Wednesday, June 22, 2022

GIỚI CHÓP BU NGA CẢNH BÁO NGUY CƠ KINH TẾ NGA "TRỞ LẠI THỜI LIÊN XÔ" (Trọng Thành / RFI)

 



Giới chóp bu Nga cảnh báo nguy cơ kinh tế Nga ‘‘trở lại thời Liên Xô’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2022 - 16:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220622-gioi-chop-bu-nga-canh-bao-kinh-te-nga-tro-lai-thoi-lien-xo

 

Ngay sau khi Nga mở màn cuộc xâm lược Ukraina ngày 24/02/2022, phương Tây đã nhanh chóng quyết định tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, nhưng áp dụng chính sách chống Nga trên hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là hỗ trợ Ukraina, đặc biệt về các phương tiện quân sự, để giúp chống lại quân Nga trên chiến trường. Mặt trận thứ hai là các trừng phạt về kinh tế, với mục tiêu cô lập kinh tế Nga, để buộc Matxcơva từ bỏ tham vọng xâm lược.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/8daa0f12-a67b-11ec-af55-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/Elvira_Nabiullina_2017.webp

Kinh tế gia Elvira Nabiullina, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga. © Council.gov.ru

 

Gần bốn tháng kể từ đầu cuộc xâm lăng, các biện pháp trừng phạt phương Tây tác động như thế nào đến kinh tế Nga ?

 

Trong lúc lãnh đạo Nga khẳng định trừng phạt của phương Tây hoàn toàn không hiệu quả, không tác động đáng kể đến nền kinh tế nước này, thì trong nội bộ giới chóp bu kinh tế Nga, nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi cải tổ sâu sắc nền kinh tế, để tránh cho kinh tế Nga ‘‘thoái lùi trở lại thời kỳ Liên Xô’’. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.  

 

                                                                    *** 

 

1/ Nước Nga ra sao sau bốn tháng chiến tranh chống Ukraina, bị phương Tây trừng phạt về kinh tế ?

 

Đài France 24 có bài tổng hợp đáng chú ý mang tựa đề : ‘‘Chiến tranh Ukraina : Kinh tế Nga trụ lại được, nhưng đến bao giờ ?’’. Bài viết nhấn mạnh trước hết đến hai lĩnh vực mà chính quyền Nga tin tưởng là đã thành công bước đầu trong việc chống trả các trừng phạt của phương Tây.  Thứ nhất là sự phục hồi được đánh giá là ‘‘ngoạn mục’’ của đồng rúp, sau một thời gian ngắn bị rớt giá, ngay sau khi phương Tây ban hành loạt trừng phạt đầu tiên, đặc biệt với việc các dự trữ ngoại tệ của Nga tại các ngân hàng ở nước ngoài bị phong tỏa.

 

Ngày 20/06, tại sàn chứng khoán Matxcơva, đồng rúp đạt mức giá trị cao nhất kể từ gần 7 năm nay so với đồng đô la (với 55,44 rúp ăn một đô la), sau khi tụt xuống mức khoảng 140 rúp/đô la hồi đầu tháng 3. Cùng với việc bảo vệ được giá trị đồng rúp, chính quyền Nga cũng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng vọt. Cho dù lượng dầu khí xuất khẩu sang châu Âu bị cắt giảm, việc giá dầu tăng vọt khiến thu nhập do dầu khí vẫn tiếp tục là nguồn lợi chủ yếu của Nga. Theo số liệu do Viện nghiên cứu độc lập về năng lượng CREA công bố hồi đầu tháng 6, sau 100 ngày chiến tranh (từ 24/02 đến 03/06), Nga đã thu được 93 tỉ euro tiền bán dầu khí, 61% số tiền nói trên là do chính các nước châu Âu chỉ trả. Việc dầu khí tiếp tục mang lại thu nhập đáng kể cho nước Nga, chiếm 60% tổng thu nhập xuất khẩu của Nga, cũng là yếu tố giúp cho đồng rúp tăng giá.  

 

Như vậy, ít nhất hai lĩnh vực tạm thời sáng sủa nói trên khiến lãnh đạo Nga tỏ ra rất tự tin. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế, ở thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6, tổng thống Nga Vladimir Putin lớn tiếng khẳng định thành công của việc giữ giá đồng rúp, khi tuyên bố : ‘‘Người ta đã cảnh báo với chúng tôi là đồng rúp sẽ sụp đổ. Nhưng các dự đoán này đã không trở thành sự thật’’. Ông Putin cũng khẳng định nước Nga không có lạm phát.  

 

Tuy nhiên, France 24 dẫn lời một số chuyên gia, nhà quan sát phương Tây, dự báo là điều tồi tệ nhất chưa đến. Dự kiến kinh tế Nga sẽ phải gánh chịu các hậu quả nặng nề trong trung hạn và dài hạn. Theo ông Ivan Timofeev, cựu giám đốc Hội đồng Nga về Giao dịch Quốc tế, một nhóm tư vấn gần gũi với điện Kremlin, ‘‘trong hiện tại, hậu quả của các trừng phạt đối với đời sống hàng ngày với đa số dân chúng chưa thấy rõ, nhưng các vấn đề sẽ tích tụ lại kể từ đầu mùa thu này’’ (La Croix, 15/06/2022).  

 

2/ Những gì là thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Nga ?  

 

Việc Liên Âu cấm vận dầu lửa Nga là biện pháp căn bản hàng đầu. Theo loạt trừng phạt thứ sáu của Liên Âu, việc cấm vận dần từng nấc dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, sẽ cho phép giảm đến 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Theo kinh tế gia Philippe Waechter, giám đốc bộ phận nghiên cứu về kinh tế thuộc Ostrum Asset Management, ‘‘đây là biện pháp hết sức quan trọng, bởi chính dầu lửa cho phép Nga duy trì được cỗ máy chiến tranh’’. Khí đốt được nói đến nhiều bởi một lý do chính là Châu Âu rất phụ thuộc vào Nga về loại hình năng lượng này (và Nga cũng có ý thức sử dụng mặt hàng này như một vũ khí gây áp lực), nhưng dầu lửa mới đích thực là nguồn thu chủ yếu, ‘‘gần gấp ba lần khí đốt’’.

 

Theo một thống kê, hồi năm ngoái Nga thu được 104 tỷ USD từ xuất khẩu dầu sang châu Âu và Anh, so với 43,4 tỷ USD tiền bán khí đốt (bài "La dépendance de l’Europe au pétrole russe met 285 millions de dollars dans les poches de Poutine chaque jour", transportenvironment.org, ngày 08/03/2022). Trong lĩnh vực này, Liên Âu rõ ràng có phương tiện trong tay. Cho dù dầu lửa Liên Âu nhập từ Nga chỉ chiếm 11% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, nhưng Liên Âu kiên quyết coi đây là ‘‘phương tiện để gây áp lực với điện Kremlin’’ (bất chấp cái giá phải trả là sẽ có thể là một cơn sốt giá mới).  

 

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp là nơi mà trừng phạt phương Tây đã bắt đầu có tác động mạnh, và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Xe hơi, hàng không… Các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Nga đang bắt đầu chao đảo. Cụ thể như ngành xe hơi tại Nga sụt giảm mạnh, với số lượng xe bán ra sụt đến 78,5% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm thê thảm của ngành xe hơi do hàng loạt nguyên nhân, trong đó có việc cấm vận về các linh kiện điện tử, nhiều hãng xe quốc tế rời khỏi Nga (như Nissan, Renault, Mercedes-Benz, Volkswagen). Thiếu linh kiện thay thế, máy bay Nga buộc phải ngừng hoạt động. Mà hàng không vốn được coi là một lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Nga. 

Về nguy cơ kinh tế Nga suy sụp mạnh, nhật báo La Croix có bài tổng hợp, mang tựa đề ‘‘Kinh tế Nga, một pháo đài với chân móng bằng đất sét’’ (số ra trước dịp Diễn đàn kinh tế St Petersbourg). Bài viết của La Croix nhấn mạnh đến đòn chí mạng nhắm vào kinh tế Nga, khi hàng loạt nhà sản xuất chíp điện tử lớn nhất thế giới (như Samsung, Intel, hay TSMC) cấm cung cấp hàng cho Nga. Các doanh nghiệp Nga buộc phải tính đường vòng, tìm mua hàng qua các đường dây bán hàng lậu, hàng chui, thông qua các công ty Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, với giá cả đắt hơn, và khó có khả năng tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến, chủ chốt.  

 

3/ Giới chóp bu kinh tế Nga phản ứng ra sao về nguy cơ khủng hoảng này ?  

 

Trái ngược với phát biểu của các lãnh đạo chính quyền, trong giới kinh tế Nga đã bắt đầu có những ý kiến trái ngược về viễn cảnh kinh tế. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Peterbourg trung tuần tháng 6/2022, trong lúc điện Kremlin đưa ra con số suy thoái kinh tế 5% trong năm 2022, thống đốc Ngân hàng Trung ương, bà Elvira Nabioullina (*), nêu con số 10%, tức mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1994. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga cũng dự báo lạm phát tại Nga sẽ lên đến 18% trong năm nay.  

 

Trong lúc cố vấn của tổng thống Putin, ông Maxim Oreshkin, nhấn mạnh đến việc hoàn toàn không có nguy cơ trở lại thời Liên Xô, và nền kinh tế Nga đã ở mức độ tự chủ, bà Elvira Nabioullina kêu gọi chính quyền xem xét lại mô hình kinh tế hiện nay. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga hối thúc điện Kremlin tiến hành một ‘‘perestroïka’’, tức một công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu khoáng sản (mà khách hàng số một là Liên Âu đang sắp ngoảnh mặt), và đặc biệt là việc mất đi các nguồn hàng hóa công nghệ cao từ phương Tây, khiến nước Nga có nguy cơ trở lại nền kinh tế thời Liên Xô, bị cô lập, bị tụt hậu so với phương Tây về công nghệ. Theo bộ trưởng Tài Chính Nga, Anton Siluanov, việc phương Tây cắt đứt với nền kinh tế Nga khiến nước Nga buộc phải có một ‘‘chương trình kinh tế mới’’, và điều căn bản là phải độc lập phát triển ‘‘các công nghệ mũi nhọn’’. 

 

Nhật báo Anh ngữ Moscow Times dẫn lời giám đốc điều hành Ngân hàng Sberbank, Herman Gref, ngân hàng tín dụng lớn nhất nước Nga, với khoảng 100 triệu khách hàng, chiếm tới một phần ba tổng giá trị tài sản lĩnh vực ngân hàng Nga (bài "Russian Economy Faces 10 Years of Recession Without Reforms – Sberbank CEO"). Theo giám đốc điều hành của Sberbank, trừ phi có các biện pháp cải cách triệt để mạnh mẽ, kinh tế Nga sẽ phải mất khoảng 10 năm mới có thể trở lại mức của thời gian trước khi Matxcơva phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Giám đốc Herman Gref nhấn mạnh đến việc tình hình đã hoàn toàn thay đổi, khi các nền kinh tế chiếm đến 56% hàng xuất khẩu Nga và 51% hàng nhập khẩu áp đặt các trừng phạt nặng nề.  

 

Tại Diễn đàn kinh tế St Petersbourg, lãnh đạo Ngân hàng Sberbank đã tổ chức một cuộc họp không chính thức với giới chuyên gia kinh tế, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo kinh tế trong chính quyền Nga (như phó thủ tướng Dmitry Chernyshenko, bộ trưởng Kinh Tế Maxim Reshetnikov, bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ Viện Andrei Makarov, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Alexey Zabotkin …) (bài Sber’s SPIEF business breakfast: impossible as a strategy, ngày 17/06/2022). Trong cuộc họp không chính thức này, giới chóp bu kinh tế Nga đặt câu hỏi thăm dò dư luận : nên ưu tiên cho việc chuyển hướng quan hệ thương mại quốc tế, hay ưu tiên cho cải tổ cơ cấu kinh tế nội địa ? Tương tự với thống đốc Ngân hàng Trung ương, lãnh đạo Ngân hàng Sberbank khuyến cáo chính quyền cải tổ triệt để nền kinh tế. Xu hướng ưu tiên cải tổ triệt để tránh cho nền kinh tế Nga rơi vào suy sụp, cũng là điều được đa số thành viên tham dự ủng hộ.  

 

-------------

Ghi chú 

(*) Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabioullina là một kinh tế gia có tư tưởng ‘‘tự do’’ hiếm hoi còn lại trong chính quyền Nga, và được coi là người có công đầu trong việc vực dậy đồng rúp của Nga trong những tuần đầu của chiến tranh xâm lược Ukraina. Từ hơn 130 rúp/đô la đầu tháng 3, tỉ giá tăng vọt trở lại thành khoảng 55 rúp/đô la vào cuối tháng 5, mức cao nhất kể từ 7 năm nay.  

 




No comments: