song
song với điều này là tăng lương. Giáo viên phải “đủ sống”, phải “sống được bằng
lương”, khi ấy họ mới “yên tâm công tác”. Cũng song song với nó là truyền đi
những quan niệm làm thay đổi nhận thức của xã hội, thay đổi tư tưởng học lấy
điểm, lấy bằng, căn bệnh thành tích và tư duy bằng cấp phải được thay bằng năng
lực.
Nhìn
xa hơn, một cơ chế trọng dụng nhân tài, lấy thực học thực tài làm tiêu chuẩn
đánh giá và tuyển dụng, thay vì bằng cấp và lý lịch học tập, sẽ là động lực
quyết định sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội, làm chuyển biến sâu sắc một
cách hệ thống cách thức học tập của người dân.
Bạn
đang đọc bài viết Mấy câu hỏi về
học thêm, hay sự bất lực của ‘học chính’ tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp
Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc
số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.
Thái
Hạo
No comments:
Post a Comment